13-8-2019
Hôm nay, tại Berlin đã diễn ra cuộc hội ngộ cảm động của hai bà già Đức: Rosemarie Badaczewski và Kriemhild Meyer. Họ chỉ kịp chia tay nhau lần cuối cùng qua bức tường Berlin hôm chủ nhật 13.8.1961. 58 năm sau, nhờ sự tìm kiếm công phu của các nhà sử học, hai cô bạn thân ngày nào mới gặp lại nhau.[1]
Ban lãnh đạo CHDC Đức đã chọn ngày chủ nhật để xây bức tường Berlin nhằm giảm các phản ứng của quốc tế và của đối phương. Tôi gọi ngày 13.8.1961 là Chủ nhật đen.
Bức tường bất ngờ được dựng lên rạng sáng Chủ nhật đen đã chia Berlin thành Đông và Tây, cùng với số phận của hàng vạn gia đình Đức.
Cặp vợ chồng Hans và Katarina Kuhlke hành nghề buôn bán sắt vụn ở Đông Berlin. Khi Đông Berlin tiến lên CNXH, họ trở thành “buôn lậu“ vì phải bán lén sang Tây Berlin. Mỗi lần đi như vậy, họ để cậu con trai Paul ở lại bên Đông. Sáng sớm 13.8, khi biết bức tường xuất hiện, họ vội quay về với con. Nhưng vì đi bằng đường lậu, họ không có giấy thông hành. Mọi cố gắng trở về miền Đông qua các kẻ hở hàng rào đều thất bại. Những chứng cớ về buôn lậu đồng của Hans đã biến anh thành kẻ thù của chế độ. Hans bị truy nã, đường về bị cắt đứt. Hai vợ chồng không đi Tây Đức mà ở lại Tây Berlin để đón bằng được con sang. Katarina không thể tha thứ cho chồng về tội để mất con. Hôn nhân khủng hoảng.
Ở bên kia bức tường, chính quyền giải thích cho Paul là bố mẹ đã cố tình bỏ rơi cậu chỉ vì nghe theo tiếng gọi của vật chất. Paul được đưa vào nhà trẻ mồ côi để đào tạo để trở thành hạt giống đỏ. Nhưng cậu bé 14 tuổi có quá nhiều kỷ niệm đẹp với bố mẹ, không chịu từ bỏ việc đi tìm họ.
Cậu tìm cách vượt biên qua một căn nhà bỏ hoang mà phía sau là Tây Berlin. Cảnh sát Đông Đức kịp bắt giữ cậu bé trước khi nhảy từ cửa sổ xuống bên kia. Chưa vị thành niên, Paul chỉ bị gửi trả lại trại trẻ mồ côi để giáo dục thành một thanh niên XHCN.
28 năm sau, tháng 11.1989, bức tường Berlin bị xóa sổ. Hội ngộ.
Bi kịch của gia đình Kuhlke chỉ là một trong hàng trăm ngàn những chuyện đau thương khác ở Đức. Thời kỳ học nghề ở Đông Berlin từ 1967-1971, tôi đã xem vài phim truyện của cả hai bên về đề tài này. Mãi sau này, tôi mới hiểu.
Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ, Anh và Liên Xô đã định đoạt tương lai châu Âu tại các hội nghị Teheran và Yalta. Theo đó, châu Âu, nước Đức và cả thành phố Berlin đều sẽ được chia thành các vùng chiếm đóng của các bên chiến thắng.
Sau ngày 8.5.1945, nước Đức bị chia cắt thành 5 vùng. Mỹ, Anh, Pháp và Bỉ cai quản miền Tây với ¾ diện tích và 62 triệu dân. Hồng quân Liên Xô chiếm 1/4 nước Đức ở phía đông là vùng trù phú và phát triển nhất với 20 triệu dân, bao gồm các trung tâm công nghiệp như Dresden, Magdeburg, Berlin, Chemnitz v.v.
Thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong lòng Đông Đức cũng bị chia làm bốn phần. Liên Xô kiểm soát phần Đông Berlin, sau này thành thủ đô nước CHDC Đức.
Ngày 24.5.1948, các bang miền Tây họp nhau thành lập ra nước Cộng Hòa Liên Bang Đức theo thể chế dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường tự do, thủ đô là Bonn. Các nhà lập quốc coi đây chỉ là nhà nước tạm thời nên không làm hiến pháp. CHLB Đức chỉ có „Đạo luật cơ bản“.
Ngày 1.10.1949 nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời ở miền Đông với một bản hiến pháp XHCN. Tây Đức dùng đồng D-Mark còn CHDC Đức dùng đồng DDR-Mark.
Sự ra đời của hai nhà nước Đức với những khác biệt về kinh tế và thể chế chính trị đã gây ra làn sóng tỵ nạn từ Đông sang Tây. 3.5 triệu người Đông Đức đã rời bỏ quê hương, chạy sang miền Tây trong 40 năm chia cắt đất nước.
Để chống lại làn sóng di dân này, ngay từ năm 1949 chính phủ CHDC Đức đã xây đường biên giới Đông Tây Đức (biên giới Đức-Đức), dài 1400 km chia đôi nước Đức. Biên giới này được bảo vệ bằng mìn và giây thép gai. Vì hiệp ước Potsdam quy định thành phố Berlin là thành phố trung lập, chịu sự bảo hộ của cả Mỹ, Anh, Pháp và Liên xô nên không ai dám chia cắt thành phố trung lập này. Ở phía đông là chính quyền công-nông, kinh tế XHCN, còn bên kia phố đã là một xã hội khác hẳn. Tây Berlin không thuộc CHLB Đức, nhưng về cơ bản, lại hội nhập về thể chế và kinh tế. Dân chúng Đông-Tây vẫn đi lại bình thường bằng giấy thông hành qua các checkpoint (trạm kiểm soát). Nhiều người vẫn ở Đông Berlin, đi làm bên Tây có ngoại tệ mạnh, tối về bên này ngủ và sinh hoạt rẻ hơn.
Những người có trình độ ở CHDC Đức đều thích sang miền tây sống. Để tránh biên giới Đức- Đức đầy mìn và dây thép gai, họ thường đổ về Đông Berlin rồi lẻn sang bên kia phố, tới Tây Berlin. Ở đó họ làm căn cước mới rồi cưỡi máy bay về Tây Đức nhập cư.
Lý do thứ hai khiến thành phố 4 triệu dân này không bị chia đôi ngay từ 1949 là sự phụ thuộc nhằng nhịt vào nhau của cả hai bên: cấp nước, thoát nước, nhà đèn, bưu chính, đường sắt v.v. Nếu coi việc chia cắt hai miền Đông-Tây Đức đau đớn như việc bắt một cặp vợ chồng phải ly hôn, thì việc chia cắt thành phố Berlin khó khăn như việc mổ tách hai đứa trẻ dính nhau.
Nhưng sự tụt hậu của miền Đông so với miền Tây ngày càng nặng. Chính phủ Đông Đức cho là do chảy máu chất xám qua các đường phố Berlin. Thay vì tìm nguyên nhân tại sao dân chúng và trí thức bỏ đi, họ quyết định xây bức tường Berlin.
Chỉ trong vòng 10 tiếng đồng hồ đêm 12.08.1961, dưới sự bảo trợ của xe tăng Liên Xô, hàng chục cây số tường bằng dây thép gai, bằng các loại barrier tạm thời đã được dựng lên. Đáng nói là quân đội Mỹ, Anh, Pháp đều khoanh tay đứng nhìn. Sáng hôm sau 13.8, người dân Berlin bàng hoàng và đau khổ vì tự nhiên họ bị mất người thân, có người mất việc làm, có cháu bé mất chỗ học. Có doanh nghiệp phá sản vì mỗi phân xưởng nằm ở một bên thành phố. Số phận gia đình Kuhlke cũng vậy.
Những ngày tiếp theo chứng kiến hàng ngàn cuộc vươt rào thép gai ngoạn mục của dân chúng sang phía Tây. Riêng trong đêm 13, rạng sáng 14.8 đã có 6900 người chạy thoát. Bức ảnh anh lính biên phòng Schurmann nhảy qua rào thép gai, chạy sang Tây Berlin đã truyền đi khắp thế giới. Lãnh đạo CHDC Đức hiểu rằng hàng rào dây thép gai không hữu hiệu nên từ ngày 17.6, các bức tường gạch và bê-tông lần lượt thay thế dây thép gai. Sau vài năm các bức tường này được xây cao lên trên 3-4 m có các trạm quan sát, có hệ thống chiếu sáng kèm theo một dải đất trống mà người dân quen gọi là giải đất chết (Todestreifen). Ai vượt qua giải đất đó sẽ bị bắn chết.
Phía tây của bức thành đó, dân Tây Berlin vẫn sinh hoạt bình thường, phố xá vẫn mọc đến tận sát chân tường. Nhưng ở phía Đông, không một ngôi nhà nào cách bức tường đó 50-100m được sử dụng. Toàn bộ trở thành vành đai trắng, không có người ở. Người ta sợ những căn nhà đó sẽ trở thành các điểm xuất phát cho những đường hầm xuyên dưới bức tường, cho các cuộc vượt biên ngoạn mục.
Chàng thanh niên 21 tuổi Chris Gueffroy là nạn nhân cuối cùng bị bắn chết bên bức tường Berlin hôm 5.2.1989. Bảy tháng sau, bức tường tội ác bị nhân dân Đức phá bỏ.
Tổng cộng, khoảng 1000 người Đông Đức bị đồng bào mình bắn chết trên đường đi từ miền đất này đến miền đất khác của tổ quốc, trong đó 139 người bên bức tường Berlin. Số còn lại thiệt mạng trên biên giới Đức-Đức và trên biển Baltic hoặc các biên giới khác.[2]
———-
[2]https://www.zeit.de/wissen/geschichte/2017-06/ddr-mauertote-studie-deutschland