Có những thứ thật ra cũng không quan trọng gì

Khải Đơn

26-9-2019

Hồi đó mình còn nhỏ, ở xóm có một lô đất chưa ai xây nhà. Gần đó là một tiệm bán bún. Hồi ấy phí thu gom rác hàng tháng là 7.000 đồng/gia đình. Bà bán bún không thích trả tiền rác. Giải pháp của bà là hôm nào bán hàng xong, đêm xuống bà lại đem tất cả giấy chùi miệng, xương giò heo… đổ tất tần tật lên mảnh đất trống ấy.

Không ai nói gì cả. Mảnh đất chẳng phải nhà họ (nhà chúng tôi). Quan trọng gì. Rác ở đó cũng chẳng liên can nhà mình.

Mùa hè năm đó, cả xóm con nít bệnh sốt xuất huyết hết, thay nhau đi bệnh viện, có đứa phải cấp cứu vì ba má tưởng sốt nhẹ. Sau đó họp tổ dân phố, chú nhân viên bên y tế dự phòng nói gần khu dân cư nhiều cỏ, vũng nước đọng dơ quá, nên muỗi tha hồ đẻ. Cuối tuần khu phố có ai đi dọn không? – Cực kỳ miễn cưỡng (vì nghe nói con bệnh vì muỗi), mọi người mới ậm ừ gật đầu đi dọn.

Xới sạch cỏ dại, vũng nước, cuối cùng tới lô đất bỏ hoang kia. Mọi người mới bắt đầu vạt cỏ, dọn dẹp. Bao nhiêu là tô chén bể ở đó nằm dưới lùm cỏ đều đầy lăng quăng. Bao nhiêu nồi nước lèo của bà bán bún đã hoá thành vũng lầy nhầy khăn giấy và mùi hôi thối. Đập vỡ hết đống chén vỡ ra mảnh thật nhỏ, cắt sạch cỏ, lấp đống nước và nhờ nhân viên y tế dự phòng xịt thuốc xong, có lẽ trong đầu từng người ở xóm mới lờ mờ nhận ra một bà bán bún không đóng tiền đổ rác và khu đất hoang hoá ra là hai chuyện cực kỳ liên quan đến sự an toàn của môi trường sống: Ở đây là bọn trẻ con cả xóm đã đi bệnh viện vì sốt xuất huyết.

Có những thứ thật ra cũng không quan trọng gì…

Như việc bạn tiếc 70.000 đồng hay 100.000 đồng tiền rác rồi bạn chạy ra đường quăng túi rác giữa phố hay giữa kênh Nhiêu Lộc.

Như việc ta nhắm mắt lờ đi cái xưởng sản xuất trong xóm đêm nào cũng thải khói đen hôi mù cả thị trấn.

Như việc ta chặc lưỡi ờ thôi người ta bán cà phê xài ly nhựa kệ người ta đi.

Như việc bạn nhất định muốn con motor của mình tiếng phải to nhất xóm, khói phải thơm lừng trắng bạc mỗi khi tăng tốc.

Xong tới một ngày, tất cả những thứ chẳng quan trọng và liên quan gì ấy lũ lượt kéo về, huỷ hoại cuộc sống của chính bạn – từng chút một. Huỷ hoại khí thở mỗi giây phút. Huỷ hoại hương thơm của ngày. Huỷ hoại cuộc sống của những loài vô tội khác quanh mình. Huỷ hoại mình.

Bạn có thể vẫn tặc lưỡi nói rằng khí độc là tại nhà máy, tại cháy rừng bên Indo, tại thiên hạ xài xe máy nhiều quá, tại dân mình thiếu ý thức trong sản xuất quá…

Và bạn vẫn tưởng mình hoàn toàn vô can trong sự bệnh tật hồn nhiên ấy, như đàn loăng quăng trong những cái bát vỡ hồi bé tôi từng thấy.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây