Biểu tình hay không biểu tình? Có còn biểu tình hay không?

Jackhammer Nguyễn

Gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco

28-7-2019

Không có một cuộc biểu tình nào xảy ra dù là của đảng cộng sản tổ chức để phản đối Trung Quốc, trong khi vụ Tư Chính xảy ra gần cả tháng rồi.

Nhiều người Việt Nam hơi ngơ ngác hỏi nhau trên mạng: Tại sao không có biểu tình?

BBC tiếng Việt, ngày 23/7, chạy bài Bãi Tư Chính, không thấy có biểu tình phản đối Trung Quốc. Dường như theo nội dung bài này thì câu trả lời đã được tìm ra: Vì người dân cảm thấy lòng yêu nước bị lợi dụng.

Ba ngày sau, RFA tiếng Việt theo sau, viết một bài nội dung y hệt, tìm thấy câu trả lời cũng y hệt.

Tôi thì tôi thấy nguyên nhân có thể là phức tạp hơn.

Để có một cuộc biểu tình xảy ra cần có hai điều kiện liên quan với nhau: Mục đích của cuộc biểu tình và những người sẵn sàng biểu tình cho mục đích đó.

Biểu tình tại Việt Nam trong những năm vừa qua có những nguyên nhân sau đây, và cũng là mục đích, xếp theo thứ tự quan trọng: Chống Trung Quốc, Đòi đất đai, Chống ô nhiễm môi trường, Đòi tăng lương.

Đương nhiên đây là nhận xét chủ quan của tác giả.

Mục đích chống Trung Quốc được mọi người đồng ý dễ dàng với nhau là nguyên nhân lớn nhất, nó kích thích tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Việt Nam chống phương Bắc, vốn có lịch sử cả ngàn năm nay.

Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra vào năm ngoái, 6/2018, được xem là cuộc biểu tình lớn nhất từ năm 1975 đến nay, chống Dự luật Đặc khu và luật An Ninh mạng. Mà Dự luật Đặc khu và luật An Ninh mạng này được Đảng Cộng sản đang cai trị soạn thảo. Người dân thấy rằng không có con đường nào khác là phải lên tiếng.

Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và luật An Ninh mạng. Photo Courtesy

Khi những tin tức đầu tiên về vụ Tư Chính được đưa ra, dù không phải là chính thống, người ta thấy rằng nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực đương đầu với người Tàu ngoài biển. Người ta vừa đồn đoán với nhau về chuyện gì đang xảy ra một vài ngày, thì đùng một cái báo chí nhà nước được phép đưa tin một cách rầm rộ, rồi việc phản đối bằng công hàm cũng được đưa tức thì.

Ngòi nổ được tháo đúng lúc.

Đảng Cộng sản đã thành công lần này trong việc không để cho những cuộc tụ tập không do họ kiểm soát, điều họ sợ nhất trên đời, xảy ra.

Một viên chức ngoại giao nói với tác giả, rằng ông thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Trong cuộc biểu tình này đã có người Tàu bị thiệt mạng, nhiều cơ sở của họ bị đập phá. Người ta nói với tôi rằng, người Tàu đã làm áp lực đưa tàu của họ vào để chuyển công dân của họ đi. Việc đó cuối cùng không xảy ra.

Đó là mục đích. Mục đích biểu tình không còn, thì đương nhiên không có biểu tình.

Hơn nữa, tôi đặt câu hỏi cho loại nguyên nhân thứ hai: Còn có ai sẵn sàng đi biểu tình không?

Từ những cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào những năm 2000, tại Việt Nam đã hình thành một tầng lớp đối kháng, mà một số đông được qui tụ trong các tổ chức dân sự, thậm chí các đảng phái chính trị. Những người này hoạt động rất tích cực trong những cuộc biểu tình, trong những kháng nghi thư, trong những bình luận phản kháng trên mạng xã hội.

Dĩ nhiên là Đảng Cộng sản rất không thích những tổ chức mà họ không kiểm soát. Do đó nhiều cố gắng liên tục được đảng thực hiện để làm suy yếu các tổ chức này. Với bộ máy công an khổng lồ, quyền lực không giới hạn, đảng đã thành công trong việc phá hoại các tổ chức này. Nhiều người bị bắt bỏ tù, nhiều người bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, vụ Tư Chính lần này đánh dấu một bước lùi của phong trào đối kháng Việt Nam, vì họ không còn ai nữa.

Song song với việc bố ráp, bắt bớ, mà đỉnh cao là vụ đàn áp khốc liệt sau vụ biểu tình chống luật đặc khu vào tháng 6/2018, Đảng Cộng sản dường như đã kiểm soát được mạng xã hội, hay ít nhất họ thấy rằng, điều lo ngại về một cuộc cách mạng Facebook, từa tựa Mùa xuân Ả Rập, đã không xảy ra. Mà ngược lại, dường như Facebook lại đóng một vai trò van xả hơi của những bực bội trong xã hội.

Người ta nói rằng, Việt Nam có rất nhiều tài khoản Facebook, nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ, và hãy đặt câu hỏi khu vực Facebook của những người đối kháng là bao nhiêu? Tôi cho rằng không nhiều.

Khu vực này không chồng lên các khu vực khác như là bán hàng, làm đẹp, nấu ăn, văn nghệ thể thao,… Tức là nó hình thành nên một cái mà người phương Tây gọi là Echo Chamber, tạm gọi là Phòng cách âm, chúng ta nói chúng ta nghe với nhau.

Nhưng tôi cho rằng, Đảng Cộng sản cũng có ngó vào cái phòng cách âm đó, để điều chỉnh hành động của họ, tháo van kịp thời.

Bày tỏ trên Facebook rồi thì nhu cầu xuống đường có thể đã giảm đi một ít.

Tại sao không còn những người sẵn sàng biểu tình nữa, nếu phán đoán của tôi là đúng?

Người ta nói rằng, sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi xã hội có một tầng lớp trung lưu đủ mạnh và độc lập. Việt Nam không có tầng lớp ấy.

Khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế cách đây hơn 30 năm, người ta đã hy vọng một tầng lớp trung lưu độc lập hình thành. Hơn một thế hệ đã sinh ra và lớn lên nhưng điều đó đã không xảy ra.

Giới trung lưu Việt Nam đa số sống trong các thành thị lớn, cuộc sống của họ khá hơn rất nhiều so với đại đa số cư dân nghèo khó ở nông thôn. Họ không có nhu cầu phải thay đổi. Ờ, thì không khí có ô nhiễm, tham nhũng có làm cho họ bực bội, nhưng họ vẫn thấy họ rất vững vàng. Chưa nói đến chuyện tầng lớp này lại đang gắn chặt vào sự nhũng lạm có tính cách hệ thống hiện nay.

Chẳng lẽ bức tranh dân chủ hóa Việt Nam lại u tối như thế ư? Và phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn yên tâm, vì không còn nguyên nhân biểu tình mà cũng không có người biểu tình nữa?

Trong thời gian gần đây, người ta hay nói đến chuyện Việt Nam đang trôi về phía Mỹ, xa rời Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này. Nếu điều này đúng thì quả là mục đích chống Trung Quốc không còn nữa.

Nhưng nguyên nhân của biểu tình, lần này là những bất ổn xã hội, vẫn còn đó. Đó là nông dân vẫn mất đất đai và công nhân vẫn bị bóc lột thậm tệ. Hai điều nói trên tồn tại song song với sự cai trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận cán bộ của mình cướp đất đai của dân chúng, khi mà họ một mình một chợ, không ai kiểm soát quyền lực của họ cả.

Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận công nhân bị bóc lột khi mà họ không có nghiệp đoàn tự do.

Đảng Cộng sản không thể nào kiểm soát quyền lực của chính họ.

Cách đây hơn chục năm, khi hòa bình ở Bắc Ái Nhĩ Lan và xứ Basque được tái lập, với những vị dân cử của họ ra chấp chính ở Quốc hội, một người bạn Pháp có nói với tôi rằng: Chẳng phải là chửi nhau bằng mồm trong quốc hội là tốt hơn chửi nhau bằng lựu đạn ngoài phố hay sao?

Tôi xin hỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam, rằng bà Cấn Thị Thêu có xứng đáng được đại diện ít nhất là cho người dân ngoại thành Hà Nội hay không?

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có xứng đáng được đại diện cho người dân thành phố Nha Trang hay không?

Hai người đà bà ấy nào có muốn xuống đường biểu tình rồi bị tù tội!

Việt Nam vẫn không có những người chấp chính được dân bầu lên. Trong khi người Việt không thiếu những người giỏi giang có thể đại diện cho toàn dân.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Liên quan tới sự kiện ở bãi Tư Chính, tác giả có ý nói nhà cầm quyền cộng sản đã kịp hạ nhiệt khiến cho biểu tình không xảy ra. Nhưng trên thực tế, vụ bãi Tư Chính chưa ngã ngũ, vì Trung Quốc chưa chịu rút lui và thậm chí còn có kế hoạch lấn tới bằng cách tuyên bố chủ quyền khu này. Tranh chấp có dấu hiệu sẽ leo thang. Trong bối cảnh như vậy, biểu tình vẫn có thể xảy ra trong nay mai. Là một người Việt hải ngoại, tôi không tin có cái gọi là sự liệt kháng của người dân trong nước trước mối đe dọa xâm lăng từ phương bắc.

  2. -Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tổ chức ngày 11/7/2019 tại Hà Nội cho số liệu: Dân số khu vực thành thị là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Dân Việt chủ yếu vẫn sống dựa vào nông, lâm, thủy sản nhưng thử điểm qua tình hình nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến tháng 07/2019 thế nào?
    1/Về Nông nghiệp:
    -Dịch tả heo Châu Phi đến nay đã lan rộng, lây lan ra 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (chỉ còn Ninh Thuận chưa phát hiện dịch) với tổng số heo tiêu hủy hơn 3,3 triệu con. Dịch vẫn phát tán, lây lan nhanh, lan tỏa tiếp tục: tại các địa bàn chưa có dịch; tái phát lại tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
    -Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm.
    -Đến tháng 07/2019, hạn hán tại miền Trung đã làm 138.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Khu vực Bắc Trung Bộ dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình chỉ đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, đã có 55 hồ nhỏ đã cạn nước, phạm vi xâm nhập mặn với nồng độ 1g/lít từ 16 km đến 35 km. Khu vực Nam Trung Bộ dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình chỉ đạt từ 25-55% dung tích thiết kế, có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước, phạm vi xâm nhập với nồng độ 1 g/lít lúc từ 15km đến 20km. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thể tích nước trong tất cả các hồ thủy điện thấp hơn 7,46 tỉ m3, tương ứng sản lượng phát từ thủy điện thấp hơn cùng kỳ năm ngoái lên tới 3,38 tỉ kWh. Tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện đến nay chỉ còn 6,22 tỉ m3, lượng nước hụt so với mức nước dâng bình thường 29,37 tỉ m3.
    -Hạn hạn cũng gây các vụ cháy rừng lớn nhỏ tại các tỉnh miền Trung: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định.
    -8 đập thủy điện của Trung Quốc giữ lại khoảng 40 tỷ mét khối nước khiến mực nước sông Mekong xuống đến mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Ng dân miền Tây hiện giờ đang tự lực xoay sở thay đổi qui hoạch diện tích nuôi trồng nông, thủy sản và cũng thay đổi vật nuôi, cây trồng cùng cách thức canh tác để “sống chung với nc kém và xâm nhập mặn”.
    2/Vể Ngư nghiệp:
    -Việc TQ ngăn cản ngư dân VN đánh bắt hải sản trên Biển Đông thì đã rõ rồi nhưng mức độ gây rối của TQ ngày càng manh động hơn.
    -Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá. Vào đầu tháng 11/2019, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, EC sẽ kiểm tra dự kiến 4 tỉnh. Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo từ những năm 2012-2013 đến nay đã 07 năm rồi, VN có thời gian dài mà ko làm rốt ráo, để từ giờ đến tháng 11/2019 chỉ còn 04 tháng thôi, VN ko gỡ dc “thẻ vàng” mà còn bị dính “thẻ đỏ” nữa là đời sống ngư dân 28 tỉnh dọc bờ biển sẽ khó khăn rất nhiều. Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
    Tóm lại: Qua các dữ kiện nêu trên thì thấy dc phần nào ng dân đang lo nhiều đến đời sống gặp sẽ nhiều khó khăn. Và nếu Chính phủ ko có biện pháp khắc phục triệt để cùng với giả sử tình hình rủi ro do khô hạn, dịch bệnh cũng xảy ra tiếp theo các năm sau 2020, 2021 thì đời sống càng khó khăn nữa. Thôi việc biểu tình để sau vậy? Từ từ tính tiếp?

    P/s: Việc các đập thủy điện hiện có trên sông Mekong tại TQ, Lào & tiếp tục xây dựng thêm các thủy điện khác nữa trên sông Mekong tại TQ, Lào khiến sông Mekong cạn dòng khi về đến Campuchia & VN là điều hiển nhiên ko tránh khỏi.

  3. Khi nào thấy những thằng con hoang của Tập cặn bã Trọng lú,Phúc niểng,Ngân cám heo,Tô lâm,bày đàn tuyên láo,lũ côn đồ đỏ,lũ dư luận viên giặc cờ đỏ xuống đường biểu tình,thì may ra toàn dân sẽ xuống đường biểu tình,còn bây giờ dân xuống đường biểu tình thì chúng thộp cổ những người biểu tình và chúng chụp mũ vu khống ngay,chiêu này thằng bố Tập cặn bã của chúng đang xài và bầy con hoang của Tập cũng đã xài

Comments are closed.