Những kết luận rút ra từ đề thi kiểm tra năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Ngọc Chu

24-7-2019

Hãy buông quyền lực ra để tạo điều kiện cho mọi cá nhân, mọi tập thể được tự do tỏa sáng.

Việc bỏ thi kỳ Tốt nghiệp THPT và giao công việc tuyển sinh cho các đại học là tiến trình tất yếu.

Điều này đáng ra phải thực hiện từ lâu. Nhưng đến nay Bộ GD & ĐT vẫn trì cố tình hoãn. Lý do trì hoãn thì không khó để nhận biết. Cuối cùng cũng chỉ là quyền lực.

Việc trì hoãn này hàng năm gây ra tốn kém cả ngàn tỷ đồng, cùng lãng phí vô vàn thời gian của nhân dân. Không chỉ thế, ở mặt khác, kỳ thi còn gây ra những tệ nạn thi cử mang tính tổ chức có hệ thống cấp độ toàn tỉnh, toàn quốc. Tất cả cùng nhau phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội và sự tụt hậu của nền Giáo dục Nước nhà.

Trong bối cảnh đó, việc các trường đại học tự ra đề tuyển sinh riêng là điều rất đáng hoan nghênh và cần ủng hộ. Nhưng ở cấp độ nào ra đề thi, ra đề thi như thế nào là điều cần nghiên cứu kỹ, và phải dựa trên những luận cứ khoa học.

Nhân đề thi Kiểm tra năng lực của ĐHQG TP HCM, muốn luận bàn một số điểm dưới đây.

1. MỜI CÁC THẦY THỬ SỨC BÀI KIỂM TRA NĂNG LỰC ĐHQG HCM

Nhìn đề thi mẫu Kiểm tra năng lực của ĐHQG HCM, chưa đọc mà đã phát sợ vì dài những 15 trang. Nếu đọc hết đề thi thành tiếng, với tốc độ bình thường, phải mất không dưới 40 phút.

Thử làm ngay Phần I Ngôn ngữ, 20 câu tiếng Việt (1-20) và 20 câu tiếng Anh (21-40) thì mất 30 phút. Nhờ em trai (cũng là cựu học sinh chuyên toán) làm 10 câu toán (của Phần II Toán học, Tư duy logic, Phân tích số liệu) từ câu thứ 41 – 50 mất 40 phút. Dừng lại. Không giải tiếp phần Tư duy logic (51-60) và Phân tích số liệu (61-70). Lướt qua Phần III Giải quyết vấn đề gồm 50 câu Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử thì biết được kết luận: Không ai có thể giải đúng hết 120 câu hỏi này trong vòng 150 phút (ngoại trừ đánh dấu bừa do may mắn mà đúng).

Đề thi này, chỉ các em học sinh giỏi cả khoa học tự nhiên lẫn xã hội và giỏi cả ngoại ngữ mới có cơ hội dành được điểm cao. Số học sinh đó chiếm không đến 5% tổng số học sinh PTTH.

Đề thi tiếng Việt là đề thi không hay và không chỉnh. Chẳng hạn đoạn văn cho câu hỏi 16-20 có câu : “Của rạ của rơm, của khói đốt đồng, vườn cau, rặng bần…bên mé rạch” thiết nghĩ không chỉnh về ngữ pháp, không nên là mẫu cho đề thi tiếng Việt.

Còn nữa, cách kiểm tra mang tính thống kê kiến thức không nên là mạch chính của đề thi Ngữ văn. Đề thi Ngữ văn nên đặt tiêu điểm vào phân tích bình luận và nêu chủ kiến cho một vấn đề của Văn học, trong giới hạn về lượng từ.

Đề thi tiếng Anh cũng nên để cho người sống và học ở các nước gốc tiếng Anh kiểm tra cho thật thuận.

Đề thi Toán thì quá khó cho đại đa số 90% học sinh.

Các lĩnh vực khác như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, nếu xem kỹ chắc rồi cũng có các vấn đề tương tự.

Xin mời các Thầy thử giải để biết mà đánh giá.

NHỮNG XUẤT PHÁT ĐIỂM CHƯA KHOA HỌC

Qua đề thi Kiểm tra năng lực của ĐHQG TP HCM có thể đưa ra một số kết luận sau đây.

1. Dùng một đề thi chung bao gồm, tiếng Việt, tiếng Anh, Toán, Logic, Xác suất Thống kê, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử cho tất cả các khoa của ĐHQG HCM là không khoa học, không công bằng, không nhân bản.

Không khoa học vì dùng một đề thi chung thì không thể đánh giá sát được thiên hướng chuyên môn của học sinh mấy chục chuyên ngành khác nhau.

Không công bằng vì các em có thiên hướng chuyên ngành như Văn học, Lịch sử, Thanh nhạc… không cần học sâu về Toán Lý Hóa Sinh, nên không thể đua tranh với các học sinh được học chuyên về khoa học tự nhiên theo cách ra đề này.

Không nhân bản vì đề thi không phù hợp, dẫn đến điểm thi của các em thiên về khoa học xã hội sẽ bị thấp, không phản ánh đúng năng lực nghề nghiệp của các em, làm các em bị đánh giá oan là học lực kém.

2. Tổng hợp vào một đề thi tất cả các môn tiếng Việt, tiếng Anh, Toán, Logic, Xác suất Thống kê, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử là không hợp lý vì quá nhiều kiến thức.

3. Đề thi mẫu trên quá khó cho bất cứ thí sinh nào vì không ai giỏi hết tất cả mọi môn. Ngược lại Đề thi mẫu trên lại không đủ thang bậc để đánh giá được năng khiếu chuyên môn của những học sinh giỏi vì không đủ độ khó để phân loại.

4. Người ra đề tổng hợp đã mắc lỗi cộng số học. Người này đã cộng thời gian của từng môn thành tổng 150 phút. Mà quên mất rằng không ai có thể giỏi ở tất cả các môn ngang mức người ra đề mỗi môn, để kết thúc mỗi môn trong khuôn khổ thời gian mà người ra đề môn đó đã giả thiết.

5. Ngoài sự bất công về đánh dấu liều mà vẫn được điểm nhờ may mắn, thì các câu khó dễ khác nhau một trời một vực, nhưng lại cũng chỉ cho một thang điểm như nhau – là điều bất công lớn thứ hai của thể thức trắc nghiệm.

Thể thức trắc nghiệm không bao giờ là phương thức đúng để đánh giá tài năng chuyên ngành. Mà chuyên ngành lại là mục đích của Đào tạo đại học.

ĐỀ XUẤT VỀ HÌNH THỨC THI

1. BỎ KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Tiếp thu kiến thức phổ thông đã trở nên đơn giản nhờ tiến bộ công nghệ. Học sinh PT thời nay sở hữu nhiều tri thức hơn học sinh PT thế kỷ trước. Tổ chức một kỳ thi Tốt nghiệp TH PT chung trên toàn quốc không mang lại lợi ích gì ngoài sự tốn kém thời gian tiền bạc và làm nảy sinh tệ nạn gian lận thi cử.

2. GIAO QUYỀN RA ĐỀ THI CHO CÁC TRƯỜNG

Có 3 điểm cơ bản sau đây là nguyên cớ chính để chuyển quyền tổ chức thi tuyển sinh tại các trường mà không phải là thi chung trên toàn quốc.

1. Việc giữ một kỳ thi đại học chung trên toàn quốc là không khoa học, vì không thể dùng một đề thi chung để làm mặt bằng đánh giá cho nhu cầu hàng trăm trường với hàng trăm chuyên môn khác nhau.

2. Giữ một kỳ thi đại học chung trên toàn quốc là vô cùng tốn kém.

3. Giữ một kỳ thi chung trên toàn quốc dẫn đến những tiêu cực không thể ngăn cản về gian lân thi cử như lộ đề thi, làm bài hộ, sao chép bài thi, chữa điểm… mà thực tế thi cử nhiều chục năm qua đã minh chứng.

Việc gian lận thi cử gần đây, không phải chỉ cá nhân , hay tập thể trường, mà mang tính có tổ chức trên bình diện sở, tỉnh – ở nhiều tỉnh cùng lúc, như ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018 đã nói lên sự thất bại của mô hình thi chung toàn quốc.

ĐỀ XUẤT VỀ RA ĐỀ THI

1. Đề thi kiểm tra năng lực phải chuyển về cho các khoa, chứ không phải toàn bộ các khoa của ĐHQG HCM cùng sử dụng chung 1 đề.

2. Đề trắc nghiệm chỉ kiểm tra các kiến thức phổ cập, và điểm số chỉ chiếm phần không quá bán.

3. Đề thi kiểm tra năng lực chuyên ngành dứt khoát không có trắc nghiệm và chiếm phần quá bán trong tổng số điểm thi.

Chỉ trong trường hợp đó mới đánh giá sát được năng lực của các học sinh theo đúng chuyên ngành.

GỬI GẮM

Thế giới thì đã tiến rất nhanh, còn ta thì mãi khư khư ôm điều cũ. Năng lực của mỗi người tiềm tàng hơn chính ngay cả người đó suy nghĩ. Mục đích quan trọng của Giáo dục là biết khơi mở năng lực tiềm ẩn chưa phát hiện của mỗi cá nhân.

Cho nên, hãy buông quyền lực ra để tạo điều kiện cho mọi cá nhân, mọi tập thể được tự do tỏa sáng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cái việc “mãi khư khư ôm điều cũ” đã được đảng ta đặt cho một cái tên cực kỳ văn vẻ là “kiên định”
    Kiên định, kiên định nữa, kiên định mãi.
    Đó là lẽ sống của đảng ta, bỏ nó là tự sát.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây