17-9-2019
Tiếp theo Kỳ 1: Bao nhiêu biệt động còn sống?
Diễn biến trận đánh theo tư liệu từ phía VN cho thấy sự khác biệt lớn với nguồn của Mỹ. Nguồn phía VN được tham khảo là sách Biệt động Sài Gòn của ông Tư Chu và một cuốn sách gần đây ra đời kỷ niệm 50 năm Mậu Thân của Hà Minh Hồng – Trần Nam Tiến.
Theo đó, khác biệt lớn nhất là ở 2 điểm sau. Theo nguồn VN:
1. Đội biệt động chiếm được tòa nhà chính, ít nhất là tầng trệt và lầu 1.
2. Số thương vong của phía Mỹ rất cao. Cụ thể, theo nguồn “khiêm tốn” nhất và mới nhất của HMH – TNT: 5 lính Mỹ chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện, và 124 bị thương.
Dễ thấy các thông tin đó là trung thành với một câu chuyện gốc được đăng đi đăng lại từ rất lâu ở VN. Rất tiếc là thông tin về diễn biến trận đánh ngày nay đã dễ dàng kiểm chứng được, chứ không như cách đây hai hay ba chục năm trước.
Trong thực tế, đội biệt động do Ba Đen chỉ huy đã nổ bộc phá đột nhập vào bên trong hàng rào của Đại sứ quán Mỹ. Nhưng đây chỉ là khuôn viên. Trong suốt trận đánh, họ hoàn toàn không vào được tòa nhà chính mà Mỹ gọi là Chancery. Nếu biết số lính Mỹ thực sự bảo vệ ĐSQ Mỹ bên trong hàng rào, có lẽ ta sẽ khá bất ngờ.
Cần biết trước Tết Mỹ đã đồng ý nhường lại trách nhiệm phòng thủ Sài Gòn cho VNCH. Chỉ một ít lính Mỹ đóng quanh các tòa nhà, trụ sở của Mỹ. Cụ thể Tòa Đại sứ Mỹ lúc đó vừa dời từ Hàm Nghi về khu nhà mới xây ngay góc Mạc Đĩnh Chi và Thống Nhất (Lê Duẩn hiện nay). Trách nhiệm phòng thủ phía ngoài ĐSQ là của cảnh sát quốc gia VNCH đóng ở 3-4 bót chung quanh. Bên trong hàng rào, có 2 quân cảnh thuộc tiểu đoàn 716 Quân Cảnh Mỹ đóng ở bót gác cạnh cửa hông bên phía đường MĐC. Bên trong tòa nhà Chancery có 2 thủy quân lục chiến chốt ngay sau cửa chính. Trên sân thượng có thêm 1 thủy quân lục chiến. Số đông thủy quân lục chiến bảo vệ TĐS đóng ở một tòa nhà gọi là Marine House cách đó một vài khu phố. Như vậy, toàn bộ lực lượng bảo vệ của Mỹ đóng trong ĐSQ chỉ là 5 người. Đương nhiên có một số nhân viên ĐSQ cả Mỹ lẫn Việt còn ở trong tòa nhà Chancery vào đêm đó, nhưng họ là dân sự.
Nguồn VN ( sách HMH – TNT) cho biết có 17 biệt động bao gồm Ba Đen, trong khi theo O’Brien có thể có đến 19 biệt động, bao gồm một số lái xe của ĐSQ nằm vùng. Với nhân sự vượt trội, đội biệt động của Ba Đen đáng lẽ ra đã dễ dàng chiếm được toàn bộ tòa nhà Chancery.
Điểm quyết định trận chiến xảy ra sau khi bộc phá nổ tung một lỗ hàng rào gần góc TN – MĐC. 2 biệt động chui vào đầu tiên đã bị 2 quân cảnh ở bót gần cửa hông bắn hạ. 2 quân cảnh ngay sau đó bị bắn từ phía sau bởi một lái xe nằm vùng của ĐSQ (vừa lái xe vào trước đó). Trong một phút vài phút đầu tiên, có 4 người từ cả 2 phía bị loại ra khỏi vòng chiến. Và thật không may cho đội biệt động vì 2 người bị bắn hạ chính là 2 chỉ huy (ngoài Ba Đen). Chính vì lý do này, những biệt động còn lại thiếu lãnh đạo, tự phát chiến đấu. Tất cả diễn biến trong vài phút đầu tiên mang tính quyết định này đã được tư liệu Mỹ kiểm chứng qua hỏi cung 3 tù binh biệt động bị bắt sau đó.
Ngay sau khi nghe tiếng nổ, một thủy quân lục chiến đã khóa chốt cánh cửa chính tòa nhà Chancery từ bên trong. Một số biệt động dùng B-40 bắn vào nhưng không suy suyển. Nếu dùng chất nổ phá cửa, có thể họ đã vào được tòa nhà, nhưng không hiểu sao người chỉ huy còn lại lúc đó đã không dùng phương án này.
Ngay trong những phút đầu tiên, lính thủy quân lục chiến ở trên nóc tòa nhà Chancery dùng shotgun bắn xuống, nhưng kẹt đạn và sau đó tiếp tục dùng súng lục. Cần biết rằng cho đến thời điểm đó, toàn bộ thủy quân lục chiến bảo vệ bên trong ĐSQ vì lý do gì đó vẫn không được trang bị súng M-16.
Một thời gian ngắn sau, nhận được tín hiệu kêu cứu trên băng tần của Quân cảnh, 2 quân cảnh đang tuần tra gần đó chạy xe đến. Khi họ vừa xuống xe phía bên ngoài ĐSQ thì bị hỏa lực từ bên trong hàng rào bắn hạ.
Không lâu sau, nhận tin kêu cứu, đội thủy quân lục chiến từ Marine House chia 2 hướng tiến về ĐSQ. Một đội chiếm cứ các tòa nhà đối diện, dọc theo đường MĐC để bắn xuống khuôn viên ĐSQ, nơi những biệt động VC đang núp sau các bồn hoa. Họ không vào được tòa nhà chính nên bị kẹt giữa khuôn viên, và sau đó dần dần bị thủy quân lục chiến bắn tỉa từng người một từ các lầu cao chung quanh.
Trận chiến kết thúc vào tầm 9h sáng. Toàn bộ phía Mỹ có 5 lính chết : 4 quân cảnh kể trên và thêm 1 thủy quân lục chiến trúng đạn ở ngoài ĐSQ. Ngoài ra không có ai chết ở quân y viện, khác xa các con số thổi phồng của nguồn VN. Toàn bộ đội biệt động bỏ mạng tại trận, trừ 3 người còn sống sót và sau đó bị bắt, hỏi cung như bài trước đã cho biết. Con số chính xác của đội biệt động tham gia vẫn không xác định được. Vì trong số xác người Việt tìm thấy ở ĐSQ hôm đó, có nhiều người mặc sơ mi trắng, đồng phục nhân viên ĐSQ. Có thể những người này là VC nằm vùng, hoặc bị lạc đan. Tuy nhiên, từ các nguồn, quân số đội biệt động có thể từ 17-20 người.
Người đọc bình thường sẽ nêu lên câu hỏi: Có thể phía Mỹ tạo hiện trường giả cho thấy VC không vào được bên trong tòa nhà Chancery?
Cần biết, vì lý do nào đó mà một nhân viên ĐSQ đã đánh tin cho cánh nhà báo biết về trận chiến từ rất sớm. Do đó, báo giới quốc tế đã có mặt trước ĐSQ từ khi trận chiến chưa kết thúc. Chính ở đây, một đài khá có tiếng của Mỹ hỏi một thủy quân lục chiến đang hoảng loạn bên ngoài tòa nhà. Anh này cho biết bị bắn từ trên các tầng cao của tòa nhà Chancery. Từ đó, đài này kết luận và loan tin VC đã chiếm được tòa nhà chính Chancery. Thực tế, một số phóng viên đã kiểm chứng tại hiện trường và thấy cánh cửa chính vẫn còn khóa nguyên. Không có dấu hiệu chứng minh VC đã vào được bên trong tòa nhà chính.
Như vậy, khi so thông tin giữa 2 phía, ta thấy: Biệt động không vào được tòa nhà chính ĐSQ Mỹ; và số thương vong của Mỹ chỉ là 5 người chết. Đội biệt động của Ba Đen chỉ chiếm được bãi cỏ. Tuy vậy, cũng nên đọc lại các bài báo kể về diễn biến trận này từ phía VN để nghiên cứu thêm về tính hư cấu của lịch sử.