14-10-2019
Có những điều phi lý đã tồn tại rất lâu trên đất nước này. Tuyệt đại đa số chỉ thấy hậu quả và hậu quả thì kéo dài. Nhưng cũng chính tuyệt đại đa số đã lướt qua nguyên nhân.
Ô nhiễm là một định dạng như vậy!
Đừng ngạc nhiên nếu có công bố vào ngày nào đó rằng người Việt ăn số lượng hạt vi nhựa lớn hơn lượng nhựa tạo ra một thẻ ATM mỗi tuần. Con số đó là trung bình của thế giới, được nghiên cứu khoa học bài bản và công bố hẳn hoi. Có lẽ chúng ta sẽ “ăn nhựa” nhiều hơn mức trung bình ấy vì chúng ta trong top đầu các quốc gia xả rác thải nhựa của hành tinh này.
Ai sẽ nhớ mình từng vứt những hộp nhựa xốp đựng cơm ra đất, những ly mì trên đường du lịch hay ly trà sữa vừa uống xong “đáp” chính xác vào ống cống?
Có bao nhiêu người tại Việt Nam sẽ thấy những tán lá, mái nhà người dân ánh lên màu kim loại ở Vũng Áng? Bụi đấy! Kiểm định thì sẽ biết nó từ khói của nhà máy thép Formosa hay nhiệt điện Vũng Áng. Chí ít hãy search khói luyện thép, khói nhiệt điện để biết nó độc ra sao…
Có bao nhiêu người tại Việt Nam sáng thức dậy thấy bàn ăn đầy bụi đến mức hốt đầy hai tay như người dân Vĩnh Tân. Vẫn là bụi đấy! Giờ thì khỏi kiểm định nữa mà hãy tìm số liệu y tế về vấn đề hô hấp của nhân dân. 100% đều bị, và tôi thì nghĩ đến những cái chết vì bệnh tật trong hình hài những đứa trẻ gầy gò nơi ấy.
Các đô thị lớn bây giờ mới xuất hiện bụi mịn PM2.5 để gây bức xúc cho nhân dân? Không đâu! Chúng đã được “chuẩn bị” rất kỹ. Từ khi những công nghệ Tàu lỗi thời được lựa chọn đặt ở đâu tại Việt Nam. Đã có nhiều người ngạc nhiên khi tôi cảnh báo bụi mịn có thể bay vài trăm km. Ngạc nhiên chút thôi, rồi lướt qua, để tiếp tục cuộc mưu sinh trong “vòng vây” của bẫy thu nhập trung bình…
Cũng vẫn tuyệt đại đa số những người dân Việt Nam không biết các ông bà chủ đứng sau các đại dự án giàu có cỡ nào. Những biệt phủ nghĩa đen lộ ra chỉ là bề nổi của tài sản hình thành từ việc tiêu diệt môi trường hay cướp đất bằng văn bản. Khi chưa biết đủ hay biết quá đủ, họ chọn cách im lặng hay thậm chí làm tay sai.
Nhà khoa học vỗ vai tôi và nói: “Ấn đừng buồn! Đó là một quá trình đào thải tự nhiên…” Tôi cũng hiểu như vậy! Những cái chết vì ô nhiễm cũng tuyệt đại đa số đến với những người ít quan tâm đến môi trường nhất. Không quan tâm thì chỉ chờ hậu quả chứ làm sao đủ kỹ năng phòng tránh? Câu nói ấy quá khoa học, quá lạnh lùng nhưng cũng quá đỗi chân thành.
Chỉ là tuyệt đại đa số đám đông quá đỗi “chân thành” với “giấc mơ” một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh, ăn gì, chơi gì ở đâu? Và những người yêu môi trường nhất lại bị nhận định là sống trên mây, hay nặng hơn: Bị điên!
Tôi thấy chính “người điên” mới cứu “người tỉnh”, dù nhiều lúc, nỗ lực của những người yêu môi trường bị tạt nước lạnh hay thậm chí bị doạ dẫm, bị tấn công.
Chỉ biết ngồi xuống và an ủi nhau: Sẽ còn gặp khó dài dài nhưng tụi mình không chơi kiểu “khó quá, bỏ qua” nha!
Nhìn mặt tích cực, làm được việc khó, luôn thú vị mà!
P/s: Nhà nước mình giỏi quá! GDP năm nào cũng cao. Nhân dân mình giỏi quá, thuế phí môi trường nói riêng và mọi mặt thuế phí khác nói chung, đều đóng đủ. Vậy thì ô nhiễm “bỗng dưng xuất hiện” chắc là do thế lực thù địch rồi. Có điều, nó không chỉ đến từ “quốc gia có đường biên giới với Quảng Ninh”…