Vân Nam Nhất đái, Nhất lộ Tinh ký

Đỗ Hùng

16-8-2019

Thoạt nhìn, nhà ga sân bay quốc tế Trường Thủy Côn Minh có hình dạng tựa cánh chim bằng đang vút bay trong gió, kỳ thực đấy là rặng Ngọc Long Tuyết Sơn cách điệu. Nó có màu vàng nâu rất chi là ăn nhập với ánh nắng chiều nhàn nhạt nơi miền núi đồi vào buổi hôm mình tới.

Mình đến đây như một sự tình cờ. Đón mình là một cô tre trẻ nhỏ bé nhưng đã có chồng tên là Diệp Triệu Khánh (叶兆庆), lấy nick là Kathy cho dễ giao thiệp quốc tế. Nàng ở đâu đó cùng chồng con giữa miền sơn cước cách Côn Minh năm mươi dặm đường và làm việc cho Đài truyền hình kỹ thuật số di động Vân Nam (YMDTV), một thành viên của Tập đoàn Truyền thông Vân Nam (YMG).

Màn hình LED và bảng quảng cáo ở sân bay, dọc đường phố và nơi trụ sở YMG nhắc mình Trung Quốc đang hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Mao lập ra nước CHND Trung Hoa sau Quốc – Cộng nội chiến lần hai. Hình ảnh về thành tựu kinh tế, kỹ thuật, quân sự, vị thế chính trị của Trung Quốc không ngừng được phô trương bên cạnh các tòa nhà cao tầng đang nối nhau mọc lên xen giữa những vườn rau xanh ngắt nơi lãnh địa của Mạnh Hoạch, của Đoàn gia, của Điền Quốc, Nam Chiếu một thuở xa xưa đã tan thành tro bụi.

Có khoảng hai mươi người từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar – gồm nhà báo trong các đài truyền hình, quan chức các bộ liên quan đến truyền thông, viễn thông, công nghệ – tham dự hội thảo và chuỗi hoạt động trao đổi về truyền hình kỹ thuật số kéo dài mười một ngày tại Côn Minh và Lệ Giang. Sự kiện được giới thiệu là nằm trong “Năm Trung Quốc – ASEAN giao lưu truyền thông” mà mình ngẫu nhiên có mặt và rất nhanh sau khi khai mạc, mình bèn nhận ra rằng hồn cốt của nó liên quan mật thiết tới chiến lược mang tầm toàn cầu của Trung Quốc – Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn trước đây từng được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường” – Nhất đái, Nhất lộ (一带 一路).

Ông Lý Đào (李涛), Giám đốc Cơ quan quản lý Phát thanh và Truyền hình Vân Nam, nói trong phát biểu chào mừng là những hoạt động giao lưu, sẻ chia, hợp tác về truyền thông vùng Lan Thương – Mekong sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự kết nối trong khu vực theo tinh thần Nhất đái, Nhất lộ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra. Tiếp đó, ông Hòa Á Ninh (和亚宁), Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch YMG, khẳng định công ty ông coi trọng việc hợp tác, mở rộng hoạt động xuống Đông Nam Á. Ông cho biết YMG có các dự án đang được triển khai tại Myanmar, Lào và Campuchia, với sự ủng hộ của chính phủ các nước này. “Sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên”, ông nói, và nhắc lại đấy chính là điều mà Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) luôn hướng tới.

Đọc trong lời lẽ của hai vị có thể thấy một chính sách từ Trung ương đã được các cán bộ cấp tỉnh thấm nhuần và triển khai nhịp nhàng, mạch lạc nhường nào.

NHẤT ĐÁI, NHẤT LỘ

Nhất đái, Nhất lộ vốn xuất phát từ các sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (Vành đai) và Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 (Con đường). Phần cứng của sáng kiến bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật: giao thông, viễn thông, năng lượng, logistics…, để làm bệ đỡ cho phần mềm gồm các hoạt động giao thương; các hiệp định kinh tế, hợp tác; các định chế tài chính hỗ trợ và từ đó khởi sinh các kết nối về văn hóa, xã hội ngày càng bền chặt.

Về mặt phạm vi thì Nhất đái, Nhất lộ bao trùm châu Á, châu Âu, châu Phi và một phần châu Mỹ, nói chung là toàn cầu, với khoảng 60 nước, chiếm tổng dân số tầm 65% và GDP khoảng 45% toàn cầu.

Trực quan sinh động thì thế này, “Vành đai” bao gồm các kết nối từ Trung Quốc sang các nước Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan… rồi nối tới châu Âu. Một trong những ví dụ cụ thể là tuyến đường sắt từ Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang bên bờ Thái Bình Dương đến London và Madrid ở rìa Đại Tây Dương mà tàu hàng đã chạy xình xịch mấy năm qua. Một nhánh khác kết nối Trung Quốc với Mông Cổ, chạy qua Nga rồi đến châu Âu. Tuyến này hồi năm ngoái mình đã có dịp trải nghiệm. Cảm giác xuyên qua sa mạc Gobi mênh mông bát ngát rồi lao vun vút giữa những rừng bạch dương bạt ngàn đến nay vẫn còn phê. Giờ mình đang nghiên cứu đi tuyến đường sắt từ Hà Nội sang Nam Ninh, đến Trịnh Châu rồi rẽ qua Bảo Kê, lên Urumqi sau đó vượt biên giới sang Kazakhstan, lên thăm biển chết Aral và sau đó vượt biển Caspia để đến châu Âu (hoặc tới Nam Ninh, sang Côn Minh rồi lên Bảo Kê và đi tiếp như phương án trên để sang châu Âu).

“Vành đai” còn bao gồm các kết nối từ Trung Quốc tới Bangladesh, Pakistan và các nhánh tỏa xuống Đông Nam Á, chẳng hạn dự án đường sắt xuyên Lào để nối Trung Quốc với Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Về mặt địa lý, Việt Nam nằm trên hành lang của Nhất đái, Nhất lộ.

Liên quan đến “Con đường”, sẽ có một hành lang kinh tế biển từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á, sang Nam Á, Tây Nam Á, châu Phi và châu Âu. Nhiều cảng biển, khu hậu cần… đã và sẽ được xây dựng, ở Myanmar, Sri Lanka, Pakistan, châu Phi…

Một hướng khác của “Con đường” đó là tuyến đường “Biển băng” từ Trung Quốc ngược lên Bắc Băng Dương ở phía bắc nước Nga rồi qua châu Âu. Theo mình sự thành bại của tuyến đường biển này một phần lớn do ông trời. Nếu khí hậu trái đất ấm lên như cảnh báo của giới khoa học, Biển Bắc tan băng, tuyến này chắc chắn sẽ thông suốt, giúp rút ngắn hải trình từ châu Á sang châu Âu nhiều lần.

Để đảm bảo vốn cho Nhất đái, Nhất lộ, Trung Quốc lập ba thiết chế tài chính bao gồm Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (NDB). Nguồn tài chính sẽ đến từ nhiều phía, bởi một mình Trung Quốc không đảm đương nổi khi mà nhu cầu về phát triển hạ tầng kỹ thuật trong khu vực Vành đai – Con đường mỗi năm ước tính lên tới 900 tỉ USD.

Nhất đái, Nhất lộ kể từ khi ông Tập khai sinh vào năm 2013 cho đến khi được đổi thành Sáng kiến Vành đai và Con đường đã gặp phải phản ứng trái chiều. Nhiều nước hưởng ứng với các cấp độ khác nhau, như Kazakhstan, Sri Lanka, Pakistan… Điểm chung của các nước này là cần vốn và mối quan hệ hợp tác của Trung Quốc để phát triển. Một số nước khác cũng bày tỏ sự ủng hộ, như Nga, Indonesia, Thụy Sĩ, Hi Lạp và đặc biệt mới đây, Ý đã trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 đồng ý tham gia.

Cho rằng (và hẳn là như vậy) BRI được sử dụng để tạo ra ảnh hưởng chính trị, mở rộng hiện diện quân sự và tạo ra một môi trường chiến lược có lợi cho Trung Quốc, nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và một phần EU (Pháp và Đức) không tham gia và/hoặc đã công bố hoặc triển khai các kế hoạch của mình. Rõ ràng là các nước này không bao giờ muốn mua thẻ thành viên trong một câu lạc bộ mà Trung Quốc làm chủ nhiệm.

BRI là một sáng kiến không tiền khoáng hậu về ý tưởng, quy mô và tham vọng. Nó vẽ ra những chân trời xán lạn, nhưng đồng thời nó cũng bị chỉ trích kịch liệt bởi nhiều lẽ, trong đó có việc Trung Quốc sẽ sử dụng BRI để khiến các nước khác trở nên phụ thuộc hơn.

Một trong những điều được cảnh báo nhiều nhất là bẫy nợ. Các quốc gia nghèo sử dụng vốn vay của Trung Quốc để phát triển hạ tầng kỹ thuật, sau đó không thể trả nợ, sẽ buộc phải nhượng bộ lợi ích quốc gia cho chủ nợ. Ví dụ rõ nhất là trường hợp của Sri Lanka với cảng Hambantota, với khoản đầu tư xây dựng giai đoạn 1 là 361 triệu USD, trong đó có 85% vốn vay từ Trung Quốc. Khi đi vào hoạt động, cảng Hambantota gặp nhiều khó khăn, với doanh thu năm 2016 chỉ đạt 11,81 triệu USD, trừ đi chi phí hoạt động thì còn lời 1,81 triệu USD, không đủ trả nợ. Do đó Sri Lanka buộc phải giao quyền khai thác thương mại trong 99 năm cho China Merchants Port Holdings, một công ty đại chúng có cổ phần chi phối của nhà nước.

Công ty này dự kiến sẽ đầu tư hai giai đoạn tiếp theo của dự án, với tổng vốn lên tới 1,5 tỉ USD, mà một khi hoàn thành thì diện tích của nó sẽ rộng tới 16 km2 (nói cho dễ hiểu thì bằng tổng diện tích quận 3 + quận 1 + quận 4 của Sài Gòn), có thể đậu 33 tàu cùng lúc, trở thành cảng biển lớn nhất Nam Á. Việc Trung Quốc “sở hữu” cảng Hambantota làm dấy lên lo ngại họ sẽ sử dụng vào mục đích quân sự. Chính quyền Sri Lanka đã không ngớt trấn an rằng Trung Quốc chỉ làm thương mại thôi nhưng biết đâu đấy. Trước mắt thì chuyện này đang bị dân tình trong nước phản đối. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại.

Với Việt Nam mà nói, BRI là một bài toán khó nhằn: tham gia cũng kẹt mà không cũng kẹt. Nếu tham gia, Việt Nam sẽ nằm trong hành lang phát triển hạ tầng kỹ thuật cùng các chương trình hợp tác kinh tế của BRI. Nhưng nếu tham gia sâu, Việt Nam có thể trở thành con nợ và sự lệ thuộc vào Trung Quốc lúc đó không còn là nguy cơ.

Khác với Sri Lanka, vốn cách xa Trung Quốc và thuộc vào một nền văn minh, một hệ tư tưởng khác, ít có nợ nần cũng như ân oán giang hồ với Trung Quốc, Việt Nam có biên giới đất liền, biên giới biển chung với Trung Quốc vốn đang trầm tích nhiều giằng co, lại ở trong cùng một nền văn minh Sinic (Văn minh Á Đông, mình dẫn theo phân loại của Samuel P. Huntington), về mặt hình thức thì cùng chung hệ tư tưởng và lâu nay bị coi là lệ thuộc Trung Quốc về chính trị, một khi tham gia BRI, sử dụng tài lực, vật lực, nhân lực, công nghệ Trung Quốc, khả năng phụ thuộc sẽ càng cao. Lúc đó, các vấn đề như chủ quyền trên bộ và dưới biển, sự độc lập về chính trị… sẽ càng trở nên khó giải quyết. Chưa kể việc tìm kiếm sự đồng thuận từ trong nước cũng rất chi là khó khăn.

PHỦ SÓNG ĐÔNG NAM Á

Nàng Diệp Triệu Khánh và cô bạn Dương Tú Chi (杨秀芝), một cô gái trẻ người Hán chưa chồng, cùng ông sếp dẫn tụi mình đi tham quan cơ ngơi Tập đoàn Truyền thông Vân Nam. Nó là một tổ hợp đồ sộ, với những tòa nhà cao mấy chục tầng chứa trong lòng những bảo tàng, trường quay, phòng làm việc, hội họp, phòng điều kiển, các trung tâm nghiên cứu công nghệ, phòng hợp tác, đối ngoại, đào tạo, ẩm thực. Các hoạt động sản xuất nội dung truyền hình (tin tức, phim, chương trình giải trí…), viết ứng dụng OTT, phát triển công nghệ truyền hình số mặt đất… bắt đầu từ nơi đây rồi được triển khai khắp Vân Nam – một tỉnh có diện tích 390.000 km2 (lớn hơn Việt Nam) và dân số tầm 50 triệu người – và vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Trong chiến lược phát triển, YMG đặt mục tiêu phủ sóng tới 3-5 quốc gia Đông Nam Á trong vòng năm năm, tính từ 2018.

Ở một căn phòng trên tầng hai mươi ba của tòa nhà chính, ông sếp của hai bạn Khánh – Chi chỉ cho tụi mình xem những bản đồ mô tả hoạt động của YMG ở Đông Nam Á. Theo đó, tập đoàn này đã đầu tư tại Myanmar, đang hợp tác với các công ty của Lào và Campuchia để cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Người Trung Quốc cung cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và cả nội dung (cung cấp bản quyền phim, chương trình truyền hình, hỗ trợ sản xuất…) để triển khai dịch vụ đến từng nhà tại Campuchia và Lào. Ông sếp, mình quên mất tên, cho biết dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất của công ty hiện đã phủ sóng tới 40% dân số Lào. Ông còn chỉ cho mình những ứng dụng OTT mà công ty ông phát triển bằng tiếng Lào. Ở Campuchia tình hình cũng tương tự.

Tại Việt Nam, dù YMG chưa thâm nhập như tại hai quốc gia kia, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc trong mảng viễn thông, truyền hình thì đã tới tận các hộ gia đình. Không tin các bạn thử lật cái thiết bị phát wifi của Viettel hoặc công ty nào đó lắp cho gia đình bạn và đọc chữ bên dưới xem. Rất có thể nó bao gồm các chữ “Made in China” hoặc “Huawei”, “ZTE”.

Sau một hồi giới thiệu, từ phòng điều khiển của công ty, qua màn hình LED, vị sếp YMG cho tụi mình xem cách ông trao đổi với với các nhân sự Lào và Campuchia đang làm việc ở các văn phòng tại hai nước kia. Mình chợt mường tượng ra cách mà Trung Quốc ảnh hưởng tới các nước thông qua Nhất đái, Nhất lộ. Một mai kia, khi mà các con nợ đủ lệ thuộc, khi mà sự ảnh hưởng của Trung Quốc đủ lớn, họ có thể ngồi nơi đây để điều khiển các nước kia, như vị sếp tại YMG đã làm demo cho mình xem vậy. Đấy là mình ngô nghê hóa vấn đề. Thực tế hẳn không đơn giản như vậy.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.