12-9-2019
Thủ tướng Trudeau của Canada vừa tuyên bố giải tán Quốc hội. Trên mạng, có những lời comments rất lạ. Thí dụ một vị viết: “Dân chủ cái đ*o gì mà Thủ tướng muốn bầu là bầu, muốn giải tán là giải tán. Những nhà tranh đấu cho dân chủ đâu, trả lời dùm.”
Vị này, chắc là Dư luận viên, vì không quên đ*o trong mỗi câu bình luận, và không bỏ lỡ một cơ hội nào để nói: Đó, thấy chưa, ở đâu cũng vậy, chỉ là dân chủ giả hiệu.
Lại phải viết vài chữ về chuyện giải tán (dissolution ) Quốc hội.
Thứ nhất, không phải nước dân chủ nào cũng có chuyện giải tán Quốc hội. Thí dụ Hoa Kỳ không có thủ tục đó. Tại Anh, Đức.., quyền giải tán Quốc hội do chính Quốc hội quyết định, Thủ tướng chỉ đề nghị. Boris Johnson, lúng túng trong vụ Brexit, mất đa số, muốn giải tán Quốc hội, bầu cử lại, vừa bị Quốc hội từ chối.
Tại những nước khác, thí dụ nước Pháp, tổng thống có quyền giải tán quốc hội, nhưng Quốc hội cũng có quyền lật đổ chính phủ, nếu có đủ số phiếu bất tín nhiệm. Mục đích đầu tiên của việc giải tán quốc hội là để tìm giải pháp khi có khủng hoảng, hay khó khăn chính trị.
Khi phe cầm quyền không đủ đa số, hay đa số mỏng manh, phải liên kết với các nhóm khác để cai trị. Khi sự bất đồng trong các nhóm liên kết quá lớn, chính phủ giải tán quốc hội, với hy vọng sẽ được đa số, hay chiếm ghế dân biểu nhiều hơn, đủ mạnh để thực thi chính sách của mình.
Giải tán Quốc hội có phải là phi dân chủ hay không? Không. Trái lại, đó là một hình thức trưng cầu dân ý. Chính phủ nói với dân: Đây là chính sách của chúng tôi, nếu dân đồng ý, xin dồn phiếu để chúng tôi đủ mạnh, để có thể thi hành chính sách đó.
Nhiều khi Chính phủ giải tán Quốc hội vì tính toán, nghĩ đó là lúc thuận lợi nhất cho phe mình để tổ chức bầu cử, hơn là chờ hết nhiệm kỳ Quốc hội, tình hình sẽ khó khăn hơn.
Đó là trường hợp của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Năm 1997, phe hữu của Chirac đang chiếm đa số rộng rãi ở Quốc hội, nhưng Chirac nghĩ nếu bầu cử ngay lúc đó, chắc chắn sẽ được đa số, yên ổn cai trị trong 4 năm tới, thay vì chờ vài tháng, chưa biết khuynh hướng của dân sẽ như thế nào. Chirac giải tán Quốc hội. Kết quả: Thua nặng. Chirac mất đa số ở quốc hội, bắt buộc phải bổ nhiệm Thủ tướng thuộc phe tả (Lionel Jospin), bắt đầu một giại đoạn “sống chung’’ (cohabitation) với đối lập, Tổng thống chỉ ngồi chơi xơi nước, vì Quốc hội, đa số tả phái, chỉ phê chuẩn chính sách của Thủ tướng Jospin.
Tóm lại, giải tán Quốc hội ở một nước dân chủ là con dao hai lưỡi. Hành pháp có thể thắng, có thể thua. Có thể mạnh hơn để thực hiện chính sách của mình. Có thể yếu hơn, hay đánh văng khỏi chính quyền. Khác hẳn với các nước độc tài, nhất là độc tài Cộng sản, chơi trò gì Đảng cũng thắng.
Khổ quá, mỗi lần nghe cái câu ”ở đâu cũng vậy” của DLV, lại phải ngồi gõ vài chữ, mặc dù muốn dành thời giờ làm những chuyện thú vị hơn là chuyện chính trị khô khan, nhức đầu.
Cám ơn bác Từ Thức. Giải thích là giải thích cho tất cả người đọc. Công lao của bác, đám đông chúng tôi không phải là dư luận viên sẽ hưởng được.
Mọi cuộc tranh luận nơi công cộng mang lại điều lợi ích ấy. Chỉ có đảng cộng sản mới đòi hỏi các trí thức (như trong trường hợp viện IDS đã tự giải thể) phải báo cáo riêng cho đảng mà không được nói trực tiếp với dân chúng.