Ẩn ức roi vọt, ẩn ức tiền bạc

Nguyễn Tiến Tường

8-10-2019

Tôi có xem clip cô giáo H. của trường Phan Chu Trinh cấu véo, bạt tai, xéo tai, đánh vào đầu những đứa trẻ ở trường tiểu học Phan Chu Trinh, Tân Phú, TP.HCM. Phẫn nộ là cảm xúc đương nhiên. Nhưng điều tôi luôn cố gắng là tìm nguồn cơn.

Giáo dục của chúng ta thật sự bị đè nặng bởi tấm áo lễ giáo, hình thức. Quan niệm thầy cô giáo là cha mẹ cộng hưởng với tâm lý “thương cho roi cho vọt” đã khai sinh ra một thứ giáo dục khác: Giáo dục quyền uy!

Ở đó, có rất nhiều cô thầy biến thành cai, thành đại bàng đúng nghĩa. Cái họ hướng đến không phải là điều tốt cho bọn trẻ mà là thoả mãn thứ quyền lực trong mình, thoả mãn ẩn ức bạo lực của mình.

Những đứa trẻ đến lớp với nỗi sợ hãi thường trực. Cái chúng hướng đến không phải là tìm tòi tri thức mà làm sao tránh những cơn giận dữ của đại bàng. Sự bí bách tâm hồn sẽ không thể nào làm rộng mở những trang sách. Những đứa trẻ ù lì sẽ trở thành những con vẹt, lớn lên với tri thức đóng khung và ẩn ức bạo lực trĩu nặng.

Công nhiên xâm phạm thân thể và nhân phẩm hàng loạt đứa trẻ giữa lớp học là một tội ác mà không thể nhân danh bất cứ điều gì để bào chữa nó.

Cô giáo H. nhận sai nhưng đặt ngược động cơ việc đặt camera. Báo chí lũ lượt vào cuộc, lật tung từng phiến đá sân trường. Họ vô hình hay hữu ý quên rằng cho dù ai đặt camera thì hành vi của cô H. là không thay đổi về bản chất.

Cũng báo chí nhảy vào khai quật lại một cuộc “nội chiến” xưa cũ. Cô H. là người tố cáo ban giám hiệu nhà trường về việc sai nguyên tắc tài chính. Số tiền dạy thêm của 81 giáo viên dôi dư gần 260 triệu đồng. Nhà trường đã khắc phục, nộp lại vào kho bạc nhà nước từ hơn một năm trước đây.

Tôi không nói về đúng sai, nhưng sau những chấn thương roi vọt, người lớn lại đào xới ẩn ức tiền bạc phô bày ra trước mặt những đứa trẻ. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cô H. chuyên tâm vào chuyên môn của mình thay vì xét nét công việc quản trị.

Chừng ấy tiền cho hàng chục giáo viên, cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Quá dễ khi áp những nguyên tắc tài chính thô ráp vào nhân sự giáo dục. Nhưng quá khó để giúp viên phấn vẽ ra thêm con cá mớ rau giữa điệp trùng nỗi lo cơm áo.

Đúng sai đôi khi thật dai dẳng. Nhưng người làm nghề giáo nếu mất đi trái tim vô tư và tấm lòng khoan dung, những đứa trẻ sẽ không còn chỗ dựa an lành.

Khi ai đó đánh mất sự vô tư, giáo dục thành một chiến trường. Quyền uy, lợi ích, truyền thông rộn rã kéo đến. Sẽ có những nhà báo lăm lăm máy ảnh tìm đến. Sẽ có những ông bà thanh tra xách cặp tìm đến. Những đứa trẻ sẽ khép nép bên cánh cửa lớp học, lo âu không biết chuyện gì đang xảy ra.

Người lớn dạy cho những đứa trẻ thật nhiều, nhưng có một thứ người lớn chưa bao giờ học được bọn trẻ, đó là cách bước qua lòng vị kỷ. Vì vậy, người lớn vẫn miên mãi xung đột, bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, bấc đi chì lại. Rất ít người hiểu rằng giáo dục là bao dung, là biết bước qua ẩn ức của mình vì điều tốt đẹp hơn.

Khi người ta thổi bùng một cuộc chiến trong trường học, người ta đang đào những cái huyệt vùi chôn tâm hồn những đứa trẻ…

______

Mời xem clip từ trang Tuổi Trẻ Media:

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.