7-9-2019
Khai trường giờ đã là ngày khai trương một thời vụ làm ăn giáo dục. Mọi thứ cứ như một trường buôn thành thục. Nhà giáo rải thảm đỏ chào đón như nghi thức thị trường chứng khoán gõ khánh mở cửa lại. Nhưng có lẽ vì vậy, cần xem xét lại việc thực thi luật phổ cập giáo dục tiểu học.
Hình ảnh những đứa bé gầy guộc men các tường rào trường học ngày khai trường tự đã nói lên yêu cầu đó.
Một nền tiểu học bóng loáng, mỡ màng, hay nghèo nàn, lẹp xẹp cũng đều đang làm những đứa trẻ ấy trần trụi giữa cuộc đời này.
Không thể như chính phủ làm nảy được con số tăng trưởng, những đứa trẻ ấy chỉ có một tuổi thơ đã phải men rào sinh sống. Đừng ấn vào cho chúng cái ân huệ mỗi đầu học sinh đến lớp phải chi bao nhiêu. Chúng đã phải đóng góp cho ngân sách ngay từ khi chưa được phép, chứ không phải như những kẻ ăn cắp không từ thứ gì.
Có cái gì đáng như là sự phẫn uất mới đúng, khi chúng ta nhìn tấm thảm đỏ chói màu cờ dưới chân quan chức và thầy bà giáo dục đến lễ khai giảng.
Nhà trường phải giữ tôn nghiêm sư phạm, nhất là tư cách nhà giáo trong tiếp tân quan khách, tiếp xúc quyền lực.
Đạo làm thầy không phải khéo với kẻ chi tiền, cấp chức, mà chính ở nỗi lo liệu có con trẻ nào trong phạm vi mình phụ trách mà không được đến lớp; hay còn “ngủ quên trên xe” như chuyện một đứa trẻ đến trường đang bi phẫn xã hội.
Tấm thảm đỏ, bục danh dự rực rỡ như đã diễn ra ở nhiều trường học, sự nồng nhiệt chào đón lãnh đạo ở bất kì trường tiểu học nào hiện nay đều như đang ở trong tiết học trực quan dạy làm người cho những đứa trẻ. Nhất là khi nhiều đứa trẻ khác còn gục mặt trong cuộc kiếm sống, hay thiếu thốn trong những lớp học đèo heo hút gió.
Đạo làm thầy còn chính là tư cách làm thầy ấy.
Còn như bộ trưởng giáo dục, ông không phải là thầy của những đứa trẻ, càng không phải là cấp trên của những nhà giáo, đừng xuất hiện như một kiểu lãnh tụ trong giang sơn giáo dục.
Rồi ông lại cứ thình lình “chỉ đạo” điều mà ông phải chịu trách nhiệm theo luật phổ cập giáo dục tiểu học.
Nếu thay mặt thầy cô giáo, thay mặt các thiết chế giáo dục, bộ trưởng phải hạ thấp mình thảo luận cùng các phụ huynh, những nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân về cái trọng tâm dạy làm người với học sinh.
Chẳng có nổi một thông điệp ra hồn cho niên vụ ngồn ngang bất bình, thì bộ trưởng cứ nòng nọng, tềnh tềnh giữa ngày khai giảng như thế, không thể coi là đạo mạo mà là một điển hình phản sư phạm.
Và, các vị lãnh đạo, cần sửa đổi tư cách của mình khi bước vào nhà trường.
Tư cách lãnh đạo của các vị là ở chỗ biết làm công bộc với thầy cô giáo trong nhà trường. Ngay cả các học sinh nhỏ, chúng không phải là con em, mà là chủ nhân của các vị.
Làm người chính là làm thế. Đừng có ham huấn thị, dạy dỗ.