6-9-2019
Có nhiều lần, trong nhiều câu chuyện cùng một chủ đề, với nhiều người quen ở Hà Nội; tôi nhắc đi nhắc lại nếu có một biến cố môi trường, thì với mật độ dày đặc nhân khẩu của thủ đô, sẽ luôn có hậu quả lớn hơn nơi khác.
Rất ít người quan tâm! Không ít lần tôi bị cười nhạo. Cách cười nhạo mà tôi chỉ biết lắc đầu khuấy ly cafe đã tan hẳn đá từ lúc nào hoặc tự rót một ly rượu đầy rồi nốc cạn. Đắng cay và bẽ bàng…
Biến cố môi trường có nhiều dạng. Dạng thấy được như cháy hoá chất đã khó ứng phó. Nếu đàn kiến chết bất thường, con thằn lằn bất ngờ rơi xuống hay cái cây sáng còn tươi xanh chiều đã héo rũ…; thì thực sự có bao nhiêu người biết rằng trong không khí có độc, độc gì hay chỉ cảm tính về một mùi khó chịu nào đó?
Dạng biến cố môi trường không thấy được lại càng nguy hiểm hơn. Nó có thể bẻ gãy chuỗi ADN để các bệnh nan y gen lặn “trồi lên” bên trong một đứa trẻ hay một người trưởng thành. Bất thình lình và không lường trước được. Ung thư chỉ là một hình thái thôi. Còn nhiều hình thái khác đa dạng hơn nhiều. Con cá nhiễm thuỷ ngân đáy sông Tô Lịch sau công bố của Bộ TNMT về vụ cháy Rạng Đông sẽ đi đâu sau 3 tháng nữa được câu lên?
Có trời mới biết!
Hà Nội vẫn thế. Nơi nghìn năm văn vật. Nhưng cũng là nơi rất rất rất ít người chuẩn bị dây thoát hiểm đủ dài cho sự cố cháy chung cư.
Thủ đô vẫn vậy. Nơi ngợi ca nhau là sĩ phu Bắc Hà. Mà không gian phổ biến những kỹ năng sống sót nhỏ vô cùng so với những chung cư san sát và vút cao.
Sau 11 năm rời Hà Nội về Sài Gòn mưu sinh, năm nào cũng ra vài lần tìm những kỷ niệm cũ, và thấy những nếp nghĩ cũ kỹ đến chán chường. Đến bán khẩu trang chống độc phi lợi nhuận cũng bị coi là trục lợi, đến tặng free chúng cho bà con quanh đám cháy cũng bị đánh giá là “nhạy cảm”.
Và một mớ nhà báo nhung nhúc như giòi, chỉ giỏi đếm tầng nhưng không truy hỏi được ông Chủ tịch Hà Nội hay ông Thủ tướng một câu ra hồn trước một biến cố lớn như cháy thuỷ ngân ngay giữa trung tâm chính trị lớn nhất quốc gia.
“Hà Nội không vội được đâu!” là một thành ngữ phổ biến. Nhưng nếu không vội vàng lên học nghiêm túc những kỹ năng thoát hiểm, học cách bảo vệ môi trường xung quanh thay vì chỉ biết lo cho thân mình thì một biến cố khác sẽ giúp người Hà Nội hay người ngụ cư ở Hà Nội sáng mắt ra. Có thể đánh đổi bằng bệnh tật hay thậm chí là sinh mệnh đấy!
Không phải lúc nào thủ đô cũng gặp may mắn lớn như cơn mưa ngày 29/8/2019 đâu. Có sự may mắn lớn ấy thì mới có cái “sự cố môi trường trung bình” mà Bộ TNMT đánh giá. Không có cơ mưa ấy, thực sự tôi không dám nghĩ hậu quả “trên trung bình” sẽ đi đến đâu nữa.
Con quái vật mang tên hậu quả của ô nhiễm chưa lộ ra “vuốt nanh” sắc nhất của nó đâu người Hà Nội ạ!
Nhưng cũng sẽ sớm thấy thôi…
Chỉ là tôi không thể không phẫn nộ khi đại đa số cư dân của thủ đô đang mài giúp “nanh vuốt” của hậu quả ô nhiễm bằng sự thờ ơ đến vô cảm của mình.
Thậm chí chưa cần đến hậu quả của ô nhiễm hiện ra đã lắm kẻ sốt sắng gọi những người đang cật lực bảo vệ môi trường Hà Nội là… phản động.
Bỗng nhớ những thân cây chục năm, trăm năm của thủ đô bị đốn hạ sai trái một cách “đúng quy trình”. Chúng có linh hồn đấy! Và vong linh của chúng sẽ đòi lại công bằng theo một cách nào đó.
Cũng sẽ sớm thấy thôi…
Nhìn từ Hà Nội và nhìn rộng ra cả nước. Cũng y như vậy!
hà lội nghìn năm ma vầy, quỷ vật