LTS: Bài viết của nhà báo Bá Tân đưa ra những ý kiến cần thiết cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng TT Nguyễn Xuân Phúc “cần phải chấn chỉnh báo chí quốc doanh khi trích dẫn phát biểu, phải chọn lọc những ý kiến ‘để đời’, mang tầm chiến lược” của Thủ tướng để trích dẫn, e rằng không thích hợp, bởi làm như vậy, chẳng khác nào bảo thủ Tướng làm thêm công tác kiểm duyệt báo chí đối với các phát biểu của mình.
Hơn nữa, người dân cần biết rõ thủ tướng của mình nói gì. Ngoài những phát biểu “Ma-dzê in Vietnam”, hay “Cờ lờ mờ vờ, cờ lờ vờ”… liệu những câu phát biểu này “Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới“; “Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên”; “Tôi tin tưởng rằng bình minh đang đến với đất nước ta“… của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mang tầm chiến lược của thủ tướng nước Việt Nam?
_____
Bá Tân
7-8-2019
Thật khó tìm ra một ngày không thấy thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên “rừng” báo chí quốc doanh, từ báo in, báo hình, báo nói. Có mặt nhiều nơi, làm việc nhiều chỗ, vì thế, hiện diện dày đặc trên các loại hình báo chí quốc doanh, nền báo chí thiên về phản ánh minh họa một chiều, theo định hướng của cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí.
Báo chí là sản phẩm tinh thần, hiện thời báo chí quốc doanh lạm phát đến mức cung vượt xa cầu. Mọi sản phẩm, kể cả vật chất cũng như tinh thần, dư thừa sẽ trở nên rẻ rúng, nhàm chán, báo chí không là ngoại lệ. Sự nhàm chán với hàng hóa tinh thần, trong đó có báo chí, còn tệ hại hơn so với hàng hóa vật chất.
Xuất hiện dày đặc, quá nhiều trên “rừng” báo chí quốc doanh là hay hay dở, là nên hay không nên. Câu trả lời quả là không khó. Cái gì cũng vậy, quá mức trở nên thừa thải, gây ra nhàm chán. Đó là quy luật của tâm lý. Vì thế, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần phải chấn chỉnh báo chí quốc doanh, không để báo chí quốc doanh trở thành cái camera chuyên theo dõi thủ tướng chính phủ. Không phải mọi động tĩnh của thủ tướng đều phải trương lên mặt báo, thiếu một chút còn hơn thừa mứa gây phản cảm (quý hồ tinh hơn quý hồ đa).
Vai trò, hiệu lực, đẳng cấp của thủ tướng thể hiện trên sức mạnh và hiệu quả của chính phủ, chứ không phải tần suất, xuất hiện trên báo chí. Thủ tướng cần phải ra tay chấn chỉnh, không để báo chí quốc doanh hành nghề theo kiểu “ăn theo” thủ tướng, kiểu “làm ăn” như vậy của báo chí quốc doanh không có lợi cho chính phủ, cũng như cá nhân thủ tướng.
Thêm một nội dung khác thủ tướng cần phải chấn chỉnh báo chí quốc doanh, đó là cách trích dẫn phát biểu của thủ tướng chính phủ. Báo chí quốc doanh hiện thời trích dẫn tràn lan ý kiến của thủ tướng chính phủ, làm như vậy chưa hẳn đề cao, mà có khi ngược lại. Chẳng thà không trích dẫn, còn hơn mượn cớ trích dẫn đưa ra những ý kiến trùng lắp, tẻ nhạt, rẻ tiền. Tình trạng này bắt gặp nhan nhãn trên báo chí quốc doanh. Viết đến đây sực nhớ câu thơ thâm thúy của cụ Nguyễn Du: Thương nhau như thế bằng mười hại nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần phải chấn chỉnh báo chí quốc doanh khi trích dẫn phát biểu, phải chọn lọc những ý kiến “để đời”, mang tầm chiến lược, vừa dễ hiểu vừa dễ làm. Đừng để báo chí quốc doanh quá dễ giải khi trích ý kiến của thủ tướng chính phủ, gây ra tình trạng nhàm chán, tẻ nhạt.
Sử dụng báo chí cũng như dùng thuốc, kể cả thuốc bổ, nếu dùng không đúng sẽ chuốc lấy hậu họa.
ô Bá Tân này muốn làm Trưởng ban TGTW kiêm BT bộ TTTT đây,chứ không ưa làm báo