Đánh giá về một bức ảnh

Ngô Ngọc Trai

1-10-2019

Ảnh chụp hai nghi phạm giết tài xế xe grab. Photo Courtesy

Hai nghi phạm giết cướp tài xế Grab đã bị bắt, nhưng việc lấy lời khai lại không có luật sư tham gia, cũng không được ghi âm ghi hình lại (tôi nói thế vì thấy phòng làm việc không có thiết bị và không cách âm, đó dường như là một phòng làm việc bình thường của cơ quan điều tra).

Trong khi tội danh giết người cướp của, của hai nghi phạm thuộc khung hình phạt chung thân tử hình, thuộc trường hợp bắt buộc phải có luật sư.

Lâu nay trong nhiều trường hợp như thế này, người ta cho luật sư vào cuộc rất chậm trễ, hàng tháng hoặc nhiều tháng sau đó, khi đã có được những lời khai nhận của nghi phạm.

Ai cũng mừng vì đã bắt được nghi phạm, nhưng tôi khuyên mọi người là sẽ tốt hơn nhiều nếu quá trình xử lý đảm bảo các quyền cho nghi phạm, cũng là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tuân thủ pháp luật, nhất là tuân thủ những quy định có tính chất bảo hộ nhân quyền.

Sẽ chẳng tốt đẹp gì đâu, nếu việc hỏi cung không có luật sư và không được ghi âm ghi hình lại. Qua quan sát, chứng kiến lối làm việc của cán bộ tư pháp và tâm lý thỏa mãn của đám đông, tôi thấy chẳng có gì thay đổi trong nhận thức việc làm của số đông trong hàng chục năm qua.

Hiện nay, việc bảo hộ quyền con người phải là yếu tố quan trọng trong tố tụng hình sự, quan trọng không kém gì việc tìm ra được hung thủ và xử lý tội phạm.

Với những tiến bộ của khoa học công nghệ, của sự đầu tư những trang thiết bị vật chất, những cơ sở nào đã giúp cơ quan điều tra bắt được nghi phạm thì đó cũng chính là những bằng chứng để kết tội. Như hình ảnh nhân dạng nghi phạm mà nạn nhân đã chụp trước khi bị giết, vết xăm trên cánh tay, chiếc xe máy bị cướp đã thu giữ được. Đó là bằng chứng rõ ràng quá đủ để kết tội hai nghi phạm rồi.

Do đó không cần thiết phải có cho bằng được lời khai nhận tội chi tiết của nghi phạm để chiều lòng hả hê nữa. Vì những cái đó thường đi kèm đằng sau đó là sự coi nhẹ quyền con người, quyền công dân mà thôi.

Hãy cho nghi phạm được có luật sư ngay khi lấy cung, được ghi âm ghi hình lại, được quyền im lặng. Có như thế việc kết tội mới đảm bảo những chuẩn mực tư pháp văn minh, của một nền tư pháp đáng mong muốn hướng đến.

______

Mời đọc thêm: Nghi phạm khai giết nam sinh chạy xe Grab để quỵt tiền công (VNE). – Nghi phạm giết tài xế Grab ở Hà Nội: ‘Tôi rất ân hận’ (VNN). – Vụ nam sinh chạy Grab bị sát hại: Nghi phạm nói “sợ run người” khi biết đồng bọn gây án (NSV/ Soha). – Thẩm vấn xuyên đêm 2 nghi phạm sát hại tài xế GrabBike (Zing).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin ủng hộ LS Ngô Ngọc Trai về những ý kiến nghiệp vụ tố tụng. Theo tôi hiểu ở các nước pháp quyền cao, chuẩn mực thì nghi phạm khi bị bắt và nhất là khi hỏi cung bao giờ cũng được nhân viên điều tra (cảnh sát hình sự) hướng dẫn về mặt luật pháp như: Anh chị có quyền khai hay không khai báo, có quyền đề nghị có luật sư hay cần có tư vấn của luật sư trước khi khai báo (luật sư nào cũng dặn thân chủ là hãy „im lặng“), nên trong các vụ việc nghiêm trọng thường nghi phạm sẽ chọn hình thức im lặng sau khi có tư vấn luật sư. Và cả khi ra Tòa (các nước chỉ thẩm phán mới có quyền giam điều tra, chứ không như ở VN công an có quyền giam và thủ tục của họ để viện kiểm sát đồng ý chỉ là hình thức vì thực tế cơ quan công an ở Việt Nam ở mọi cấp quyền lực trên Viện kiểm soát và Tòa) sau khi bị tạm giam ở cơ quan cảnh sát thì bên cạnh việc tống giam điều tra nghi phạm các vụ giết người … thì Tòa cũng đồng thời hỏi nghi phạm muốn chọn luật sư nào tùy ý – chỉ trường hợp nghi phạm không biết chọn ai thì Tòa sẽ giới thiệu 1 luật sư có kinh nghiệm về việc đó. Và ở các nước pháp quyền khi luật sư xứ họ ra Tòa khếu nại những lời khai của thân chủ vi phạm nguyên tắc tố tụng và yêu cầu Tòa hủy để điều tra lại từ đầu (cơ bản luật sư sẽ khuyên thân chủ không không khai báo nếu chứng cứ chưa chắc chắn – còn nên khai báo nếu LS thấy không thể cãi và quyền quyết định thuộc nghi phạm) – và khi luật sư xứ họ yêu cầu hợp lý thì quan tòa lúc đó „bắt buộc“ phải nghe luật sư, chứ ở họ không có „án tại hồ sơ“ như ở VN.

Comments are closed.