Đường nước Sông Đà: Cuộc sống người dân “Ngàn cân treo sợi tóc”

Trần Đình Triển

17-10-2019

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà-Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư; sau khi hoàn thành đi vào sử dụng, đường ống bị vỡ 18 lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ Đô phía tây và tây nam Hà Nội.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án và khởi tố 9 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; Viện Kiểm sát ND tối cao ban hành cáo trạng truy tố 9 bị can về tội danh nêu trên.

Tháng 2/2018, Toà án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án này. Tôi bào chữa cho một bị cáo trong số 9 bị cáo. Tại phiên toà, tôi đã nêu quan điểm: “Đây là vụ án truy tố sai, hái ngọn mà để gốc, 9 bị cáo có căn cứ oan sai – vì họ là người thực hành và thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Tôi đề nghị Toà trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ bản chất và gốc rễ vụ việc; đừng vì trấn an dư luận mà giải quyết oan sai. Tuy nhiên, lời bào chữa của tôi không được toà án chấp nhận mà vẫn tuyên án đối với 9 bị cáo là người thừa hành thực hiện đúng nhiệm vụ do Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Vinaconex phê duyệt và phân công; bỏ lọt tội phạm và những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của dự án này mà không được khắc phục kịp thời, thì hậu quả đối với nhà nước và nhân dân sẽ vô cùng nguy hại;… Lời khẳng định của tôi nay đã thành sự thật và sẽ là sự thật tiếp tục diễn ra.

Đây là dự án do Thủ tướng phê duyệt ( theo hình thức BOO), những sai phạm hoặc chưa thực hiện; hoặc thực hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, không đảm bảo kỹ thuật;… so với dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, đó là:

1-/ Lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex đã tự ý thay đổi vật liệu tuyến ống từ ống gang dẻo sang ống cốt sợi thuỷ tinh;

2-/ Xử lý nền móng, đường cống và giảm áp lực đi qua trục đường giao thông,… không đảm bảo kỹ thuật, đây là nguyên nhân chính làm vỡ đường ống;

3-/ Thủ tướng phê duyệt dự án là: 2 tuyến ống song song có chiều dài 46km, từ Sông Đà về đường vành đai III (đường Khuất Duy Tiến – Hà Nội). Nhưng chỉ làm 01 tuyến ống; vì vậy mà khi có sự cố vỡ đường ống, bảo trì, lắp đặt thay thế,… thì khu vực dân cư Hà Nội sử dụng nước sinh hoạt từ dự án này sẽ bị mất nước;

4-/ Trong thiết kế của dự án đã được cấp đất làm bể chứa nước điều hoà và dự phòng đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho toàn hệ thống trong 3 ngày nếu như cả 2 tuyến ống bị sự cố. Đáng tiếc là: bể chứa nước này không được xây dựng; đất đai đã bị chuyển sang sử dùng cho mục đích khác;

5-/ Dự án có 8 hạng mục, tất cả các hạng mục đến nay đều không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo kỹ thuật theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Đây chính là một trong những sự cố để nước ô nhiểm, dầu loang, mất vệ sinh,… cấp cho nhân dân sinh hoạt trong thời gian qua, không hiểu hậu quả thế nào đối với sức khoẻ nhân dân? Dừng để khắc phục sự cố thì nhân dân không có nước sinh hoạt – gian khổ vô cùng.

Những hạng mục sau đây của toàn bộ dự án, đa số là không đảm bảo kỹ thuật và chất lượng, thậm chí có những hạng mục chưa làm:

-1. Kênh dẫn nước sông;Trạm bơm nước sông;

-2. Cải tạo hồ Đầm Bài;

-3. Trạm bơm nước hồ Đầm Bài;

-4. Nhà máy xử lý nước mặt Sông Đà;

-5. Tuyến ống chuyển tải nước sạch (như đã nêu trên);

-6. Bể chứa nước dự phòng, điều hoà ( như đã nêu trên);

-7. Trạm khử trùng trung gian;

-8. Hệ thống điện nguồn và trạm biến áp.

6-/ Giá trị lớn nhất của dự án là quyền sử dụng đất; khi thu hồi đất vì mục đích công cộng đền bù giá rẻ mạt. Bây giờ thử tính xem tổng diện tích đất của dự án là bao nhiêu? Giá trị thế nào? Đã sử dụng vào mục đích gì ngoài cấp nước?…

7-/ Dự án hiện tại không còn của Tổng Công ty Vinaconex nữa, mà đã đem bán cho doanh nghiệp khác rồi được che đậy bới danh nghĩa Công ty cổ phần nước sạch Vinaconnex. Đất đai, tài nguyên thiên nhiên của quốc gia rơi vào túi của nhóm lợi ích.

9-/ Dấu hiệu cố ý làm trái, tham nhũng, lợi ích nhóm đã rõ. Vậy mà, không hiểu lý do gì ông Phí Thái Bình (nguyên: Chủ tịch HĐQT Vinaconex, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và một số cán bộ lãnh đạo Vinaconex như: Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chẩm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, nhưng không hiểu lý do vì sao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) lại ra Quyết định huỷ Quyết định khởi tố bị can đối với các ông trên?!

Tôi cho rằng: Hệ thống cấp nước Sông Đà-Hà Nội nếu không giải quyết xử lý tận gốc, nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của những cán bộ chủ chốt làm sai; dự án không được hoàn thiện có chất lượng các hạng mục nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nhất là: Xử lý hệ thống nước đầu nguồn, xây dựng 2 hệ thống ống dẫn nước, xây dựng bể điều hoà dự trữ nước đủ cung cấp nước sinh hoạt cho toàn khu vực trong thời gian 3 ngày nếu khi có sự cố; hệ thống bơm cao áp không đảm bảo;…) thì hậu quả mất nước sinh hoạt đối với nhân dân sử dụng nước từ dự án này sẽ tiếp tục xảy ra và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không lường trước được./.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Qua việc này thấy NGƯỜI HÀ NỘI rất giỏi CHỊU ĐỰNG, ĂN ĐỜI Ở KIẾP VỚI ĐẢNG ĐƯỢC. MẤT NƯỚC SINH HOẠT NHƯNG VẪN CỨ CƯỜI, CÓ KHI ƠN ĐẢNG LẮM LẮM VÌ ĐẢNG CẤP NC MIỄN PHÍ BẰNG XE BỒN BẨN

  2. -Các bạn đọc qua bài báo: “Nhà máy nước Sông Đà: 21 lần vỡ đường ống nước, gặp sự cố ô nhiễm dầu đầu nguồn nhưng vẫn lãi vài trăm tỷ đồng nhiều năm liền” để biết “Tính đặc thù của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” là ra sao? Hi….hi….. Với “Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt” mà “Đảng Đã Cho Ta Sáng Mắt Sáng Lòng” nên ta phải “Đời đời ơn Đảng” thôi.
    http://cafef.vn/nha-may-nuoc-song-da-21-lan-vo-duong-ong-nuoc-gap-su-co-o-nhiem-dau-dau-nguon-nhung-van-lai-vai-tram-ty-dong-nhieu-nam-lien-20191014154500687.chn

Comments are closed.