Đồng đội tôi đang nơi ấy

Trần Tuấn

25-8-2019

Tin tức từ bãi Tư Chính suốt những ngày qua khiến mọi người dân Việt Nam thắt ruột. Không còn dừng ở ngoài hiên nữa, mà với việc xâm phạm sâu vào bãi Tư Chính, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ vệ của Trung Quốc đã vào hẳn sân nhà mình rồi!

Mới đây nhất, ngày 22/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Trên thực địa bãi Tư Chính những ngày này, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam vẫn đang kiên quyết tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.

Tôi nhớ bãi Tư Chính một trưa đầu mùa hè của 21 năm về trước. Chiếc thang dây đung đưa trên đầu sóng cuộn, đưa cánh nhà báo chúng tôi bước lên nhà giàn DK1. Mặt sàn nhà giàn bằng thép sơn xanh như một boong tàu nhỏ, xung quanh vươn ra lớp lưới thép rộng chừng nửa mét thay cho lan can an toàn. Trên bậc lan can mảnh mai ấy vươn lên lá cờ Tổ quốc đã pha màu muối mặn, đuôi cờ đã tướp xơ vì bão gió…

Tôi nhớ hình dáng cái giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc to bè toát lên sự hung hãn thô kệch giữa biển Hoàng Sa của chúng ta hồi mùa hè năm 2014. Tôi nhớ Thành nhớ Hưng nhớ Dương nhớ Huân,…- những thuyền trưởng Cảnh sát biển trẻ trung can trường mà tôi và các đồng nghiệp từng có những ngày sát cánh giữa Hoàng Sa, đối mặt với từng cú đâm va hung hãn, những màn xịt vòi rồng dữ dội. Nhớ Trung, Thường, Vững, Huy, nhớ Dũng, Khánh,… những chính trị viên, thợ máy, lái xuồng.

Thành quê Quảng Ngãi, Hưng quê Hải Dương, Huân quê Ninh Bình, Dương quê Hải Phòng, Dũng Nghệ An, Khánh Quảng Bình,… Chỉ hơn chục ngày ở Hoàng Sa, tôi đã thuộc tính nết, nét vui chuyện buồn mỗi người.

Những ngày giữa thực địa giàn khoan Hải Dương 981 ấy, trong ba lô của tôi luôn mang theo lá cờ Tổ quốc của tàu CSB 4032 đã bị gió biển xé rách, bạc màu. Lúc thay lá cờ mới, thuyền trưởng Vũ Trọng Huân đã đồng ý trao lại cho tôi để khi vào bờ đưa vào Bảo tàng Hoàng Sa. Mỗi lần chuyển sang tàu khác, tôi lại mang lá cờ bạc màu rách tươm ấy ra để những người lính biển ký vào. Nhưng thú thực, lá cờ Tổ quốc ấy giờ đang nằm trang trọng ở góc Trường Sa-Hoàng Sa trên giá sách của tôi. Sau khi tôi nhận ra tại Bảo tàng Hoàng Sa ở Đà Nẵng đã có thật nhiều những lá cờ như vậy, của các đồng nghiệp tôi mang về, từ Hoàng Sa…

Cụm từ “đấu tranh trên thực địa” mới nghe qua thấy thật chung chung và hiền lành. Nhưng chúng ta sẽ khó thể hình dung nơi ấy sự cam go, khốc liệt diễn ra căng thẳng đến thế nào. Sách lược, chiến lược mỗi thời điểm, mỗi tình thế luôn khác nhau, được vận dụng một cách phù hợp, đó là điều bình thường của mọi cuộc đấu tranh. Sứ mệnh Tổ quốc đang trĩu nặng trên vai những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư can trường.

Những người tôi gọi là đồng đội. Người Việt chúng ta đều gọi là đồng đội.

Lá cờ rách trên tàu CSB 4032. Ảnh: Trần Tuấn
Thượng cờ mới trên tàu CSB 4032. Ảnh: Trần Tuấn
Khoảnh khắc im lặng giữa thực địa giàn khoan HD 981. Ảnh: Trần Tuấn
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Yếu thì phải nhận mình yếu và thấy quân cướp biển tấn công, cướp bóc thì một mặt chiến đấu thế nào không biết, nhưng quan trọng phải bảo vệ được lãnh thổ và giữ an toàn tối đa cho những người lính chứ không quá mạo hiểm liều quá mức! Nguyên tắc kẻ yếu thì phải tranh thủ kẻ mạnh và kêu gọi trách nhiệm của kẻ mạnh – phải làm ầm ĩ lên với Thế giới và kẻ yếu bị côn đồ bắt nạt có quyền làm như vậy và thời đại này phải yêu cầu kẻ mạnh (các cường quốc) có trách nhiệm xúm vào ủng hộ, bảo vệ mình. Đáng tiếc là lúc này chỉ còn hy vọng vào Nhà nước Việt Nam, mặc dù quá khứ có nhiều chuyện để mất lòng tin (Công hàm Phạm Văn Đồng, Gạc Ma …). Còn tình cảm và tâm trí thì chả riêng người Việt yêu nước trong nước mà Người Việt ở nước ngoài yêu nước cũng đều hướng về Bãi Tư chính!

Comments are closed.