Tin Biển Đông
Một số nhà nghiên cứu lo lắng, những gì đang diễn ra ở Bãi Tư Chính, nếu Việt Nam không quyết đoán, có thể sẽ bị mất Bãi Tư Chính giống như Philippines đã mất bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. VnExpress có bài nhắc lại sự kiện này: Cách Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Một vụ xung đột giữa hai nước hồi năm 2012, Trung Quốc làm cho tình hình căng thẳng leo thang. Rồi Bắc Kinh triển khai nhiều tàu hải giám, cùng ngư dân TQ phong tỏa bãi cạn Scarborough. Sau 10 tuần đối đầu, Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi khu vực, chiếm bãi cạn Scarborough.
VOV bàn về vụ Bãi Tư Chính: Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải lên tiếng. Có thể cộng đồng quốc tế sẽ không im lặng trước hành động bá quyền của Bắc Kinh, nhưng chính phủ CSVN tiếp tục đu dây với “bạn vàng”, “bạn tốt”, chắc sẽ không có nước nào muốn dính vào.
Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi khá nhạy cảm về vụ Trung Quốc điều tàu đến vùng biển Nam Biển Đông của Việt Nam: Các biện pháp của ta đã đủ mạnh? Chuyên gia pháp lý Nguyễn Thị Lan Hương nhận định, các biện pháp ngoại giao của Việt Nam “có thể không tác dụng ngay, nhưng có ý nghĩa về dài hạn, thể hiện hình ảnh một Việt Nam chín chắn, trách nhiệm, có thái độ tích cực, có tính xây dựng để quản lý khủng hoảng”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Không để Trung Quốc ‘viết luật’ ở Biển Đông. Bài viết cảnh báo, “mối nguy hiểm lớn nhất lúc này không phải việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo – điều vốn dĩ họ đã làm rồi, mà là khả năng khiến các nước khác phải chấp nhận cách ‘diễn dịch luật pháp quốc tế’ của Bắc Kinh… Trung Quốc vừa thử nghiệm tên lửa chống tàu ở Biển Đông, thể hiện cả năng lực tấn công lẫn số lượng”.
Báo Pháp Luật TP HCM lưu ý vụ tàu Trung Quốc gần bãi Tư Chính: Cẩn trọng tin giả. Đó là tin giả từ một số người cuồng Trump loan tải, mà trang Luật Khoa đã cảnh báo, khẳng định ông Trump đã đứng về phía Việt Nam, “thách Trung Quốc dám động vào Bãi Tư Chính”. Hay như tin Phó đô đốc Phillip Sawyer nói rằng sẽ đưa Hạm đội 7 đến can thiệp vụ đối đầu ở Nam Biển Đông, mà bài báo khẳng định các trang tin quốc tế lớn không hề nói gì đến mấy cái tin vịt này.
VTC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Tàu chiến Trung Quốc 4 lần đi vào vùng biển nội địa mà Manila không biết. Bộ trưởng Delfin Lorenzana thừa nhận, “có ít nhất 4 báo cáo sự cố trong năm 2019 liên quan đến việc các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển giữa Vịnh Bongao và eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi”.
Mời đọc thêm: Âm mưu “gặm nhấm” Biển Đông của Trung Quốc (GT). – Học giả quốc tế khẳng định Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông (MTG). – Hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định trong khu vực phải bị lên án (ANTĐ). – Bộ Quốc phòng Campuchia chứng minh không cho Trung Quốc thuê căn cứ (VOA).
– Philippines tố tàu chiến Trung Quốc ngang nhiên qua eo biển không thèm báo (TT). – Philippines: Tàu chiến Trung Quốc 4 lần vào vùng biển nội địa (PLTP). – Soi tuần dương hạm Mỹ qua biển Đài Loan khiến Trung Quốc thất kinh (KT). – Đặng Duân: Những tin giả về Biển Đông (TD). – Kiểm chứng: Có đúng “Liên Hiệp Quốc cảnh cáo Đại sứ Trung Quốc vì hành động phạm pháp tại Biển Đông”? (LK).
Chính phủ chỉ đạo xử lý vụ Vườn rau Lộc Hưng
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM kiểm tra, giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng, theo đúng quy định pháp luật. LS Phạm Công Út viết: “Cách đấu tranh đòi lại đất, đòi lại nhà, đòi khởi tố những người hủy hoại tài sản của bà con Vườn rau Lộc Hưng không giống như những cuộc đấu tranh khác.
Họ không kéo nhau từng đoàn người vật vạ trước các cơ quan trung ương, không băng rôn biểu ngữ, chỉ có lời nguyện cầu hàng đêm, và phía sau họ hiện có gần 20 luật sư cùng đồng hành với bà con vườn rau. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã lắng nghe lời nguyện cầu thay cho những tiếng hô vang phẫn nộ, và đã có sự chỉ đạo tới địa phương“.
Mời đọc lại: Đại diện người dân bị cưỡng chế phi pháp ở Lộc Hưng gặp Bộ Tài Nguyên- Môi Trường — Đơn khiếu nại tố cáo liên quan tranh chấp đất đai chiếm gần 96% (RFA).
Asanzo vs báo Tuổi Trẻ
Ngày 26/7/2019, Tập đoàn Asanzo chính thức khởi kiện báo Tuổi trẻ, VTC đưa tin. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo xác nhận, đã nộp đơn khởi kiện báo Tuổi trẻ đến TAND Quận 11, TP HCM để yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Ông Tam cho rằng, các tội danh mà báo Tuổi trẻ quy kết cho công ty như “thay đổi xuất xứ hàng hóa”, “lừa người tiêu dùng”, “qua mặt cơ quan quản lý” đều sai sự thật.
Ông Tam nói: “Những thông tin báo Tuổi trẻ đăng tải nói trên là sai sự thật, là xuyên tạc. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Báo chí về việc thông tin sai sự thật và kết tội Asanzo khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án”. Phía TAND quận 11 đã tiếp nhận đơn kiện của Asanzo.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Sẽ có kết luận về vụ Asanzo trong 2 tuần nữa. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, diễn ra sáng 25/7, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã khởi tố một vụ án liên quan đến Asanzo và chuyển cho công an điều tra về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ VN để tiêu thụ. Nhưng Asanzo nói rằng, đó là công ty giả mạo, không phải công ty con.
Ông Cẩn nói, “cố gắng trong 2 tuần nữa sẽ sớm đưa ra kết luận để hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh”.
Mời đọc thêm: Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ, yêu cầu xin lỗi, bồi thường (PLTP). – Asanzo chính thức khởi kiện báo Tuổi trẻ vì ‘bị dồn đến bờ vực thẳm’ (VNF). – Asanzo chính thức kiện báo Tuổi trẻ, đòi bồi thường (TĐ). – 2 tuần nữa sẽ có kết luận về vụ Asanzo (LĐ).
Xã hội đỏ vs xã hội đen
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền ở TP.HCM nơi Alibaba đặt trụ sở, phải 3 lần ‘cầu cứu’? Cụ thể, từ tháng 12/2018 đến cuối tháng 7/2019, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã có 3 công văn gửi UBND quận Thủ Đức để kiến nghị hỗ trợ kiểm tra hoạt động Công ty Alibaba trên địa bàn phường.
Trong công văn thứ 3 gửi ngày 26/7/2019, phường Hiệp Bình Chánh lưu ý, “đã có người dân khiếu nại liên quan đến hoạt động của Công ty Alibaba và xảy ra xô xát dẫn đến một khách hàng bị đánh phải đi cấp cứu… đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng, có thể gây ra điểm nóng khi khách hàng của Công ty Alibaba tập trung để đòi giải quyết hợp đồng mua đất”.
Báo Thanh Niên có bài: Giang hồ lộng hành. Theo đó, “chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 2 vụ băng nhóm giang hồ tham gia gây rối làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, gây bức xúc dư luận”. Trong đó có vụ ông Nguyễn Tấn Lương đi ăn nhậu trưa 12/6 thì bị một nhóm sĩ quan công an hành hung. Ông này đã gọi tay anh chị là Giang “36”, huy động “anh em xã hội” đến bao vây chiếc ô tô chở nhóm cán bộ công an gần 2 tiếng đồng hồ ở TP Biên Hòa.
Mời đọc thêm: Chủ tịch địa ốc Alibaba ‘bận’ livestream, ‘phớt lờ’ thư cơ quan chức năng mời làm việc (TN). – Giang hồ ở Phú Thọ chặn ô tô khách đánh tài xế và lơ xe, thách thức công an (MTG). – Bắt hai cha con đại ca giang hồ ném bình gas, nổ súng truy sát người (TT). – Cha con Tân ‘Móp’ đầu thú sau vụ nổ súng ở miền Tây (Zing).
Vụ 34 trạm thu phí ở thành Hồ
VnExpress có bài: Nộp tiền vào thành phố. Bài báo đặt ra một loạt câu hỏi khó trả lời cho những quan chức đã quen “móc túi” dân: “Với người sử dụng ô tô, tài xế lái xe thuê, họ cũng chính là người tiêu dùng, vậy trong dự án đặt các trạm thu phí bao quanh thành phố như vậy, ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho họ? Ai sẽ là người giám sát và quyết định mức phí sao cho công bằng, hợp lý? Và ai sẽ thổi còi khi các trạm thu phí này cứ âm thầm kéo dài ngày thu phí vô tội vạ vượt qua mốc thời gian đã cho phép?”
Báo Công an ND có bài: Nhiều câu hỏi từ đề án thu phí ôtô vào TP Hồ Chí Minh. Các câu hỏi đó là, việc thu phí này, “người dân sẽ được lợi ích gì? Việc đi lại của họ được giải quyết ra sao trong khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu? Những bất tiện nảy sinh sẽ xử lý thế nào hay mới chỉ là biện pháp thuận cho quản lý của Nhà nước và lợi cho nhà cung cấp dịch vụ?”
Mời đọc thêm: Đề xuất lắp trạm thu phí ô tô vào trung tâm: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên (VOV). – 34 trạm thu phí ô tô bao quanh trung tâm TP.HCM? (TN). – Sở GTVT TP.HCM đề xuất xây 34 cổng thu phí vì ‘thời điểm phù hợp’ (VNN). – Cơ chế đặc thù’ tạo ra quyền… bóp cổ! (VOA).
Vụ người Nhật làm sạch sông Tô Lịch miễn phí, bị Hà Nội phá hoại
Chuyên gia Nhật lên tiếng vụ xả nước cuốn trôi kết quả thí điểm sông Tô Lịch, báo Tiền Phong đưa tin. Vụ nước sông Tô Lịch, sau thời gian ô nhiễm nặng nề đã được cải thiện rất nhiều nhờ công nghệ Nhật Bản, nhưng rồi “đâu lại vào đấy” sau khi Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Ông Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến môi trường Nhật Bản đã chính thức lên tiếng trong ngày 26/7.
Ông Yamamura nói về phát ngôn trước đó của ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội: “Ông Hùng nói đã báo cho tôi và tôi xác nhận việc xả lũ không ảnh hưởng đến công trình thí điểm của chúng tôi là hoàn toàn chưa đúng. Đơn vị của chúng tôi chỉ được thông báo trước 15 phút sau đó xả. Nếu như được thông báo trước một ngày thì chúng tôi đã có giải pháp thì không xảy ra sự cố”.
Vụ xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch: Bị Công ty Thoát nước Hà Nội ‘đổ tội’, chuyên gia Nhật Bản bức xúc, theo VTC. Ông Yamamura khẳng định: “Chúng tôi có điều tra, làm trên các con sông trên thế giới như tại Trung Quốc, Ấn Độ thì công nghệ chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì khi gặp mưa to, bão lớn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Hà Nội bất ngờ cho xả lượng nước gấp 10 lần lượng nước chảy vào sông và chảy liên tục 3 ngày thì rõ ràng kết quả của chúng tôi sẽ bị cuốn trôi”.
Trước đó, ông Võ Tiến Hùng khẳng định: “Chính chuyên gia Nhật và Công ty JVE đã khẳng định không có ảnh hưởng gì. Chúng tôi còn nhắc nhở thêm rằng tại sao thử nghiệm đầu nguồn nhưng họ vẫn khẳng định là yên tâm, không có vấn đề gì”. Còn ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội nói: “Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lưu ý với JVE về việc xả hạ mức nước Hồ Tây khi mưa lớn; JVE đã khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm”.
Video có clip: Chuyên gia Nhật Bản nói xả triệu khối nước ở Nhật phải báo trước 3-5 ngày.
Mời đọc thêm: Hà Nội khẳng định xả nước đúng quy trình, không phá hoại việc làm sạch sông Tô Lịch (ĐSPL). – Chuyên gia Nhật Bản phản bác vụ xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch (PL Plus). – Chuyên gia Nhật Bản: Không đổ lỗi, chỉ mong được thông báo sớm hơn vụ xả nước sông Tô (Infonet). – Xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, ở Nhật phải thông báo trước 3-5 ngày (VNN).
– Dự án thử nghiệm thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được Nhật tài trợ 100% (NLĐ). – “Mưa cuốn trôi thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch chứ không phải chúng tôi phá” (VnMedia). – Hà Nội thống nhất Công ty JVE và chuyên gia Nhật tiếp tục xử lý làm sạch sông Tô Lịch thêm 02 tháng (GĐVN).
Hạn hán và nỗi lo thiếu nước
Thiếu hụt 30 tỷ m³ nước, EVN kêu gọi vùng hạ du các thủy điện miền Trung – Tây Nguyên “dè sẻn” nước, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Trong tình hình nắng nóng, hạn hán khốc liệt đang diễn ra trên diện rộng và kéo dài ở các tỉnh miền Trung, chiều 26/7, Tập đoàn Điện lực VN có văn bản gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Bộ NN&PTNT để báo cáo về tình trạng nước tại các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
EVN thừa nhận, từ nay đến cuối tháng 7/2019 “nhiều khả năng không có mưa tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên lượng nước về các hồ chứa thủy điện thấp, nguy cơ mực nước tại các hồ chứa về mực nước chết là hoàn toàn có thể xảy ra”. Hiện đã có 9/57 hồ ở khu vực này có mực nước ở mực nước chết, là các hồ Vĩnh Sơn B, Sê San 4, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah, Sông Côn 2A, Sông Tranh 2, Thác Mơ, Đại Ninh, Đạ Dâng 2.
Báo Tuổi Trẻ cảnh báo: Miền Trung đối mặt nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo, “thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt. Dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng”.
Đối với dòng sông đã bồi đắp vùng đất “thẳng cánh cò bay” của người miền Nam: Sông Mê Kông ‘trơ đáy,’ miền Tây sẽ bị hạn mặn, đói kém, theo báo Người Việt. Ông Nhâm Hùng, một nhà nghiên cứu văn hóa ở Cần Thơ bình luận: “Lý ra, giờ này con nước bạc đã về sông Hậu, khởi đầu mùa nước nổi, kéo theo những đàn cá bống trứng, rồi sau đó là cá linh non. Thế nhưng không hiểu sao, năm nay nước không có. Ngay trong nội thành Cần Thơ, các con rạch lúc nước ròng cũng cạn trơ đáy”.
VnExpress có bài: Nỗi lo Trung Quốc kiểm soát nước của người dân hạ nguồn sông Mekong. Một người có kinh nghiệm 60 năm làm nghề đánh cá ở khu vực Đông Bắc Thái Lan chia sẻ: “Tình trạng xảy ra vào năm nay là chưa từng có… Giờ chúng tôi chỉ bắt được cá nhỏ, không có cá lớn khi mực nước xuống thấp đến thế này”.
Thái Lan đã đề nghị Lào và Trung Quốc xả các con đập của họ, nhưng các nhà hoạt động môi trường vẫn cảnh báo, “tình trạng thiếu nước bất thường là dấu hiệu làm dấy lên lo ngại về tương lai của sông Mekong và hệ động thực vật của nó, trong đó có loài cá tra dầu trên bờ vực tuyệt chủng”.
Mời đọc thêm: Hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung, sản lượng phát từ thủy điện giảm 3,38 tỷ kWh (ANTĐ). – Công ty Thủy điện Buôn Kuốp nỗ lực đảm bảo cấp đủ nước cho hạ du (CT). – Bộ TN&MT: Hướng dẫn vận hành hồ chứa Đăkđrinh và Nước Trong từ nay đến hết mùa cạn năm 2019 (TNMT). – Quảng Ngãi: Cây Sacha Inchi chết hàng loạt do nắng nóng kéo dài (TTXVN).
– Hạn hán kéo dài, người dân miền Trung khoan giếng cứu lúa (VNE). – Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ‘gây khó’ cho người dân Trung Bộ (Tin Tức). – Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn “khốc liệt” (TNMT). – Hồ thủy điện khô cạn do hạn hán (CL). – Hạn hán kéo dài, mực nước thủy điện giảm mạnh so với cùng kỳ (NĐH).
– Sông Mê Kông ‘trơ đáy’, ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt: Sống chung với ‘nước kém’ (TN). – Việt Nam phải mạnh mẽ đối với các nước thượng nguồn Mekong dù đó là nước nào! (RFA). – Thái Lan lo lúa chết vì thiếu nước, Lào phủ nhận đập Xayaburi có liên quan (TT). – Mekong khô hạn, Thái Lan yêu cầu TQ, Lào, Myanmar xả nước (ĐV). – Ủy hội Mekong: Mực nước hiện tại ở lưu vực sông Mekong là nguy cấp (Zing).
***
Thêm một số tin: 2 đảng viên bị khai trừ do vi phạm trong sự cố chạy thận ở Hòa Bình (RFA). – Việt Nam đứng thứ tư thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương (Infonet). – Bình Định: “Đề án 904” được triển khai có nhiều điểm bất thường dưới “vỏ bọc” đúng quy trình như thế nào? (NĐT). – Phá rừng lấy đất ở Ea Kar: “Cò” xưng là đệ tử lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Ea Kar để bán đất (PL Plus).