Đảng cộng sản (Phần 2)

Nguyễn Thông

29-10-2019

Tiếp theo Phần 1

Mỗi quốc gia trên quả địa cầu này, chả nước nào không có đảng. Cứ có người là có đảng, như một thứ tất yếu, sản phẩm của con người.

Khi xưa, xã hội thời phong kiến, vua tự xưng là con trời, lê dân đều là tôi tớ của vua. Quyền hành tập trung hết cả vào một người nên đảng chả thể ra đời, mà nếu có được sinh ra cũng chết ngay bởi vua không để yên. Khi ấy chỉ hình thành bè phái, phe này nhóm nọ nhằm tranh quyền của vua. Mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, được làm vua thua làm giặc.
Như vậy có thể nói, đảng chính trị chỉ ra đời sau khi xã hội loài người chuyển sang một bước mới, với phương thức sản xuất mới, thể chế mới, xã hội tư bản chủ nghĩa. Các tổ chức chính trị, gọi tắt là đảng (party), là sản phẩm trong bước tiến của nhân loại. Càng nhiều đảng, con người càng có quyền tự do lựa chọn thứ đại diện tốt nhất, phù hợp với mình nhất. Đảng nào được số đông tin tưởng thì đảng ấy nắm quyền lãnh đạo.

Nói gì thì nói, xét một cách khách quan, thuở ban đầu đảng cộng sản ở xứ này là tốt. Các thành viên của nó dù rất ngây thơ về đường lối, tư tưởng cộng sản nhưng đều có ý thức, trách nhiệm sâu đậm về đất nước, dân tộc, nhân dân. Cứ vứt cái vỏ cộng sản mà họ khoác phải thì hầu hết họ là người yêu nước, yêu dân. Chủ nghĩa yêu nước là cốt lõi trong tinh thần, ý thức, hành động của họ. Giá chỉ như thế thôi, đừng mê muội cộng sản cộng siếc gì, đừng đắm đuối “hạnh phúc là đấu tranh”, “ai thắng ai”, đừng lao vào cuộc tiêu diệt giai cấp, thù nghịch, chém giết, một mất một còn, không đội trời chung với tất cả những ai không phải là mình… thì dân tộc, đất nước đã không phải rơi vào cảnh núi xương sông máu, triền miên binh đao, cửa nhà tan nát, đất nước hoang tàn, nghèo đói kéo dài, tương lai xám xịt…

Vâng, tôi biết sẽ có người vặc lại ngay, rằng nếu không có đảng cộng sản lãnh đạo, không đấu tranh, không giết chóc, không đổ máu, không đốt cháy cả dãy Trường Sơn, v.v.. thì có thoát ra khỏi ách cai trị của thực dân Pháp không, có đánh đổ được phong kiến không, có đuổi được đế quốc Mỹ không, có thống nhất được đất nước không… Vâng, nói như thế cũng không sai. Tôi không có ý phủ định cái kết quả ấy, nhưng để được như vậy, phải trả cái giá quá đắt, mà nếu không theo lối cộng sản sẽ đỡ đi nhiều, rất nhiều.

Nửa cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, đâu phải chỉ có xứ An Nam chịu cảnh thuộc địa, đâu chỉ có dân An Nam chịu thân phận nô lệ. Chủ nghĩa thực dân, đế quốc, nhất là các nước Pháp, Anh, Hà lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bành trướng ra khắp nơi, đủ mọi châu lục. Thời ấy nó thế, thực dân thì phải đi kiếm chác ở thuộc địa, ở những nước nghèo hơn, yếu hơn. Nhưng nhân loại ngày càng trưởng thành. Thực dân, đế quốc có đặt ách áp nức bóc lột cũng không được nữa. Nhiều xứ thuộc địa đã được trao trả quyền tự do độc lập mà không cần đổ máu.

Chỉ trừ những nước dính vào cộng sản. Thời tôi còn đi học, sách giáo khoa của chế độ, rồi các thầy cô giáo, các cán bộ tuyên truyền thường mỉa mai chê cười chủ trương bất bạo động của cụ Phan Chu Trinh, hoặc cụ Gandhi bên Ấn Độ. Nhà thơ Chế Lan Viên cười cợt đó là kiểu “Làm tất cả. Chỉ trừ không đổ máu”. Hình như đấu tranh bằng biện pháp hòa bình không hợp với đảng cộng sản. Cứ phải đổ máu. Bây giờ người ta vẫn còn chê những người nhận thức lại con đường đang đi là “diễn biến hòa bình”.

Tôi không phản đối việc đảng, tức đảng cộng sản, muốn lãnh đạo đất nước này, nếu họ có ý thức thực sự vì nước vì dân. Nhưng giữa ý tưởng và hiện thực, lý thuyết và thực tế không phải bao giờ cũng là một. Ở người này thì là sự thống nhất, ở người kia lại là mâu thuẫn. Điều đó thấy rõ ở người cộng sản, đảng cộng sản. Giữa những điều họ nói, họ ao ước, họ tuyên truyền, họ phấn đấu, với những gì đã và đang xảy ra trên đất nước, trong xã hội, thì khác nhau một trời một vực. Hãy mở mắt, mở thật to, và dám nhìn, nhìn thẳng vào thực tế, để soi rọi lại cái lý tưởng của họ. Phần lớn chỉ là ảo tưởng.

Đảng cộng sản luôn tự nhận là lực lượng tiên tiến nhất, đỉnh cao trí tuệ, làm gì cũng đúng. Họp hành, đại hội, bàn bạc, ra nghị quyết, ban quyết định đều có tính tập thể, nhưng đến khi sai lầm, gây họa thì lại đổ lỗi cho cá nhân. Họ đề cao tập thể nhưng lại tôn sùng cá nhân. Dù tập thể hay cá nhân thì suốt chiều dài lịch sử gần thế kỷ, đảng đã ngày càng tự chứng tỏ là vật cản, kìm hãm sự phát triển của dân tộc, đất nước, nhân dân.

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Mục đích rất cao cả, người thực hiện rất thiện chí, liêm chính, cần kiệm, nhưng biện pháp rất sai lầm.
    Ngưng lại k trích nữa.

    Từ lúc đảng chiếm được chính quyền, đảng giương cao các khẩu hiệu ” đỉnh cao trí tuệ”, “đảng là loài người tiến bộ” (y như Hitler rao thuyết Đại Đức), đảng sáng suốt, k bao giờ sai…..
    Những kẻ thật sự liêm chính, thiện chí vì dân và vì nước có bao giờ phát ngôn tự đề cao mình như vậy ?

    Như bạn noileo đã nói nhiều lần. Đó chỉ là những cái sextoys mà đầu sỏ cộng sản ngay lúc ban đầu đã dùng để cho bọn tay sai thủ dâm tinh thần. Sung sướng đê mê trong những câu tự tâng bốc. Suy ra đảng ta lừa mị dân ngay từ đầu.
    Sau khi cách mạng tháng tám thành công đã có cả triệu người Bắc chết đói. Tôi hỏi ngay mặt anh Công hay Công Anh là có một cán bộ nào của đảng chết đói trong đợt đó k ?

    Đảng sinh ra như loài giòi bọ từ sự dối trá.

  2. Thì ra,dân Ấn Độ có phước lớn nên họ đều ủng hộ người khai sáng đấu tranh
    Bât Bạo Động là thánh Gandhi trong khi dân VN.ta đại bất hạnh vì nghe theo
    đầu sỏ bạo động HCM.mà không ủng hộ cụ Phan Chu Trinh người đã yêu nước
    thương dân hơn triệu triệu lần họ Hồ !
    Tưởng cũng nên nhắc lại là lãnh tụ CS.Ấn Độ học cùng thời với họ Hồ ở trường
    Quốc Tế Đông Phương ở Liên Xô !
    Hãy khóc lên đi ôi quê hương yếu dấu ! (Tênmột tác phẩm do cụ NHLê dịch).

  3. – Chủ nghĩa cộng sản về lý thuyết (trên giấy) thì rất đẹp, rất thuyết phục và hấp dẫn. Mác để lại nhiều danh ngôn. Những đảng viên CS đầu tiên hầu hết là trí thức, dám hy sinh tất cả (cả sinh mạng) vì lý tưởng. Đường lối đấu tranh của CS là cách mạng bạo lực, vì lý thuyết CS cho rằng Nhà Nước tư bản là công cụ đàn áp và bóc lột.
    Riêng ở các nước thuộc địa, người CS càng sử dụng bạo lực vì coi thực dân là kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, đảng CS có công lớn trong sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc.
    Xin mọi người chớ quên một điều: Năm 1945 Nhật đồng ý để vua Bảo Đại lập chính phủ, có tuyên bố độc lập, nhưng phe Đồng Minh đã nói rõ: Mọi chính quyền do Nhật lập nên đều BẤT HỢP PHÁP. Đó là chính phủ Trần Trọng Kim (dù thật sự yêu nước).

    – Thảm kịch xuất hiện từ khi đảng CS giành được chính quyền ở miền Bắc và sau đó là cả nước. Mục đích rất cao cả, người thực hiện rất thiện chí, liêm chính, cần kiệm, nhưng biện pháp rất sai lầm.
    Nói thì dài, nhưng đại khái là bà mẹ muốn đứa con lớn nhanh, đã đặt cái thòng lọng vào cổ đứa trẻ, treo lên, và buộc đá tảng ở dưới chân để kéo dài thêm cột sống.
    Thế hệ đảng viên đầu tiên có thiện chí, nhưng thất bại liểng xiểng về kinh tế, chết đi… Bọn kế tục hưởng toàn bộ và thoái hóa nhanh… đến nay rất đáng xử tội “chết”.
    Chính tự biết như vậy, chúng có bộ máy công an rất mạnh và tàn bạo. Do đó, đấu tranh ôn hòa với mục đích số 1 là nâng cao dân trí (giác ngộ dân, nhận ra bộ mặt thật của CS) để tránh bị đàn áp đẫm máu là cách làm phù hợp.
    Xin nhớ: ĐCS khác với từng cá nhân đảng viên. Gorbachov khác với ĐCS (toàn thể).

Comments are closed.