27-9-2019
Jacques Chirac vừa từ trần, hưởng thọ 86 tuổi, sau 5 năm Alzheimer. Sống ngoài nước Pháp, có thể cái tên Chirac xa lạ đối với bạn, nhưng Chirac là người đánh dấu chính trường Pháp những thập niên gần đây.
Hầu hết người Pháp, từ tả sang hữu, đều nhớ tiếc, và nhớ ơn Chirac, người đã từ chối tham dự cuộc chiến tranh chống Irak, tránh cho nước Pháp một cuộc chiến tranh đẫm máu.
Nước Pháp tham chiến với Hoa Kỳ tại Afghanistan, nhưng Chiac dứt khoát nói “NON” khi George Bush tuyên chiến với Irak năm 2003.
Trái với các đồng minh của Mỹ thời đó, Chirac nghĩ chiến tranh không phải là giải pháp, sẽ làm đảo lộn trật tự ở Trung Đông, mở đường cho hỗn loạn và tạo cơ hội cho các tổ chức hồi giáo cực đoan, đe doạ an ninh thế giới. Theo Chirac, nếu Tây Phương mang chiến tranh sang Trung Đông, người Ả Rạp sẽ mang khủng bố tới các nước Tây Phương.
Dân biểu, thị trưởng Paris, thủ tướng, trước khi trở thành tổng thống (từ 1995 tới 2007), Chirac là một khuôn mặt chính trị quen th, như một người trong gia đình của nhiều thế hệ.
Mitterrand nói: “Tôi là Tổng thống lớn cuối cùng của nước Pháp. Sau tôi, sẽ chỉ còn những nhà kinh tài, những kế toán viên”.
Mitterrand lầm, người kế vị Mitterrand, Jacques Chirac, không phải là một kế toán viên, nhưng một chính trị gia có khả năng quyết định, có can đảm lựa chọn khi cần.
MÂU THUẪN
Chirac là một nhân vật phức tạp, đầy mâu thuẫn. Là lãnh đạo phe hữu, ông ra luật cho phép phá thai, khi dư luận vẫn còn e dè. Là người sẵn sàng dùng thủ đoạn, kể cả phản bội đàn anh như Chaban Delmas, Giscard để nắm quyền, Chirac là người thực sự nhân bản. Có 2 Chirac, một chính trị gia không nương tay, bên cạnh một người chí tình trong đời tư. Sau này, chính Chirac cũng bị những người thân phản bội trong chính trường, hết Balladur tới Sarkozy.
Chirac nói về Mitterrand, tổng thống phe tả: Sức mạnh của Mitterrand là ông ta có bạn ở mỗi làng xóm trên toàn nước Pháp. Đó cũng là sức mạnh của Chirac, ông có bạn khắp nơi, kể cả những người thuộc phe đối lập, từ tả sang hữu. Chirac sẵn sàng đứng nhậu cả buổi trong quán cafe với một người vô danh tiểu tốt.
Chirac là một ông tổng thống, giữa hai buổi tiếp tân, gọi điện thoại hỏi thăm cô thư ký có con đau, nằm bệnh viện. Hay chúc mừng sinh nhật một thầy giáo làng, một chủ tiệm bánh mì quen từ nhỏ
Là cựu tổng thống đầu tiên bị đưa ra toà và bị kết án về tội “emploi fictif” (trả lương cho vài đảng viên bằng ngân sách công) khi làm thị trưởng Paris, ông biết đặt quyền lợi chung trên tính toán cá nhân. Chirac cương quyết từ chối cộng tác với đảng cực hữu, coi tất cả những gì cực đoan là nọc độc tiêu huỷ xã hội, trong khi chung quanh ông, rất nhiều người muốn thương lượng để giữ ghế.
Là người xuềnh xoàng, bất chấp lễ nghi, thích nói tục, cư xử như một người bình dân, Chirac có trình độ văn hoá cao, đặc biệt lá văn hoá Á Châu, thuộc lòng thơ Đường, thơ Hai ku, đam mê sumo và tất cả những gì liên hệ tới văn hoá nghệ thuật Nhật Bản. Nhưng đó là khu vườn riêng, Chirac không bao giờ đề cập tới nơi công cộng. Chirac không muốn khoe mình có văn hoá. Có người nói Chirac lấy bìa báo Playboy che cuốn thơ Đường hay triết Đông đang đọc.
Một người bạn nói: Được Chirac mời ăn cơm, rất thú, vì ông ta thân tình và rất tếu, nhưng rất khổ sau bữa ăn phải uống bia, coi video các trận đấu sumo tới nửa đêm.
Đứng đầu một đảng hữu phái, thay vì có tinh thần dân tộc hẹp hòi, Chirac thù ghét chuyện kỳ thị (có con gái nuôi là một Boat People Việt Nam), Chirac là Tổng thống đầu tiên nhìn nhận lỗi lầm của Pháp đối với dân Do Thái.
Say mê nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc Á, Phi, Úc Châu, Nam Mỹ ông thành lập một bảo tàng viện về “Art Premier” (nghệ thuật có trước nghệ thuật Tây Phương hiện đại): Bảo tàng viện Jacques Chirac, Quai Branly, trên bờ sông Seine, Paris. Theo ông, không có thứ bậc trên dưới trong nghệ thuật thế giới.
Là người có óc thực tiễn, nhưng Chirac cũng là chính trị gia đầu tiên để ý tới vấn đề mội trường. Bài diễn văn cách đây 17 tại một hội nghị quốc tế ở Nam Phi của Chirac bắt đầu bằng một câu lịch sử: ”Thế giới đang cháy, nhựng chúng ta quay mặt nhìn nơi khác”.
Tóm lại, Chirac là tổng hợp đủ mọi mâu thuẫn. Không phải là một ông thánh, không phải là một Tổng thống không tì vết và trong 12 năm tổng thống, Chirac bị chống đối nhiều, như tất cả những người cầm quyền ở Pháp, nhưng mọi người nhìn nhận ông thực sự nhân bản, yêu đời, yêu người. Có lẽ chính vì vậy, mỗi người Pháp tìm thấy mình nơi Chirac, và xúc động nghe tin cựu Tổng thống từ trần. Như nghe tin một người thân ra đi. Khắp nơi, người ta xếp hàng dài ở những nơi đặt sổ vàng tiễn đưa Jacques Chirac.
Một bài viết hay – cảm ơn Tác giả Từ Thức
Xin Vĩnh biệt ChiChi – xin Từ biệt ChiChi *
**********************************************
Vĩnh biệt Từ biệt ChiChi
Thủ đô Paris buồn vì tiếc thương
Tháp Eiffel tắt bất thường
Như lời Tạm biệt Nến hương tiễn Người
Chính khách Danh nhân xa rồi
Paris Phố nhỏ lệ Người Ba Lê
Tình Nhân loại yêu đam mê
Văn minh Trung-Nhật cạnh kề Phi châu
Vĩ nhân giữa dâu bể dâu
Xuyên hai Thế kỷ sắc mầu Chiến chinh
Tài hoa hùng biện đa tình
Định mệnh Nước Pháp một mình đảm đang
ChiChi quyến rũ bao Nàng
Chàng vẫn chung thủy nghênh ngang giữa đời
Viễn kiến Tầm nhìn xa xôi
Trái đất Mẹ đang cháy sao ngồi lặng yên ?
Anh hùng Anh tài Anh hiền
Chính khách lỗi lạc Lão Tiên đường trần
Bắt tay cười vui tiếp tân
Từ phu quét đường ân cần thật chân
Đến Nguyên thủ hay Vĩ nhân
Tổng thống cánh Hữu rất gần Tả thiên
Anh hùng + Anh tài + Anh hiền
ChiChi Tổng thống Pháp Thiên tài gần Dân
Lưu vong lưu đày giữ thân
Tôi người tị nạn ân cần quý Ông
Tiếng cười Nụ hôn thắm nồng
ChiChi tắm giữa đám đông fan cuồng
Đại bàng giữa đàn chim muông
Giờ về Thiên đỉnh Thiên đường Bồng lai
ChiChi thắc chỉ hình hài
Tinh anh quyện vào Pháp Sử Mai sau
Vĩ nhân giữa cuộc bể dâu
Chính khách lỗi lạc chẳng cầu lợi danh
Vĩnh biệt ChiChi sao đành ?
ChiChi tạm biệt Xuân xanh nhất thời !
Anh hiền + Anh tài + Anh hùng ơi !
Danh nhân thân phận Kiếp người
Pháp sử Thế sử một Lời Tri ân .. ..
TỶ LƯƠNG DÂN
* ChiChi tiếng thân thương gọi Tổng thống Pháp Jacques CHIRAC (CHIchi)
“Đứng đầu một đảng hữu phái, thay vì có tinh thần dân tộc hẹp hòi, Chirac thù ghét chuyện kỳ thị (có con gái nuôi là một Boat People Việt Nam)”
==
Tác giả có vẻ ngại chuyện “nhạy cảm” nên không dám viết rõ bằng tiếng Việt việc con gái nuôi của TT Chirac là một người tị nạn Việt cộng năm 1979 có tên Việt là Dương Anh Đào sinh 1958.
Lúc đó ông Chirac 47 tuổi, còn là thị trưởng của Paris. Khi thấy cô gái tị nạn bơ vơ, đứng khóc sướt mướt ở phi trường Roissy, ông cảm thương và nói với Anh Đào “Đừng khóc nữa, cô gái thân yêu, hôm nay cháu sẽ về nhà chúng tôi”.
Từ đó, Anh đào trở thành con gái thứ ba trong gia đình của người sẽ trở thành quyền lực nhất nước Pháp một thời. Cô chính là người đứng ra bênh vực quyết liệt cho người cha ân nhân của mình trong những giờ phút ông bị đối thủ chính trị bủa vây tứ phía vào năm 2005.
Hẳn Chirac không ân hận đã cưu mang một thuyền nhân tị nạn người Việt trong lúc khốn khổ buồn lo nhất của cuộc đời, người đã liều mạng ra đi tìm tự do bất chấp mọi nguy hiểm kể cả cái chết. Và cô đã trả ơn ông thật xứng đáng vào thời điểm ông cần thiên hạ hiểu mình nhất!
https://www.thetimes.co.uk/article/troubled-chiracs-adopted-daughter-rides-to-his-rescue-q65qf6hsj3h