Chu Sơn
12-8-2019
I. Dẫn nhập
Nhận định rằng nền giáo dục của đất nước có thể so sánh ngang bằng với hình tượng một lâu đài, e rằng chưa được chính xác cho lắm. Một lâu đài dù có bền vững và hoàn mỹ đến đâu cũng chỉ là một vật thể cố định. Còn sự nghiệp giáo dục của một đất nước luôn là một sinh thể sống động, nó phải đổi mới không ngừng để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của Con Người và xã hội.
Nếu hiểu sự so sánh có tính cách tượng trưng rằng các cấp giáo dục tiền đại học (từ mẫu giáo, tiểu học, trung học) không vững chắc thì giáo dục đại học chỉ là một công trình được xây trên cát.
Để có một nền giáo dục tiền đại học đáp ứng nhu cầu nền móng cho giáo dục đại học, nhất thiết phải có:
Một triết lý giáo dục Nhân bản.
Một chương trình giáo dục với nội dung thích ứng với từng cấp học.
Một đội ngũ thầy cô chính danh.
Một khung cảnh sống và một môi trường giáo dục bình thường.
Một đảng Cộng sản phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ.
II. Về triết lý giáo dục: Mục tiêu của giáo dục là hun đúc, phát triển, thăng hoa Con Người nhằm phục vụ chính nó và xã hội
1/Con Người tồn tại trong những tương quan:
a. Con Người và gia đình: Người Việt Nam rất coi trọng gia đình. Ông bà, cha mẹ, con cháu sum họp dưới một mái nhà chung quanh bàn thờ tổ tiên và cái bếp gọi là mái ấm gia đình. Đứa trẻ sinh ra, lớn lên trưởng thành, già chết đi trong gia đình mình – không gia đình lớn (ba, bốn thế hệ) thì gia đình nhỏ (hai thế hệ) – ngoại trừ những trường hợp đặc biệt: chiến tranh, hoạn nạn hay vì một lý do nào khác.
Trong gia đình đứa trẻ nhận biết một tha nhân đầu tiên là Mẹ. Bú mớm, nghe tiếng nói và cảm thụ tình thương đầu tiên cũng là Mẹ. Sau Mẹ, đến cha, anh chị em, ông bà…; mọi người lần hồi cho đứa trẻ nhận biết thế nào là tình thương dưới mái ấm gia đình. Gia đình cũng là trường học đầu tiên của bất cứ đứa trẻ nào. Bài học đầu tiên cũng phát xuất từ Mẹ qua những lời ru. Qua lời ru, người Mẹ nối kết con mình với những mối tương liên khác: Cỏ cây, trời trăng, xóm giềng, họ tộc, làng nước. Bài học đầu tiên về lòng yêu nước cũng từ Mẹ: Chiều chiều trước bến Phu Văn Lâu / Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm / Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông / Thuyền ai thấp thoáng bên sông / Nhẹ đưa câu mái đẩy, chạnh lòng Nước Non.
b. Con Người và Dân tộc – Tổ quốc: Ở ngoài mái ấm gia đình, đứa trẻ – người được đưa đến trường mầm non, trường mẫu giáo rồi tiểu học, trung học; nó nhận được tình thương của những bà mẹ gọi là cô giáo; nó làm quen với những bạn bè không phân biệt giới tính, tầng lớp gia đình, sắc tộc, tôn giáo. Tất cả đều là anh em bạn bè trong cộng đồng Dân tộc Việt Nam. Cuối cấp học phổ thông, tất cả đều trở thành công dân Việt Nam. Sau 12 năm hun đúc tình tự Dân tộc, phát triển lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc trong chiến tranh chống xâm lược cũng như trong xây dựng hòa bình.
c. Con Người trong nhân loại và thế giới: Sự giao tiếp – hội nhập trong hòa bình và sự khuất phục, công nhận nhau sau các cuộc chiến tranh qua nhiều ngàn năm lịch sử, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, giao thông hàng hóa khiến nhân lọai xích lại gần nhau, học hỏi hiểu biết lẫn nhau, phát triển sự liên đới trách nhiệm và tình thương. Kinh nghiệm chiến tranh khiến nhiều quốc gia công nhận lẫn nhau, tiến tới chung sống hòa bình. Thế giới tưởng như phẳng trước sự lưu thông hàng hóa, phổ biến tri thức khoa học kỹ thuật, hội nhập văn hóa nghệ thuật, chia sẻ nhân đạo. Rất nhiều công dân của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã trở thành công dân của thế giới, cống hiến sức lực và cả mạng sống của mình để thực hiện trách nhiệm và tình thương nhân loại.
Tuy nhiên, thế giới chưa thật sự phẳng như mong ước của nhiều người. Đất nước Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm gồ ghề. Tham vọng bá quyền và mưu đồ xâm lược – đồng hóa từ quốc gia láng giềng Trung Quốc ở phía Bắc; độc tài toàn trị, tham nhũng, băng hoại xã hội trong nội địa tác động vào công cuộc giáo dục từng ngày. Thực tế này thách thức lương tri Con Người – Công dân Việt Nam, ngăn chận và làm chậm lại giấc mơ huynh đệ và công dân toàn cầu. Tuy nhiên: công dân toàn cầu và giấc mơ nhân loại huynh đệ vẫn là xu thế tất yếu.
d. Con Người và Chúng sinh – Địa cầu và Vũ trụ: Từ nghìn xưa, người Việt Nam cảm nhận rằng Con Người sinh ra bởi Trời và Đất: Cha Trời – Mẹ Đất. Qua học hỏi từ ngoài: Ấn Độ ở phía Tây, Trung Quốc ở phía Bắc; một bộ phận người Việt Nam trở thành thiền sư, nho gia và đạo gia. Sau hàng ngàn năm lịch sử, tâm thức Dân tộc thấm nhuần đạo lý tam giáo đồng nguyên: Phật – Nho và Đạo. Vào các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần (thế kỷ 10 – 14) Phật giáo trở thành quốc giáo. Từ Hồ – Lê – Tây Sơn đến Nguyễn (thế kỷ 15 – 19) Nho giáo trở thành ý thức hệ được truyền bá bởi các triều đình.
Đạo giáo chủ trương vô vi, theo chân các đạo sư và thầy pháp len lỏi vào dân gian, góp phần làm phong phú tâm hồn và sinh hoạt dân tộc. Dù là quốc giáo qua nhiều thế kỷ, nhưng Phật và Nho chưa bao giờ xẩy ra xung đột dẫn đến chiến tranh tôn giáo, bởi hai cộng đồng này không có sự khác biệt to lớn trong quan niệm về con người và thiên nhiên. Các thiền sư cho rằng con người cũng chỉ là một chúng sinh trong muôn loài. Qua các thiền sư, người phật tử tùy theo mức độ giác ngộ Phật pháp khác nhau đều thực hiện Từ bi – Hỷ xả theo sở đắc của mình đến hết thảy chúng sinh. Mục tiêu và phương pháp hành đạo này không quá khác biệt với quan niệm “Tứ hải giai huynh đệ” và tư tưởng nhân ái của Khổng giáo: Cá nhân chỉ thành Người khi sống nhân ái với kẻ khác.
Đối với thiên nhiên, các thiền sư và các nhà nho gần gũi hơn trong nhận thức và cách ứng xử. Phật tổ thành đạo dưới gốc cây bồ đề và giảng đạo trong vườn Lâm Tì Ni. Cây là thành phần của thiên nhiên. Vườn là thiên nhiên được nhân cách hóa. Các thiền sư xây chùa ở nơi non xanh nước biếc. Mái chùa cùng với thiên nhiên trở thành một chỉnh thể không cách biệt với môi trường. Các nhà nho và các đạo gia cho rằng: Con Người cùng với Trời – Đất hợp thành Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân. Con Người thờ Trời và cúng Đất, tìm thấy sự hòa đồng với Trời – Đất.
Khi đắc thời, nhà nho thực hiện đạo lý làm người qua hành động chính trị ở các triều đình. Khi thất thời, nhà nho trở thành nông dân, lui tới thân tình với các thiền sư và đạo sĩ, tìm thấy sự an bình trong môi trường thiên nhiên và lao tác ở nông thôn. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến và rất nhiều nhà nho khác thể hiện tư tưởng và tâm tình ấy trong văn thơ của họ. Tuy nhiên, một khi Đất – Trời bị ngoại nhân chiếm đoạt, nhân dân bị nô lệ, nhiều thế hệ thiền sư và nhà nho đã vận động nhân dân “thế thiên hành đạo”: Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân… là những thiền sư và nhà nho như thế. Trần Cao Vân, qua bài thơ Vịnh Tam Tài, viết nên bản tuyên ngôn Con Người thời cận đại:
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Trời Đất in Ta một một chữ đồng
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở ta thong thả
Trời – Đất – Ta đây đủ Hóa công.
Tuyên ngôn Con Người của Trần Cao Vân không xa tuyên ngôn Độc Lập của Lý Thường Kiệt và rất gần với quan điểm Phật giáo về chủ trương Đạo pháp — Dân tộc – Con Người – Chúng sinh – Vũ Trụ.
Tư tưởng Con Người tồn tại trong những tương quan trên đây có thể làm nền tảng cho triết lý giáo dục của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, triết lý giáo dục của chúng ta ngày nay sẽ chưa đầy đủ nếu không kết hợp với những Tinh Hoa của Thời Đại Mới.
2/ Con Người với những Tinh Hoa của Thời Đại Mới
Nhóm từ Thời Đại Mới trong tiêu đề này chưa hoàn toàn chính xác. Nó xuất hiện ở phương Tây từ giữa thế kỷ 17 – bắt đầu thời kỳ Ánh Sáng. Nó rất cũ đối với thiên hạ, nhưng đến thời điểm này nó vẫn còn rất mới với nền giáo dục của chúng ta. Ngoài khoa học kỹ thuật, bốn trụ cột còn lại trong Tinh Hoa của Thời Đại Mới là Kinh tế thị trường, chế độ Dân chủ, Nhân quyền Tự do và Xã hội Dân sự.
Khoa học kỹ thuật thì ưu tiên hàng đầu, là then chốt của bất cứ chế độ chính trị nào, nhưng thành tựu ra sao còn tùy thuộc vào nội dung và phương pháp thực hành khoa học nhân văn của từng quốc gia.
Kinh tế thị trường ở nước ta khi chế độ công hữu hoàn toàn thất bại mới mở ra trong sách lược tạm thời: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Không ai có thể hiểu khác rằng: kinh tế thị trường chỉ là mưu lược nhất thời, đến khi qua được khó khăn, đảng Cộng sản sẽ đưa đất nước quay trở lại cuộc cách mạng vô sản. Cũng như khẩu hiệu “Hòa giải – Hòa hợp Dân tộc” trọng chiến tranh chống Mỹ: Đến khi chiến tranh kết thúc, thống nhất lãnh thổ, đảng Cộng sản không cần hòa giải hòa hợp dân tộc nữa, lập tức tiến hành cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp, gây thù kết oán với mọi tâng lớp nhân dân.
Ba cột trụ còn lại: chế độ Dân chủ, Nhân quyền Tự do và xã hội Dân sự hoàn toàn thù địch với chế độ chuyên chính do đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng vô cùng hấp dẫn đối với trí thức Tây học, lần hồi đánh thức nhu cầu sâu thẳm và khẩn thiết của đại đa số nhân dân. Có nông dân nào mà không nhật tụng mấy câu ca dao:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…
Lấy ruộng tôi cày là nhu cầu Tư hữu từ ngàn đời của dân tộc.
Năm 1945 chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập với ba tiêu chí: Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Trong Tuyên ngôn Độc Lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn Độc Lập và Nhân quyền của Mỹ do Tổng thống Jefferson công bố năm 1776: “Mỗi người sinh ra đều Tự do và Bình đẳng, Thượng đế ban cho họ..”.
Năm 1948, Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khẳng định các quyền Tự do căn bản: Tự do tư hữu, Tư do cư trú – đi lại, Tự do tư tưởng ngôn luận và truyền thông, Tự do tôn giáo, Tự do lập hội, Tự do bầu cử và ứng cử…
Các quyền Tự do căn bản này là tuyệt đối một khi người sở hữu tôn trọng Tự do của người khác, tôn trọng Công lợi và thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong chế độ Dân chủ Cộng hòa. Chế độ Dân chủ Cộng hòa là chế độ tam quyền phân lập, đa nguyên và Xã hội Dân sự. Hai đức tính nền tảng của Con Người Dân chủ – Tự do là Công bình và Bác ái, phát xuất từ văn minh Ky Tô Giáo: “Mọi người (không phân biệt…) đều là con của Thiên Chúa, đều được đối xử như nhau trong tình yêu thương rộng lớn của Thiên Chúa. Đạo lý này gần gũi với quan niệm “Tứ hải giai huynh đệ” của Khổng Tử và tư tưởng Nhân ái của nho gia. Đối với người phật tử, thì “Từ bi hỉ xả đến muôn loài” hoàn toàn không trở ngại gì trong cuộc đồng hành cùng Bác ái của người giáo dân Công giáo.
Đã qua rồi những kinh nghiệm lịch sử đắng cay, nhiệm vụ của giáo dục Việt Nam ngày nay là giải trừ những mê tín dị đoan, “kính nhi viễn chi” đối với tất cả những tín điều tâm linh của bất cứ tôn giáo nào, gợi mở những giao lộ để các thế hệ người học thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng Dân chủ, kiến tạo đất nước trên nền tảng Nhân bản, để công dân Việt tiến bước cùng nhân loại trong cuộc hành trình phẳng hóa thế giới.
Khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường mà “vô gia đình”, “vô tổ quốc”, “vô tôn giáo; không nhân quyền, dân chủ, không công bằng, nhân từ, bác ái…, nhân loại sẽ cảm thấy trống rỗng – nhanh chóng trở nên tham sân si, gian dối, suy đồi, tàn ác, băng đảng tội phạm.
Học sinh các cấp sau khi rời trường phổ thông để vào các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học, hay thành lập gia đình, rất cần thấm nhuần đạo lý Làm Người này.
III. Về một chương trình giáo dục phổ thông thể hiện đầy đủ triết lý giáo dục nhân bản
Để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông như thế, cần có một đội ngũ các nhà chuyên môn có thẩm quyền. Thế nào là nhà chuyên môn có thẩm quyền?
– Nhà chuyên môn có thẩm quyền nắm vững triết lý giáo dục nhân bản, không bị chỉ đạo bởi quyền lực chính trị nhất thời, hoàn toàn tự do trong quá trình đảm trách nhiệm vụ soạn thảo chương trình.
– Nhà chuyên môn có thẩm quyền có mặt bằng văn hóa tổng quát vững chắc, có đủ kiến văn về bộ môn chuyên trách, có kinh nghiệm và hiểu biết thấu đáo phương pháp sư phạm tiên tiến, biết thu thái kiến văn và kinh nghiệm của đồng nghiệp gần xa. Cụ thể: nhà chuyên môn có thẩm quyền không thể không có cái nhìn đúng đắn về những thành – bại của hơn nửa thế kỷ giáo dục công cụ xã hội chủ nghĩa (từ sau 1955 đến nay). Nhà chuyên môn có thẩm quyền rất cần tham cứu 20 năm (1955 – 1975) giáo dục miền Nam và tinh hoa các nền giáo dục hiện đại như Hoa Kỳ và một số nước Á – Âu.
– Nhà chuyên môn có thẩm quyền biết lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Riêng người viết bài này, trong muôn một, có mấy ý kiến xin được đóng góp:
1/ Chương trình giáo dục phổ thông cấp III nên được tổ chức thành 3 phân ban: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật.
2/ Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa có nhận thức đầy đủ vai trò của giáo dục thể lực (cơ thể, tâm thần và ý chí). Nhà trường, phụ huynh và học sinh cần nhận thức đúng đắn rằng, không có sức khỏe sẽ không thể làm tốt bất cứ công việc gì – từ vui chơi, học tập đến lao tác (sau này). Tất cả học sinh cần dược cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch. Môn Vệ sinh cần được soạn thảo cho các lớp tiểu học. Các em cần biết và thực hành vệ sinh trong ăn uống, ngủ nghỉ, đi đứng, nằm ngồi, chạy nhảy, vui chơi, bơi lội. Các em cần biết đề phòng và cấp cứu một số tai nạn gây thương tích, đề phòng một số bệnh tật – đặc biệt chú trọng vệ sinh răng miệng và mắt. Môn thể dục và sinh hoạt ngoài trời giúp các em vui tươi năng động. Nhà trường và hội phụ huynh phối hợp tổ chức các cuộc cắm trại, tham quan… tạo điều kiện cho học sinh hội nhập xã hội, yêu mến thiên nhiên, tập tành vượt khó, nâng cao ý chí tự lực tự cường, ý thức tập thể, và cố kết tình bạn.
3/ Môn Đạo Đức trong chương trình giáo dục tiểu học hiện hành nên đổi thành môn Đức Dục để tránh tình trạng đao to búa lớn và sáo rỗng (môn Đạo Đức Học sẽ là môn chính thức trong chương trình Triết học dành cho lớp 12 cuối cấp ba). Hiện nay xã hội đang ở trong tình trạng khủng hoảng niềm tin và đạo lý, đề nghị người viết chương trình Đức Dục các lớp tiểu học tập chú nhiều hơn các nội dung: Lòng trắc ẩn, sự xấu hổ và sự trung tín để học sinh biết xúc động, chia sẻ những đau thương khổ nạn giữa đời thường, biết ăn năn hối cải và bày tỏ sự sám hối khi nghĩ và làm điều sai trái, biết bày tỏ lòng biết ơn, sự trung thành và giữ gìn lời hứa.
4/ Các môn khoa học xã hội và nhân văn: Không nên áp đặt ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng yêu nước độc tôn vào các môn học thuộc nhóm xã hội và nhân văn.
a/ Học sinh rất cần có nhận thức đúng đắn rằng những thành tựu văn hóa tư tưởng, văn học nghệ thuật là tài sản chung của dân tộc và nhân loại. Không nên cắt xén kiến thức, gò bó sự cảm thụ văn học nghệ thuật vào bất cứ ý thức hệ và tín điều tôn giáo nào.
Cụ thể là: Học sinh phổ thông cần biết căn bản về sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký, về Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí, về Phạm Quỳnh với Nam Phong tạp chí, về Nhất Linh, Hoàng Đạo,… với nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đặc biệt học sinh phổ thông không thể không biết 20 năm (1955 – 1975) văn hóa, văn học nghệ thuật Miền Nam với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sĩ, … và nhóm Sáng Tạo; với Nhất Hạnh, Trụ Vũ,… và nhà xuất bản Lá Bối; với Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện, Phùng Khánh… và nhóm Vạn Hạnh; với Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê… và tạp chí Bách Khoa; với Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm… và hai nhà xuất bản Đại Học, Nam Sơn; Với Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Trương Bá Cần… và nhóm Công giáo cấp tiến Đối Diện; với Thế Nguyên, Diễm Châu… và nhóm Trình Bày…
Cũng không thể bỏ qua nửa thế kỷ văn học nghệ thuât “quốc lủi” (những tác phẩm đã xuất bản bị thu hồi vì lý do chính trị như hai tạp chí Nhân Văn – Giai Phẩm, hoặc những tác phẩm xuất bản ở nước ngoài, hoặc những tác phẩm không xuất bản được trong nước vì “phản động và diễn biến hòa bình,..”.).
b/ Học sinh phổ thông cần chủ động tiếp cận và nhận định chính xác lịch sử Việt Nam và thế giới trong phạm vi chương trình:
Về Lịch sử Việt Nam, một số vấn đề cần được nhìn nhận lại:
– Công lao của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn trong công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam.
– Phân biệt chế độ phong kiến (Đinh, Lê, Lý, Trần) và chế độ quân chủ trung ương tập quyền (hậu Lê và Nguyễn).
– Đánh giá lại công nghiệp của hai nhân vật kiệt xuất Quang Trung và Gia Long.
– Công nghiệp của triều Nguyễn với đỉnh cao Minh Mệnh.
– Công cuộc kháng chiến và hành động yêu nước của vua quan triều Nguyễn (Tự Đức, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân…)
– Thực dân Pháp với các chế độ thuộc địa – bảo hộ và chương trình khai hóa.
– Thiên Chúa Giáo và chữ quốc ngữ.
– Thiên Chúa Giáo và phản ứng của người Việt Nam (từ triều đình, nho sĩ đến người Lương).
– Các đảng phái yêu nước và cách mạng: Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản, Đảng Đại Việt. Sự hình thành hai phe Quốc Gia – Cộng Sản trong hai cuộc chiến tranh Việt – Pháp, Việt – Mỹ và trong chiến tranh lạnh giữa hai thế giới Tư bản – Công sản.
– Phong trào đấu tranh vì Hòa bình và thế đứng thứ ba của Phật giáo Miền Trung trong chiến tranh Việt – Mỹ.
…
Về Lịch sử thế giới: Bổ sung và sửa sai chương trình hiện hành. Ngoài các nền văn hóa cổ đại, cần bổ sung thêm các thời kỳ văn hóa – văn minh tiếp sau: thời trung đại, thời cận đại, thời hiện đại theo quan điểm Phương Tây? Theo quan quan điểm Việt Nam?
– Học sinh phổ thông cần biết thế nào là Thời Phục Hưng, là Văn Minh Ky Tô Giáo, là Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 17, 18, 19), và các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, văn hóa tư tưởng, thể chế chính trị từ cận đại đến hiện đại.
– Học sinh cần được cung cấp những tư liệu đủ để nhận biết thấu đáo cuộc đại cách mạng Pháp 1789, và cuộc cách mạng Nga 1917 nhằm chấm dứt tình trạng “phe ta độc chiếm” trong chương trình lịch sử hiện hành.
…
Để hiểu biết thấu đáo lịch sử Việt Nam cận hiện đại, học sinh phổ thông cần biết thêm:
– Cách mạng Mỹ 1776.
– Cách mạng Nhật (Minh Trị Duy Tân) 1866.
– Phong trào Duy Tân tại Trung Hoa với Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và cách mạng Tân Hợi (1911) với Tôn Trung Sơn.
– Hai cuộc thế giới đại chiến trong nửa đầu thế kỷ 20 (1914 – 1919 và 1939 – 1945).
Để học sinh phổ thông củng cố và mở rộng kiến thức hai môn Văn chương và Sử học, ngoài các bài trích giảng và tóm lược văn học sử trong chương trình sách giáo khoa, cần xuất bản một số sách liên quan đến chương trình: Các sách viết ở trình độ phổ thông về cuốc đời và sự nghiệp các nhà văn, các triết gia, các nhà hoạt động văn hóa hàng đầu của Việt Nam và thế giới, tái bản một số tác phẩm của họ; dịch và xuất bản một số tác phẩm của các triết gia, nhà văn nước ngoài tiêu biểu trong các thời kỳ.
c/ Môn Triết: Học sinh học hết chương trình phổ thông sẽ vào đời theo những nẻo đường khác nhau. Hoặc sẽ là sinh viên, học viên của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, hoặc tìm kiếm việc làm, không ít người thành lập gia đình và tự lập. Tất cả sẽ trở thành công dân của đất nước. Một số trong họ mon men làm dân của một nước ngoài nào đó. Những con người ấy sẽ sống, sẽ lao động, học tập, giao tiếp và hội nhập tốt hơn nếu được nhập môn triết học. Bởi vì theo nhận định của nhiều nhà khoa học: Triết học là khoa học của mọi khoa học, là túi khôn của nhân loại:
Người học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu học qua môn triết sẽ chọn môn học dễ dàng hơn ở cấp đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp nghề. Nếu tìm kiếm việc làm sẽ có lương tâm chức nghiệp, giữ vững nhân cách trước những áp lực tiêu cực của tiền bạc và quyền lực. Nếu lấy vợ lấy chồng sẽ xây dựng mái ấm gia đình trong yêu thương, trách nhiệm, gương mẫu; cố kết gia đình với cộng đồng và tổ quốc.
Môn Luận lý học sẽ giúp các sinh viên, học viên ở bất cứ trường đại học, cao đẳng và trung cấp nào học tập và nghiên cứu dễ dàng hơn.
Môn Tâm lý học giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn những dạng thức, tầng sâu tâm lý của chính mình và đồng loại.
Môn Đạo Đức học giúp mọi người biết thế nào là đúng là sai, là tốt là xấu, là giá trị đích thực hay gian tà hiểm ác – qua đó mà hoàn chỉnh và phát triển nhân cách.
Môn Siêu Hình học giúp mọi người trả lời những khắc khoải ngàn đời về nguồn gốc của vật chất, của sự sống và sự vận động của nó trong thời gian – không gian, qua đó, con người hiểu biết thấu đáo thân phận mình trong đại gia đình nhân loại và chúng sinh.
Môn Triết học Đông phương giúp người học có những hiểu biết căn bản về hai nền triết học đã là cội rễ của tâm hồn Việt Nam từ hai ngàn năm là Ấn Độ và Trung Hoa; và do những vận động lịch sử thế giới từ thế kỷ 19 đến nay, Việt Nam đã trở thành địa bàn hợp lưu của hai nền triết học: phương Đông truyền thống và phương Tây hiện đại. Việt Nam đang từng bước là một bộ phận của thế giới. Thế giới cũng đã và đang tác động vào Việt Nam từng ngày. Chủ động tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa, hay ù lì, khép kín, bị động để rồi bị tràn ngập rác rưởi là một tất yếu. Tất cả tùy thuộc vào giáo dục Nhân bản hay giáo dục Công cụ.
Lý tưởng như thế, nhưng giáo dục luôn bắt đầu từ thực tại. Thực tại con người luôn bị hạn chế bởi bản thân do di truyền, điều kiện sinh sống, tập quán địa phương, và bị trói buộc bởi các luật lệ của các thể chế chính trị, các giáo điều tôn giáo, các lợi ích đảng phái, phe nhóm, cùng những áp lực bành trướng từ bên ngoài (cụ thể là Trung Quốc).
Trước thực tế này, giáo dục đặt cho mình sứ mạng giải phóng con người. Giải phóng ở đây bao gồm hai nội dung chính là giải trừ và khai phóng. Giải trừ những trí tuệ lỗi thời, những tồn đọng tiêu cực, những xơ cứng bất động trong từng cá nhân, xóa bỏ cơ chế khai thác, ức hiếp và làm đồi trụy con người. Đồng thời giáo dục khai mở, kích thích những năng lực ẩn tàng trong từng cá nhân, cộng đồng, dân tộc. Cũng đồng thời, giáo dục khai mở những chân trời mới, kết tập tinh hoa nhân loại, tạo điều kiện cho con người thực hiện các nhu cầu chính đáng của bản thân, các trách nhiệm, nghĩa vụ theo trình tự gần xa: Gia đình, tổ quốc, nhân loại và thiên nhiên, nhằm không ngừng thăng hoa con người trong hài hòa, hạnh phúc và tiến bộ.
IV. Một đội ngũ thầy cô chính danh
Hiện tại chúng ta đang có một đội ngũ công cụ là “cán bộ giáo dục” giả danh làm thầy cô giáo. Đội ngũ công cụ này theo trình tự thời gian (từ kháng chiến chống Pháp đến nay) cũ mòn, rệu rã, ngày càng bành trướng những tệ đoan, những hà lạm không cứu chữa được. Đội ngũ công cụ này ngày đêm đào tạo những thế hệ công cụ mới. Như thế là công cụ đào tạo công cụ. Không có Con Người trong hệ thống giáo dục của chúng ta ngày nay. Đất nước sẽ đi về đâu trước tình trạng này?
Nhu cầu cấp bách của giáo dục là dẹp bỏ guồng máy công cụ này, hình thành một đội ngũ thầy cô chính danh. Ai có thể làm được công nghiệp to lớn và khó khăn này? Chỉ có đảng Cộng sản, khi đảng này đặt lợi ích của nhân dân và tổ quốc lên trên mới làm được.
Thế nào là thầy cô chính danh? Thầy cô chính danh trước hết là những Con Người Tự do có đầy đủ kiến văn chuyên môn và kiến thức tổng quát thuộc tất cả các lãnh vực của đời sống dân tộc và nhân loại, có sức khỏe và kỹ năng sư phạm, và đặc biệt đầy đủ những phẩm hạnh và năng lực thực hiện các giá trị công bằng, từ bi – bác ái và tinh thần dân chủ. Nhiệm vụ của đội ngũ thầy cô chính danh sẽ đưa triết lý giáo dục vào các môn học, nhằm vun trồng tài bồi những thế hệ Con Người mới. Những thầy cô chính danh này không chỉ có lương tâm nghề nghiệp như những người làm việc trong các ngành nghề khác, mà còn có sứ mệnh cao cả đối với xã hội: Trồng Người.
Làm thế nào để có đội ngũ những thầy cô chính danh như thế? Lý luận đơn giản là xây dựng hệ thống các cấp trường sư phạm mới theo tinh thần của triết lý giáo dục nêu trên, tổ chức thi tuyển để chọn sinh viên theo những tiêu chí đặc thù (sức khỏe, nhân dáng, trình độ kiến văn, nhận thức đúng đắn nghề nghiệp), chăm lo đời sống (học bổng, học xá) để sinh viên chú tâm học tập; tổ chức học tập và thi cử nghiêm túc. Sinh viên ra trường được phân bổ công bằng theo nhu cầu của các địa phương, chế độ lương bổng phải hợp lý để thầy cô yên tâm thực hành chức năng nghề nghiệp.
Đây là lý luận đơn giản của kẻ viễn mơ. Thực tế hiện nay chúng ta chưa có những trường sư phạm như thế. Để có những trường sư phạm như thế, nhà cầm quyền phải chấm dứt vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, đảng Cộng sản thôi đặt quyền lợi và sự tồn vong của mình ở trên quyền lợi của nhân dân và sự tồn vong của tổ quốc.
V. Một khung cảnh sống và một môi trường giáo dục bình thường
Khung cảnh sống và môi trường giáo dục bình thường là dân tộc đoàn kết và hòa hợp, đất nước độc lập và có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chính quyền dân chủ có khả năng thực hiện trách nhiệm của mình: giáo dục Con người, xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay đất nước luôn trong tình trạng bất thường. Ở ngoài thì áp lực từ phía Trung Quốc ngày càng đè nặng trên tâm thức nhân dân: Áp lực lãnh thổ, áp lực kinh tế, áp lực văn hóa, áp lực môi trường… Ở trong thì các cơ cấu quyền lực độc tài toàn trị phân hóa theo lợi ích nhóm. Tham nhũng cửa quyền và hà lạm tràn lan. Tình trạng “chuyển biến hòa bình” âm ỉ trong nhân dân và nguy cơ “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” được các cơ quan truyền thông cảnh báo từng ngày. Bộ máy công quyền bày tỏ sự bất lực, yếu kém, thối nát từ trung ương xuống địa phương trong bất cứ lãnh vực nào của đời sống đất nước: y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, pháp luật, qui hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường… Tất cả hiện trạng này tác động rất xấu dến bộ máy đào tạo công cụ từ “thầy cô”, đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Môi trường giáo dục là vị trí, là không gian, là tầm vóc của từng ngôi trường. Vị trí ngôi trường là trung tâm của một khu vực dân cư nhưng lại là một không gian đặc thù cách xa chợ búa ồn ào, phức tạp, thuận tiện cho việc đi lại của học sinh. Tầm vóc kiến trúc ngôi trường phù hợp với từng cấp học, có không gian thông thoáng, có cây xanh, sân bãi đáp ứng các nhu cầu vui chơi, luyện tập thể dục thể thao và các sinh hoạt ngoài trời.
Từ sau 1975, chúng ta thấy những ngôi trường như thế do thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, được bảo quản qua thời Việt Nam Cộng Hòa. Đơn cử một vài: Trường Pétrus Ký (sau này là trường Lê Hồng Phong), trường Chaseloup Laubat (sau này là trường Lê Quí Đôn) ở Sài Gòn, trường Quốc Học, trường Đồng Khánh (sau này là trường Hai Bà Trưng) ở Huế. Những trường này được xây trên những mặt bằng hoàn chỉnh, bốn phía chung quanh đều có đường giao thông, cổng chính ở phía trước, cổng hậu ở phía sau và hai cổng ở hai bên.
Để xây dựng những ngôi trường như thế, sau 1975, tại miền Nam, là không khó; bởi đất đai do nhà nước quản lý. Nhưng vì tầm nhìn hạn chế, vì lợi ích cá nhân và phe nhóm, đặc biệt vì chế độ xem các đối tượng giáo dục (thầy cô, học sinh) là công cụ, xem trường lớp là cơ xưởng, giáo dục là công nghệ, thậm chí còn là một khâu của kinh tế thị trường nên hầu hết các ngôi trường đều không thích hợp với công cuộc trồng người.
Hiện tại môi trường giáo dục trên cả ba khu vực: rừng, núi, nông thôn và đô thị đứng trước tình trạng khủng hoảng trầm trọng:
Nhiều khu vực tại các vùng sâu, vùng cao trong cả nước, đặc biệt các tỉnh ở thượng du miền Bắc vẫn ở trong tình trạng “bán khai”. “Lâm tặc” phá rừng vô tội vạ. Đồng bào các dân tộc khó khăn trăm bề. Trẻ em đa phần thất học. Thầy cô giáo và trường lớp không đến được các bản làng xa xôi, giao thông cách trở. Nếu tại một địa điểm nào đó giáo dục hoạt động được cũng ở trong tình trạng bất thường: Thầy cô kiêm luôn bảo mẫu, học sinh băng rừng lội suối hàng chục cây số đến “trường” trong mưa lũ.
Khu vực nông thôn dư thừa trường lớp, nhưng ngày càng thiếu vắng học trò. Do kinh tế không phát triển, các cặp vợ chồng trẻ tìm đường sinh sống ở các đô thị lớn. Tại nhiều làng xã thuộc khu vực này phổ biến tình trạng một thầy (hoặc một cô) quán xuyến hai ba bốn “lớp” trong một phòng học cùng một thời điểm (mỗi lớp 5, 7, hoặc 10, 12 học sinh). Nhiều làng xã phải liên kết gom học sinh lại để tổ chức một hai lớp. Thực tế này lý giải một thông tin phát đi từ báo – đài rằng tại huyện Krong Păk, tỉnh Đăk Lăk cùng một lúc phòng giáo dục sa thải đến 560 giáo viên. (dĩ nhiên không chỉ vì lí do thiếu học sinh, mà còn vì lý do chính là tham nhũng!).
Tại các đô thị lớn, đặc biệt Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… trường lớp nhìn từ ngoài “khang trang hiện đại”, nhưng hầu hết các công trình đều bị rút ruột do tham nhũng nên dấu hiệu xuống cấp từng ngày diễn biến trước mắt thầy cô giáo và học sinh. Nhiều trường bị định vị tại những địa điểm không thích hợp (cô lập trong những khu dân cư đông đúc, chật hẹp, thiếu đường giao thông, kiến trúc lại không đủ qui cách, không có sân bãi để vận động thể dục thể thao và tổ chức các sinh hoạt ngoài trời) nhưng đầy ắp học sinh. Thiếu trường, thiếu phòng, lớp dư học sinh, nên nhiều trường phải tổ chức học ca ba, nhiều lớp đông cứng học sinh đến 50, 60.
Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa tác động rất rõ trong tất cả các trường lớp. Học sinh và phụ huynh là đối tượng khai thác của tổ chức đảng, ban giám hiệu, thầy cô; đặc biệt tại các trường mẫu giáo và tiểu học. Ở các cấp tiểu học và trung học, học sinh chịu nhiều tầng áp lực: tổ chức đảng, ban giám hiệu, thầy cô giáo, đoàn thanh niên Cộng sản và đội thiếu niên Tiền phong; còn có thêm đội Cờ đỏ hoạt trong sân trường như công an đường phố. “Hội đồng Quản trị lớp” với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên hoạt động như chính quyền cơ sở.
Phải chăng đảng Cộng sản muốn học sinh làm quen với chuyên chính và quan trường ngay từ bậc tiểu học? Ngay từ lớp một, học sinh thấy rõ sự bất công, gian dối qua cách ứng xử của thầy cô, bạn học, phụ huynh trong quá trình học tập, thi cử, và đặc biệt qua các chương trình thi đua theo chủ trương của trường, của phòng, của sở và của bộ. Nhiều cặp vợ chồng trẻ là dân nghèo đô thị, hoặc từ nông thôn đến tạm trú trong các khu ổ chuột phải cho con nghỉ học vì không đủ khả năng tài chánh và thời gian đưa đón con.
Tất cả những sự thật tệ hại chưa đầy đủ nêu trên đều là “công lao” của các cơ quan quyền lực cao nhất từ trung ương xuống địa phương: đảng Cộng sản; nhưng không thể không kể đến “công lao” của các trường sư phạm, là những cái lò trực tiếp chế tác ra các công cụ được gọi là “cán bộ giáo dục”.
VI. Đảng Cộng sản phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ
Thế nào là giáo dục dân chủ? Giáo dục dân chủ là giáo dục phi xã hội chủ nghĩa, phi độc tài toàn trị. Giáo dục dân chủ là giáo dục có phản biện, nói rõ hơn là giáo dục tự do. Tự do truy tìm cái đẹp trong văn chương, tư tưởng, để qua đó tập tành làm văn chương tư tưởng. Tự do truy tìm sự thật trong lịch sử để qua đó rút ra bài học lịch sử… Ngay cả các bộ môn: toán, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, con người và môi trường sống cũng cần có tự do. Bởi vì tự do là cội nguồn của sáng tạo, là kiến tạo cái mới (Duy Tân), là chuyển biến, chuyển hóa cuộc đời (dân tộc và nhân loại) ngày một tốt đẹp hơn.
Một sự nghiệp như thế sẽ không có được trong chế độ Cộng sản, trừ phi đảng Cộng sản muốn làm một cuộc cách mạng với bản thân mình, quay trở lại với nhân dân, thực hiện dân chủ.
Để tạm kết thúc bài viết chưa hoàn chỉnh này, tôi ghi lại lời của Ngài Nelson Mandela với lòng mong ước các vị đệ tử của Chủ tich Hồ Chí Minh suy nghĩ lại trước khi quá muộn.
“Để phá hủy bất kỳ một quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”.
[Và]
“Bệnh nhân chết dưới tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy”.
“Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy”.
“Tiền mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.
“Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo đấy”.
“Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy”.
“Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Tôi xin phép rinh cái comment của ông Vũ Minh ở bài Dân Tộc Trưởng Thành (Tác giả Tường Thụy) về đây cho thích hợp. Mời tất cả các vị từng có comment bài này (về Giáo Dục) đọc chơi, như dưới đây:
Vu Minh 14/08/2019 at 8:16 pm
Dân Trí! Dân Trí! và Dân Trí!
Đó là yếu tố quyết định tương lai dân tộc ta trước sự xâm lăng toàn diện của kẻ thù truyền kiếp.
Nói về Hồ Chí Minh, nên dành cho các nhà Sử Học. Họ lao động cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu của họ. Kết luận của họ có thể đúng hay sai, nhưng họ không có gì mà phải thiên vị
Không nghiên cứu sử học, không có bài nào đáng gọi là công trình đăng ở tạp chí khoa học về Lịch Sử, vậy mà (nực cười) là:
– Có người coi Hồ bậc thánh. Nhưng lại là quyền của người đó.
– Có người coi Hồ như quỷ dữ. Đó cũng là quyền của họ.
Can gì hai bên chửi bới nhau, cấm quan điểm riêng của nhau… trong khi đất nước đứng trước nguy cơ mất vào tay Tung Quốc?
Chửi bới nhau chỉ vì khác nhau khi đánh giá một nhân vật lịch sử mà các nghiên cứu khoa học chưa cho kết quả ngã ngũ.
Nguyên nhân: Đó là do Dân Trí mỗi bên đều thấp.
Lẽ ra, dù mâu thuẫn trong nhận định một nhân vật (đã chết) thì họ vẫn phải tìm cách nâng cao dân trí cho đồng bào.
Nhưng họ dành sự quan tâm cho chuyện chửi nhau.
Có thể trông mong gì vào họ?
Tận cùng của kiến thức phải được thể hiện qua sản phẩm chứ không phải qua mấy cái huy chương. Sản phẩm của Vn là gì chắc ai cũng biết. Nghe cái ông giỏi toán nhất Vn giải thích về cách mà nước ngoài làm công nghệ,xin lỗi hiểu biết không bằng học sinh lớp 12 của tây…
Một thực tế ai cũng biết, những học sinh xuất sắc nhất của Việt nam, kể cả ra nước ngoài học tập, tiếp cận được những nền giáo dục tiên tiến nhất của thế giới, nhưng cuối cùng ai là người giỏi?????? Chừng nào giải thích được cái này thì may ra mới tìm thấy vấn đề nằm ở đâu.
Lần đầu comment ở đây, tôi nói rằng những lời bàn nghiệt ngã là do tâm trạng quá đỗi bức xúc, nhưng bản thân lại bất lực, vô phương hành động.
Rất thông cảm: Uất ức giải tỏa bằng lời cũng là một cách chọn lựa.
Trong bài, mục VI (la mã) có tên là
VI. Đảng Cộng sản phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ
Tên đề mục thì như vậy, nhưng nội dung nếu đọc kỹ sẽ thấy không ăn nhập gì ráo. Mà còn ngược lại với tên của Đề Mục.
Ví dụ cái đoạn “Một sự nghiệp như thế sẽ không có được trong chế độ Cộng sản, trừ phi đảng Cộng sản muốn làm một cuộc cách mạng với bản thân mình, quay trở lại với nhân dân, thực hiện dân chủ”.
Xin nói ngay (và nói nhiều lần): Tôi sống trong nước, nhưng không phát biểu về nội dung bài viết của tác giả (về GD ở VN).
Tôi chỉ bàn vài lời về những lời bàn.
Ở trong nước muốn nói ý kiến riêng (chỉ cho riêng mình nghe) thì tha hồ nói. Nếu muốn nói… tôi thích ỉa và đái vào mặt ĐCS cũng được, miễn là nói trong buồng ngủ của mình. Mình chửi, mình nghe. Và tự trách mình hèn. Đảng CSVN coi những lời chửi bới trong buồng ngủ cũng chỉ như “tự phóng uế” trong buồng ngủ của chính người chửi bới mà thôi.
Các vị ở nước ngoài thì tha hồ chửi bới, miễn là chỉ để xả cái bực tức trong lòng. Miễn là lời nói của quý vị tác dụng tương đương với người trong nước chửi ĐCS trong buồng ngủ.
Tại diễn đàn này, phân biệt ý kiến bàn luận của người trong nước và ngoài nước rất dễ. Họ rất khác nhau. Nhưng họ giống nhau ở chỗ: Đều vô tác dụng với sự cầm quyền của ĐCS. Điều rất lạ, người trong nước khi phát biểu chửi đảng (nếu không phải là trong buống ngủ) thì phải nặc danh. Chẳng cần giải thích tại sao họ phải nặc danh khi muốn công khai ý kiến. Chỉ có điều, nặc danh thì rất ít tác dụng.
Nhưng rất lạ lùng… là sống ở những đất nước tự do, an toàn… mà khi phát biểu ở Tiếng Dân, vẫn cứ nặc danh. Ai mà chẳng biết, phát biểu nặc danh chỉ để xả cái tức riêng, ĐCS không thèm bận tâm.
Tôi thừa nhận rằng tác giả bài này đưa ra một ý kiến “không tưởng”. Người trong nước cũng phát hiện ra ngay, chẳng cần ai dạy khôn đâu ạ (tôi nghĩ rằng tác giả của bài viết lại càng hiểu như vậy). Đó là chuyện tác giả đề nghị ĐCS chủ trì sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Nhưng tác dụng của bài là giúp tôi và nhiều người khác khác lưu giữ bài này trong máy tính mà không sợ công an làm phiền. Do vậy bài được rất nhiều người đọc và lĩnh hội được những gì tác giả muốn nói (và những gì buộc phải nói để bài được phát tán rộng rãi mà không lo bị đàn áp.
Nói chung,bài này cũng có nhiều ý hay,thậm chí sâu sắc nhưng rất tiếc
câu “Đảng CS.phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ” đã
làm bài nhận định trở nên…hài hước,như một vở… bi hài kịch !!!
Nếu tôi nhớ không lầm,tác giả vốn theo CS.từ thời sinh viên ở VNCH.và
sau 1975 cũng có phân nào phản tĩnh nhưng không thể nào cắt đứt hẳn
được những mơ tưởng về chủ nghĩa CS.một thời là lý tưởng ông ôm ấp.
Đó có lẽ là lý do khiến ông vẫn ảo tưởng đảng CS.có thể làm được chuyện
rất tréo nghoe ngược ngạo này !
Điều quan trọng nhất, mấu chốt của mọi vấn đề thì không thấy nói đến.chắc phải chờ 200 năm nữa….
Trích : “Để có một nền giáo dục tiền đại học đáp ứng nhu cầu nền móng cho giáo dục đại học, nhất thiết phải có:
Một triết lý giáo dục Nhân bản.
Một chương trình giáo dục với nội dung thích ứng với từng cấp học.
Một đội ngũ thầy cô chính danh.
Một khung cảnh sống và một môi trường giáo dục bình thường.
Một đảng Cộng sản phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ.
Như thế thì ngoài bốn điều liên quan trực tiếp đến giáo dục, thì điếu thứ năm cũng NHẤT THIẾT PHẢI CÓ là:
“MỘT ĐẢNG CỘNG SẢN…” đấy nhá !
“Nhất thiết có” nghĩa là : “KHÔNG CÓ KHÔNG ĐƯỢC!” …..đâu!!
He he he ….những nước không có đảng CS thì nền giáo dục của chúng nó …tè le hết cả ?!
Quý vị nhận xét gì về bài viết này?
Tôi thấy lẽ ra nó phải là bài của những người đang giữ những vị trí cao nhất trong GD nước ta. Lẽ ra, nó phải xuất hiện ở những tờ báo lớn nhất và chính thống nhất mới đúng tầm vóc và tầm nhìn của nó.
Một nền giáo dục lạc hậu, lạc đường sẽ dẫn đến thoái hóa và diệt vong một dân tộc. GD nước ta còn thêm chủ trương ngu dân nữa.
Tớ thì thấy bác này đ/v Đảng Cộng Sản & tư tưởng Hồ Chí Minh “bề ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm, giết người không dao”. Ông ta muốn Đảng Cộng Sản tự loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đ/v giáo dục, tự loại bỏ chủ nghĩa xã hội, tự loại bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, … có nghĩa ông ta muốn Đảng Cộng Sản dựng lại cờ vàng, khôi phục lại những giá trị của Việt Nam Cộng Hòa đã bị loại bỏ sau cuộc cách mạng giáo dục dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản . Mở ngoặc, nhà giáo Phạm Toàn phụ trách nhóm làm sách giáo khoa cho miền Nam sau ngày giải phóng, đóng ngoặc .
Có nghĩa ô Chu Sơn này đòi Đảng Cộng Sản tự mình chôn sống mình . Nếu ông ta là đảng viên Đảng Cộng Sản … seriously you dont wanna know what i would have done với những loại người dư thế lày, nếu tớ là Đảng Cộng Sản. Hy vọng chức ông này to hơn Đoàn Minh Huấn . Đoàn Minh Huấn đá giò lái bác Tổng-Chủ, nêu 1 thực trạng rằng toàn ban ní nuận của Đảng đang bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh trong 1 cái hóc bà tó nào đó nhưng chả xi-nhê gì hết . Thuộc loại Untouchables. Tớ đoán làm tới Tổng biên tập Tạp Hý Cộng Sản thì chả ai dám đụng tới lông chân . Hy vọng ô Chu Sơn này thuộc 1 trong những the untouchables.
Mới đọc qua bài này, sẽ có (rất nhiều) người khen rối rít rằng thì là mà tác giả là người có kiến thức sâu rộng, tâm huyết với nền giáo dục, có trách nhiệm với đất nước, lo lắng cho hiện tại & tương lai của đất nước, với ước muốn mãnh liệt vào 1 tương lai tươi đẹp của đất nước thông qua nền giáo dục vv … vv … aka, một trí thức tiêu biểu có tâm & tầm, 1 công dân có trách nhiệm … nói chung, nếu đất nước có những người dư thế lày, ta nên lấy làm tự hào rằng vận nước chắc chắn sẽ có ngày khá lên .
Có nên để cho những niềm tin vớ vẩn của mọi người stay intact không nhỉ ? Cuộc sống với 1 niềm tin mãnh liệt vẫn (rất) đáng sống, đó là kết luận của Victor Frankl.
Nah.
“Đảng Cộng sản phải làm cách mạng với sự nghiệp giáo dục dân chủ”
Nếu Đảng Cộng Sản làm cách mạng giáo dục dân chủ, thì … well, already done. Cuộc cách mạng giáo dục dân chủ dưới sự lãnh đạo & phát động của Đảng Cộng Sản đã do những trí thức “lớn” như Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy, … đặt nền móng . “Cách mạng giáo dục dân chủ” có nghĩa đập phá những cái cũ & xây nên những giá trị mới trên tất cả những lãnh vực đạo đức, triết học, nhân sinh quan … Triết chỉ còn Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh . Nếu đọc ông “minh triết Việt (wtf???)” Nguyễn Khắc Mai, tư tưởng Hồ Chí Minh encompass toàn bộ, hoặc ít nhất chủ yếu cái-gọi-là minh triết Việt do ổng làm chủ xị . All in all, cuộc cách mạng giáo dục dân chủ của Đảng Cộng Sản đã xảy ra rồi & vẫn đang tiếp diễn . Và với niềm tin mãnh liệt của toàn dân tộc, ta nên yên tâm vì do những vị đại trí thức, vị nào cũng đáng kính trọng đến cả ô Trần Hữu Dũng của viet-studies cũng phải nể phục thì nói chung là nâm bờ oăn, dzách lầu, hách xì dầu lắm rùi . Bi giừ đổi lại nữa hóa ra những thứ mấy vị đại trí thức như Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy … xây dựng nên, aka cả 1 nền giáo dục với bao nhiêu trí thức đáng kính dính dáng vào đó, là đồ bỏ ? Như Paulus Lê Sơn đã khuyến cáo, như vậy là đốt sạch, đập phá sạch cả 1 lâu đài giáo dục đồ sộ dựa trên triết học Mác-Lê & minh triết Hồ Chí Minh đấy .
BTW, tất cả những thứ ô Chu Sơn “kiến nghị”, đều là modus vivandi & modus operandi của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, aka cờ vàng . Đa số -nói cho rõ- dân ta, kể cả những vị trí thức mang trên mình màu cờ đỏ (mấy) sao vàng của đất nước đi làm dáng trước tòa đại sứ Trung Quốc vừa rồi, đã đứng lên tận diệt nó . Bi giừ lại mong Đảng Cộng Sản dựng lại cờ vàng … thế lày là thế lào ? Thim mụt théc méc; đòi loại bỏ tư tưởng chủ nghĩa xã hội ra khỏi giáo dục tức là hủy hoại gốc rễ tư tưởng & triết học của Đảng Cộng Sản . Có khác gì đang chôn sống Đảng Cộng Sản ? Chôn sống Đảng tức là bức tử đất nước, according theo tư duy của (rất nhiều) trí thức như ông cùi loi này .
Nhắc lại lời bác Tổng-Chủ, thoái hóa là đây chứ là đâu nữa .
Stoopid Fook, if you ask me. BTW, vẫn nên giữ vững niềm tin . Không có niềm tin thì về cá nhân, sống không nổi . Càng về sau, đất nước sẽ tan hoang . Altho niềm tin vào Đảng Cộng Sản sẽ làm cho đất nước tan hoang nhanh hơn .