Về khả năng nhiễm độc do ô nhiễm thủy ngân khu vực quanh Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông

Đặng Ngọc Quang

30-8-2019

Vụ cháy ở Rạng Đông và nạn nhân của bệnh Minnamata. Ảnh: internet

Theo Mineral Year Book 2008, Việt Nam là đứng thứ 2 trong trong ba nước nhập khẩu nhiều thủy ngân nhất (121 tấn/năm) trên thế giới, sau Hà Lan (535 tấn) trong trong năm 2008. [1] Mineral Year Book năm 2009 cho biết con số thủy ngân nhập của VN là 74 tấn. Gần đây nhất, báo cáo về thương mai thủy ngân toàn cầu (UNIDO, 2017, 1b) cho biết riêng thủy ngân dùng trong khai thác và thủ công nghệ của VN được ước dao đông từ 1,9 đến 13,1 tấn (con số trung bình là 7,5 tấn).

Thủy ngân được dùng sản xuất bóng đèn và phích nước [2]. Các nhà máy được kể tên có dùng thủy ngân là Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Điện Quang, và Phillips. Rạng Đông là cơ sở sản xuất sản phẩm có thủy ngân lâu đời nhất, và quy mô lớn nhất.

Năm 2013, Việt Nam tham gia Công ước của Liên hiệp quốc Minnamata mang tên một địa danh ở Nhật nơi xẩy ra một vụ thảm họa nhiễm độc thủy ngân do nhà máy Hóa chất Chisso Co., Ltd. Minamata Factory thải chất độc vào nước ở Vịnh cùng tên. Thống kê năm 2004 cho biết thảm họa này đã làm 1.784 người chết và 10.000 người bị nhiễm độc do ăn thủy sản. Số tiền đền bù cho nạn nhân lên tới 84 triệu USD.

Ở VN, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương phụ trách việc tổ chức theo dõi thực hiện công ước này. Đầu mối trực tiếp là Tổng cục Hóa chất (Vinachemia). VN đã được nhận nửa triệu USD với nguồn viện trợ là Quỹ môi trường Toàn cầu GEF) để triển khai bước đầu đánh giá hiện trạng sử dụng thủy ngân. Toàn văn dụ án có thể xem ở [3].

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch tễ Mỹ (CDC), thủy ngân vào cơ thể có thể là kim ngoại nguyên chất, hợp chât vô cơ và hữu cơ. Ở nhiệt độ thường, thủy ngân kim loại ở dạng lỏng, có thể bốc hơi. Tác hại của thủy ngân nguyên chất với sức khỏe là chưa rõ, nhưng khi hít phải lượng khí có nồng độ lớn, phổi có thể bị phá hoại. Khi vào trong cơ thể, thủy ngân kim loại có thể chuyển hóa thành thủy ngân vô cơ. Khi hít lâu dài không khí nhiễm thủy ngân nồng độ nhỏ, có thể có bệnh về hệ thần kinh, trí nhớ, mẩn da, di thường ở thận. Để phát hiện mức độ nhiễm thủy nhân, có thể phân tích máu và nước tiểu [4]. Thủy ngân có thể ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu và phân.

Phân tích về thủy ngân như độc chất, CDC cho biết trong môi trường thủy ngân nguyên chất có thể đươc các vi khuẩn, các loài vi nấm tảo chuyển hóa thành Methylmercury [5]. Chúng được thải vào đất và nước và ở đây rất lâu. Hóa chất này có thể đi vào chuỗi thức ăn và từ đó thâm nhập vào cơ thể người. Khi động vật này ăn loại động vật nhỏ hơn, phần lớn methylmercury vẫn lưu giữ trong cơ thể động vật bậc trên. Đậu và ngũ cốc không tích lũy methylmercury, nhưng nấm ăn lại tích tụ nhiều. Không có thông tin về rau tích tụ thế nào.

Từ bài học của Minnamata, một đô thị với 30.000 dân, việc nhiễm độc bị phát hiện vào năm 1956 mà việc phục hồi thảm họa phải mất 35 năm mới hoàn tất vào năm 1990, vụ cháy máy Rạng Đông ngày 28/8/2019 [6] cần được xem xét đánh giá kỹ càng [Nhà máy này có khả năng chiếm 2/3 lượng thủy ngân nhập khẩu của Việt Nam có nghĩa là lượng thủy ngân có thể tới hàng tấn]. Theo thông báo của Rạng Đông [7], khu vực hỏa hoạn có cả nơi sản xuất đèn compact CFL – loại sản phẩm chiếm 8% tổng doanh thu của Công ty.

Hiện tại, bức tranh được Công ty và một số trang mạng vẽ là có quy mô gây thiệt hại nhỏ. Thiệt hại về tài sản ước chỉ 5% tổng tài sản Công ty. Có chuyên gia về môi trường cho rằng mức độ nhiễm độc là thấp, nhất là khi có những trận mưa giúp “rửa sạch” chất gây độc. Nếu nhìn từ góc khác, mưa và gió chỉ làm khu vực bị ô nhiễm lan tỏa rộng hơn.

Khi chưa rõ mức độ ô nhiễm vì chưa có đánh giá đầy đủ, người dân ở khu vực lân cận nhà máy cần được thông báo đầy đủ về khả năng và mức độ nhiễm độc cũng như khả năng phơi nhiễm. Một cuộc đánh giá ô nhiễm cần sớm được thực hiện để đề ra kế hoạch tẩy độc một cách cẩn trọng và tổng thể, nếu cần thì nên kêu gọi UNIDO, GEF hỗ trợ quốc tế ít nhất là về kỹ thuật, khi mà VN đã tham gia Công ước Minnamata.

Sức khỏe của lính cứu hỏa tham gia chữa cháy, và những người dân sống lân cận cần được theo dõi chu đáo và dài hạn. Ít nhất là họ cần được xét nghiệm vi lượng thủy ngân trong máu trong thời gian sớm nhất để đánh giá mức độ phơi nhiễm.

Nghiên cứu trường hợp về thảm họa Minnamata được GEF giới thiệu ở [8].

_____

[1] vietnam , mercury import, for lamp industry

[1b] https://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.11822/21725/global_mercury.pdf

[2] ven.vn/will-vietnam-stop-using-mercury-products-16405.html

[3] https://open.unido.org/projects/VN/projects/140068

[4] https://www.cdc.gov/biomonitoring/Mercury_FactSheet.html

[5] https://www.atsdr.cdc.gov/PHS/PHS.asp?id=112&tid=24

[6] https://vnexpress.net/thoi-su/kho-bong-den-rang-dong-chay-hon-5-tieng-3974394.html

[7] https://rangdong.com.vn/thong-bao-hoat-dong-cong-ty-ngay-29-8-2019-n445.html

[8] https://www.gef.or.jp/20club/E/minamata_e.pdf

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây