Nhiễm độc thủy ngân và sự bất lực của chế độ CSVN

Thạch Đạt Lang

6-9-2019

Lúc 6 giờ chiều ngày 28.08.2019, nhà máy sản xuất bóng đèn và phích nước Rạng Đông ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội bị phát hỏa. Vụ hỏa hoạn kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, thiêu hủy nhiều máy móc, hàng hóa, nguyên phụ liệu khiến cho một số hóa chất độc hại bị phát tán vào trong không khí và môi trường chung quanh, trong đó độc hại nhất là thủy ngân.

Nhiều bài báo lề phải cũng như trái, mạng xã hội đã lên tiếng cảnh báo người dân về sự nhiễm độc chất thủy ngân, nhưng sự nhiễu loạn thông tin giữa phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân với sở TN&MT Hà Nội và bộ TN&MT khiến người dân hoang mang không biết đâu là thật, nên tin theo nguồn tin nào.

Ngay cả sự cảnh báo của bộ Tài Nguyên-Môi Trường cũng không hoàn toàn nói rõ hết sự nguy hại của thủy ngân, ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người dân, cũng như những tác động lâu dài của loại hóa chất này khi bốc hơi hòa vào không khí, thấm vào lòng đất, trong các mạch nước ngầm.

Giới chức lãnh đạo TP Hà Nội đã chứng tỏ sự bất lực khi đối phó với thảm họa, bất kể lớn hay nhỏ. Từ ủy ban nhân dân đến sở TN&MT… thay vì ngay từ đầu phải cô lập khu vực hỏa hoạn, cảnh báo cho dân chúng biết, lập nơi tạm trú, di tản dân chúng khỏi vùng nguy hiểm lại tìm cách đùn đẩy, bán cái trách nhiệm cho nhau, tệ hơn nữa là họ lợi dụng vụ hỏa hoạn để tìm cách chỉ trích, đấu đá, hạ thủ nhau như chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ trích Hoàng Văn Thức Tổng cục phó Tổng cục Môi Trường bộ TN&MT đeo mặt nạ phòng hơi độc tại hiện trường vụ hỏa hoạn trong khi những người chung quanh chỉ mang khẩu trang.

Ở Mỹ, theo qui định của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (Occupational Safety and Health Administration), thuộc Bộ Lao Động Hoa Kỳ, nồng độ thủy ngân nguyên chất trong không khí khi tiếp xúc với môi trường làm việc không được vượt quá 0,1mg/m³, với hợp chất thủy ngân có Carbon là 0,05mg/m³.

Đối với Cục Quản lý Thực phẩm và Duợc phẩm Hoa Kỳ (FDA: Food anh Drug Administration), qui đinh ban hành cho thủy ngân đã bị tác động hữu cơ trở thành Methylmercury (CH3Hg) khi ăn (tôm, cá, đồ biển…) vào cơ thể là 1 phần triệu -1 PPM (Parts per Million) hay 1mg/lít.

Riêng Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA: Environmental Protection Agency) thì giới hạn nghiêm ngặt hơn, mức độ ô nhiễm vào trong nguồn nước uống không được vượt quá 0,002mg/lít tức là 2 phần tỉ PPB (Parts Per Billion).

Theo lời ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng bộ TN-MT, thì số lượng phát tán thủy ngân từ vụ hỏa hoạn của nhà máy Rạng Đông là 15,1-27, 2 kg. Trong con số này bao nhiêu bốc hơi hòa vào không khí, bao nhiêu phát tán theo nguồn nước dùng trong khi chữa cháy thấm vào đất… không ai biết.

Chỉ biết chắc chắn một điều, nhà cửa, vật dụng, xe cộ, thực phẩm, quần áo… của người dân sau cơn hỏa hoạn chắc chắn bị nhiễm thủy ngân, nặng, nhẹ tùy theo mức độ cách nhà máy Rạng Đông xa hay gần, nhưng hầu như không ai có thể tránh khỏi.

Khoanh vùng bán kính 500 m chung quanh nhà máy Rạng Đông khoảng cách này không đủ an toàn, bởi còn tùy thuộc vào sức gió khi xảy ra hỏa hoạn. Hơn nữa, nhiễm độc thủy ngân ở liều lượng nhẹ sẽ không có những biểu hiện rõ ràng, thời gian cho triệu chứng bộc phát có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần hoặc di căn cho các phụ nữ mang thai. Ở liều lượng nặng, người bị nhiễm độc sẽ thấy khó thở, đầu óc choang váng, bắp thịt rã rời, đau nhức toàn thân… Thử máu, nước tiểu ở bệnh viện có thể xác định được nồng độ nhiễm độc thủy ngân.

Lãnh đạo chế độ CSVN tất nhiên sẽ cho rằng, đây là những tiêu chuẩn của Mỹ, hoàn toàn khác với tiêu chuẩn ở VN (người Việt Nam có sức chịu đựng dẻo dai hơn người Mỹ, Âu?). Chính vì vậy Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Tổng cục Môi Trường đã tuyên bố hàm lượng thủy ngân còn đọng lại ở khu vực chung quanh nhà máy là ổn định, dưới mức độ cho phép, không cần phải di tản dân ra khỏi khu vực.

Ngay cả báo chí lề phải cũng dùng chữ “sự cố” để làm giảm lo âu, sợ hãi cũng như sự quan tâm đến môi trường sống chung quanh của người dân trong vùng hỏa hoạn khi khí thủy ngân bốc hơi hòa vào không khí, thấm vào lòng đất, nguồn nước, bám vào các vật thể khác.

Dọn sạch thủy ngân bị phát tán trong khu vực dân cư chung quanh nhà máy Rạng Đông là một việc làm đòi hỏi nhiều chuyên môn và tốn kém, cần được thực hiện theo đúng trình tự chứ không phải chỉ là những việc làm vớ vẩn như đặt “bẫy vàng” để đo đạc hàm lượng thủy ngân nhiễm trong không khí rồi tuyên bố an toàn.

Nhiều biện pháp cấp thời cần phải được thông báo cho người dân, đồng thời hướng dẫn họ thực hiện những việc làm cần thiết để giảm thiểu đến mức tối đa tác hại nguy hiểm đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài.

Sau đây là một vài biện pháp quan trọng mà dân chúng chung quanh khu vực hỏa hoạn ở phường Hạ Đình có thể tự thực hiện – nếu có điều kiện:

– Không mặc quần áo, đi giầy, khăn lông… nghi ngờ đã bị nhiễm độc thủy ngân.

– Không lau chùi, quét dọn nhà cửa bằng máy hút bụi thông thường, chổi quét nhà, vì các vật dụng này tiếp tục bị nhiễm thủy ngân trong khi sử dụng hoặc có thể làm bể những hạt thủy ngân nhỏ li ti còn đọng lại thành nhiều mảnh.

– Không giặt quần áo bằng máy giặt vì thủy ngân sẽ bám vào máy giặt và cuốn theo nước thấm vào lòng dất, hòa trong mạch nước ngầm…

– Vật dụng, đồ đạc trong nhà cần làm sạch bằng khăn ướt, khi làm việc nhớ mang khẩu trang, bao tay cao su, sau đó cho tất cả quần áo, giầy dép, bao tay dùng trong khi làm việc… vào một bao nhựa bịt kín miệng, giao cho sở TN&MT.

– Không dùng thực phẩm, nước uống có khả năng bị nhiễm thủy ngân như rau, quả, trái cây…không đậy kín trong thời gian xảy ra hỏa hoạn.

– Nếu được, nên di tản, rời khỏi nhà trong một thời gian cho đến khi vùng nhiễm độc được dọn sạch nhưng không mang theo vật dụng nghi ngờ bị nhiễm độc.

Chế độ CSVN hiện nay không có đủ khả năng, không đủ tài chánh, phương tiện, kỹ thuật… cũng như hoàn toàn không có ý muốn khắc phục thiệt hại do vụ hỏa hoạn ở nhà máy Rạng Đông gây ra. Người dân Hà Nội chớ nên trông chờ vào chế độ tham nhũng, thối nát, bất tài và vô trách nhiệm nhất trong lịch sử VN giúp đỡ hay bồi thường gì cho mình. Hãy tự cứu lấy thân!

Bình Luận từ Facebook