Tầm quan trọng của báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM)

Save Tam Đảo

6-10-2019

Vì sao Save Tam Đảo và nhiều cơ quan báo chí quan tâm đến báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Tam Đảo II? Chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin để giúp các bạn hiểu rõ về ĐTM và tầm quan trọng của văn bản này.

Vào cuối những năm 60, phong trào bảo vệ môi trường bắt đầu phát triển sau khi cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” (Silent spring) của nhà khoa học, nhà văn, nhà bảo tồn thiên nhiên Rachel Carson được xuất bản. Cùng với sự ra đời của các luật về bảo vệ môi trường, ĐTM chính thức được sử dụng tại Mỹ vào năm 1969, và hiện nay đã trở nên phổ biến ở hơn 100 nước cũng như trong các tổ chức quốc tế (UN, World Bank,…).

ĐTM được định nghĩa là “quá trình xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu các tác động lý sinh, xã hội, và các tác động liên quan khác của các đề xuất phát triển, trước khi đưa ra các quyết định chính và thực hiện các giao ước” (theo Tổ chức quốc tế về đánh giá tác động IAIA). Như vậy, ĐTM là công cụ giúp chính quyền đưa ra các quyết định một cách khách quan, dựa trên phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trước khi thông qua một dự án phát triển. ĐTM có thể được thực hiện bởi bên đề xuất dự án, hoặc bên thứ 3, nhưng chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin được ra trong bản báo cáo ĐTM đó.

Về nội dung, ĐTM không có mẫu chung nào vì nó còn phụ thuộc vào các luật về môi trường của mỗi nước. Tuy nhiên có thể thấy một số điểm quan trọng luôn được các nước quan tâm.

– Một là, ngoài các chỉ số có thể đo đạc được về môi trường, ĐTM còn đánh giá các yếu tố không thể đo được, như tác động cảnh quan, lối sống, văn hóa xã hội. Vì vậy ĐTM luôn có phần tham vấn cộng đồng cũng như các chuyên gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm khảo sát đánh giá một cách đầy đủ và bao quát nhất có thể,

– Hai là, việc thu thập số liệu, ý kiến tham vấn càng sâu rộng và lâu dài thì việc đánh giá tác động càng chính xác hơn. Và vì vậy, ĐTM như một lớp cắt (dù mỏng hay dày), và nên được coi như một điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để thực sự hiểu hết về tác động của một dự án lên môi trường,

– Ba là, ĐTM thường chú trọng đến việc dự đoán về các ảnh hưởng tiêu cực, so sánh với các cách làm khác, và đưa ra các giải pháp quản lý rủi ro và giảm thiểu các tác động. Do vậy, có các dự án sẽ được phê duyệt dựa trên các điều kiện về các hoạt động giảm thiểu này. Ngoài ra, việc thu thập số liệu thường được tiếp tục sau khi dự án hoàn thành, và được so sánh với các dự đoán về tác động được đưa ra lúc đầu, nhằm giúp cho việc đánh giá các dự án khác về sau.

Dưới đây là một vài ví dụ để các bạn có thể so sánh việc sử dụng ĐTM ở các nước:

Ở Mỹ, nơi đầu tiên áp dụng ĐTM, một bản đánh giá cơ bản (EA) sẽ được thực hiện và phải được công bố cho dân chúng ở khu vực liên quan biết, thường là qua báo đài. Các ý kiến của dư luận và các phản đối về bản báo cáo sẽ được thu thập trong vòng từ 15 đến 30 ngày. Sau đó, các cơ quan có trách nhiệm cần phản hồi lại các ý kiến dư luận, và đưa ra một tuyên bố về tác động không đáng kể (FONSI) hoặc một thông báo về việc cần thực hiện một cuộc đánh giá kỹ hơn (NOI). Bản ĐTM đầy đủ (EIS) cũng sẽ cần được đối chất trước công chúng, và thường mất 1, 2 năm để hoàn thành. EIS được công bố tại trang web của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Việc thực hiện ĐTM đã góp phần bảo vệ môi trường ở Mỹ qua một số ví dụ như: Các sai lầm trong việc thực hiện ĐTM dẫn đến việc chặn dự án xây đường cao tốc và khu lấp rác dọc sông Hudson ở thành phố New York; ĐTM là căn cứ để tổ chức môi trường Sierra Club kiện Sở giao thông vận tải bang Nevada đã không giải quyết các kiến nghị về hạt bụi mịn gây ô nhiễm môi trường khi mở rộng đường quốc lộ 65.

Ở Trung Quốc, việc thực hiện ĐTM bị buông lỏng. Các công ty không làm ĐTM trước khi thực hiện dự án chỉ phải làm đánh giá bù sau. Và nếu không thực hiện bù ĐTM trong thời gian quy định cũng chỉ bị phạt một số tiền nhỏ so với tiền thực hiện dự án. Đó có lẽ là một lý do khiến Trung Quốc là một trong những nước bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, và có nhiều tai nạn tại các mỏ than, mỏ khai thác.

Tại Việt Nam, việc thực hiện ĐTM cũng mới chỉ được thực hiện trên giấy tờ, cụ thể là Luật bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư đi kèm. Tuy nhiên ngoài thực tế vài trò của ĐTM gần như chưa có đóng góp nào để bảo vệ môi trường. Các dự án Formosa, Boxits, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy than, các khu công nghiệp khắp cả nước bao nhiêu năm nay có ai thấy được ĐTM mặt mũi ra sao! và hệ quả là các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên, cho đến Nghê An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… có chỉ số ô nhiễm không khí luôn đứng đầu thế giới.

Việc công bố ĐTM của dự án Tam Đảo II sẽ đảm bảo sự minh bạch, giúp các cơ quan, tổ chức, cộng đồng khu vực ảnh hưởng có được hiểu biết về các nguy cơ rủi ro, giúp giám sát việc thực hiện các phương pháp giảm thiểu ảnh hưởng, cũng như giúp cho việc lên kế hoạch cho các dự án phát triển trong tương lai. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, việc thực hiện ĐTM và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi khởi công các dự án có ảnh hưởng như dự án Tam Đảo II sẽ giúp tránh các hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho môi trường sống của tất cả chúng ta.

_____

Nguồn tham khảo:

https://www.jensenhughes.com/services/environmental

Hướng dẫn về ĐTM của IAIA

Cơ sở dữ liệu ĐTM của Mỹ

Luật Bảo vệ môi trường 2014

Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Bình Luận từ Facebook