17-10-2019
Vụ ô nhiễm nguồn nước vừa rồi có thể khiến cho dân Hà Nội 1 thở phào “May quá, nhà mình dùng nước Phần Lan”. Nhưng vụ này khiến cho mình cảm thấy lo ngại cho 1 kẽ hở khổng lồ đe dọa sức khỏe hàng triệu dân Hà Nội cũng như các đô thị lớn.
Như vậy chứng tỏ rất khó có thể kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào các nhà máy nước. Ở đây là dầu thải, cực dễ phát hiện. Nhưng nếu là chất độc không màu, không mùi thì sao? Như thuốc sâu chẳng hạn? Chẳng cứ gì nước Sông Đà, sông nào thì nguy cơ nhiễm độc kiểu này cũng dễ xảy ra. Nếu thế lực thù địch cố tình khủng bố như vậy thì sao? Phải có biện pháp nào để bảo vệ an toàn cho nguồn nước, tối thiểu là trong phạm vi nhà máy nước chứ?
Vụ này cũng chứng tỏ là nhà máy nước này không hề có sự kiểm soát chất lượng nguồn nước vào và ra. Lẽ ra, phải có thiết bị kiểm tra theo thời gian thực, hoặc tối thiểu phải theo giờ. Nếu có thông số độc hại nào đó thì phải báo động.
Đằng này, người dân, tức là khách hàng ở cách nhà máy hàng trăm km còn phát hiện ra được mùi lạ, mà nhà máy nước không biết, thì không hiểu họ lọc và kiểm tra chất lượng kiểu gì? Lắp thiết bị này mình nghĩ là không hề khó, như Formosa phải lắp thiết bị kiểm tra nước thải, có thể được kiểm tra độc lập bởi cơ quan môi trường, theo thời gian thực, qua thiết bị điện tử.
Thiết nghĩ, nhà máy nước nào cũng cần lắp thiết bị đó và nó phải được nối mạng với cảnh sát môi trường và Sở tài môi. Thậm chí, trên đường ống dẫn cũng cần lắp thiết bị kiểm soát chất lượng nước ở 1 số vị trí, để có thể phát hiện và cô lập vị trí bị ô nhiễm.
Người ta bán nước thì cũng phải coi như bán các mặt hàng thực phẩm, phải có cam kết chất lượng khi ký hợp đồng cấp nước sạch. Nếu không đạt chuẩn thì phải có điều khoản phạt.
Theo 1 số chuyên gia ngành nước thì nhà máy nước Sông Đà này đã dính phốt từ khi mới hình thành, xây dựng đường ống dẫn, khiến nó vỡ mấy chục lần, vì chất lượng ống có vấn đề. Mỗi lần vỡ ống cũng là 1 lần nhiễm bẩn. Dân tự chịu, chả kiện được ai, căn cứ pháp lý nào để mà kiện?
Với trang thiết bị tồi tàn như vậy mà lượng khách hàng ngày càng tăng, nên lợi nhuận của nhà máy nước là cực khủng. Mình rất bất ngờ khi biết điều này, do thấy giá nước quá rẻ, cứ nghĩ là nước phải được ngân sách trợ giá.
Nhiều người bảo là do cổ phần hóa nhà máy nước, hiện tại do tư nhân quản lý, nên mới thế. Theo mình là do thiếu hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng nước mà thôi. Đã kiểm soát chặt thì tư nhân làm tốt, nhà nước có lẽ tệ hơn.
Hồi sang Singapore, mình thấy toàn bộ các vòi nước công cộng đều có thể uống được, đảm bảo vệ sinh. Người ta làm được vậy, còn mình thì nước bẩn còn phát hiện được bằng mắt và mũi.
Nước bẩn vô cùng, nên bác phải ra đi…
_____
“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu”
(Trích Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên)