Làm sao có thể… vắt tượng đài ra… nước?

Blog VOA

Trân Văn

17-9-2019

Hạn hán ở miền Trung Việt Nam đang đẩy hàng triệu người vào tình trạng khốn cùng vì thiếu cả nước ăn, uống lẫn sinh hoạt. Không chỉ có thế, theo sau thảm trạng ấy là đói.

Tin mới nhất là ở Phú Yên có khoảng 10.000 gia đình với 35.000 người đang quay quắt với chuyện không tìm ra nước để ăn, uống. Chẳng riêng ruộng, vườn mà rừng cũng chết khô rồi cháy. Khá nhiều huyện ở Phú Yên đã đề nghị hỗ trợ cứu đói. Trước mắt, số tiền cần hỗ trợ khẩn cấp để cứu đói là 13 tỉ đồng.

Chính quyền Phú Yên biện bạch, thảm trạng vừa kể là do trời không mưa đã nhiều tháng, trong vòng 140 năm vừa qua, Phú Yên chưa bao giờ bị hạn hán như năm nay (1).

***

Hạn hán ở Phú Yên nói riêng và khu vực phía Nam miền Trung nói chung không phải chuyện lạ. Học giới đã giải thích tại sao từ lâu và đã đưa ra nhiều khuyến cáo. Muốn biết cứ dùng goolge. Ví dụ có thể vào link đính kèm bài này, xem nghiên cứu của hai chuyên gia: Phạm Quốc Hưng – Cục Thủy lợi và Lê Đình Thành – Đại học Thủy lợi (2).

Sở dĩ kẻ viết bài chọn kết quả nghiên cứu của hai chuyên gia vừa kể làm ví dụ vì cả hai từng khảo sát về “Tài nguyên nước ở khu vực Nam Trung bộ” (các tình Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên) kèm cảnh báo về nguy cơ “sa mạc hóa” của khu vực này kèm một số khuyến cáo khá cụ thể.

Nhìn một cách tổng quát, vì nhiều lý do, hạn hán ở Phú Yên nói riêng và khu vực phía Nam miền Trung nói chung là tất yếu, sự khác biệt chỉ nằm ở mức độ và không phải là không có giải pháp để hóa giải những tác hại do bất lợi về điều kiện tự nhiên cũng như điều chỉnh các hoạt động kinh tế – xã hội để giảm thiểu thiệt hại.

***

Chính quyền Phú Yên nói riêng và chính quyền các tỉnh còn lại ở khu vực phía Nam miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, cao hơn là chính phủ Việt Nam có làm gì để ngăn chặn nguy cơ “sa mạc hóa” không? Câu trả lời là không! Hạn hán càng ngày càng trầm trọng đã có “thời tiết dị thường” do “biến đổi khí hậu toàn cầu” gánh… trách nhiệm!

Hãy hỏi dân chúng Phú Yên và hỏi cả dân chúng Ninh Thuận, Bình Thuận xem đến nay, chính quyền các tỉnh này và chính phủ Việt Nam đã đầu tư thêm bao nhiêu hồ tích nước cho mùa khô ? Đã soạn – lập – triển khai chương trình nào quản lý – sử dụng nước (nước mặt, nước ngầm, nước trong các hồ dành cho thủy điện và các hồ dành cho thủy lợi) như một thứ tài nguyên đặc biệt? Đã thực hiện bao nhiêu giải pháp thực sự hữu hiệu để tiết kiệm và sử dụng hữu hiệu nguồn nước hiện có?

Chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào cho những câu hỏi ấy vì không có nguồn lực nào, cả nhân lực, vật lực lẫn tài lực (tiền bạc), dành cho những vấn đề như vậy.

Giống như Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, các nguồn lực ở Phú Yên chỉ hướng vào những dự án, công trình vô bổ với dân chúng nhưng luôn luôn được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương cho rằng hết sức hữu ích nên thi nhau thực hiện.

Năm ngoái, sau khi chính quyền trung ương công nhận “địa điểm diễn ra cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Phú Yên” là “di tích lịch sử quốc gia”, chính quyền tỉnh Phú Yên và chính phủ Việt Nam đã chi 14,4 tỉ đồng xây dựng “Cụm Công viên – Tượng đài Kỷ niệm cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” (3).

Nếu 14,4 tỉ đồng ấy được dùng vào việc xây dựng hồ chứa nước cho huyện Tuy An – nơi thường xuyên gánh chịu đủ thứ hậu quả do hạn hán, có lẽ bây giờ, 17.000 dân cư ngụ cách “Cụm Công viên – Tượng đài Kỷ niệm cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” chỉ khoảng 20 cây số, không khốn khổ như vậy!

***

Hạn hán vốn không xa lạ với người Việt. Dạng thiên tai này chỉ khác trước ở chỗ diễn ra thường xuyên hơn, trên diện rộng hơn (ngoài khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán còn tàn phá đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long) và cả tính chất lẫn mức độ rõ ràng càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cho dù không thể loại trừ yếu tố thời tiết dị thường do biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng hạn hán sẽ không thể gieo rắc tai ương đến mức như đã thấy nếu Việt Nam được quản trị – điều hành tử tế hơn. Có thể dùng Israel (Do Thái) làm ví dụ minh họa cho hiệu quả quản trị – điều hành khi cả điều kiện tự nhiên lẫn thời tiết đều bất lợi.

Israel là quốc gia mà hoang mạc chiếm khoảng 70% diện tích lãnh thổ, chỉ có 2% bề mặt lãnh thổ là nước, mùa khô ở Israel kéo dài đến năm tháng, nhiệt độ trung bình trong mùa hè luôn ở mức cao nhất châu Á (khoảng 50 độ C)… Tuy nhiên cả công nghiệp lẫn nông nghiệp của Israel đều nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới (4).

Chẳng riêng thiên hạ mà hệ thống công quyền và nhiều người Việt cũng biết, Israel đã tìm ra – ứng dụng thành công công nghệ tưới nhỏ giọt, xử lý – tái sử dụng khoảng 90% nước thải, lọc nước biển,…. Đồng thời không ít lần bày tỏ ý muốn chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ với thiên hạ, trong đó có Việt Nam (5).

Trong thực tế đã có vài cá nhân được xem như tấm gương về thành công trong việc ứng dụng các phương pháp của Israel để trồng rau như cô Vương Thị Hoan, 31 tuổi, chủ “Cà phê rau 47” (6), hoặc Đinh Huy Hoàng, sinh viên Đại học Tây Nguyên (7), cùng ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk…

***

Cách nay hai tháng, các cơ quan hữu trách tại Việt Nam từng cảnh báo, hạn hán có thể khiến 138.000 gia đình ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) thiếu nước và 65.000 héc ta ruộng vườn bị hư hại (8).

Giống như những năm trước, thay mặt hệ thống công quyền, Thủ tướng Việt Nam đáp lại bằng một công điện, chỉ đạo: “Kiên quyết” không để người dân thiếu nước sinh hoạt (9) -rồi… thôi!

Từ đó đến giờ, nước cho ăn, uống, tắm, giặt ở miền Trung càng ngày càng… thiếu, cây cối tiếp tục héo khô, ruộng vườn tiếp tục xơ xác, rừng tiếp tục cháy,… dân chúng thêm một lần vật vã, tán gia bại sản vì thiếu nước và hoạt động thường kỳ đối phó với hạn hán của cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền vẫn chỉ là dùng cả xe cứu hỏa, lẫn xe tưới cây chở nước đến những nơi đồng bào sắp chết khát (3).

Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thể hành xử hiệu quả như chính phủ Israel dù cả điều kiện tự nhiên lẫn đặc điểm thời tiết của Việt Nam vẫn chưa nghiệt ngã đến mức như vậy?

Có phải vì toàn bộ nguồn lực quốc gia đã được dốc hết vào những dự án, công trình kiểu như “Cụm Công viên – Tượng đài Kỷ niệm cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” và tâm lực, trí lực của cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền chỉ miệt mài hướng đến những “nghiên cứu khoa học” kiểu như “Thuật ngữ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Giai đoạn 3” vừa được nghiệm thu hồi giữa tuần trước (9)?

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/phu-yen-doi-mat-voi-han-lich-su-20190912221923788.htm

(2) http://www.vjol.info/index.php/DHTL/article/view/27870/23736

(3) https://tuoitre.vn/noi-dien-ra-chien-dich-mau-than-o-phu-yen-thanh-di-tich-quoc-gia-2018030411395643.htm

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Israel

(5) https://vnexpress.net/khoa-hoc/israel-vuot-qua-tinh-trang-thieu-nuoc-trien-mien-nhu-the-nao-3374764.html

(6) https://www.tienphong.vn/gioi-tre/ca-pherau-1158506.tpo

(7) https://tuoitre.vn/dua-cong-nghe-trong-rau-israel-len-tay-nguyen-1295079.htm

(8) https://tuoitre.vn/138-000-ho-dan-o-mien-trung-co-nguy-co-thieu-nuoc-sinh-hoat-20190723204055007.htm

(9) http://daidoanket.vn/mat-tran/nghiem-thu-de-tai-khoa-hoc-thuat-ngu-mat-tran-to-quoc-tintuc446956

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích:
    “Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thể hành xử hiệu quả như chính phủ Israel dù cả điều kiện tự nhiên lẫn đặc điểm thời tiết của Việt Nam vẫn chưa nghiệt ngã đến mức như vậy?”
    Trả lời:
    Vì VN do đảng CS cầm quyền, và Israel thì không.

Comments are closed.