Vũ Ngọc Yên
27-9-2019
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng ngày càng căng thẳng, đã dẫn đến một sự hỗn loạn thị trường và nguy cơ kinh tế suy thoái cho cả toàn cầu chứ không riêng gì cho hai nước.
Tại Âu châu, những tác động của cuộc chiến thương mại và quyết định của Anh rời khỏi Liên Hiệp Âu châu (Brexit) đã kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên Minh Âu châu (EU). Nhưng hơn hết nó đang làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh trên thế giới.
EU đánh giá Á châu, đặc biệt Đông Nam Á (ĐNA) là khu vực đang phát triển và là trọng tâm của một chiến lược mới hướng về Á châu, nên EU muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực, thông qua quan hệ thương mại và quốc phòng.
Hợp tác và triển khai chiến lược an ninh
Tại hội nghị Đối thoại Shangri-La (tháng 5.2019), bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban EU, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, xác nhận, EU hiện đã hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Hiệp hội các quốc gia ĐNÁ (ASEAN), không chỉ về chính trị và kinh tế, mà còn về an ninh. Từ nhiều năm qua, EU luôn tham dự các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thường niên.
Vào tháng 5, Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn một phái đoàn Việt Nam tới Brussels để tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU theo lời mời của ông Claudio Graziano, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh Châu Âu, cơ quan quân sự cao nhất của EU.
Cũng trong tháng 5, cuộc họp ủy ban chung đầu tiên theo Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam và EU (EU-Vietnam Framework Agreement on Comprehensive Partnership and Cooparation – EV-PCA) đã được tổ chức. Đây là thỏa thuận được ký vào năm 2012 và có hiệu lực vào năm 2016. Cuộc họp này do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tô Anh Dũng và Gunnar Wiegand, giám đốc châu Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, đồng chủ trì.
Vào ngày 5 tháng 8, báo Asia Times loan tin, Federica Mogherini và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ký thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng (Framework Participation Agreement – FPA). Theo đó, Việt Nam được khuyến khích đóng góp vào các hoạt động trong khuôn khổ Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU, một chiến lược phối hợp chính sách tình báo và quốc phòng của khối này cũng như tham gia vào các công tác gìn giữ hòa bình, phòng ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế trong khu vực lân cận EU.
Đây là dấu hiệu mới nhất, cho thấy, EU đang cố gắng thiết lập mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với khu vực và đặc biệt với Việt Nam, vốn là trọng tâm tranh chấp với Bá quyền Trung Cộng ở Biển Đông. Trước đó EU đã ký kết FPA với Úc, Tân Tây Lan và Hàn Quốc.
Can dự vào Biển Đông, bảo vệ tự do hàng hải
Cho đến nay, EU từ chối công khai ủng hộ các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng đã đưa ra quan điểm đòi Bắc kinh phải tuân thủ công pháp quốc tế, dựa trên các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS). Trong chiến lược toàn cầu được công bố vào tháng 6.2016, Liên minh EU cam kết các yêu cầu: Duy trì tự do hàng hải, bảo đảm sự tuân thủ Công pháp quốc tế bao gồm Luật biển và thủ tục tài phán, cũng như giải quyết các tranh chấp vùng biển trong hoà bình.
Hiện có hai quốc gia thành viên EU đang tham gia tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông là Pháp và Vương quốc Anh.
Quan hệ an ninh Pháp – Việt đã được cải thiện nhiều. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ năm 2009 và bắt đầu Đối thoại chính sách quốc phòng vào cuối năm 2016.
Cuộc đối thoại cấp thứ trưởng đầu tiên giữa hai nước về chiến lược an ninh và quốc phòng diễn ra vào tháng 9.2018 và ký kết thành lập một Ủy ban hợp tác quốc phòng Việt- Pháp.
Pháp là quốc gia nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Cộng chiếm đóng và quân sự hóa nhiều nơi trên Biển đông. Các tàu của Pháp tham gia vào các cuộc diễn tập tự do hàng hải trên Biển Đông năm 2017 và năm 2018.
Vào tháng 5.2019, tàu khu trục FS Forbin của Pháp đã cập cảng Việt Nam lần đầu tiên. Tại Hội nghị Shangri-La 2019 ở Singapore, một cuộc đối thoại quốc phòng khu vực thường niên được tổ chức hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly đã hứa rằng, các tàu của Pháp “sẽ đi vào biển Đông nhiều hơn hai lần một năm”.
Khởi động thành lập “Liên minh các quốc gia dân chủ tại Á châu“
Vào cuối tháng 6.2019 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Nhật Bản với mục đích thảo luận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về dự án lập một liên minh với các quốc gia dân chủ, nhằm chống lại bá quyền Trung Cộng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sáng kiến này trước đây đã được Abe trình bày trong diễn văn đọc trước Quốc hội Ấn vào năm 2007. Theo đó, Nhật, Ấn, Úc và một số quôc gia dân chủ khác sẽ cùng liên kết đối đầu Trung Cộng, một bá quyền trỗi dậy đang đe dọa sự ổn định tại Á châu và thế giới.
Nay Pháp, quốc gia thành viên EU đầu tiên muốn tham gia sáng kiến của Thủ tướng Abe. Tổng thống Macron tuyên bố Pháp-Nhật hợp tác nhằm lập một liên minh tranh đấu cho một khu vực phi bá quyền và phi nguyên tử. Ngân sách quốc phòng ba quốc gia Pháp, Nhật và Ấn hợp chung là 177 tỷ USD, trong khi Trung Cộng chi 250 tỷ USD cho quân sự. TQ hiện có 450 đầu đạn hạt nhân: 150 đầu đạn hạt nhân chiến lược, 150 bom hạt nhân, và 150 đầu đạn pháo hạt nhân.
Thủ tướng Abe đang nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, cho phép Nhật trong tương lai tham gia hỗ trợ quân sự cho các quốc gia đồng minh. Chẳng hạn, trong trường hợp Trung Cộng lấn vào một quần đảo của Pháp ở Thái Bình Dương, Nhật có thể can dự mà không bị kết án vi hiến. Dominique Moisi, nguyên giáo sư Harvard, chuyên gia đối ngoại Pháp so sánh sáng kiến Abe và Macron với một liên minh của ba nước Phổ, Áo và Anh đã liên kết chống lại Đế quốc hùng mạnh Napoleon trong thế kỷ 18 và đã thành công. Ông giải thích thêm, lý do hình thành Liên minh Nhật, Ấn, Úc và Pháp là thực tại thế giới mới đang ở vào thời điểm, Trung Cộng đã là mối đe dọa lớn và không ai còn tin tưởng vào Hoa Kỳ nữa.
Trong tương lai, Âu châu sẽ là một tác nhân toàn cầu (global player) như Mỹ, Trung và Nga và hơn bao giờ hết EU không muốn duy trì vị thế bánh mì kẹp Sandwich (Sandwich position) phụ thuộc vào mối tương quan quyền lợi giữa hai siêu cường Mỹ-Trung.
QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)
Bối cảnh toàn cầu phức tạp thúc đẩy EU mở rộng quan hệ và tìm kiếm thỏa thuận thương mại với mọi quốc gia, đặc biệt với các nước thành viên ASEAN. Hiện tại bang giao Việt Nam-EU cũng đã có nhiều cải thiện và đang phát triển. Trong thời gian tới Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Việt Nam chuẩn bị đảm nhận vị trí chủ tịch của khối ASEAN.
Các mốc lớn trong quan hệ Việt Nam – EU
1990: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
1995: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu ký Hiệp định Khung Hợp tác Việt Nam – EC.
1996: Ủy ban châu Âu thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại Việt Nam.
2003: Việt Nam và EU chính thức tiến hành đối thoại nhân quyền.
2004: Hội nghị cấp cao Việt Nam – EU lần đầu tiên tại Hà Nội.
2012: Ký chính thức PCA Việt Nam – EU và khởi động đàm phán EVFTA.
2015: Ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán EVFTA.
Thương mại
Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU. EU là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2018 là 47.286 tỷ USD trong đó xuất khẩu là 35,522 tỷ USD, nhập khẩu là 11,764 tỷ USD.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
Bốn năm sau khi các cuộc đàm phán kết thúc (2015), Việt nam và Liên minh EU cuối cùng đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận bảo hộ đầu tư vào ngày 30 tháng 6 tại Hà Nội. Các thỏa thuận này có ý nghĩa không chỉ đối với mối quan hệ của Việt Nam với châu Âu, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và khu vực ĐNA. Mục tiêu dài hạn của EU là can dự mờ rộng ảnh hưởng ở Á châu.
Theo sau Singapore và Việt Nam, nước kế tiệp EU ký kết là Indonesia. EVFTA là Hiệp định thương mại quan trọng là giữa Việt Nam với EU . Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam khi hàng hoá luôn xuất siêu vào thị trường này.
Theo cam kết trong EVFTA, trong vòng 7 năm, EU sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 10 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ trên 99% số dòng thuế đối với nhập khẩu từ EU. Đối với thương mại dịch vụ và đầu tư, EU cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Khả năng EVFTA được phê chuẩn?
Trong quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm, Hiệp định EVFTA đã gây nhiều tranh cãi giữa các chính đảng trong EP. Những nghị sĩ ủng hộ cho rằng, EU nên nhượng bộ thương mại để khuyến khích Việt Nam nỗ lực bảo vệ môi sinh và tôn trọng nhân quyền. Ngược lại, phe chống đối lo ngại tính khả thi trong trường hợp thoả thuận với Cộng sản Việt Nam.
Nội dung EV-FTA cho thấy, hiệp định không thuần túy là thỏa ước thương mại mà còn đính kèm các điều kiện nhân quyền mà cả hai bên đều phải tuân thủ. EU ký kết các thỏa thuận thương mại không chỉ đơn giản nhằm tăng lợi ích kinh tế mà còn sử dụng như một công cụ quảng bá các giá trị tự do, dân chủ, công lý, pháp trị và nhân quyền.
Trong 8 phiên họp Đối thoại nhân quyền giữa Việt nam và EU, EU luôn nhấn mạnh vào sự cần thiết đạt được tiến bộ quan trọng trong các quyền về chính trị và dân sự. EU đã phê bình các vụ giam giữ và kết án, cũng như những hạn chế quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền. EU đòi hỏi tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng cần phải được trả tự do. Ngoài ra EU đề cao vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Trong năm qua, nhiều Nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính quyền Việt Nam phải thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi EVFTA có thể được phê chuẩn.
Trong quá khứ Hiệp định EVFTA dự kiến phê chuẩn vào năm 2018, đã bị Liên minh EU hoãn lại vì chế độ Hà nội vi phạm luật quốc tế qua việc mật vụ Việt Nam bắt cóc trắng trợn một viên chức Việt nam xin tị nạn tại Đức hồi mùa hè 2017 củng như tình trạng nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Việt Nam. Vụ bắt cóc dẫn đến khủng hoảng bang giao Việt-Đức. Chính quyền Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội.
Lần này trước tình hình mới Hiệp định sẽ được đưa ra Nghị viện Âu châu phê chuẩn vào cuối năm nay hoặc sang năm 2020. Nếu được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, EV-FTA sẽ tạo ra những chuyển biến lớn về kinh tế, đồng thời sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
BBC: “Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 24/09, Tổng thống Donald Trump đã công kích Trung Quốc ‘ăn cắp, thủ đoạn’ và nói về dân chủ tự do của Hong Kong.
Theo tổng thống Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới mà vẫn nhận quy chế “quốc gia đang phát
triển” là không công bằng. Ông gọi đó là cách Trung Quốc lợi dụng hệ thống quốc tế”.
Người Đức đang phẫn nộ vì các đảng đối lập khui ra: Từ 2013 đến nay, nước Đức đã bơm cho Trung Quốc, một “quốc gia đang phát triển”, số tiền “viện trợ kinh tế” là 630 triệu €.
Nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, ăn cắp được công nghệ tiên tiến nhất thế giới, nhiều thứ hơn Đức – đang cười vào mũi người Đức. Trò đùa này phải được chấm dứt.
Nay có lẽ là lúc EU muốn sửa chữa sai lầm.