Chu Sơn
21-8-2019
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chưa hết nhưng phải ngưng vì đã hết đêm. Tôi đi Huế bằng chuyến máy bay sớm. Đỉnh chở tôi đến trạm bán vé của Air Việt Nam trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ở đó có xe bus của hàng không đưa tôi và những hành khách khác ra phi trường. Đỉnh nói: “Khi nào vào lại Sài Gòn ông nhớ ghé, câu chuyện của chúng ta còn dài. Đêm rồi tôi nói với ông có một nửa, cái nửa Tây xâm nhập vào tôi qua con đường trường học và sách báo. Còn một nửa Ta: tôi chưa nói gì về truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là về Phật pháp đã trở thành gốc rễ trong tâm thức tôi để từ đó tôi nhìn lại vấn đề. Ông không nên vội vã đánh đồng Phật giáo và Cộng sản như giáo hội Công giáo đã làm trước đây. Ông cũng đừng tưởng đảng Cộng sản đã điều động được nhân dân vào các cuộc chiến tranh là có thể điều động nhân dân vào cuộc cách mạng vô sản là cái đích duy nhất và cuối cùng của họ”.
Đêm rồi thức trắng, tôi tưởng lên máy bay sẽ ngủ bù, nhưng một tiếng rưỡi trên chặng đường Sài Gòn – Huế tôi không hề chợp mắt. Những điều Hà Huy Đỉnh nói cứ đeo dính đầu óc tôi. Có những điều tôi nghe chưa lọt tai. Cũng có nhiều điều tôi chia sẻ và thích thú. Suốt mấy năm liền sau cái đêm trò chuyện dang dỡ ấy, mãi đến sau này tôi không ngừng trao đổi với bạn bè, hoặc độc thoại, nhưng chưa bao giờ có lời giải đáp dứt điểm cho vấn đề: Sự chia rẽ dân tộc dẫn đến nội chiến bắt đầu từ đâu trong giai đoạn lịch sử cận hiện đại?
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và những người Cộng sản thì bảo: Từ phương Tây với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và nền văn minh Ky tô giáo. Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh… thì bảo từ chủ nghĩa thực dân đế quốc và đồng thời từ sự ngu dốt, đói nghèo và hư hèn trong dân chúng. Ngô Đình Diệm và những người Quốc gia thì bảo từ chủ nghĩa và phe Cộng sản duy vật vô thần, từ Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam. Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh và Phật giáo miền Trung thì bảo từ tham sân si trong nhân loại và dân tộc.
Tôi trở lại Sài Gòn vào đầu năm 1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết. Trong bài “Không Lên Núi” tôi đã nói chưa đầy đủ về chuyến đi này. Vẫn nhớ Hà Huy Đỉnh nhưng tôi không tìm gặp vì đinh ninh rằng Hà Huy Đỉnh không theo Mặt Trận. Tôi thì đã chính thức tham gia Phong trào đô thị của Mặt Trận từ đầu năm 1972 với lập luận đơn giản rằng, chiến tranh phải kết thúc, phải có bên thắng bên thua, hòa bình phải được lặp lại. Tôi là người Việt Nam, cũng như nhiều người Việt Nam khác, tôi không thể đứng về phía Mỹ xâm lược. Vào thời điểm đó, tôi tin rằng mình chọn đúng. Nhưng lúc ngồi viết những dòng ký ức này, gần nửa thế kỷ sau sự chọn lựa ấy, tôi vẫn chưa dứt khoát phán đoán đúng sai về sự chọn lựa của bản thân mình. Như thế sự chia rẽ dân tộc vẫn còn là vấn đề đối với chính bản thân tôi…
***
Tôi gặp lại Hà Huy Đỉnh vào cuối năm 1973, gặp tình cờ khi tôi tới tìm Nguyễn Hữu Châu Phan và Phạm Liễu ở Trung tâm Học Liệu trên đường Trần Bình Trọng. Đỉnh đứng ở phía bên kia con hẻm đối diện với Trung tân Học Liệu, chúng tôi vui mừng cùng nhận ra nhau. Đỉnh kéo tôi vào nhà, tíu tít hỏi han đủ điều, trách tôi về Sài Gòn mà không ghé. Tôi nói rất nhớ anh, nhưng bận trăm công nghìn việc. Đỉnh hỏi có phải là việc của Mặt Trận không. Tôi hỏi lại, làm sao ông biết. Đỉnh nói chính ông đã nói tại căn gác này trong đêm thức trắng hồi giữa năm 1968 rằng “về Huế chuyến này sẽ theo Mặt Trận”.
Tôi đã nói với Đỉnh như thế thật, nhưng về Huế tôi không theo Mặt Trận liền mà chần chừ, trăn trở suốt hơn ba năm. Lý do: theo Mặt Trận là theo Cộng sản, mà Cộng sản thì tôi tin ít, ngờ nhiều. (Gia đình tôi ủng hộ kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 anh tôi tập kết ra miền Bắc. Các năm 1954 – 1956, trong chiến dịch Tố cộng – Diệt cộng của chế độ Ngô Đình Diệm, nhà tôi là nơi lui tới bí mật của những cán bộ được bố trí ở lại miền Nam để đấu tranh thống nhất đất nước theo tinh thần hiệp định Genève. Lúc bấy giờ tôi 11, 12 tuổi nhưng cũng hiểu được câu chuyện tình cờ nghe được: “Ông Cửu H, người đã làm lý trưởng trước cách mạng tháng Tám, có hai người con trai đang tuổi thanh niên (16, 17,18). Để kết nạp hai người thanh niên này vào đảng, chi bộ đã thử thách lòng trung thành và tinh thần giác ngộ cách mạng của họ: báo cáo thói quen, giờ giấc đi về của cha mình. Ông Cửu H bị du kích giết sau đó. Hai người con của ông tham gia Việt Minh, tập kết ra Bắc”. Năm 1957 tôi từ Mỹ Lợi lên Huế học trung học. Một trong những cuốn sách tôi đọc chăm chú vào cuối năm 1960 là cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, tác giả Hoàng Văn Chí, xuất bản 1959 tại Sài Gòn”. Cuốn sách mô tả cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm trong chế độ Cộng sản trên miền Bắc”. Tôi thuộc thơ Phùng Quán, Trần Dần, cả bài thơ bán linh hồn của Tố Hữu (Đời đời nhớ Ông). Tôi thích thú đọc truyện ngắn của Phùng Cung (Con ngựa già của chúa Trịnh) và thơ, truyện, tùy bút của nhiều tác giả khác. Tôi chật vật đọc và hiểu phần nào các bài phê bình, đóng góp ý kiến với đảng Cộng sản về lãnh đạo văn hóa văn nghệ và Cải cách ruộng đất. Tôi ngưỡng mộ các tên tuổi như Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Thụy An…. Tôi bất bằng và thất vọng trước tình trạng suy đồi của chế độ mà gia đình tôi đã một thời hướng về. Tôi đối chiếu những tội ác trong cải cách ruộng đất với câu chuyện “thử thách” của chi bộ Cộng sản tại quê nhà. Tôi bắt đầu ngờ vực chủ nghĩa Cộng sản từ đó).
Tôi nói tiếp với Đỉnh là lúc này tôi không còn tâm trí để tiếp tục câu chuyện chúng tôi bỏ dỡ từ mùa hè 1968. Tôi đã theo Mặt trận và hành động theo đường lối hòa bình của Mặt Trận. Đỉnh hỏi: Mặt Trận mà có hòa bình sao? Hỏi như thế là Đỉnh vẫn muốn tiếp tục câu chuyện dài… Tôi vội vàng đứng dậy. Tiễn tôi ra cửa, Đỉnh nói: Tôi vẫn thích rong chơi, nhưng thỉnh thoảng chuyện trò với một người bận rộn như ông cũng là một cách. Chắc là không còn cách chơi nào khác. Chiến tranh sắp chấm dứt. Cộng sản sắp tràn ngập miền Nam. Bạn bè tôi có đứa đã ra đi vì sợ… Sài Gòn “đến bây giờ còn là đất của tôi”, khi nào cần hỏi han chuyện gì ông cứ trở lại.
***
Một tuần sau tôi trở lại. Tôi muốn Đỉnh giải thích sự im lặng của giáo hội Phật giáo. Tôi cũng muốn biết giới báo chí nước ngoài nhận định thế nào về tình hình Việt Nam sau hiệp định Paris. Tôi nói với Đỉnh tôi ngồi khoảng một tiếng, chắc là tôi phải trở lại nhiều lần để nghe ông nói hết.
Vấn đề thứ nhất – Phật giáo, Đỉnh nói: “Phật giáo xét từ bản chất giáo pháp, không nên thành lập giáo hội. Khi đã thành lập giáo hội rồi thì đổ vỡ là chuyện đương nhiên. Đó là chưa nói đến những hệ lụy về sau. Phật giáo còn là Phật giáo Việt Nam, mà Việt Nam thì có Trung – Nam – Bắc, có Cộng sản – Quốc gia, có duy vật – duy tâm và cả duy linh, có vô thần – hữu thần, có lương – giáo, có xâm lược – đồng minh. Nghĩa là có chia rẽ, thực tế chia rẽ trầm trọng đến chém giết lẫn nhau (nội chiến). Cuộc nội chiến này nằm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân loại trên bình diện toàn cầu.
Bên này của cuộc nội chiến là phe Quốc gia nương mình trong cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đại diện cho nền văn minh Ky tô giáo phương Tây với huyền thoại tự do dân chủ. Bên kia của cuộc nội chiến là phe Cộng sản xếp hàng trong cuộc phản công và cách mạng của liên minh quốc tế vô sản đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc với chiêu bài giải phóng dân tộc, Xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân và nghĩa vụ quốc tế. Cả hai bên tuy có mục tiêu trái chiều nhưng đều dùng những thủ đoạn cực kỳ bạo động để loại trừ lẫn nhau. Kết quả là dân tộc và đất nước phải gánh chịu chết chóc đau thương và sự tàn phá ghê gớm chưa từng thấy trong lịch sử.
“Người Phật tử cùng với dân tộc ở giữa hai lằn đạn, hai sức mạnh chiến tranh hủy diệt, muốn thoát khỏi cuộc xung đột chết người, muốn tìm một hướng đi riêng để tự cứu mình và đề xuất với dân tộc và nhân loại một cách sống mới: tương nhượng, hòa bình và hòa giải. Người Phật tử tôi nói trên là Phật tử miền Trung – Huế dưới sự lãnh đạo của nhà sư Thích Trí Quang. Còn Phật tử miền Bắc di cư (1954) của Thích Tâm Châu, và khá đông Phật tử Đại thừa trong vòng ảnh hưởng của Mai Thọ Truyền ở các tỉnh trong thời Pháp là Nam kỳ quốc thì ủng hộ Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu. Những Phật tử Tiểu thừa không chú ý nhiều đến chính trị, không chủ trương đường lối Dân tộc và Đạo pháp như Phật Tử miền Trung, mà âm thầm ủng hộ Mặt trận Giải phóng.
“Cuối năm 1963, chế độ gia đình trị nhà Ngô bị lât đổ. Đầu Năm 1964, Phật giáo miền Nam thành lập Giáo hội Thống nhất. Đến cuối năm 1964 Giáo hội Thống nhất tan rã. Tác động của hai bên chiến tranh là nguyên nhân gần làm nên sự tan rã này. (Nguyên nhân sâu xa là bản chất của Phật pháp). Hiện tại Phật giáo miền Nam chia rẽ thành ba nhóm có khuynh hướng chính trị khác nhau: chống Cộng, thân Cộng và trung lập. Sau hiệp định Paris, tình hình chiến tranh có chiều hướng kết thúc: Yếu tố xâm lược là Mỹ rút lui, còn lại hai bên của cuộc nội chiến tiếp tục cuộc tranh hùng. Không khó để nhận định dứt khoát rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ thua và Việt Nam Cộng Sản sẽ thắng. Cũng không khó để trả lời câu hỏi của ông Chu Sơn: Tại sao Phật giáo im lặng? Theo tôi: cả ba nhóm đều im lặng vì lý do sau đây:
– Nhóm chống Cộng run sợ trước cận cảnh Cộng sản thống trị miền Nam, các thủ lĩnh toan tính chạy ra nước ngoài, những người ở lại thì cam chịu sự hà khắc của chế độ mới.
– Nhóm thân Cộng đã chọn thái độ âm thầm trong chiến tranh, trước tình hình bạo lực Việt Nam Cộng Hòa còn hung hăng, họ cũng không thể làm khác.
– Nhóm thứ ba (Phật giáo miền Trung – Huế) nhận ra rằng vai trò nhiệm vụ của họ đã kết thúc. Một khi hai phe nội chiến phân định thắng thua, thì thành phần chính trị thứ ba không còn lý do để tồn tại. Họ đang băn khoăn không biết sẽ làm gì trong đất nước do người Cộng sản cai trị? Một số trong họ (như Thích Trí Quang chẳng hạn) cho rằng, nhiệm vụ lịch sử đã chấm dứt, hết việc đời, quay về việc đạo. Một số khác (như như Thích Thiện Minh chẳng hạn) tính chuyện sống chung với Cộng sàn, chuẩn bị lực lượng đấu tranh lâu dài vì mục tiêu nhân quyền, tự do và dân chủ.
“Theo tôi, bản chất của Phật pháp khá gần gũi với chế độ dân chủ Tây phương. Qua thử nghiệm lịch sử (các phong trào đấu tranh từ 1963 – 1966), Phật giáo có khả năng đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Phải chăng con đường trung đạo và trung lập của Giáo hội Phật giáo miền Trung không là thực tế. Có thể họ dễ dàng kết hợp với phương Tây hơn là với Cộng sản, măc dầu đã có một thời họ nghĩ và úp mở tuyên bố rằng là “Giữa Phật giáo và Cộng sản còn có điểm chung là Dân tộc. Phật giáo và Mỹ chẳng có điểm chung nào cả”.
“Nguyên lý của Phật pháp theo những gì tôi tiếp nhận được là: nguồn gốc của mọi khổ đau hoạn nạn trên đời là tham sân si. Muốn chấm dứt khổ đau hoạn nạn phải trừ diệt tham sân si, thực hiện từ bi hỷ xã. Cuộc đấu tranh hòa bình để chuyển hóa từ khổ đau qua an lạc này bắt đầu từ chính mỗi cá nhân.
“Khi mà tất cả chúng sinh đều bình đẳng và việc thực hành giáo pháp thành công hay thất bại trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng thuộc về từng cá nhân, còn sư phụ, tăng thân, đến cả đức Thích Ca là vị khai sáng đạo Phật cũng chỉ là lực lượng hộ trì, thì việc thành lập giáo hội thống nhất có quyền lực tuyệt đối (như giáo hội Thiên chúa giáo) là không thể. Nói cho cùng bản chất của Phật giáo là tự do. Theo tôi: con đường tu hành theo giáo pháp của đức Thích Ca và con đường giáo dục của J.J Rousseau, về phương pháp có những điểm tương đồng, còn mục tiêu tuy có những dị biệt nhưng không đến nỗi mâu thuẫn dẫn đến đối kháng. Bên này, đạo Phật, sẽ có CON NGƯỜI AN LẠC thực hiện từ bi hỷ xã đến cả chúng sinh. Bên kia, học thuyết J.J Rousseau và tinh hoa của nền văn minh Tây phương, sẽ có CON NGƯỜI TỰ DO thực hiện bác ái, bình đẳng với tất cả mọi công dân không phân biệt giai tầng và địa vị xã hội.
“Vấn đề tư hữu hay công hữu: Theo tôi, một phật tử, tư hữu và công hữu chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu tối hậu phải thành đạt bằng mọi giá. Mục tiêu tối hậu của đạo Phật là an lạc cho cá nhân và nhân loại chứ không phải là tư hữu hay công hữu.
“Người Phật tử tại gia vì còn phải sống giữa đời thường nên tư hữu hay công hữu còn phải lâm thời kết hợp với xã hội để tồn tại, nhưng kết hợp trong nền tảng giáo pháp mà mình tiếp nhận được. Người phật tử tại gia không lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột lao động, cũng không nhân danh công hữu để đàn áp người khác. Đến người Phật tử xuất gia sống đời tu sĩ tôn trọng quyền tư hữu và lý tưởng công hữu của người khác nhưng bản thân không tích lũy để làm giàu, cũng không mưu đồ quyền lực danh vọng. Do vậy đấu tranh giai cấp với mục tiêu và giải pháp bạọ lực cộng sản hoàn toàn xa lạ trong đạo Phật…”
Những gì Hà Huy Đỉnh nói về giáo hội Phật giáo tôi cũng đã nghe từ nhiều nguồn khác. Từ nhóm Trực, Minh, Tòng, Thái chẳng hạn. Sở dĩ tôi hỏi Đỉnh vì hy vọng có một manh mối gì tích cực cho công việc của tôi chăng. Thì ra cũng chẳng có gì mới. Tất cả đều bất động trước tình thế đảng Cộng sản sắp kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng, và cuộc cách mạng vô sản tiếp liền sau đó là không thể tránh được. Nhiệm vụ của tôi là nối kết phong trào Sài Gòn với phong trào Huế – miền Trung. Mà phong trào Sài Gòn không thể nổi đình nổi đám nếu Phật giáo bất động cho dù nhóm các Dân biểu đối lập, nhóm Dương Văn Minh và nhóm Công giáo cấp tiến có sốt ruột và năng nổ như thế nào.
Tôi đề nghị với Đỉnh là thay vì anh tiếp tục nói, hãy cho tôi nghe một vài tiếng nói khác trong số các nhân vật Phật giáo mà anh quen thân hoặc trong những người bạn báo chí nước ngoài của anh. Đỉnh nói là cần có thời gian để liên hệ, sắp xếp. Tôi nói là tôi ở nhà Huỳnh Văn Tòng tận bên xóm Gà Gia Định. Nếu ngại đường xa thì có thể nhắn tôi qua Nguyễn Hữu Châu Phan ở Trung tâm Học liệu.
Khoảng gần một tháng sau Đỉnh tới nhà Huỳnh Văn Tòng tìm tôi. Anh chở theo một nhà báo Đức tên là Borries Gallasch. Huỳnh Văn Tòng đang ở nhà nên cuộc trò chuyện của chúng tôi nhanh chóng diễn ra thân mật và rôm rả. Borries Gallasch mở lời trước. Ông ấy nói có một người bạn tên là Erich Wullf, bác sĩ, đến Việt Nam từ những năm đầu thập niên sáu mươi, dạy ở đại học Y khoa Huế, rất thân với thượng tọa Trí Quang và ủng hộ hết mình phong trào Phật giáo Huế. “Huế là chiến tranh, Huế cũng là hòa bình, tiếng vang nào từ Huế cũng làm cho thế giới sửng sốt cả”. Gallasch nhấn mạnh nguyên văn như thế.
Gallasch tiếp tục (với tôi): Nghe Đỉnh nói anh từ Huế vào và anh muốn nghe gì từ nhà báo chúng tôi? Tôi nói tôi chưa gặp bác sĩ Wullf, nhưng đã nghe Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Đỗ Long Vân và Đinh Cường đề cập nhiều lần về ông ấy với rất nhiều quí trọng. Chúng tôi có cảm tưởng bác sĩ Wullf, một người Đức, và Việt Nam chúng tôi có chung một nỗi niềm… Hôm nay tôi muốn nghe ông Gallasch nói về hiệp định Paris.
Gallasch nói: “Có thể nói hiệp định Paris là kết quả đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bất đắc dĩ ngồi vào bàn hội nghị và gần như bị Mỹ bắt ép ký vào văn bản hiệp định khi hội nghị Paris kết thúc. Ký xong hiệp định Paris, Mỹ xem như thoát khỏi vũng lầy Việt Nam, và cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam xem như chấm dứt. Nhưng cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai phía Việt Nam vẫn tiếp diễn. Bên này vẫn hung hăng tử thủ, bên kia cương quyết ‘đánh cho Ngụy nhào’ để thống nhất đất nước. Nhưng hiệp định Paris còn có một điểm hy vọng cho dù đó là niềm hy vọng mong manh. Đó là điều 12a, b về những bước đi mơ hồ của hai bên nội chiến và vai trò của lực lượng thứ ba trong tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc.
Tôi nói ‘hy vọng mong manh’ vì hiệp định không đề ra một biện pháp chế tài nào mạnh mẽ và cụ thể để kiểm soát đình chiến, Ủy ban kiểm soát đình chiến chỉ là một tổ chức hình thức, có tính cách tượng trưng, không có quyền hạn và thực lực như một trọng tài đích thực trên sân cỏ. Trong khi đó lực lượng thứ ba tuy là tiếng nói (hòa bình và trung lập) đại diện cho đa số quần chúng miền Nam nhưng không có lực lượng quân sự, không có lãnh thổ, bị bên này (VNCH) căm ghét, bị bên kia (VNCS) lợi dụng và nghi ngờ mục tiêu trước mắt và lâu dài. Thực tế là Phật giáo không đủ tầm vóc làm gạch nối hòa giải. Giới báo chí chúng tôi nhận định: Mỹ ký cho được hiệp định Paris để rút lui, còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký cho được hiệp định Paris để “Mỹ cút”, quân Giải phóng có thời gian để dưỡng sức, củng cố và chuẩn bị lực lượng đánh trận cuối cùng cho “Ngụy nhào”.
“Tôi là một người Đức, nước Đức sau chiến tranh thế giới thứ II cũng bị áp lực từ hai phía Nga – Mỹ phải chia cắt làm hai quốc gia riêng biệt, hai vùng lãnh thổ Đông – Tây, và hai chế độ chính trị đối đầu. Chúng tôi may mắn hơn Việt Nam là không phải chịu đựng cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ và không có cuộc chiến giải phóng miền Nam của VNDCCH. Chúng tôi cũng có khát vọng độc lập và thống nhất mạnh mẽ như các bạn Việt Nam, nhưng độc lập thống nhất trong hòa bình hòa giải, hòa hợp dân tộc sau một thời gian dài giết chóc, xâu xé lẫn nhau và chia cắt đất nước là điều cực kỳ khó. Cho dù có khó cũng phải bằng mọi cách thực hiện cho được. Berlin của nước Đức chúng tôi bị tàn phá bởi bom đạn của hai phía đồng minh Nga – Mỹ trong trận cuối cùng đánh vào sào huyệt của Hitler là bài học cho Việt Nam trong trận cuối cùng sắp tới. Tố Cộng diệt Cộng, B52 rải thảm, giết sạch đốt sạch, đếm xác, chất độc hóa học, Mỹ Lai, hàng rào điện tử, chiến dịch Phượng Hoàng,…, cuộc chiến tranh hủy diệt của Mỹ đã gây cho Bắc Việt và Mặt Trận những giết chóc tàn phá kinh hoàng. Kinh nghiệm đau thương chồng chất qua hàng chục năm như thế, làm sao tránh được hành động trả đũa của quân kháng chiến trong trận cuối cùng tại Sài Gòn? Hàng trăm ngàn người sẽ chết là nhân dân và quân đội của hai phía, Sài Gòn bị đổ nát là thảm cảnh, là bi kịch không nên để xẩy ra.
Lực lượng thứ ba, xét về phương diện bạo lực không bao giờ làm cho hai phía nội chiến nể trọng, nhưng xét về nguyện vọng của đa số quần chúng miền Nam và sự phát triển lịch sử theo chiều hướng lành mạnh lại là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc sắp tới. Tôi nghe bạn tôi, bác sĩ Wullf, nói là Phật giáo đã tụ họp quần chúng để hình thành lực lượng thứ ba từ năm 1954 khi nghe tin Ngô Đình Diệm được Mỹ bảo trợ về nước chấp chánh. Tôi cũng nghe các đồng nghiệp người Pháp nói là, Dương Văn Minh sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm đã toan tính một sách lược ngoại giao mở rộng: giảm bớt sự lệ thuộc Mỹ, tăng cường ngoại giao với Pháp, Tây Đức và các nước phương Tây khác để trung lập hóa miền Nam.
Theo tôi Phật giáo của nhà sư Trí Quang và nhóm Dương Văn Minh là hai nhân tố cần thiết để hai phía Việt Nam (Cộng sản và Quốc gia) nếu không thực hiện được điều 12a, b của hiệp định Paris thì cũng chấm dứt cuộc nội chiến trong thắng lợi của một nền hòa bình đích thực. Hơn thế nữa, một Việt Nam độc lập, thống nhất còn phải hòa giải, hòa hợp với phương Tây để có điều kiện ban giao bình thường với Trung Quốc – quốc gia mà nhiều triết gia xã hội học phương Tây từ rất lâu đã cảnh báo về hiểm họa da vàng…”
Theo sự sắp xếp của Hà Huy Đỉnh tôi sẽ gặp để lắng nghe hai ông thầy mà Đỉnh rất tôn kính ở trường luật là Vũ Văn Mẫu và Bùi Tường Huân, nhưng tôi có việc gấp phải đi Huế, rồi đi Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang; hai tuần sau trở về lại Sài Gòn, nghe Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Trực, Bùi Minh nói là hai ông Huân – Mẫu là người gần gũi khắn khít với thầy Trí Quang, mà thầy Trí Quang và giáo hội Phật giáo Ấn Quang đang có những chuyển biến tích cực nên tôi không còn nhu cầu lắng nghe như những ngày “khủng hoảng” nữa.
Từ đó tôi không gặp lại Hà Huy Đỉnh cho đến tháng 2/1976, Hà Huy Đỉnh đi Huế tìm thăm tôi. Lúc bấy giờ tôi đang lên cơn sốt li bì do bị tràn dịch màng phổi, phải nằm bệnh viện nên cuộc gặp lại sau hơn hai năm xa cách và sau biến cố lớn 30.4.1975 ấy chúng tôi không trò chuyện được gì. Trong cơn đau vùi, tôi lờ mờ nghe Đỉnh nói là anh có mặt tại dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử Dương Văn Minh đầu hàng, và anh cũng mới ở tù về.
***
Đầu tháng 6/1976, tôi có việc đi Sài Gòn, tìm thăm Đỉnh tại căn gác trong hẻm Trần Bình Trọng. Đỉnh cho tôi xem toàn bộ các tấm ảnh anh chụp tại dinh Độc Lập và đài phát thanh sáng trưa 30.4. Ảnh chiếc xe tăng to đùng nằm trước cổng dinh gãy đổ, ảnh Dương Văn Minh và mấy người đồng sự của ông dong tay đầu hàng trước họng súng của quân Giải Phóng, ảnh Dương Văn Minh ngồi trên chiếc bàn vuông giữa những người đồng sự và quân Giải Phóng.
Trong ảnh tôi nhận ra hai người bạn Nguyễn Hữu Thái và Huỳnh Văn Tòng. Ảnh chụp Hà Huy Đỉnh bận áo bà ba nâu, tóc bối đứng giữa đám đông người của hai phía. Tôi hỏi Hà huy Đỉnh làm sao vào được dinh Độc Lập vào đúng thời điểm trọng đại đó, ông vào đó với tư cách gì? Đỉnh nói:
“Tôi theo dõi tình hình qua BBC, VOA và đài phát thanh Sài Gòn. Không khó lắm để phán đoán chính xác kết cục của trận đánh cuối cùng. Tôi theo dõi từng bước cuộc tấn công của quân Mặt Trận và những diễn biến chính trị tại Sài Gòn. Từ giữa tháng Ba, sau lệnh rút khỏi Tây nguyên của Nguyễn Văn Thiệu, tôi và Gallasch thường xuyên gặp nhau trao đổi tình hình.
“Gallasch rất sợ bom đạn khi hai bên giáp chiến trong trận cuối cùng, và cũng sợ quân Cộng sản ngộ nhận mình là người Mỹ. Gallasch nói đã có hai bác sĩ người Đức đồng nghiệp của Wullf dạy học ở đại học Y khoa Huế bị giết trong Mậu Thân vì lý do này. Tôi nói trận Mậu Thân khác, trận này khác. Tôi vốn không tin vào sách lược hòa giải, hòa hợp của Cộng sản, nhưng nghe ông Chu Sơn nói đi nói lại nhiều lần nên cũng ngã lòng. Tôi thuyết phục Gallasch ở lại với cùng một luận điểm ông Chu Sơn đã thuyết phục tôi. Gallasch ở lại và cùng tôi ra phố giúp tôi mua sắm máy ảnh và các dụng cụ nghề nghiệp của một phóng viên.
“Gần trưa 30/4, tôi vào dinh Độc Lập, Gallasch vào khoảng 30 phút sau đó. Chúng tôi đã cùng chứng kiến và cùng chụp ảnh cảnh xe tăng và quân Cộng sản hùng hổ, ào ạt vào dinh, cảnh nội các Dương Văn Minh hoảng sợ đầu hàng. Tôi giới thiệu Gallasch với Bùi Tùng, trung tá chính ủy quân Giải Phóng. Có lẽ thấy tôi mặc áo quần bà ba nâu, để râu gần giống cụ Hồ nên trung tá Tùng tưởng tôi là người cùng phe, đề nghị tôi và Gallasch ngồi xe jeep với ông đến đài phát thanh Sài Gòn để Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
“Ở đài đài phát thanh tôi và Gallasch chụp cảnh Bùi Tùng ngồi viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc, cảnh tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc tuyên bố đầu hàng, cảnh Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng giới thiệu chương trình và phát biểu. Số ảnh tôi chụp tại dinh Độc Lập và đài phát thanh có 65 kiểu tất cả.
“Sau khi từ dinh Độc Lập về, tối 30 tháng 4 và mấy ngày đêm sau đó, tôi ngỡ ngàng nhìn lại chính mình. Một người không muốn dính líu đến chính trị, đặc biệt là chính trị Cộng sản, cũng không là phóng viên, nhà báo, bỗng dưng trở thành chứng nhân của một sự kiện lịch sử trọng đại mà bản thân tôi vừa muốn nó xẩy ra vừa lo sợ nó xẩy ra! Cái duyên nghiệp gì đây? Đúng một tuần sau sự dính líu chủ yếu do óc tò mò ấy, duyên nghiệp kéo đến với tôi trùng trùng. Người của thành ủy đến, người của tình báo đến, người của quân báo đến, người của các báo đến. Toàn những người lạ hoắc, nhưng chắc chắn mới từ trong rừng ra, từ ngoài Bắc vào.
“Họ hỏi tôi là người của tổ chức, cơ quan nào? Ai giao nhiệm vụ? Tôi nói tôi không thuộc về đâu cả. Không ai cử tôi đến. Tôi đến vì tò mò chứ không vì mục đích nào khác. Người của A(?)25 bám tôi đến cùng. Họ yêu cầu tôi nói cho họ những gì tôi biết về ‘Mỹ – Ngụy’. Họ yêu cầu tôi trao cho họ mấy cuốn phim tôi đã chụp hôm 30.4.
“Cuối tháng 8 tôi tự ý đi Hà Nội để cho biết thủ đô của nước Việt Nam độc lập thống nhất nhân dịp quốc khánh 2.9. Nhưng đến Phan Rang tôi bị chặn bắt đưa trở lại Sài Gòn. Tôi bị giam suốt 4 tháng để thẩm vấn. Thẩm vấn ngày, thẩm vấn đêm. Họ hỏi tôi đã cộng tác với Mỹ – Ngụy như thế nào? Tôi đã quan hệ với ai và nhận nhiệm vụ cụ thể gì để chống phá cách mạng trong kế hoạch hậu chiến? Họ hỏi tôi về các mối quan hệ giữa tôi và ‘bọn tình báo nước ngoài đội lốt phóng viên nhà báo hoạt động tại Việt Nam’. Họ hỏi tôi có phải làm việc cho Mỹ qua trung gian của Gallasch? Tôi và Gallasch đến dinh Độc Lập hôm 30.4 theo chỉ thị của Mỹ? Hàng trăm câu hỏi đại loại như thế họ buộc tôi phải trả lời với cả đe dọa và hứa hẹn…
“Tôi nói tất cả sự thật về nhân thân tôi trong các mối quan hệ chính trị mà tôi đã từng nói với ông Chu Sơn. Nghĩa là tôi không có gì để trở thành đối tượng cho họ nghi ngờ, khai thác để loại trừ cả. Đến Tết âm lịch họ thả tôi ra. Trong những lời khai tôi có nhắc đến tên ông (Chu Sơn): ‘Một người hoạt động nội thành của Mặt Trận mà tôi quen biết’.”
***
Bốn tháng bị nhốt thẩm vấn và những lời căn dặn răn đe của công an trước khi được thả ra, sự quản lý của phường khóm, tổ dân phố đã khiến Hà Huy Đỉnh lâm vào tình trạng khủng hoảng, khủng hoảng nặng nề hơn hồi năm 1961 khi ở Tổng nha cảnh sát chính quyền Ngô Đình Diệm về. Lần này Đỉnh hoảng sợ thực sự. Hoảng sợ khi nghĩ tới khả năng bị bắt lại bất cứ lúc nào. Hoảng sợ khi nghĩ tới sự khó khăn trong sinh kế.
Hồi còn chiến tranh trong chế độ cũ, Hà Huy Đỉnh sống nhờ vào việc làm tư vấn cho các phóng viên, các nhà báo nước ngoài, dạy Anh văn, Pháp văn cho con em các gia đình bạn bè thân thích, thiết lập hồ sơ và tư vấn chuyên môn cho các doanh nhân tập tểnh vào nghề. Nay cả ba nguồn thu nhập đó không còn nữa: Các phóng viên, nhà báo nước ngoài một đi không trở lại, các gia đình bạn bè thân quen số thì đã di tản, số thì phải đi học tập cải tạo, số còn lại bị kiệt quệ sau các đợt cải tạo, đổi tiền và chính sách dành cho ‘dân ngụy’, các cá nhân muốn làm ăn riêng lẻ bị triệt đường sống bởi kinh tế quốc doanh.
Phải khó khăn lắm Đỉnh mới xin được phép của công an thành phố đi Huế để thăm tôi hồi tháng 2.1976 nhằm giải tỏa những bức xúc. Đến Huế thấy tôi đang li bì trong cơn sốt tại bệnh viện, Hà Huy Đỉnh thất vọng trở lại Sài Gòn.
Trong khoảng 25 năm, từ mùa hè 1976, tôi và Hà Huy Đỉnh không gặp nhau lần nào. Hè 1991 tôi có việc đi Sài Gòn dài ngày, tìm thăm Đỉnh ở căn gác trong hẻm Trần Bình Trọng, không gặp. Hỏi quanh, tôi tìm ra chỗ ở mới của anh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ). Tôi ngỡ ngàng mừng vui thấy anh chẳng những đã qua cơn hoạn nạn mà còn tỏ ra tươi tắn, ổn định.
Đỉnh cùng đứa cháu trai đang tuổi thanh niên cư trú trong một biệt thự sang trọng có vườn rộng trên ngàn mét vuông. Căn biệt thự, theo lời Đỉnh, của một thượng nghĩ sĩ quốc hội Việt Nam Cộng Hòa tên là Trương (?) Ngọc Oành đang ở nước ngoài, anh chỉ là người ở đậu (để giữ nhà). Chắc là Đỉnh nói thật. Anh chỉ sử dụng nửa sau ngôi nhà chính và toàn bộ công trình phụ, kể cả garage, nửa trước là nơi thờ tự và bỏ trống.
Nhìn qua sinh hoạt của Đỉnh, tôi nói nửa đùa nửa thật: Tưởng ông khó khăn, té ra ông đã “trưởng giả hóa”: Đi xe hơi, ở biệt thự, áo quần bảnh bao (tôi không thấy Đỉnh mặc bà ba nâu nữa), có vẻ ông đã là người của chế độ mới. Đỉnh nói: Tùy duyên thôi. Không điên đã là may. Không tự tử được thì phải sống, chứ biết làm sao? Ở tâm bão ít bị tàn phá hơn.
Tôi hỏi, vậy thì học thuyết Rousseau và tư tưởng Phật giáo ông để đâu rồi? Đỉnh nói, “đó là chuyện xa vời mộng mị. Tôi còn cả tuổi già và đứa cháu kêu bằng cậu … Ông Chu Sơn biết không, tôi đã từng là chủ một trại heo hàng ngàn con. Người nuôi heo, heo nuôi người, lầm than chật vật quá…”
Cuộc chiến huynh đệ 30 năm làm điên đảo nhiều cuộc sống đời thường.
Nhiều số phận cá nhân bị nhào nặn theo đủ mọi hướng.
Nửa thế kỷ sau 1975 xã hội Vn chưa ổn định.
Qua toàn bài của tác giả CS.,chúng ta đã thấy sự xâm nhập âm thầm
một cách tinh vi đến mức xảo quyệt của CS.miền Bắc khi khởi động
chiến tranh thôn tình miền Nam.Sở dĩ họ thành công dễ dàng như vậy
là vì đại đa số dân chúng miền Nam còn ngây thơ,thậm chí “ngu ngơ”
về chủ nghĩa CS.trong thực tế (chế độ CS.) vì họ chưa hề trải qua !
Nói “xảo quyệt” là vì họ núp bóng từ tôn giáo đến tổ chức chính trị có
tôn trọng tự do dân chủ của VNCH.còn non trẻ ở miền Nam.
Không phải chí có Phật giáo miền Trung (Ấn Quang) mởi âm mưu giật
sập chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà mà Mỹ cũng đã lợi dụng nhóm này trong
việc lật đổ TT.Diệm khi cho Thích Trí Quang chạy vào trong Toà Đại Sứ
Mỹ rồi cho phép TTQ.tuyên bố “lật đổ Diệm Nhu được thì chúng tôi mới
nói chuyện dàn xếp với CS.miền Bắc” (Marguerite Higgins trong quyển
sách bà viết “Our VN.nightmare”,New York 1965).
Còn bs.Wulf có hành tung của một gián điệp sinh ở nước chư hầu Liên Xô
qua VN.trong phái đoàn y khoa Đức giúp Y khoa Huế,chết ở Pháp.Ông này
vì thế được báo cho biết VC.tấn công Tết Mâu Thân nên bình an vô sự còn
3 bs.Đức khác bị sát hại năm 1968 vì bị nghi là CIA.(suy bụng ta ra bụng
người chăng ?).Sau này,Wulf qua thăm VN.được báo Sài Gòn Giải Phóng
xuất bản ngày 21/6/2008 giật tít “Gặp lại Erich Wulf,một ân nhân VN.”.
Cần phải nói thêm về Nguyễn Hữu Châu Phan,bạn của tác giả CS.
Trong bài “Gia đình cơ sở ở Huế” tức hoạt động “nằm vùng” của chính
CS.đăng trên Diễn Đàn cách đây khoảng 10 năm thì cha của NHCP.là
ông Nguyễn Hữu Đính,trưởng ty Công Chánh tỉnh Thừa Thiên lúc đó là
một gia đình cơ sở nằm vùng hàng đầu ở Huế.Ông này đã cho xây cất
một chổ hội họp đầy đủ tiện nghi ngay dưới nền nhà mình dành riêng
cho các cán bộ có vai vế ! Nằm vùng cỡ đó thì làm sao không thua cơ
chứ ? Dù sao,cũng nhờ CS.mà người quốc gia mới biêt là mặt trận tinh
báo – gián điệp đã bị CS.thao túng sau khi anh em NĐD.bị thàm sát !
Đánh Cho Mỹ Cút Ngụy Nhào
Để Bác Hồ Rước Tàu Vào Biển Đông .
Trong cuộc chiến “giải phóng miền Nam”:
Bọn CS Ba Đình là tay sai của Nga Hoa. (“Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và TQ” – Lê Duẩn tự hào)
Bọn Mặt Trận GPMN là tay sai Của CS Ba Đình (bị bóp mũi cho nhết khi đã “hoàn thành nhiệm vụ…lịch sử”)
Tất cả đều là tội đồ của dân tộc, vì chúng đã đưa đất nước vào tình thế bị o ép dưới (gót giày) xâm lược “mềm” của Trung Cộng như ngày nay
Riêng bọn CS gốc miền Nam thì không biết đã nghĩ gì khi nghe và nhìn thấy thái độ miệt thị của Nguyễn Phú Trọng (và đám CS gốc Bắc) ? Không biết chúng – những tên nằm vùng, khủng bố ở miền Nam trước 1975 – có đủ lòng tự trọng để cảm thấy bị xỉ nhục hay không ? Hay chúng vẫn (cố) tự thủ dâm bằng luận điệu “chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc”, Chống gia đình trị nhà Ngô, và chống “Thiệu Kỳ tay sai đế quốc Mỹ xâm lược”????
Thật là nhục nhã cho đám CS gốc Nam khi luôn bị đám CS gốc Bắc khinh khi, coi là thành phần ngu xuẩn, không đủ lý luận để làm….lãnh đạo, mà chỉ có thể làm tay sailà kẻ thừa hành. (xin lỗi là : Cầm kac cho chó đái)
Cá nhân tôi không căm thù CS Ba Đình (chỉ là không thể….yêu), nhưng vừa căm thù vừa khinh ghét bọn CS gốc miền Nam – những kẻ có tim, nhưng không có não, hoặc não của chúng đã bị “phân….hóa” (não hóa thành phân)