Trân Văn
17-10-2019
Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng đặc trách “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp” của chính phủ Việt Nam vừa trách, vừa đòi hệ thống ngân hàng phải “chia sẻ… rủi ro” đối với 12 đại dự án do Bộ Công Thương thay mặt đảng và chính phủ Việt Nam làm chủ đầu tư nhưng… kém hiệu quả (1)!
Tuy 12 đại dự án này (Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Nhà máy Thép Việt – Trung, Nhà máy Sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên) đã nhai – nuốt khoảng 64.000 tỉ, nhưng không những không sinh lợi mà còn tạo ra khối nợ khoảng 21.000 tỉ đồng, kéo một công ty tài chính, 17 ngân hàng thương mại cùng sa lầy vì mất cả chì (tiền cho vay) lẫn chài (lãi) (2).
Đáng lưu ý, mức thua lỗ của ba trong số 12 đại dự án (Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên) có khả năng tăng vọt và không thể khống chế vì dính dáng đến nhà thầu Trung Quốc. Do từng giao cho doanh nghiệp Trung Quốc giữ vai trò tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị – công nghệ, xây dựng công trình) nên khi tổng thầu bỏ ngang, chủ đầu tư dở khóc, dở cười vì tiến (chọn nhà thầu khác) cũng không được (thiết kế, thiết bị, công nghệ không tương thích) mà lui cũng chẳng xong (tổng thầu Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu vô lý, không thể nhượng bộ, còn nhờ trọng tài quốc tế phân xử thì phải cân nhắc nhiều yếu tố).
***
Không phải tự nhiên mà 12 đại dự án của Bộ Công Thương bị một số chuyên gia kinh tế ví von là 12 khối u khiến thể trạng kinh tế Việt Nam vốn đã yếu ớt bị suy sụp. Thay vì chẩn đoán kỹ lưỡng, lập phác đồ chính xác để trị tận căn, năm năm qua, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam chỉ tìm cách để duy trì 12 khối u này. Cắt bỏ những khối u loại này bị xem là đồng nghĩa với việc thừa nhận, chủ trương vừa xây dựng nền kinh tế thị trường, vừa dồn toàn bộ nội lực quốc gia vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để dẫn dắt nền kinh tế thị trường tại Việt Nam theo… định hướng xã hội chủ nghĩa là xuẩn động.
Trước sự phẫn nộ và sốt ruột của công chúng, tháng 10 năm ngoái, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, trấn an: Chính phủ đang chỉ đạo rất mạnh mẽ và quyết liệt. Đến năm 2020 sẽ giải quyết xong 12 đại dự án thua lỗ dựa trên ba nguyên tắc, “đúng quy định pháp luật, theo nguyên tắc thị trường và nguyên tắc tự chủ nội tại của nền kinh tế Việt Nam”. Thông qua diễn đàn Quốc hội, ông Anh loan báo, một số dự án đã có lãi, hết lỗ, một số đã giảm được lỗ, sản phẩm của một số dự án đã được thị trường chấp nhận. Thậm chí ông Anh còn khẳng định, sẽ đề nghị chính phủ đưa một số dự án ra khỏi danh sách thua lỗ (3).
Bốn tháng sau (tháng 1 năm 2019), khi làm việc với Tổng Công ty Thép Việt Nam, nghe các viên chức lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong ngành thép than thở vì không được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hỗ trợ tận tình như trước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương, nói khác: 12 đại dự án thua lỗ đang thoi thóp thì phải cho ăn, cho thuốc để có sức gượng dậy. Muốn cứu thì phải dùng ngân sách. Không dùng ngân sách thì dùng tiền từ nguồn nào (4)! Dẫu phát biểu này có khác với phát biểu của ông Anh nhưng xét về bản chất, cả hai không mâu thuẫn với nhau, đó có lẽ là điều mà ông Anh từng nhấn mạnh “nguyên tắc tự chủ nội tại của nền kinh tế Việt Nam”!
***
Tròn một năm sau khi ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, trấn an công chúng về 12 đại dự án thua lỗ, một ông khác cũng tên Anh (Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, cơ quan thay Bộ Công Thương tiếp nhận 12 đại dự án thua lỗ) loan báo: Hầu hết các doanh nghiệp đã mất 50% vốn. Nếu không xử lý nhanh sẽ mất sạch phần vốn còn lại! Ông Nguyễn Hoàng Anh khuyến cáo: Phải xem doanh nghiệp là chủ thể, phải theo qui luật kinh tế chứ không thể áp đặt các biện pháp hành chính. Theo Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, trọng tâm của việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ nên là thu hồi được đồng nào hay đồng đó!
Tường thuật của báo chí Việt Nam về “Hội nghị Đổi mới – Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào ngày 16 tháng 10” ghi nhận, tới lúc này, các viên chức hữu trách lãnh đạo chính phủ như ông Vương Đình Huệ đã chính thức thú nhận, ngay cả những doanh nghiệp trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ, từng được khoe là đã hoạt động trở lại và đạt hiệu quả tốt như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng chỉ có thể tự trang trải chi phí hoạt động chứ không có khả năng hoàn trả khoản vốn đã vay và lãi… Đó cũng là lý do ông Nguyễn Hoàng Anh trở nên tha thiết với việc bán ráo đúng với giá trị thực, càng sớm càng tốt!
Khi càng ráng cứu càng sa lầy, chẳng hạn so với năm 2016, nợ nần do 12 đại dự án thua lỗ tạo ra của năm 2017 tăng thêm 3.441 tỉ (4),… dường như bán ráo đúng với giá trị thực là… thượng sách. Chỉ có điều “thượng sách” này quá… đắng và dù muốn hay không, 90 triệu người Việt cũng phải ráng nuốt! Đa số đại dự án thua lỗ giống như trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Nuốt hết 3.409 tỉ rồi để hoang. Lúc bán, chỉ định giá 1.800 tỉ nhưng rao bán đã ba lần mà vẫn không ai thèm đoái hoài vì giảm giá 50% vẫn còn bị cho là quá… mắc. Ngay cả chính phủ cũng phải nhìn nhận, máy móc, thiết bị của Nhà máy Bột giấy Phương Nam chỉ có thể tính… ký để bán theo kiểu bán… phế liệu!
Chưa kể bán ráo đúng với giá trị thực thì ngoài chuyện mất gần như sạch vốn đầu tư, dân chúng Việt Nam còn phải gồng mình trả thêm nhiều ngàn tỉ mà chính phủ từng đứng ra bảo lãnh để đổ tiền vào những đại dự án thua lỗ! Đáng ngạc nhiên là dù biết rất tường tận về thực trạng, rất đắn đo vì không biết “dân có chịu không” nhưng ông Vương Đình Huệ vẫn trách kiểm toán, trách thanh tra, trách ngân hàng cho vay rồi siết,… vì “dự án không sống được sẽ mất sạch”. Phó Thủ tướng đặc trách “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp” khuyến cáo “cần phải chia sẻ rủi ro” để “doanh nghiệp có vốn mà hoạt động”. Ông Huệ nói thêm, ông sẽ báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị để… xin ý kiến!
Cứ như cách mà ông Huệ nói thì Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị có thể giải quyết tới nơi, tới chốn mọi mắc mứu! Nếu Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN đừng khăng khăng “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, gom – dồn nội lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì làm gì có 12 đại dự án mà hiệu quả thê thảm, đáng phẫn nộ đến như vậy? Tại sao không truy cứu trách nhiệm, xử lý những cá nhân là Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN đề ra chủ trương mà lại tiếp tục… xin ý kiến chỉ đạo?
Ông Nguyễn Phú Trọng lại vừa khoe “chống tham nhũng là một điểm nhấn của nhiệm kỳ này” (5). Làm sao có thể xem việc xử lý kỷ luật 70 cán bộ cao cấp của đảng, 17 viên tướng của cả quân đội lẫn công an là thành tích của đảng CSVN khi chính đảng CSVN chọn họ, đem quyền lực đặt vào tay họ. Nếu đảng CSVN chia sẻ quyền lực cho đồng bào để đồng bào giám sát chặt chẽ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, để đồng bào tự do dùng lá phiếu của họ trong việc lựa chọn công bộc thì tham nhũng đâu có tràn lan và táo tợn như vậy. Dứt khoát không san sớt quyền lực, chỉ “chia sẻ rủi ro” và khăng khăng buộc phải “tin, yêu” đúng là bất cận nhân tình!
Chú thích
(4) https://news.zing.vn/12-du-an-yeu-kem-ganh-them-3440-ty-dong-no-sau-mot-nam-post844655.html
-Ngày 20/12/2018, sau khi nghe Ban cán sự Đảng bộ GTVT đọc tờ trình số 481-TTr/BCSĐ ngày 05/11/2018 về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Chỉ 01 ngày sau, ngày 21/12/2018 BCT ra văn bản kết luận đồng ý chủ trương điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án tuyến Metro số 1 và số 2. Sau đó, UBND TP HCM đã thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh 02 dự án, hoàn thành đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án, bao gồm cả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. UBND TP HCM đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của hai dự án nêu trên. Thời hạn xem xét, có ý kiến dự kiến phải kết thúc trước ngày 31/10/2019, nhằm đảm bảo kịp thời gian trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên đến nay đã giữa tháng 10/2019, UBND TP.HCM vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Nếu không thực hiện thủ tục điều chỉnh kịp trong tháng 11/2019, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, trong khi hiện dự án này đã đạt 67% khối lượng tổng thể, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tranh chấp, kiện tụng của các nhà thầu nước ngoài.
Vậy là từ ngày 21/12/2018, BCT ra văn bản kết luận đồng ý chủ trương điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án tuyến Metro số 1 và số 2 đến nay, thời gian đã trôi qua gần 01 năm, mà công việc vẫn chưa giải quyết xong thì “Cứ như cách mà ông Huệ nói thì Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị có thể giải quyết tới nơi, tới chốn mọi mắc mứu!” là điều không tưởng. Với thành phần Chính phủ đang vận hành như hiện nay thì “12 đại dự án do Bộ Công Thương thay mặt đảng và chính phủ Việt Nam làm chủ đầu tư” “ Bán ráo, càng sớm càng tốt” là phương án hiệu quả, khả thi. (Chính phủ đang thúc đẩy cổ phần hóa DNNN mà 12 đại dự án khắc phục đã trôi qua 05 năm ko thấy lối thoát thì nên bán quách đi cho nhẹ gánh).
Doanh nghiệp Nhà Nước là bài bản đúng như chủ nghĩa Mác Lê dạy bảo. Đúng về lý luận gốc và lập luận thực tế
Nhưng khi thực hiện, thì đây là bọn “phá gia chi tử”.