Cao tốc Bắc – Nam
Bất chấp tình hình căng thẳng vẫn đang diễn ra ở khu vực Bãi Tư Chính, lãnh đạo và quan chức CSVN tiếp tục mở rộng cửa cho các “nhà đầu tư” Trung Quốc nhảy vào dự án cao tốc Bắc Nam. Báo Tổ Quốc thống kê: 16 doanh nghiệp Trung Quốc tham dự sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam. Đến nay, quá trình mời sơ tuyển quốc tế của dự án cao tốc Bắc – Nam đã hoàn thiện, 16 doanh nghiệp TQ đã “rải hồ sơ ở cả 8/8 dự án”.
Phía Việt Nam tuy có 26 doanh nghiệp tham gia sơ tuyển dự án cao tốc huyết mạch này, nhưng mức “phủ sóng” chỉ chiếm 7/8 dự án. “Rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải lựa chọn phương án liên danh lại với nhau hoặc hợp tác cùng với nhà đầu tư Trung Quốc để có đủ điều kiện tham dự”.
Nếu không liên doanh với các nhà đầu tư Trung Quốc, thì doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam, theo Zing. Một đại diện doanh nghiệp VN đang liên danh với nhà đầu tư TQ để sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam cho biết: “Chỉ mong trúng một vài gói thầu xây lắp”.
Đại diện doanh nghiệp trên nói thêm: “Nhà thầu trong nước như chúng tôi sẽ gia nhập liên danh, sau này nếu trúng thầu thì chỉ mong tham gia với tư cách nhà thầu thi công, xây lắp. Chúng tôi không đủ tiềm năng và cũng không thể vay được vốn để trở thành nhà đầu tư”.
Báo Lao Động có bài: Đoàn tàu chở 1 người và đường sắt 58 tỉ USD viển vông. Bài báo bình luận: “Tiền không có, trình độ quản lý không có, công nghệ không có, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Làm đường sắt 120km/h thay 25km/h còn chưa xong. Vậy mà đòi làm cho được đường sắt tốc độ 350km/giờ. Đúng là quá viển vông”.
Mời đọc thêm: Vì sao đa số nhà đầu tư trong nước liên danh dự thầu cao tốc Bắc-Nam? (DĐDN). – Nhiều khả năng doanh nghiệp Việt bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam (ĐSPL). – Vốn Trung Quốc vào Việt Nam: Chuyên gia cũng phát “sợ” vì nghe đồn! (DT). – Cao tốc Bắc-Nam: Hóa giải nỗi lo nhà đầu tư Trung Quốc (ĐV). – Cao tốc Bắc – Nam: Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau dự thầu? (TTVN). – Đấu thầu cao tốc Bắc- Nam: Nhà thầu Trung Quốc áp đảo về số lượng (ANTĐ). – Toàn văn báo cáo của TS Lã Ngọc Khuê về đường sắt cao tốc (VS). – Đằng sau lòng tốt của Trung Quốc khi viện trợ cho các đảo quốc nghèo (MTG).
Sai phạm trong ngành xây dựng
Báo Lao Động đưa tin: Thành ủy TPHCM ra “tối hậu thư” xử lý xây dựng trái phép, không phép. Ngày 25/7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng ở TPHCM. Chỉ thị này thừa nhận, “thời gian qua, tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao”. Cụ thể, “6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình vi phạm (bình quân 8,5 vụ/ngày). Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018”.
Đảng viên phải cam kết không vi phạm quy định về đất đai, xây dựng, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Nhân yêu cầu, trong quý 3 năm 2019, “quán triệt tới từng đảng viên không để xây dựng không phép và trái phép tái diễn như vừa qua. Mỗi đảng viên phải cam kết không vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng. Nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này”.
Ông Nhân có cần bắt đảng viên “cam kết” thực hiện cam kết này không? Muốn quan chức nhà nước không vi phạm thì phải có cơ chế phân chia và giám sát quyền lực, chứ không phải bằng mấy lời cam kết suông. Quan chức CSVN càng cam kết không tham nhũng, thì tham nhũng càng nghiêm trọng hơn.
Mời đọc thêm: Xây dựng sai phép ở TP.HCM – có biểu hiện chi tiền cho thanh tra (Zing). – Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng (HT). – Công ty Thuận Lợi cam kết đảm bảo quyền lợi cho khách hàng (TN). – Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thuận Lợi bị tố cáo lừa dối khách hàng (PLVN).
Alibaba vs Công an
CEO Địa ốc Alibaba lại bị mời làm việc về phát ngôn ‘chủ tịch xã’, Zing đưa tin. Ông Lưu Trường Chinh, Phó chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xác nhận, cơ quan này đã gửi giấy mời ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Địa ốc Alibaba lên làm việc vào ngày 26/7, về những phát ngôn liên quan đến chủ tịch, công an xã.
Bài báo nhắc lại vụ ông Luyện phát biểu trong một video được chia sẻ trên Internet hồi tháng trước: “Học cái gì ra làm công an xã? Học ngu. Học cái gì ra làm chủ tịch xã? Học làm côn đồ. Mấy người làm công an xã hay chủ tịch xã xin xỏ, chạy chọt lên vị trí đó, không có học hành, không có trình độ”.
Mời đọc thêm: Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Alibaba tiếp tục bị mời lên làm việc (TQ). – Thông tin mới vụ tố an ninh địa ốc Alibaba đánh người (ĐV). – Trích xuất camera, điều tra vụ khách hàng tố bị nhân viên địa ốc Alibaba đánh chấn thương đầu (ĐSPL). – Công an đề nghị kiểm tra hoạt động Công ty Alibaba (GT).
Vụ xử công an đánh chết dân
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 25/7 ở TAND cấp cao TP HCM, nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như ‘gọi bạn xã hội đánh chết người’ bị bác kháng cáo, báo Thanh Niên đưa tin. HĐXX đã bác kháng cáo và giữ nguyên mức án 12 năm tù đối với Như. Trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3/2019, TAND TP HCM tuyên phạt Như và “bạn xã hội” Nguyễn Minh Chung cùng mức án 12 năm tù. Ba bị cáo là Ngô Thành Vương nhận án 9 năm tù, Trần Đức Vững chịu án 11 năm tù và Phạm Thanh Kim Hạnh nhận án 5 năm tù.
Vụ hành hung xảy ra vào đêm 25/6/2014. Tổ tuần tra Đội CSGT do Như làm tổ trưởng, đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện của ông Nguyễn Văn Chín. Ông Chín không đồng ý nên Như đã gọi đồng phạm đến hành hung ông Chín.
Mời đọc thêm: Y án 12 năm tù đối với cựu cán bộ CSGT gọi ‘bạn xã hội’ đánh chết người vi phạm (Tin Tức). – Cựu Thượng úy CSGT gọi côn đồ đến đánh chết người y án 12 năm tù (PLVN). – Nguyên thượng úy CSGT gọi giang hồ đánh chết người lãnh án (PT).
Hàng trăm giáo viên bị… “mất dạy”
VTC đưa tin: Giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm không được công nhận, hàng trăm giáo viên Bình Định nguy cơ mất việc. Ngày 25/7, đại diện Phòng Nội vụ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, xác nhận, “đợt thi tuyển công chức năm nay nhiều giáo viên sử dụng giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm của Cao đẳng Bình Định cấp không được Hội đồng thi viên chức ngành GD&ÐT huyện chấp nhận”.
Đại diện cơ quan này cho biết: “Các giáo viên nộp hồ sơ có giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm đa số là Cao đẳng Bình Định cấp là không phù hợp, vì đây là chứng nhận không phải chứng chỉ”. Hậu quả là hơn 130 giáo viên ở huyện này không được dự thi viên chức.
Báo Người Đưa Tin bàn về vụ hàng trăm giáo viên chơi vơi giữa thi tuyển hay xét đặc cách: Nước mắt người một đời “đưa đò” và câu hỏi bỏ ngỏ. Đây là vụ nhiều giáo viên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc. Họ vừa lấy lại được hy vọng vì Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định, sẽ có xét tuyển đặc cách với một số giáo viên, thì tin buồn ập đến vì chưa có văn bản chính thức để thực hiện.
Một cô giáo có 9 năm công tác tại trường THCS Trung Giã, Sóc Sơn chia sẻ: “Những ngày qua, tâm trạng của chúng tôi lúc lên lúc xuống, khi nghe tinh thần của sở Nội vụ, theo công văn cũ, không được vào diện xét tuyển đặc biệt, rất hoang mang. Sau khi thấy Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu ngày 9/7, thấy cũng mừng. Nhưng sau đó, ngày 11/7, huyện đã có văn bản thông báo, đã trình thành phố quan điểm lựa chọn hình thức thi tuyển”.
Mời đọc thêm: Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc vì giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm? (TP). – Bình Định: Hàng trăm giáo viên bị loại thi tuyển viên chức vì giấy chứng nhận không được thừa nhận (MTG). – Hàng loạt giáo viên có nguy cơ mất việc vì giấy chứng nhận không có giá trị (GT). – Cơ hội nào cho những giáo viên hợp đồng tại quận Lê Chân, Hải Phòng? (GDVN).
Tin môi trường
Chuyện ở Thừa Thiên Huế: Dân bức xúc vì Công ty Dược Medipharco-Tenamyd gây ô nhiễm, trang Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin. Theo đó, các hộ dân sống xung quanh Công ty Cổ phần Dược Medipharco-Tenamyd ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phản ánh công ty này gây ồn ào, ô nhiễm khi kinh doanh, sản xuất.
Một người dân cho biết: “Mùi thuốc sản xuất từ nhà máy bay sang rất hôi khiến tôi không thể chịu được, nếu có gió mạnh thì nặng hơn. Chắc chắn chúng chứa hóa chất, có thể gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, khi vận hành thì nhà máy rất ồn, tôi không thể ngủ trưa được”.
Báo Người Lao Động có bài: Mua chung cư, hứng ô nhiễm. Bài viết dẫn ra trường hợp Công ty CP Giấy Xuân Đức nằm giữa khu dân cư phường Phước Long A, quận 9, TP HCM, hoạt động từ thập niên 1960 đến nay, “cột khí thải của công ty này nằm sát và cách các block C, D của chung cư Him Lam An Phú chỉ 200-300 m”.
Một người sống trong chung cư nói trên cho biết: “Tôi sống ở tầng 13 và thường xuyên hứng chịu khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy phát ra, nhiều lúc nửa đêm công ty hoạt động khiến chúng tôi không ngủ được. Tôi phải bỏ tiền mua máy lọc không khí để hạn chế phần nào ô nhiễm”.
Mời đọc thêm: TP.HCM: Rác ô nhiễm giữa thành phố (TN). – Ô nhiễm báo động, TP.HCM chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ 3 nhà máy xử lý chất thải (VTC). – Chủ bãi rác Đa Phước kêu oan vì bị tố gây ô nhiễm khu Nam Sài Gòn (VNN). – Giải quyết ô nhiễm tại suối Cái, suối Nhum và rạch Xuân Trường (PLTP). – Chống ô nhiễm không thể hô hào (NLĐ). – Vụ dân bức xúc vì bãi tập kết than gây ô nhiễm: Sử dụng đất không đúng mục đích? (TNMT). – Hóa giải “bài toán” ô nhiễm môi trường ở Can Lộc (HT).
Hạn hán và cháy rừng
Nắng nóng tiếp tục hoành hành khắp các tỉnh miền Trung, Việt Nam. VOV có bài: Nắng nóng, hạn hán tại Nghệ An, hàng trăm ha hoa màu chết cháy. Ở Đà Nẵng: Khô hạn, nước nhiễm mặn, người dân làng rau La Hường điêu đứng, theo báo Dân Sinh. Ở Phú Yên: Hơn 4.000 ha lúa hè thu bị khô hạn, báo Đại Đoàn Kết đưa tin. Ở Đắk Nông, chính quyền tỉnh cố gắng khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ, theo Thông Tấn Xã VN.
Nguy cơ chết khác diễn ra với người dân miền Trung: Nắng hạn cực điểm, 12 vạn hộ dân khát nước, theo VietNamNet. Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, “mùa khô năm 2018 -2019, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ hầu hết bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm… Từ đầu vụ Hè Thu, tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra liên tiếp, kéo dài, làm xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở nhiều địa phương”.
Ở Bắc Trung Bộ, “tình trạng hạn mặn đã khiến 61.000 hộ dân rơi vào tình trạng thiếu nước. Trong đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra nghiêm trọng nhất ở Quảng Bình khi có tới 30.000 hộ dân”. Còn ở khu vực Nam Trung Bộ, “tình trạng hạn mặn cũng khiến 52.840 hộ dân ở khu vực này bị thiếu nước sinh hoạt”.
Tình hình sông Mê Kông tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Báo Thanh Niên có bài: Mực nước sông Mê Kông xuống thấp kỷ lục có thể do 8 đập của Trung Quốc. Nhóm Mekong Butterfly, một nhóm dân sự Thái Lan, nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mê Kông, kết luận, “8 đập thủy điện của Trung Quốc đã chặn tổng cộng 40 tỉ m3 nước để dùng phát điện, tưới tiêu…, khiến dòng chảy sông Mê Kông trở nên bất thường”.
Lào đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục do mức nước sông Mekong xuống thấp, theo VOV. Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Lào, ông Bounkhuang Khanbounheung, thừa nhận, cả nước Lào “mới gieo trồng khoảng 40% trên tổng diện tích 800.000 ha lúa. Nếu mưa không xuất hiện trong vài tuần tới, vụ gieo trồng năm nay sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Ngoài thủ đô Vientiane, các tỉnh Xaynhabuly, Bolikhamxay, Luang NamTha… cũng là những địa phương bị hạn hán gây hại nhiều nhất”.
Zing đưa tin: 150 người dập đám cháy thiêu rụi 10 ha rừng phòng hộ. Vụ cháy xảy ra ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, lửa bùng phát từ trưa 24/7 và kéo dài suốt hơn một ngày. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, lửa cháy trên đỉnh núi cao, vách đá hiểm trở, nên lực lượng chức năng khó tiếp cận: “Sau 24 giờ nỗ lực dập lửa, đến 13h chiều nay, cảnh sát, bộ đội, kiểm lâm mới cơ bản dập tắt được đám cháy”.
Theo ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, “khu vực bị cháy là rừng tự nhiên, có nhiều cây gỗ lớn được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Ước tính ban đầu khoảng 10 ha rừng bị lửa thiêu rụi”.
Thông Tấn Xã VN có bài: Nhiệt độ toàn cầu cuối thế kỷ 20 tăng nhanh hơn 2.000 năm qua. Theo bài báo, một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã “phân tích dữ liệu thu thập được từ gần 700 dụng cụ đo nhiệt, chu kỳ sinh trưởng của cây, các dấu vết trầm tích, rạn san hô và các thiết bị nhiệt kế hiện đại nhằm đưa ra dòng thời gian tổng thể về khí hậu toàn cầu”.
Bài báo kết luận: “Không có thời điểm nào trong lịch sử con người hiện đại, nhiệt độ lại tăng nhanh và liên tục như cuối thế kỷ 20, giai đoạn mà thế giới thời hậu chiến và nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch đạt tới mức cao chưa từng thấy phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”.
Mời đọc thêm: 150 người dập đám cháy thiêu rụi 10 ha rừng phòng hộ (Zing). – Cơ bản khống chế vụ cháy rừng phòng hộ ở Bình Định (VTV). – Miền Bắc nhiều nơi mưa to, Trung Bộ vẫn nắng nóng trên 38 độ C (SK&ĐS). – Vùng rau lớn nhất Đà Nẵng… chờ mưa (TN). – Nắng nóng kéo dài, người dân Kỳ Tây khổ sở xách xô đi xin nước (HT). – Sông Mekong cạn và mối lo thủy điện thượng nguồn (ĐV). – Khô hạn nặng, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung xấp xỉ mức nước chết — Cơn khát từ đâu? (VOV). – Thái Lan yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước chống hạn ở Mekong (TT).
– Nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh hơn trong 2.000 năm qua (TT). – Tháng 7/2019 có thể trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử (VNE). – Biến đổi khí hậu hiện nay là hoàn toàn bất thường (MTG). – Nắng nóng phá kỷ lục 70 năm ở châu Âu (PLVN). – Châu Âu nóng kỷ lục, hổ, gấu vườn thú giải nhiệt bằng đá cục (TN). – Nước Pháp đặt mức báo động cam về tình trạng nắng nóng (TTXVN). – Kiến trúc sư Pháp lo sợ Nhà thờ Đức Bà sụp đổ do nắng nóng (VOV). – Phát hiện nhiều thiết bị nổ gần khu vực cháy rừng lớn (Tin Tức).
***
Thêm một số tin: Cảnh sát Đài Loan bắn chết công dân Việt Nam năm 2017 được hoãn án tù (RFA). – Cái chốt 1% ở dự án Cát Linh – Hà Đông (VNN). – Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mở thêm đường bay từ Hồ Nam, Trung Quốc (MTG). – Tiền thuế dân đóng, ĐBQH đừng dùng đi ăn cưới! (MTG). – Phạt nam thanh niên 5 triệu đồng vì đăng tin thất thiệt trên Facebook (LĐ). – Dân buôn lậu xăng dầu trang bị cả súng trung liên chống trả lực lượng chức năng (TT). – 13 trường đại học ở Úc bị kiểm tra do liên kết với Học viện Khổng Tử Trung Quốc (MTG).