26-9-2019
Hôm nay tiếp tục phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại VN Pharma tiếp tục phần xét hỏi.
Trong diễn biến mấy ngày qua về vụ VN Pharma, tôi chú ý nhất phần căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc được cơ quan điều tra cho rằng đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho VN Pharma. Từ sai phạm trong việc cấp phép dẫn đến VN Pharma nhập thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.
Toà đã xét hỏi ý kiến cá nhân các thành viên của Tổ Thẩm định và ông Phan Công Chiến (Phó Phòng Quản lý kinh doanh dược), một thành viên trong Tổ Thẩm định trình bày trước hội đồng xét xử rằng trong quyết định thành lập Tổ Thẩm định thì ông nằm trong nhóm pháp lý. Ông Chiến nói rằng theo sự hiểu biết chuyên môn của ông, hồ sơ cấp phép H-Capita gồm 6 danh mục tài liệu: Đơn hàng nhập khẩu, FSC, GMP, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm, mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng. Ông Chiến cho rằng với vai trò của nhóm pháp lý, ông đã thực hiện đúng và đủ theo quy chế của Tổ Thẩm định.
Thật ra ông ấy nói thiếu. Thiếu phần tiền mà tổ thẩm định được chi: 100.000/người/hồ sơ. Với số tiền ấy thì việc thẩm định kiểu lên website xem con dấu qua hình ảnh như vụ thuốc Helth2000 là không lạ. Chất xám đã được trả quá bèo cũng như các chi phí thẩm định khác mà tôi biết về “khung nhà nước” cũng chỉ thấp tương ứng như thế. Ví dụ dễ hiểu là trên thị trường, giá đất giao dịch khác xa giá nhà nước.
VN Pharma qua mặt quy trình nhà nước hay quy trình nhà nước có vấn đề? Tôi cho rằng cả hai! Ví dụ chi phí thẩm định 100.000/người/hồ sơ được đề xuất tăng lên nhưng Bộ Tài chính chưa duyệt. Hiện nay tại Cục dược, hiện tượng ùn ứ hồ sơ đã xảy ra do giờ ai cũng sợ mình thành nạn nhân bởi quy trình thẩm định, nhất là thẩm định hồ sơ nhập thuốc hay dược liệu nước ngoài.
Đó cũng là trách nhiệm nhà nước!
Xử vụ VN Pharma dĩ nhiên phải xử. Nhưng những bất cập của các quy định nhà nước tại Cục Dược và Bộ Y tế lẫn mối liên quan phối hợp các bộ ngành cũng cần được mổ xẻ tới nơi tới chốn để thay đổi tốt lên. Nhìn rộng ra, cả thể chế chứa đựng nhiều bất cập kiểu luật đuổi theo đời sống; cũng cần được mổ xẻ tới nơi tới chốn để thay đổi tốt lên.
Quốc hội, Chính phủ hay Đảng cầm quyền đều nói do dân, vì dân và tuyên bố nhân dân có quyền giám sát, góp ý. Nhưng các quy định bất cập như vậy đã bao giờ thực sự mang tính giám sát, góp ý sâu rộng từ nhân dân?
Ví dụ gần nhất là 9 người trốn lại Hàn Quốc sau chuyến chuyên cơ ngoại giao của bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Quốc hội, chỉ được biết khi báo Hàn đưa tin. Nếu không có những kênh thông tin khách quan thì có lẽ sự việc đã “chìm xuồng”. Nghĩa là tính minh bạch bị triệt tiêu.
Cũng là trách nhiệm của những người đang làm việc trong bộ máy vận hành bằng thuế dân; mà đường sắt Cát Linh được thực hiện kiểu biết lỗ vẫn làm. Rồi đè nợ công oằn vai nhân dân mà nhân dân nào hay biết cho đến khi hậu quả quá lớn.
Minh bạch làm sao đây khi cả hệ thống độc quyền quyền lực tự quyết với nhau và bỏ rơi nhân dân. Và những người trong hệ thống ấy không chịu trách nhiệm nào ư?
Thật phi lý quá sức!