Hành trình kiếm tiền của họ có thực sự để mưu cầu hạnh phúc?

Nguyễn Huy Khâm

3-11-2019

Phêro Mai Tòng là một thuyền trưởng, một ngư dân thuộc xứ Đông Sơn, Giáo Phận Hà Tĩnh. Một xứ đạo ngay sát nách nhà máy thép Formosa.

Thời gian gần đây, đi biển chả đủ tiền dầu và anh đã ngừng việc đi biển. Nếu không vì chăm vợ bị ung thư vòm họng, Tòng có thể cũng đã tính bước đi lao động ở nước ngoài. Bằng một chất giọng đặc sệt của người miền Trung, anh nói: Không ra đi, biết sống bằng chi?

Nhưng dù có đi biển, đi làm việc ở trong nước hay nước ngoài thì những người đàn ông ở đây luôn để vợ ở nhà làm nội trợ hoặc chạy chợ lặt vặt. Không chỉ có Tòng, hầu hết các gia đình mà tôi có dịp viếng thăm đều như vậy. Công việc kiếm ăn đều đặt lên vai người đàn ông.

Giống như quê ngoại tôi, đàn ông đi khắp thiên hạ để kiếm ăn. Đàn bà ở nhà lo gia đình.

Có tới 1/3 số đàn ông ở độ tuổi lao động vùng duyên hải Xứ Nghệ đang kiếm ăn ở nước ngoài. Trong đó có những hành trình gian khó đi bằng thùng tới Anh Quốc.

Cũng giống như Thái Lan cách đây 30 năm. Đàn ông Thái bỏ nhà đi kiếm ăn ở Arabia Saudi cả chục năm trời để mong đổi đời. Họ gửi tiền về quê xây nhà, mua xe hơi và lo cho con cái học hành. Có những người đàn ông ra đi khi con họ vừa lọt lòng và đến khi trở về thì con họ đã học trung học hoặc thậm chí tới tuổi trưởng thành. Khi đi, vợ họ là một cô gái trẻ. Khi về, vợ họ đã là phụ nữ tiền mãn kinh.

Việc phổ biến đến mức, đã có một bài hát nói về việc đàn ông đi làm ở Arabia Saudi và mong vợ ngoan ngoãn chờ đợi, đừng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ con bỏ cái đi theo người đàn ông khác.

Tôi gặp Anna, cô gái 24 tuổi ở Giáo Phận Hà Tĩnh. Chồng của Anna đang lao động ở Anh.

Chồng cô xa vợ con cách đây 2 năm khi đứa con thứ hai vừa tròn 2 tháng tuổi. Cô mới 24 tuổi, chăm sóc bố mẹ chồng, trông nhà và ôm hai đứa con chờ chồng chưa biết đến bao giờ.

Anna chỉ là một trường hợp cụ thể trong số hàng ngàn phụ nữ ôm con chờ chồng mà không biết đến khi nào đoàn tụ. Những người đàn ông vất vả kiếm ăn và gửi tiền về xây nhà to và giúp vợ nuôi con, chăm lo cha mẹ già. Nhà này xây to thì nhà kia phải to hơn. Nhà to cũng là một dấu chỉ của sự so sánh và đánh giá về thành đạt ở những làng quê này.

Động lực kiếm tiền của họ là để kiếm cái ăn, cái mặc hay là có tiền lo cho tương lai con cái họ? Kiếm tiền để xây nhà to hay đơn giản chỉ là mưu sinh? Hy sinh hiện tại nhưng sự hy sinh đó tính bằng bao nhiêu năm khi mà con số đàn ông ra đi không đặt vé khứ hồi ngày càng nhiều?

Phêro Đức đã từng lao động tại Đài Loan. Anh cũng có suy nghĩ về hành trình tới Châu Âu nhưng cha mẹ không đồng ý. Họ không đồng ý đơn giản là muốn anh lấy vợ trước khi đi. Còn anh thì muốn, khi nào về thì lấy vợ. Có những suy nghĩ là lấy vợ, có con thì đàn ông sẽ có ngày trở về. Hay đơn giản là đi thì cứ đi, về lúc nào thì về? Tôi tự hỏi, hành trình kiếm tiền của họ có thực sự để mưu cầu hạnh phúc?

Đành rằng, quyền ra đi là quyền của mỗi con người. Di cư để kiếm miếng ăn là bản năng sinh tồn. Nhưng ra đi bằng mọi giá, kiếm tiền bằng trồng cần sa và lao động bất hợp pháp và hy sinh những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất theo cách này có phải là một hành trình mưu cầu hạnh phúc? Những người phụ nữ vọng phu đang ngày càng nhiều. Tôi chợt nhớ đến câu nói vui của nhiều người: “Cầm vàng con sợ vàng rơi. Lấy chồng Nghệ Tĩnh đời đời ấm no”.

Tôi tự hỏi là những người đàn bà chờ chồng này có thực sư đang được ấm no không? Cái ấm mà thiếu đi hơi ấm người đàn ông thì phải chăng hạnh phúc của họ có cái giá thật đắt và bữa ăn được gọi là no của họ chắc cũng đắng lắm thay?

Những đứa trẻ lớn lên không có sự giáo dục của người cha, liệu nó có mất cân bằng không? Sự dũng cảm của người đàn ông được truyền từ người cha qua con đã không còn nữa. Khi họ có một đống tiền trong tay lúc trở về, những đứa con nhìn bố như những người xa lạ. Còn biết bao điều hệ luỵ khác rình rập họ nơi xứ người. Và cả nơi xứ nhà. Giờ thì chúng ta đã thấy, có những người đàn ông ra đi và không bao giờ trở về.

Nghĩ về cái chết của 39 người, tôi thực sự đau buồn và cầu mong linh hồn của họ được an ủi và sớm hưởng nhan Thánh.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Dân thì BẾ TẮC CUỘC SỐNG
    DÂN TỘC TRÔNG CHỜ VÀO LỚP TRÍ THỨC NHƯN XEM RA TOÀN BỌN TRÍ KHẮM,

  2. Mỗi lựa chọn đều có lý do của nó. Thường thì cái kết quả cuối cùng sẽ được dùng để đánh giá cái “lựa chọn” là khôn hay dại. Nhưng nào ai biết trước được ngày mai.

    Chỉ có một điều đã được biết rất chắc chắn là cái chế độ KHỐN NẠN Ba Đình đã đẩy nhiều người vào đường cùng.

Comments are closed.