Nguyễn Đức
16-9-2019
Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến 607 giấy phép nhập khẩu “ma” được Cục Dược “cấp vô tư”, nhưng trách nhiệm bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách Cục Dược gần như là vô can!
Ngày 16.9, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 10 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất (Công ty Helix); cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix năm 2014; và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma).
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua, ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.
Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.
Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời kỳ 2011 – 2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22 cho phù hợp.
Khi Thông tư 22 đã có hiệu lực thi hành, Bộ này cũng chậm sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chuyên gia thẩm định thay thế quy chế cũ.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, nhưng khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT, nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.
Cụ thể, chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, theo điều 5 Quyết định số 151/QĐ-TTg.
Thực tế, trong 3 năm (2012, 2013 và 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500 mg).
Thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30.12.2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn trước đó 2 tháng…
Theo Thanh tra Chính phủ, từ việc ban hành Thông tư số 47 không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg, dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47 còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, như: thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả; và Công ty Helix không tồn tại trên thực tế, nhưng không kịp thời phát hiện, dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho công ty này.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý dược và Vụ Kế hoạch Tài chính tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014.
Đồng thời, đề nghị Bộ này chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500 mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11.4.2014 trong khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của công ty này đã hết hạn từ 6.10.2013.
Sai phạm động trời, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vô can
Quá trình theo dõi vụ án, cho đến hôm nay (16.9) mới có một kết luận nhắc đến trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận này. Ai là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lí thì Thanh tra Chính phủ không đề cập đến. Nhưng hai vị chịu trách nhiệm lớn nhất ở Bộ Y yế là bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến- trách nhiệm người đứng đầu và Thứ trưởng Trương Quốc Cường- Từng là Cục trưởng Cục Quản lí Dược.
Thanh tra Chính phủ cũng cho hay đã chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra liên quan đến việc Công ty Cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất, và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất; xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Minh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc CTy Pharma, trách nhiệm của ông Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược vẫn không được cơ quan tố tụng đề cập. Dù thời điểm đó, ông Cường cấp hàng loạt giấy phép dựa vào hồ sơ giả của cty VNPharma. Vậy mà đến ngày 21.11.2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ nhiệm ông, Bộ Y tế giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
***
Ngày 24-9 xét xử đường dây buôn bán thuốc ung thư giả
Theo thông tin từ tòa, TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử vụ Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma) cùng đồng phạm bị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo đó, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 24-9. Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài hết tháng 9.
Vụ án do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, làm chủ tọa. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ được tống đạt đến các cơ quan, người tiến hành và tham gia tố tụng…
Tất cả bị cáo đều bị truy tố theo khoản 4 Điều 157 BLHS 1999, có khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể gồm ông Hùng, Võ Mạnh Cường (SN 1978, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) và 10 đồng phạm khác.
Theo cáo buộc trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến ngày 19-9-2014, Hùng thông qua Cường cùng với các đồng phạm đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả.
Đó là giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada giả; đóng dấu giả hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; đóng dấu Công ty Helix Canada giả vào hồ sơ để đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu thuốc.
Các bị can đã làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời.
Thực tế các bị can đã nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita. Theo đó, 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc, xuất xứ nơi sản xuất; giả về chất lượng (không sử dụng để chữa bệnh cho người).
Điều đáng nói, trị giá lô thuốc chỉ là 251.100 USD (hơn 5,3 tỉ đồng) nhưng các bị can đã nâng khống giá mua thêm 320.850 USD (hơn 6,8 tỉ đồng). Số tiền nâng giá thuốc này được chuyển vào hai tài khoản dịch vụ chuyển tiền ở nước ngoài của Công ty Auspicious Keen Limited và Công ty Sigma Holding Corp (có cùng địa chỉ tại 132 Nathan Road, Tsim Sha Tsui Kowloon, Hong Kong) rồi các bị can nhận lại tiền tại Việt Nam.
Cáo trạng xác định khoản thu lợi bất chính của các bị can ngay trong giai đoạn mua thuốc. Cụ thể, khi nhập khẩu các bị can đã khai báo giá thuốc nhập khẩu là 75 USD/hộp (trong khi giá thực tế chỉ là 27 USD/hộp) và nộp thuế nhập khẩu theo giá này. Đồng thời kết quả đấu thầu lô thuốc cung cấp vào các bệnh viện có giá là 31.000 đồng/viên (chênh lệch khoảng 12.000 đồng/viên so với giá mua thực tế và tiền thuế nhập khẩu).
Toàn bộ lô thuốc H-Capita nêu trên sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của Công ty VN Pharma là hơn 6 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định hành vi của các bị can buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa kết luận điều tra và cáo trạng. Trước đó, trong bản kết luận điều tra, CQĐT chỉ đề nghị truy tố các bị can theo khoản 2 của điều luật trên.
Cũng theo cáo trạng, Hùng và Cường giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Những người còn lại đóng vai trò đồng phạm thực hành tích cực. Các bị can đã thành khẩn khai báo. Nhưng Hùng, Cường và Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn – viết tắt là Sapharco) chưa thành khẩn khai báo đầy đủ các hành vi phạm tội và nhận thức về trách nhiệm của cá nhân.
Đối với các hành vi khác của Công ty VN Pharma, cùng các đối tượng có liên quan và trách nhiệm của một số cá nhân Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), VKSND Tối cao tiếp tục yêu cầu CQĐT làm rõ, xử lý trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, xử sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.
Liên quan đến vụ án, 7 bị cáo khác bị phạt từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Buôn lậu”.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã huỷ toàn bộ bản án, yêu cầu điều tra lại và kiến nghị điều tra hàng loạt cá nhân liên quan.
Nguồn: Báo Sạch
Điều trớ trêu là tuyên bố của ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lí Dược khi ông tuyên bố rằng:”Tôi duyệt cho nhập 9,140 tấn Sabutamol vì không biết đó là chất cấm”. Buồn cười đến muốn chửi thề vào bản mặt của ông. Ông là người chịu trách nhiệm trước nhân dân trong lãnh vực thuốc men, là người có chuyên môn. Không có chuyên môn thì ai cho ông ngồi vào ghế đó để rồi leo sâu trèo cao lên chức thứ trưởng. Nếu ông không biết như ông nói hoá ra ông mua ghế, mua chức khi ông mù chuyên môn à? Hay là phe cánh đưa ông lên để dễ dàng chia chác những đồng bạc dơ dáy vấy máu đồng bào?
Thực chất là gì? Chỉ là những đồng tiền bất chính mà các người mở cửa xả cảng nhập chất độc về đầu độc dân tộc này, làm thui chột sức khoẻ nhân dân, khiến cho nhiều thế hệ trẻ thơ lớn lên quặt quẹo bệnh tật vì đã ăn uống chất độc từ thuở bé. Tội lỗi của các người kinh khủng quá. Các người ác nhơn quá. Giao các người giữ cửa, các người lại mở cửa mang thuốc độc vào để giết chết mọi người. Chỉ vì những đồng tiền, những tờ đô la, những kí vàng ròng, những biệt phủ, lâu đài các người sẵn sàng làm mọi chuyện kể cả chuyện giết anh em, bà con, đồng bào mình