8-9-2019
VỤ CHÁY NHÀ MÁY BÓNG ĐÈN PHÍCH NƯỚC RẠNG ĐÔNG: THÊM MỘT CASE-STUDY PHẢN ÁNH KHỦNG HOẢNG NHIỀU MẶT CỦA HỆ THỐNG QUẢN LÝ ỨNG PHÓ VỚI CÁC BẤT THƯỜNG XẨY RA!
“Khủng hoảng” chỉ tình trạng rối loạn, mất kiểm soát, không tiết chế được, xẩy ra trong quản lý xã hội!
Quản lý là từ chung thể hiện khả năng kiểm soát của con người được giao trách nhiệm sử dụng các nguồn lực trong phạm vi được quyền điều phối (hợp pháp của mình) để tổ chức hành động giúp đạt mục tiêu đã định.
Cuộc sống bản chất là vận động không ngừng, và đầy những bất ngờ! Trong vô vàn những bất ngờ xẩy ra hàng ngày, tốt có, xấu có (xét theo lợi ích chung của một tập thể, cộng đồng, xã hội con người cụ thể- Trong bài viết này, tôi sử dụng quan điểm đánh giá theo lợi ích “Khoa học Vì Dân”!). Những bất ngờ xẩy ra (Tiếng Anh: Incidents) là tai nạn, tai họa, thảm họa với cộng đồng, với xã hội, có thể do khách quan (chẳng hạn thiên tai), hoặc chủ quan (bởi thất bại trong khả năng quản lý của con người cụ thể- Nhân tai).
Khả năng quản lý (của một cá nhân/ tổ chức/ chính quyền/ nhà nước) được thể hiện rõ nhất mặt mạnh/ yếu, khi được đặt vào hoàn cảnh phải đối phó với những bất thường xẩy ra!
Vì thế, các “nhân tai” như cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng đông, nhiễm sán lợn ở trẻ mầm non Bắc ninh hồi tháng hai đầu năm; “chết biển Formosa” ở Hà tĩnh…phải được xem là những case-study giúp phân tích đánh giá chính xác nhất năng lực ứng phó với các bất thường xẩy ra của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, rộng ra là nhà nước Việt nam, đạt đến mức độ nào xét theo khoa học quản lý phòng chống thiên tai và nhân tai!
TUÂN THỦ KHOA HỌC PHÒNG CHỐNG NHÂN TAI CHO MỤC TIÊU BẢO VỆ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG VÀ AN TOÀN MÔI SINH: VIỆT NAM KHÔNG THỂ LÀ NGOẠI LỆ!
Vì cả “thiên tai” và “nhân tai” không chừa một cộng đồng, một quốc gia nào, bất chấp vị thế kinh tế-xã hội-văn hóa và chế độ chính trị, nên phòng chống thiên tai/nhân tai, đã được con người đúc kết và phát triển trở thành một khoa học hành động cụ thể đi vào cuộc sống hàng ngày! Các tổ chức của Liên Hợp Quốc ( như WHO, UNDP, UNEP, WMO) và hàng loạt các tổ chức nhân đạo vì môi trường (như Greenpeace, Friends of the Earth..) không chỉ đưa ra những hướng dẫn cụ thể, còn giúp các nước tăng cường năng lực triển khai các can thiệp tuân thủ chuẩn mực khoa học! Bởi dịch bệnh hay thảm họa hóa chất ở mỗi quốc gia, đâu còn là chuyện riêng của nước đó! Nó đã là một phần của chương trình An ninh Y tế Toàn Cầu (Global Health Security), an toàn môi sinh toàn cầu…
Cuốn “Sổ tay quản lý sức khoẻ công cộng các trường hợp xẩy ra sự cố hóa chất” của WHO năm 2009, với hướng dẫn từng bước, thực thi cụ thể từ cấp độ cộng đồng tới cấp trung ương, đã được tích hợp vào hệ thống quản lý điều hành cuộc sống hàng ngày ở mọi cộng đồng, mọi quốc gia trên thế giới.
Việt Nam không thể là một ngoại lệ xa lạ với các hướng dẫn khoa học này!
NHÂN ĐỊNH CHUNG “CASE-STUDY CHÁY NHÀ MÁY BĐPN RẠNG ĐÔNG”: KHỦNG HOẢNG NHIỀU MẶT HỆ THỐNG, KHÔNG CHỈ TRUYỀN THÔNG!
10 ngày đã qua kể từ khi xẩy ra vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng đông, chúng ta cơ bản đã có đủ thông tin để đánh giá về được/mất trong năng lực quản lý điều hành hệ thống ứng phó nhân tai của Hà nội nói riêng, và của chính phủ nói rộng ra.
Talkshow về trường hợp nhân tai này đã được các chuyên gia độc lập thực hiện vào tối thứ bảy 7/9/2019! (Xem chú thích đường dẫn).
Hai trong số 4 chuyên gia kết luận: Vụ cháy nhà máy BĐPNRĐ là một “Khủng hoảng truyền thông”. Một kết luận rất giống như các kết luận ta đã gặp với các “nhân tai sán lợn Bắc ninh”, “nhân tai biển chết Formosa Hà tĩnh”.
Một kết luận mà tôi thấy chỉ mới… đúng ở phần “bề mặt”! Chưa chạm đến cái cốt lõi, giúp làm cơ sở cho hành động thay đổi gốc rễ tình trạng.
Chưa kể nhân định như thế, có nguy cơ .. chệch hướng trong hành động chấn chỉnh! Bởi nếu đánh giá “nhân tai” này là khủng hoảng truyền thông, người ta sẽ đi theo hướng “xử lý khủng hoảng truyền thông”, sẽ chuyển theo hướng “rút kinh nghiệm phát ngôn”, “rút kinh nghiệm đối phó với giới nhà báo”, phát triển đội ngũ “dư luận viên có định hướng”… Mà kinh nghiệm trên hết, hữu hiệu nhất cho những cá nhân có trách nhiệm liên quan là.. tốt nhất tránh, không phát ngôn, không hành động gì,.. chờ thời gian xóa mờ sự chú ý của xã hội! Tự các sự kiện mới đè lấp, chôn vùi cái đã qua vào dĩ vãng!
Câu chuyện Formosa biển chết Hà tĩnh được lập lại ở Sán lợn Bắc Ninh, rồi “cháy Rạng đông” Hà nội, và.. sẽ còn lập lại ở nhiều “nhân tai” đa dạng khác đang chờ phía trước, nếu không có sự chuyển đổi hệ thống một cách gốc rễ!
Bởi nó không phải chỉ là khủng hoảng truyền thông! Nó là “khủng hoảng tứ bề” của cả hệ thống quản lý ứng phó với “thiên tai, nhân tai” ở đất nước này.
KHỦNG HOẢNG “TỨ BỀ” CỦA HỆ THỐNG QUẢN LÝ ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI, NHÂN TAI
Xuyên suốt các câu chuyện từ “Biển chết Formosa Hà tĩnh” tới “sán lợn Bắc Giang”, và “Cháy Rạng đông” vừa xẩy ra, hiển hiện một khủng hoảng hệ thống, lồ lộ trên ít nhất 5 mặt dưới đây:
1. KHỦNG HOẢNG QUẢN LÝ TỔ CHỨC ỨNG PHÓ THẢM HỌA!
Bởi hướng dẫn của WHO đã chỉ ra, muốn đương đầu được với thiện tai hay nhân tai, dịch bệnh, cháy nổ hay rò rỉ ô nhiễm hóa chất… phải luôn sẵn sàng có tổ chức một chủ thể ứng phó thảm họa, với cụ thể con người, cụ thể trách nhiệm, đảm bảo hành động liên ngành , liên cấp, với kiến thức khoa học ứng phó thảm họa theo chuẩn mực hướng dẫn cụ thể cho từng vị trí ở từng cấp, từng ngành!
Hệ thống chính quyền các cấp hiện hữu, hệ thống các bộ ngành chuyên môn đồ sộ, đào tạo, trang bị cũng đã nhiều, mà sự châm trễ, lúng túng, có lúc tưởng như tê liệt xuất hiện ở “Formosa biển chết Hà tĩnh”, lại y trang với “sán lợn Bắc ninh”, rồi nay lập lại ở “cháy BĐPN Rạng đông”!
Không “khủng hoảng quản lý tổ chức” thì là cái gì?
2. KHỦNG HOẢNG CHUYÊN MÔN: LỐI LÀM VIỆC “BAO BIỆN” DẪN ĐƯỜNG, THAY VÌ KHOA HỌC DẪN ĐƯỜNG!
Không thấy bóng dáng của khoa học ứng phó thảm họa xuất hiện trong “Formosa cá chết Hà tĩnh”! Để rồi lại diễn ra ở “sán lợn Bắc Ninh”, và lập lại ở “cháy Rạng đông”! Đào đâu ra kế hoạch ứng phó đi theo các bước hướng dẫn của sổ tay mà WHO cung cấp? Và vì thế, lối làm việc “bao biện” nổi lên không chỉ ở cấp chính quyền, mà cả ở các cơ quan chuyên môn!
Người ta “ứng phó, xử lý” thảm họa theo hướng cố “giấu” bằng được! Lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ về tận Hà Tĩnh “tắm biển, ăn cá” xem là giải quyết được nỗi nghi ngờ “cá chết, biển chết”! Tuyên bố “ấu trùng sán lợn chết ở 70 độ C” để dân yên tâm “nấu chín ăn an toàn” là thực thi trách nhiệm trong “tiến trình điều tra xử lý dịch” với “sán lợn Bắc ninh”! Hoặc đưa ra bằng chứng “công nhân đi làm bình thường” và lời nói “các chỉ số an toàn” tưởng như thuyết phục được xã hội an tâm với môi trường ô nhiễm độc chất từ hậu quả của “cháy Rạng đông”…
Hướng dẫn quốc tế cầm tay chỉ việc, tài liệu khoa học thực hành từng bước chỉ vài giây có sẵn trước mặt, các tổ chức chuyên môn và chuyên gia trong nước, quốc tế lúc nào cũng sẵn sàng tư vấn… mà chuyên môn thực hiện như thế, không khủng hoảng là gì?
3. KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ
Đạo đức công vụ sáng nhất, thực thi trách nhiệm lấy lợi ích của dân lên trên hết, lẻ loi và tiếc thay lại chỉ có ở bộ phận “gần dân nhất”- Phó chủ nhiệm UBND phường Hạ đình trong vụ “cháy Rạng đông” . Còn trong cả 3 “case study nhân tai” đưa ra phân tích trong bài, chỉ thấy hình ảnh của sự co mình, thủ thế, đùn đẩy trách nhiệm, bao biện, thậm chí đe dọa trấn áp và cả tạo lập thông tin “nguy khoa học” …cốt cho vụ việc chìm đi càng nhanh càng tốt!
Năm này qua năm khác, vụ này qua vụ khác, lập đi lập lại như vậy… Không khủng hoảng đạo đức công vụ thì là gì?
4. KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG:
Dễ nhận ra, nhưng lưu ý bạn đọc, cần hiểu cho đúng chiều sâu và rộng của khủng hoảng này. Gồm khủng hoảng truyền thông nội trong chính phủ, giữa chính quyền các cấp, cơ quan bộ ban ngành liên quan! Nó gồm cả “khủng hoảng thiếu” – không có thông tin giám sát đánh giá khoa học về thực trạng nguy cơ đe dọa, chẳng hạn số liệu hóa chất cấm hiện sử dụng trong các doanh nghiệp’ hay không tìm đâu ra hồ sơ tổ chức và quy trình ứng phó cùng mô tả công việc và hướng dẫn kỹ thuật đi kèm để vận hành bộ máy ứng phó thảm họa… Đong đâu thiếu đấy!
Cả “khủng hoảng thừa”- loại thông tin chung chung lập đi lập lại, những con số thống kê “đẹp mắt” và những con người tham gia “giá áo túi cơm” giải phóng ra những “phát ngôn chung chung không đâu vào đâu”! Và cả “khủng hoảng vênh thông tin” giữa các nơi báo cáo! Chẳng hạn, chỉ con số kg thủy ngân có ở thời điểm trước khi cháy, mà 3 nguồn đưa ra, là 3 con số khác nhau vênh tới cả chục kg, không ai tin ai!
5. CHỐT: KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN!
Nhìn vào 3 case-study nhân tai, chỉ thấy tràn trề thất vọng…với chỉnh phủ hiện hành! Bởi niềm tin đã bị đánh cắp qua những hành xử, những phát ngôn, những con số, những bài báo giải thích lộ rõ sự thiếu công khai minh bạch, đầy bằng chứng “ngụy khoa học”, chủ đích che đậy sự việc, tiếc thay lại phát ra từ những cá nhân, tổ chức, cơ quan chính phủ có trách nhiệm liên đới!
Hỏi làm sao dân không biểu tình với Formosa biển chết cá chết? Làm sao dân không bồng bế con em tự đi xét nghiệm chẩn đoán nhiễm sán lợn Bắc ninh?
Làm sao dân không tự dứt áo ra đi “sơ tán” mặc chính quyền công bố “an toàn”…
Mất niềm tin là mất tất cả! Cảnh báo đó không có ngoại lệ!
Trần Tuấn
8.9.2019
_____
NB. 1. Đường dẫn tài liệu hướng dẫn của WHO:
WHO 2009. Manual for Public Health Management of Chemical Incidents (Sổ tay quản lý sức khoẻ công cộng các trường hợp xẩy ra sự cố hóa chất) https://www.who.int/environmental_health_emergencies/publications/FINAL-PHM-Chemical-Incidents_web.pdf
2. Đường dẫn talkshow về cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng đông do Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm tổ chức 19h30 thứ bảy, 7/9/2019: https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/
3. Những khái niệm nêu ở phần đầu bài là của cá nhân người viết đưa ra phục vụ cho phân tích trong bài, tuy có tham khảo winkipedia, nhưng hoàn toàn cá nhân chịu trách nhiệm.
Bài viết đưa ra những nhận xét hết sức khách quan khoa học,nhưng những vị có trách nhiêm cao có thấy hay không…