3-10-2019
Có lẽ giới tuyên giáo mới là người đầu tiên nghĩ ra thuật ngữ “fake news” bằng việc chia thông tin thành “tin chính thống” và các loại tin khác (bây giờ thì gọi là lề trái và lề phải).
Từ rất lâu, “tin chính thống” được hiểu là tin do cơ quan Nhà nước hoặc báo chí Nhà nước cung cấp, và do đó nó đáng tin cậy và không cần phải kiểm chứng lại. Cho nên mới có chuyện GS Hoàng Xuân Cơ cho rằng thông tin của Air Visual là thông tin “không chính thống” và do đó “không đáng tin cậy”.
Đã rất nhiều lần chúng ta nghe lập luận này khi một thông tin độc lập, không có lợi cho Nhà nước được đưa ra. Vì thế cũng đã đến lúc để gạt đi những lời biện hộ như vậy.
Tất nhiên, thông tin của Air Visual làm sao mà “chính thống” được (và họ cũng chưa bao giờ tự coi mình là chính thống). Nhưng nói rằng nó không đáng tin cậy chỉ vì nó không chính thống lại thể hiện tư duy tiếp nhận thông tin độc quyền, phi khoa học.
Chất lượng không khí hay bất kỳ sự thật khoa học nào, ít nhất nó tồn tại khách quan và không phụ thuộc vào người phát ngôn. Nhà nước không thể quyết định được chất lượng không khí ngày hôm nay là tốt hay là xấu, mà phải dựa trên cảm nhận thật sự của người dân và các chỉ số khoa học. Phân loại “tin chính thống” do đó chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả.
Tin chính thống là một thứ lợi bất cập hại. Phàm cái gì dễ cho Nhà nước thường sẽ khó cho dân. Dân chỉ tin vào tin chính thống thì Nhà nước sẽ rất dễ quản lý, và ngược lại. Tuy nhiên, tin rằng Nhà nước có độc quyền thông tin không chỉ khiến ta mất đi sự tiếp cận các nguồn thông tin khác, mà còn khiến khả năng tư duy và phản biện của con người bị triệt tiêu.
Hậu quả là khi Nhà nước mất đi độc quyền cung cấp thông tin trên thực tế, người dân trở nên hoang mang và dễ sa vào tin đồn thất thiệt. Đó là cách “tin giả” lên ngôi ở Việt Nam. Do đó, cần phải định nghĩa lại “thông tin chính thống” thật ra chỉ là thông tin do Nhà nước thừa nhận, cung cấp. Chấm hết.
Sự tin cậy của những thông tin này cũng phải được kiểm chứng tương tự như các loại thông tin khác. Hiểu như vậy sẽ phá vỡ được não trạng cho rằng Nhà nước mới có quyền độc quyền thông tin và khơi dậy được tinh thần đa chiều và phản biện trong ý kiến, quan điểm, và đặc biệt là thông tin. Và hiểu như vậy cũng để biết rằng Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin nhưng người dân có quyền tin hay không bất kỳ thông tin nào họ tiếp nhận.
Điều đó có lý hơn rất nhiều với việc xây dựng một apps chất lượng không khí “đàng hoàng hơn, coi trọng chúng ta hơn” (không ai hiểu đó là gì?) như ta đang làm với MXH.
“Nhà nước” của chúng nó không phải là nhà nước chính thống của nhân dân, mà là nhà nước chính thống của lũ bịp bợm.
Tin tức của chúng nó, chính xác là – “tin chính thống” của lũ bịp bợm!