Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Việt Nam mời gọi Nga khai thác dầu khí giữa lúc Biển Đông căng thẳng. Ngày 5/9, Việt Nam chính thức lên tiếng mời gọi các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Maxim Akimov ở TP Vladivostok, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tạp chí Forbes cho rằng, Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh không thể làm phật lòng tại thời điểm này, nên Việt Nam có thể hợp tác khai thác dầu với Nga để chặn Trung Quốc. Nếu vậy thì cũng nên đặt câu hỏi: Trong tình thế áp lực từ phương Tây đối với Nga vẫn nặng nề (dù Trump nhiều lần muốn làm vừa lòng Putin), Nga có dám làm phật lòng Trung Quốc chỉ vì mấy mỏ dầu ở Biển Đông?
Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Biển Đông: Trung Quốc leo thang, các nước cần đối sách mới. Bài viết bàn về chuyện tiếp cận song phương như Philippines đang làm với Trung Quốc, chắc chắn không có hiệu quả, vì Bắc Kinh sẽ ỷ mình là nước lớn, gây sức ép với Phi. Ngay cả khi một cường quốc như Mỹ, chơi tay đôi với TQ, vẫn không thể thắng, điều này có thể thấy qua thương chiến Mỹ – Trung, nên các nước cần phải có giải pháp đa phương với TQ.
Bài viết có đoạn: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đối trọng TQ phải cần đến sức mạnh quốc tế tổng thể. Thứ nhất, phán quyết của tòa không thể được thực thi nếu thiếu một sức ép toàn diện về chính trị – ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự. Để làm điều này, ngay cả Mỹ – nếu đơn phương tiếp cận TQ – cũng sẽ khó có thể thành công”.
Mời đọc thêm: Tập trận Mỹ-ASEAN: ‘Mỹ sẽ không đứng yên nếu TQ tiếp tục ép VN’ (BBC). – Ủng hộ doanh nghiệp Nga mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam (LĐ). – Đại sứ Nga mong muốn căng thẳng Biển Đông sớm được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế (VTC). – Philippines quyết không từ bỏ phán quyết Biển Đông (VNE).
Ông Trọng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII
Báo Nhân Dân đưa tin: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều điểm, trong đó có đoạn: “Công tác quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế“.
Qua phát biểu của người đứng đầu đất nước, có thể thấy, dường như ông Trọng không biết tin tức về chủ quyền lãnh hải của đất nước đang bị đe dọa, ông cũng không biết những gì đang diễn ra ngoài bãi Tư Chính? Điều này có thể lý giải vì sao suốt hai tháng qua, ông Trọng không hề lên tiếng khi TQ sách nhiễu ở bãi Tư Chính.
Ngoài ra, qua phát biểu trên, ông Trọng không hề biết ngư dân Việt Nam thường xuyên bị TQ đánh đập, bị bắt đòi tiền chuộc, bị đâm chìm tàu… suốt mấy năm qua. Thế mà, ông Trọng kêu gọi: Sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới. Ông Trọng nhấn mạnh: “Kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc, đồng thời phải hết sức sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới kịp thời”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu hàng loạt câu hỏi khi chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII, theo báo Người Lao Động. Dường như đầu óc ông Trọng có vấn đề khi nói như mê sảng: “Kinh tế có liên tục tăng trưởng và ổn định không? Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có mạnh mẽ, hiệu quả có rõ rệt không? Tại sao lòng dân ủng hộ như thế?
Cả hệ thống chính trị vào cuộc có đồng bộ, nhịp nhàng không? Công tác quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia nhiệm kỳ này có tốt không? Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế có tốt không? Chúng ta đã sánh vai cùng bạn bè năm châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu hay chưa? Nhìn lại nhiệm kỳ này, đoàn kết thống nhất nội bộ rất tốt, lòng dân tin tưởng – đó cũng chính là bài học kinh nghiệm quý“.
Mời đọc thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phải kiên định mục tiêu, đồng thời bám sát thực tiễn để đổi mới (MTG). – Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội 13 (TTXVN/ TQ).
Bốn ngư dân Nghệ An được cứu sống
Sáng 5/9, tàu cá Nghệ An có số hiệu NA 93010 TS, do anh Nguyễn Văn Thắng làm thuyền trưởng, bất ngờ bị sóng lớn đánh chìm khi đang trên đường từ cảng Sông Giang, tỉnh Quảng Bình, trở về. Lúc đó trên tàu có 7 ngư dân, nhưng chỉ một mình anh Thắng được cứu, do sóng lớn.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Cứu 4 ngư dân trong vụ tàu cá Nghệ An bị chìm ở biển Quảng Bình. Sáng 6/6, tàu cứu hộ CN09, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, đã phát hiện và cứu vớt 4 trong số 6 ngư dân sống sót, sau 25 giờ trôi dạt trên biển. Hai ngư dân còn lại mất tích, lực lượng cứu nạn đang tìm kiếm.
Mời đọc thêm: 4 ngư dân Nghệ An trôi dạt 25 giờ trên biển được cứu (VNN). – Cứu sống 4 ngư dân Nghệ An trôi dạt trên biển (DV). – 25 giờ nhai bèo cầm cự giữa biển khơi của 4 ngư dân Nghệ An (VNN). – 4 ngư dân thoát chết sau nhiều giờ rơi xuống biển (NLĐ). – Tiếp nhận 4 thuyền viên Nghệ An được cứu sống trên biển (Báo NA).
Tham nhũng khủng ở Việt Nam
BBC dẫn lời LS Thuận: “Các vụ Mobiphone/AVG và Vũ Nhôm đã lập kỷ lục về đại án”. LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội, bình luận: “Các vụ việc cho thấy không còn có thể đổ lỗi các hiện tượng ‘hư hỏng’ trong xã hội do ‘tàn dư của chế độ cũ’ để lại, mà đây là những ‘con người’, ‘cán bộ’ do chính thể chế, chế độ này đào tạo và sinh ra”.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao thua lỗ kéo dài, AVG vẫn “thổi phồng” được giá trước Mobifone? Ông Quách Mạnh Lâm, Phó TGĐ phụ trách tài chính và bà Mai Thị Lan Hương, Kế toán trưởng AVG thừa nhận, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp AVG ngày 31/3/2015, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn, lỗ kéo dài, nợ vay lớn, vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm.
Mặc dù làm ăn thua lỗ, nhưng chính AVG đã cung cấp những tài liệu đã được “tân trang” cho Mobifone và sau đó những tài liệu này được các công ty thẩm định giá sử dụng để thổi phồng giá trị của AVG. Còn cựu Phó TGĐ Mobifone Nguyễn Mạnh Hùng khai nhận, “mặc dù tham gia đàm phán giá mua nhưng không có chuyên môn về tài chính, không biết cách tính giá trị doanh nghiệp”, mọi việc đều theo chỉ đạo của TGĐ.
Nhà văn Lưu Trọng Văn đặt câu hỏi: AVG – Mọi con đường rồi đến đâu? Ông Văn lưu ý, khi Phạm Nhật Vũ bị bắt, vụ trọng án Mobifone mua AVG có bước ngoặt quyết định. Lần đầu tiên một tội phạm tham nhũng cấp bộ trưởng khai nhận, đã ăn của đút lót tới 3 triệu Mỹ kim, còn ông Vũ cũng khai đã hối lộ chừng ấy tiền. “Phải chăng Son và Vũ đã được bảo lãnh thoát án cao nhất và được giảm án nếu chấp nhận thành khẩn tham gia vào tiến trình đi đến cùng vụ án này?”
Ông Văn lặp lại quan điểm đã được những người thạo tin nói đến từ trước: Ông Nguyễn Bắc Son, dù ở cấp Bộ trưởng Bộ TT&TT, không thể cầm trịch vụ Mobifone mua AVG. “Son và Tuấn chỉ là bộ, thứ trưởng Bộ TTTT không có quyền hạn để quyết định cho Mobifone được có chức năng làm truyền hình”. Chỉ có chữ ký của cựu Thủ tướng VN giai đoạn 2006 – 2016 đủ sức hợp thức hóa vụ này. Ông Văn bình luận, vụ việc sẽ không dừng lại ở việc xét xử các ông Son, Tuấn và đồng phạm.
Mời đọc thêm: VN: ‘Tham nhũng cấp cao gây khủng hoảng niềm tin’ (BBC). – Vụ MobiFone-AVG: Ăn cắp của công song hành với tàn phá đạo đức xã hội (MTG). – Mobifone mua AVG: 11 bị can được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt là ai? (GT). – Thương vụ Mobifone mua AVG: Số tiền đưa, nhận hối lộ còn lớn hơn? (GDTĐ). – ‘Sốc’ với lời khai của Phó tổng giám đốc AVG và Mobifone (TP). – Rắc rối việc tăng vốn điều lệ ở AVG (ĐTCK). – Phải hủy ‘công trạng’ của quan tham trước khi ra cáo trạng (MTG).
Dự án ngàn tỉ thua lỗ
Tình hình 12 dự án thua lỗ: Sẽ khởi kiện nhà thầu vào năm 2020, theo báo Pháp Luật TP HCM. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, với ba nhà máy sản xuất phân bón (đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng sản xuất đạm Hà Bắc, dự án DAP2 Lào Cai), Vinachem đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khi có ý kiến của Chính phủ thì sẽ khởi kiện tổng thầu ra tòa hoặc đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế.
Còn các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang loay hoay tìm phương án tháo gỡ. Nhà máy là Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Phú Thọ và Công ty đóng tàu Dung Quất vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và giải pháp xử lý cuối cùng.
Mời đọc thêm: Hàng loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ: Xem xét khởi kiện tổng thầu (TP). – Gỡ vướng ba nhóm vấn đề tại các dự án yếu kém ngành công thương (Tin Tức). – Gỡ vướng các dự án yếu kém ngành công thương bằng cơ chế trọng tài (Zing).
Lũ lụt miền Trung
Báo Tiêu Dùng đưa tin: Mưa lũ tại miền Trung gây ngập hàng ngàn nhà dân, 8 người chết và mất tích. Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xác nhận, trận mưa lớn kéo dài từ 1/9 đến 5/9, tại các tỉnh miền Trung, đã khiến 8 người chết và mất tích, 1 người bị thương.
Ở Hà Tĩnh, 1 người tử vong do sập xuống cống nước, 2 người chết khi đánh bắt cá; ở Quảng Bình có 3 trường hợp tử vong; Thừa Thiên Huế có 1 trường hợp tử vong do thiên tai. Ở Quảng Trị, có 1 phụ nữ trú tại xã Cam Chính vào rừng hái nấm từ ngày 3/9 rồi mất liên lạc. Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ dẫn đến ngập nặng còn khiến nhiều công trình hư hại.
Báo Tuổi Trẻ có video: Quảng Bình chìm trong biển nước, nhà ngập tới nóc.
Chuyện ở Tuyên Hóa (Quảng Bình): Xuất hiện vết nứt kéo dài cả 100 mét sau khi lũ rút, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Sau khi nước lũ trên sông Gianh rút, xuất hiện một vết nứt kéo dài hơn 100 mét tại thôn Đức Phú, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa từ trưa ngày 6/9. “Vết nứt này rộng khoảng 2cm, có chiều dài hơn 100m, từ mặt nước lên tận vết nứt này điểm rộng nhất khoảng 15m. Nguy hiểm hơn vết nứt này đi qua nền nhà của hộ gia đình anh Mai Trung. Còn tại đây, dọc theo đường nứt này có 8 hộ dân đang sinh sống”.
Thông Tấn xã VN có đồ họa: Ngập lụt ở các tỉnh miền Trung gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Mời đọc thêm: Miền Trung oằn mình trong bão lũ (SGGP). – Mưa lũ làm 5 người chết, hơn 15.000 nhà ở miền Trung bị ngập (Tin Mới). – Bộ Tài nguyên Môi trường giúp người dân Quảng Bình sau lũ lụt (LĐ). – Dân vùng lũ Quảng Bình co ro chờ nước rút — Lũ ở miền Trung rút nhưng nhiều nơi vẫn ngập nặng (PLTP). – Vết nứt “lạ” dài 100m sát sông Gianh “chực chờ’ nuốt trọn nhiều nhà dân (Infonet).
Tin nhân quyền
VOA đưa tin: Cựu tù nhân lương tâm VN lần đầu họp mặt chia sẻ kinh nghiệm tranh đấu. Các cựu tù nhân lương tâm từng bị giam cầm ở Việt Nam sẽ gặp nhau ở thành phố Houston, Texas, Mỹ, vào ngày 8/9 để “chia sẻ những kinh nghiệm tranh đấu và tìm một hướng đi mới cho phong trào đấu tranh ở quê nhà”.
BS nha khoa Chu Văn Cương, trưởng ban tổ chức cho biết: Các diễn giả từng bị chính quyền Hà Nội giam cầm sẽ trình bày tại buổi hội đàm này, gồm có LS Nguyễn Văn Đài, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, mục sư Nguyễn Công Chính, Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhạc sĩ Việt Khang và một số nhà đấu tranh khác.
Mời đọc thêm: Thế lực nào kích động người dân khiếu kiện đất đai tại Việt Nam? — Ông cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói hoàn toàn chính xác về quyền tự do ngôn luận của báo chí VN (RFA).
Tin giáo dục
Vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Xét xử cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT ngày 16/9, VTC đưa tin. Phiên xử sẽ được tổ chức ở TAND tỉnh Sơn La, có 8 bị cáo bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là: Trần Xuân Yến, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Lò Văn Huynh, cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thanh Nhàn, cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí; Nguyễn Thị Hồng Nga chuyên viên Phòng Khảo thí; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT; Đặng Văn Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá công an và Đỗ Khắc Hưng cựu trung tá công an.
Với vai trò là Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT tỉnh Sơn La 2018, bị can Trần Xuân Yến, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, đã cho thông tin của 15 thí sinh để giúp nâng điểm thi, thông qua các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật bàn về vụ gian lận thi ở Sơn La: Choáng với số tiền 3 bị can nhận để nâng điểm. Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, người đã trực tiếp nâng sửa điểm các bài thi trắc nghiệm, đồng thời rút chìa khóa phách môn thi tự luận để nâng điểm cho 12 thí sinh đã nhận 1,04 tỉ đồng. Còn bị can Lò Văn Huynh, Phó trưởng ban chấm thi đã nhận 1 tỉ đồng sau khi nâng điểm tự luận môn Văn cho 7 thí sinh.
Mời đọc thêm: Ngày 16/9 sẽ xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La (Tin Tức). – Ông Hoàng Tiến Đức bị hủy chức, sức khỏe đã ổn định (ĐV). – 15 đảng viên có con được nâng điểm tại Hòa Bình đã vi phạm thế nào? (LĐ). – Sơn La bổ nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT mới (TN).
***
Thêm một số tin: Triệu tập gần 200 người đến phiên xử vụ buôn thuốc giả tại VN Pharma (TT). – Tìm giải pháp chống ngập cho TP.HCM (PLTP). – Cụ ông 76 tuổi, ‘ước chân dài ra’ để tiếp tục đạp xích lô nuôi mẹ già 102 tuổi (NV). – Chuyện xót xa tột cùng và khó tin đến vậy mà cũng xảy ra được sao? (NLĐ). – Chuyện lạ có thật: Dân Sài Gòn hồ hởi hiến “đất vàng” mở rộng hẻm (LĐ). – Bài 1: Những người đàn ông không ăn nhậu nghĩ gì về bia rượu? (MTG). – Facebook đối mặt với điều tra chống độc quyền ở các tiểu bang — ‘Trung Quốc là mối hiểm họa lớn nhất của Mỹ trên không gian mạng’ (VOA).
-Nhìn lại nhiệm kỳ này, đoàn kết thống nhất nội bộ rất tốt, lòng dân tin tưởng
-Tại sao lòng dân ủng hộ như thế?
Đó là cãi cùn và nói khoác, không tin cứ trưng cầu dân ý, thăm dò dư luận> . Cả cái sự nghiệp vĩ đại này cứ thử đem đấu giá, được mấy xu?