Tọa đàm kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ lên ngôi

Hoàng Hưng

25-9-2019

Toạ đàm 28/9 tại l’Espace Hà Nội: Kỷ niệm 100 năm Chữ Quốc ngữ lên ngôi trên phạm vi toàn quốc

Ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử nho học. Năm 1919 khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức. Từ đó mặc nhiên chữ Quốc ngữ lên ngôi trên phạm vi toàn quốc.

Chúng ta kỷ niệm 100 năm sự kiện lịch sử ấy là để tôn vinh chữ Quốc ngữ vì những đóng góp lớn lao của nó cho sự phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học và kinh tế chính trị của đất nước từ TK 20. Buổi hôm nay là mở đầu, từ nay đến cuối năm sẽ có những buổi khác ở Đà Nẵng, TPHCM, và trong tuần lễ Văn hoá VN lần thứ nhất ở Portugal tháng 10 này, PGS TS Hoàng Dũng cũng sẽ nói về đề tài này.

Nói đến lịch sử chữ Quốc ngữ, tất nhiên ta không thể quên ơn những người đầu tiên có công tạo tác và xây đắp nó.

Tưởng cũng nên nhắc lại quá trình ghi ơn các vị tiên khu (trong thời gian sau 1975).

Báo Công giáo & Dân tộc (TPHCM) đặt ra vấn đề khôi phục danh dự của Cụ Alexandre de Rhodes, nhưng rơi vào im lặng. Năm 1993, báo Lao Động Chủ nhật đã khởi lên vấn đề trên công luận chính thống, Ban Bí thư yêu cầu chúng tôi cung cấp toàn bộ tư liệu về A. de Rhodes (chúng tôi đã được báo CG & DT cung cấp toàn bộ), sau đó có hội thảo khoa học của Hội Nghiên cứu lịch sử và đi đến hồi phục tên phố ở Sài Gòn và bia tưởng niệm ở Hà Nội.

Năm 2018, hai nhà báo (Hoàng Hưng và Lưu Trọng Văn), có sự hỗ trợ của một doanh nhân ở Vũng Tàu và Hội Hữu nghị Bồ – Việt ở Bồ Đào Nha, sang thuyết trình về đóng góp của Cụ Francisco de Pina tại Hội Địa lý Lisboa, gây sự chú ý của giới trí thức cũng như chính trị nước này về VN (cũng từ đó gây cảm hứng về Tuần Văn hoá VN năm nay). Đồng thời, GS Việt kiều Bỉ, Nguyễn Đăng Hưng, khởi ra việc lập bia tưởng niệm A. de Rhodes và dẫn một đoàn người VN đã sang Iran đặt bia tại mộ Cụ. Ông cũng khởi ra việc lập Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ tại đại học Đà Nẵng.

Dự án tôn tạo và xây dựng khu tưởng niệm những người có công đầu tiên với chữ Quốc ngữ cũng đang tiến hành ở Thanh Chiêm, Quảng Nam, nơi có 3 ngôi mộ các nhà truyền giáo trong đó có thể có mộ cụ Pina. Và cũng một nhóm Bồ-Việt đang có dự án lập bia tưởng niệm Francisco de Pina tại quê hương Cụ.

Xin cảm tạ Viện Pháp tại Việt Nam (IFV, tức l’Espace Hà Nội), với ông Viện trưởng mới nhậm chức Etienne Rolland-Piegue, giúp chúng ta kỷ niệm sự kiện lịch sử này một cách trang trọng. Chúng ta sẽ nghe 3 nhà ngữ học nói chuyện về đề tài chữ Quốc ngữ: GS TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, PGS TS Hoàng Dũng từ ĐH Sư phạm TPHCM và TS Phạm Thị Kiều Ly. Các vị sẽ thuyết trình trong 75 phút, sau đó sẽ có 45 phút trao đổi giữa thính chúng và các diễn giả.

1. TS ngôn ngữ học Phạm Thị Kiều Ly tốt nghiệp đại học Sorbonne Nouvelle – Paris 3. Cô đã bảo vệ luận án tiêu đề “Lịch sử ngữ pháp hóa tiếng Việt (1615-1919): Lịch sử ngữ pháp và chữ viết latin của tiếng Việt” vào tháng 11 năm 2018. Cô đã tham gia dự án nghiên cứu “Tư liệu các văn bản ngôn ngữ căn bản” (Đại học sư phạm Lyon, Viện nghiên cứu HTL, Viện ATIFL) cùng nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu “Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ” cô phụ trách mảng ngữ pháp tiếng Việt.

TS Phạm Thị Kiều Ly trình bày về Quá trình Latinh hóa tiếng Việt từ 1615 đến 1651.

Mốc khởi đầu cho thời kỳ này gắn với việc các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong năm 1615; mốc cuối (1651) gắn với việc Alexandre de Rhodes xuất bản cuốn từ điển đầu tiên Việt-Bồ-La năm 1651. Đó là một quá trình khám phá tiếng Việt và tìm phương pháp ghi âm; hình thành chữ tiền Quốc ngữ: ghi thanh điệu tiếng Việt; lựa chọn và tạo ra các con chữ để ghi đầy đủ hệ thống âm chính; hoàn thành một bản từ vựng; phổ biến lối viết này trong các trường đào tạo thầy giảng và truyền lại cho thế hệ thừa sai sắp đến truyền giáo.

2. PGS TS Hoàng Dũng là giảng viên Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP HCM. Là tác giả của hơn 50 công trình công bố trong và ngoài nước. Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Á Phi, Đại học Hamburg.

PGS TS Hoàng Dũng nói về Giá trị ngôn ngữ học và văn hóa của các công trình dòng Tên: từ Từ điển Việt Bồ La đứng tên Alexandre de Rhodes nhưng chính ông thừa nhận đã “sử dụng công khó” của những người đi trước: Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral và António Barbosa; đến Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh.

Nếu Từ điển Việt Bồ La là góc nhìn của người châu Âu về Việt Nam thì Sách sổ sang chép các việc là góc nhìn của người Việt Nam về châu Âu. Xem xét hai tác phẩm trong mối liên hệ đó sẽ giúp phát lộ những điểm thú vị về lịch sử tiếng Việt, chữ Việt và về sự tiếp xúc giữa hai nền văn hóa.

3. GS Nguyễn Văn Hiệp hiện là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, là tác giả của gần 70 công trình khoa học công bố trong và ngoài nước, là tác giả (viết chung và viết riêng) của 7 giáo trình và chuyên khảo, dịch giả của một số công trình ngôn ngữ học tử tiếng Anh và tiếng Pháp ra tiếng Việt.

GS Nguyễn Văn Hiệp trình bày về Những dự án cải cách chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Điểm thú vị là cuối cùng, không một dự án nào được thực hiện.

Quan điểm của báo cáo là: Chữ Quốc ngữ chứa những giá trị lịch sử, văn hóa: Bất kì chữ viết nào cũng có quá trình lâu dài, tính từ lúc được xây dựng, phát triển và truyền bá, và đến một lúc nào đó, đã trở thành một giá trị lịch sử, một truyền thống văn hóa. Thật vô lí nếu chỉ phán xét chữ viết theo chức năng ghi âm và từ đó đề nghị những cải tiến đủ loại. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, cần hướng đến xây dựng chuẩn chính tả cho chữ Quốc ngữ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. On the net:

    Tờ nhật báo “Tiếng Dội” số 462, năm thứ 3, 1951, Âm lịch 22 tháng Bảy năm Tân Mão, giá bán 1 đồng, của Chủ nhiệm Trần Chí Thành tự Trần Tấn Quốc, Tòa soạn, Quản lý 216 đường Gia Long Sài Gòn, có bài mang tựa đề “Việt Minh vận động cho Việt Nam làm chư hầu Trung Quốc”, cho in nguyên văn một tờ truyền đơn do Trường Chinh ký như sau:

    “ỦY BAN HÀNH CHÍNH KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
    NĂM THỨ VII
    TỔNG THƯ KÝ ĐẢNG LAO ĐỘNG VN
    SỐ: 284/LĐ ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC

    Hỡi đồng bào thân mến!

    Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào!

    Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế?

    Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối Âu Tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc.

    Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không? Còn nói gì đến y khoa của Âu Mỹ: Chúng chỉ cắt, đục, khoét, nạo! Có thế thôi!

    Hỡi đồng bào yêu mến! Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn Đế quốc phương Tây đem qua xứ ta!

    Ta hãy bỏ nhà bảo sanh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng, ta hãy dùng thuốc dán của ông cha ta để lại và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp cả hoàn cầu!!!!

    Ta hãy trở về phương pháp này, trước nữa để ủng hộ các bạn Trung Hoa, sau nữa để loại ra khỏi nước Việt yêu mến của ta bao nhiêu những đồ nhập cảng thực dân như là khoa học, phát minh v.v…

    Ta hãy quét sạch lũ “trí thức” đã xuất thân ở các trường Âu Mỹ, đế quốc và thực dân!

    Chúc “Tổng phản công” và “Thi hành mọi phương pháp bài trừ thực dân”.

    Trường Chinh
    Tổng thư ký đảng Lao Động”

  2. Hãy vinh danh nhị vị tiến sĩ, giáo sư Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại vì đã có công mang cách dạy vuông vuông, méo méo, tròn tròn trong “công nghệ” của Nga và sự …rất ư là cuk cak của tiếng Trung vào ……tiêq Việt!

Comments are closed.