Vãn hồi văn hóa, đạo đức xã hội và thực hành dân chủ

Mai Nam Thắng, thực hiện

10-8-2019

TSKH Phan Hồng Giang. Photo Courtesy

LTS báo Văn Nghệ: Vừa qua, tuần báo Văn Nghệ đã đăng tải loạt bài của các nhà văn, nhà trí thức và hoạt động xã hội uy tín, trao đổi về những vấn đề cấp thiết, nổi cộm, xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Cùng với những bài viết đã đăng, Ban biên tập cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại… của đông đảo bạn đọc gần xa trong cả nước, về vấn đề báo nêu và nội dung các bài viết.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi của Văn Nghệ với nhà văn, dịch giả, Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT và DL, về vấn đề nêu trên.

***

Nhà văn, dịch giả, Tiến sĩ khoa học (TSKH) PHAN HỒNG GIANG thẳng thắn nhìn nhận:

– Không phải bây giờ ở ta mới có hiện tượng suy thoái về văn hóa, đạo đức xã hội, mà thực ra đã có dấu hiệu suy thoái từ rất lâu. Tuy nhiên, gần đây, không ai không cảm thấy văn hóa-tôi muốn nói đến văn hóa, đạo đức xã hội- đang mỗi năm lại càng thêm lao dốc. Nhiều người thường nhắc đến những thói xấu dễ nhận thấy ở người Viêt, như: thói ham hố hư danh, thói mê tín dị đoan cậy nhờ thần thánh, thói say mê bia rượu, ăn nhậu đánh chén; thói “liệt dây thần kinh xấu hổ” khi chen lấn xô đẩy nhau để tranh tài lộc, giành nhau miếng ăn; thói quen bắt chước đua đòi “con gà tức nhau tiếng gáy”… Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khải đã phải ngao ngán thốt lên: “Thời nay, cái Thiện đã chịu thua cái ác! “.

Thưa ông, nhận xét như vậy liệu có quá nặng nề, bi quan, thiên lệch?

TSKH PHAN HỒNG GIANG: Không phải tôi không nhìn thấy những việc tử tế trong đời sống chúng ta hiện nay: Những tấm gương làm việc hiệu quả, những hành động bất chấp hiểm nguy để đấu tranh chống tội phạm, những thầy thuốc vượt khó khăn để cứu chữa bệnh nhân, những giáo viên vật vã mang con chữ lên vùng cao, những người dân bình thường sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho cộng đồng khi khó khăn hoạn nạn… Tôi vẫn tin trước sau gì thì cái tốt, cái đẹp cũng sẽ trở thành nét chủ đạo trong cuộc sống, nhưng để sớm đạt tới điều mong muốn đó, chúng ta không thể ru ngủ nhau bằng những lời khen. Hãy đừng vội hài lòng mà cùng hướng sự chú ý đến những mặt tối, dần dần loại bỏ những cái xấu để tự hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

* Là nhà nghiên cứu văn hóa có thâm niên, từng trải nghiệm và chứng kiến nhiều giai đoạn vui buồn của đất nước, ông có thể nêu khái quát những “căn bệnh” của văn hóa, đạo đức xã hội hiện nay?

TSKH PHAN HỒNG GIANG: Xin tạm nêu ra 4 biểu hiện mà theo tôi là rõ rệt hơn cả của tình trạng suy thoái văn hóa, đạo đức xã hội hiện nay là: Kiếm tiền bất chính; Bạo lực lên ngôi; Giả dối thắng thế và Con người vô cảm. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao từng phải thốt lên: “Ngày nay người ta ăn của dân bất kể thứ gì!”. Kiếm tiền như thế không chỉ là bất chính mà còn vô liêm sỉ, hết sức bẩn thỉu.

Cũng ngày nay, không ít người Việt Nam chúng ta trở nên hung hãn, gương mặt bặm trợn, lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện bằng dao gậy. Bạo lực đường phố, bạo lực học đường, bạo lực gia đình… bạo lực đẻ ra bạo lực, nguy hiểm nhất là bạo lực ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân… Và không ít lần súng đã nổ trong các cơ quan công quyền mà chung qui cũng vì tranh giành.

Có lẽ đối với không ít người, giả dối là cách đỡ hao tâm tổn trí nhất để đạt được điều mình muốn. Bởi thế mà giả dối thường giành phần thắng vì nó thường hay làm mọi người thấy “dễ chịu thoải mái” dù biết là đang lừa nhau. Tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” của những năm đầu Đổi mới có vẻ đã mai một khá nhiều.

Cùng đó là sự vô cảm đang trở thành tâm lý chung của xã hội. Vô cảm trước những hoàn cảnh đáng thương; vô cảm trước những oan trái của dân thường; vô cảm trước những chướng tai gai mắt trong cuộc sống thường nhật… Cái vô cảm đáng sợ nhất là vô cảm trước tình cảnh hiểm nghèo của Đất nước: Nợ công tăng cao, trong khi nhiều dự án lỗ hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu, nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng khác được vẽ ra đang chờ duyệt để xây tượng đài, xây trụ sở hoành tráng; trong khi trẻ con đi học thiếu trường, bệnh nhân vào viện thiếu giường, chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm trắng trợn…

* Trong 4 biểu hiện suy thoái mà ông vừa nêu, biểu hiện “Kiếm tiền bất chính” được ông nêu lên đầu tiên. Phải chăng đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân?

TSKH PHAN HỒNG GIANG: Đồng tiền không có gì xấu. Bản thân nó là một thành tựu lớn của văn minh nhân loại. Nhưng kiếm tiền bằng cách giẫm đạp lên lợi ích của cộng đồng thì thực sự là đáng chê trách. “Sống chết mặc bay; tiền thầy bỏ túi đã trở thành văn hóa ứng xử của vô số người trong xã hội. Người nuôi heo sẵn sàng tiêm thuốc mê, bơm nước lã để tăng trọng, bất chấp tác hại. Người nông dân vốn hiền lành bỗng biết dành riêng cho mình khoảnh vườn chè, vườn rau sạch; còn rau bẩn, chè bẩn… thì để bán cho người khác ăn. Nhà giáo, thầy thuốc vốn là những nghề cao quý được trọng vọng ngày xưa, nay cũng không ít người tránh được sự cám dỗ của đồng tiền; dẫn đến những vụ đau lòng về đạo đức nhà giáo, đạo đức thầy thuốc…

Tệ hại nhất là những hành vi kiếm tiền bất chính của những kẻ có chức quyền trong hệ thống chính trị. Không ít kẻ cơ hội bỏ vốn ra mua chức, có ghế cao rồi đục khoét công quỹ để hoàn vốn và thu về lãi khủng. Không khó để nhận mặt tham nhũng cụ thể là ai. Nhưng hầu như không mấy ai đủ dũng cảm “vào hang bắt cọp”, để đến nỗi nguyên Tổng thanh tra Chính phủ là Huỳnh Phong Tranh khi tại vị từng đưa ra nhận xét để đời: “Tình hình tham nhũng vẫn ổn định” (!)

Đảng và Nhà nước ta đã nhận rõ thực trạng trên đây, đã coi tham nhũng là “quốc nạn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”. Từ năm 1999, Hội nghị TƯ 6 (lần 2, khóa VIII) đã ra Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Gần 15 năm sau, Hội nghị TƯ 4 (khóa XI, năm 2012) lại tiếp tục thông qua Nghị quyết cùng về vấn đề trên, thừa nhận tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong Đảng vẫn không thuyên giảm, nếu không nói là còn nghiêm trọng hơn. Từ một vài con sâu, tham nhũng đã phát triển thành “cả bầy sâu” như lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền, lại đồng thời là kẻ cắp theo nghĩa đen thì văn hóa, đạo đức xã hội đã tụt xuống tận đáy.

Cha ông ta đã dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Tham nhũng là cội nguồn của các bất công, khiến lòng dân không yên. Tham nhũng cũng mở đường cho các suy thoái văn hóa, đạo đức ở các tầng lớp khác trong xã hội, trước hết là lớp trẻ, bởi khi mới vào đời họ đã thấy các bậc cha chú đầu têu hành xử bất chấp đạo đức và pháp luật.

* Vậy theo ông, trước mắt chúng ta phải làm gì để có thể ngăn chặn được đà suy thoái về văn hóa-đạo đức xã hội?

TSKH PHAN HỒNG GIANG: Để trả lời câu hỏi này, nhiều người nghĩ ngay tới sự cần thiết phải cải cách lĩnh vực giáo dục một cách căn bản, toàn diện-từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Điều này không sai. Nhưng theo tôi, còn có một việc khác cấp bách hơn, có sức tác động sâu rộng hơn, bao trùm lên mọi lĩnh vực, đó là việc cải cách thể chế xã hội, nói cách khác là đổi mới chính trị. Từ mười mấy năm trước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Tiếc rằng trên thực tế chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo hướng này.

Thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến đời sống xã hội nói chung và văn hóa nói riêng. Một thể chế phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển con người và xã hội một cách bền vững, là thể chế trước tiên phải bảo đảm các quyền cơ bản của con người – đó là “quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc” như Tuyên ngôn độc lâp năm 1776 của nước Mỹ đã khẳng định và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam mới, tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

* Thưa ông, cải cách thể chế xã hội, đổi mới chính trị để bảo đảm các quyền cơ bản của con người là những vấn đề lớn và là công việc cực kỳ quan trọng, vô cùng phức tạp, phải có một lộ trình chắc chắn và hiệu quả. Cải cách thể chế xã hội, đổi mới chính trị như thế nào mà vẫn giữ được ổn định chính trị, ổn định đất nước để tiếp tục phát triển là một bài toán rất khó?

TSKH PHAN HỒNG GIANG: Trong các quyền cơ bản của con người vừa kể trên, theo tôi cần đặc biệt lưu ý tới quyền tự do dân chủ. Đây chính là giá trị cốt lõi của một thể chế tốt đẹp nói chung và của văn hóa nói riêng. Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã khẳng định các quyền con người và công dân cơ bản; đó là quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền biểu tình… theo quy định của pháp luật. Để những quyền cấp thiết trên đây từ trang giấy vào được cuộc sống, cần rất nhiều những điều luật cụ thể mà Quốc hội và Chính phủ còn mắc nợ nhân dân.

Chỉ có dân chủ mới tạo điều kiện xác lập được trên thực tế tinh thần thượng tôn pháp luật; mới có thể phát huy tính chủ động sáng tạo, tính hướng thiện, tính cộng đồng của người dân; mới hình thành nên một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, buộc mọi người phải làm ăn tử tế, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Đặc biệt, chỉ có dân chủ mới lựa chọn được những người thật sự có tài, có đức vào bộ máy quản trị xã hội, loại bỏ những kẻ bất tài, thất đức, chạy chức, chạy quyền. Và chỉ có dân chủ mới có thể đặt quyền lực dưới sự giám sát hiệu quả, nghiêm khắc, khiến không ai có điều kiện tham nhũng mà không bị phát giác và nghiêm trị đích đáng. Dân chủ không phải là không có mặt trái. Nhưng “dân chủ là lựa chọn ít xấu nhất” để phát huy sức mạnh tích cực của mọi người dân. Dân chủ là “chìa khóa vạn năng” bởi khó vạn lần, dân liệu cũng xong. Ngăn chặn đà suy thoái về văn hóa, đạo đức xã hội quả là một việc “khó vạn lần”. Con đường đi đến thực thi dân chủ cũng là một việc “khó vạn lần”. Dân chủ cần phải đồng tâm hiệp lực đấu tranh mới có thể giành lấy được. Đây là chủ đề của một bàn luận khác.

* Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang về những ý kiến trao đổi bổ ích trên đây!

MAI NAM THẮNG thực hiện

(Nguồn: Báo Văn Nghệ số 32 ra ngày 10/8/2019)

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Thơ trong “ gửi lại trước khi về cõi “ của Vũ Cao Quận,(có từ 1999)
    …về bầu cử ,đảng có khủng bằng sắt
    Rất TỰ DO- DÂN CHỦ- KHÁCH QUAN:
    – Nhân danh MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
    Duyêtj danh sách cho phép ra ứng cử
    Ôi,thế là nhân tài tứ xứ
    Đảng gạt loại ra hết sức thần tình
    Các đại biểu còn toàn NGƯỜI CỦA ĐẢNG MÌNH!…

  2. Con vi khuẩn cộng sản đã nhờn thuốc, liều thuốc này chỉ đủ để gãi ngứa.

  3. Thật chán mớ đời ! Ông PHG.vẫn muốn làm con kiến chạy đi chạy lại
    trong miệng chén toàn nghị quyết của đảng thì được cái gì cơ chứ ?
    Vấn đề là có LÀM,có THỰC HIỆN,có ÁP DỤNG vào thực tế hay không,
    chứ nói cho hay,cho đẹp,cho tốt thì vất đi,ông trí thức XHCN.ạ !

  4. Ông TSKH Phan Hồng Giang dẫn HP 2013 CHXHCNVN ra như “cốt lõi của một chế độ tốt đẹp”?

    Trích: “quyền tự do dân chủ. Đây chính là giá trị cốt lõi của một thể chế tốt đẹp nói chung và của văn hóa nói riêng. Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã khẳng định các quyền con người và công dân cơ bản; đó là quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền biểu tình… ”

    Thưa ông!

    Quyền tự do BẦU CỬ mà không có quyền tự do ỨNG CỬ thì “mèo vẫn hoàn mèo” thôi, ông Tiến sĩ khoa học Phan Hông Giang ạ!

    Việc ứng cử vẫn là “độc quyền” của đảng, mà đã độc quyền thì là….độc tài, mà đã độc tài thì lấy đâu ra “quyền tự do dân chủ” chứ?

    Loanh quanh một hồi thì MÈO VẪN HOÀN MÈO,CHXHCNVN vẫn là CHXHCNVN “trước sau như một” ….thế thì cái gọi là “một thể chế tốt đẹp” chừng nào mới….mò tới được VN thưa ông ???

Comments are closed.