Một Bộ giao thông chưa thức tỉnh

Nguyễn Ngọc Chu

12-7-2019

Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc mất còn như chống giặc ngoại xâm cứu nước; Cũng không khẩn cấp như chống dịch bệnh, hỏa hoạn, lụt lội; Cũng không cấp thiết như cứu đói.

Tính hệ trọng của Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã được đông đảo người dân kêu lên Chính phủ và Quốc hội. Trong đó kiên quyết đề nghị không để các nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Một nước đang chiếm biển đảo của Việt Nam thì không thể tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược huyết mạch của Việt Nam.

Nhưng đọc danh sách các nhà thầu, thì ở tất cả các gói thầu, nhà thầu Trung Quốc chiếm số đông áp đảo.

Cho nên xin gửi đến Lãnh đạo Bộ GTVT những điều sau đây.

5 ĐIỀU CỐT LÕI

1. Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không đòi hỏi những công nghệ đặc biệt. Người Việt Nam thừa khả năng tự mình xây dựng được đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đó là điều mang tính nguyên tắc thứ nhất.

2. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải để cho không. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam để thu phí. Đó là điều chiều khóa thứ hai.

3. Người trả tiền cho Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là nhân dân Việt Nam thông qua quá trình thu phí. Người xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam chỉ là người ứng vốn xây dựng trước, rồi thu phí hoàn vốn, và lấy lời. Nhân dân Việt Nam lưu thông trên Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là người bị bóc lột. Đó là điều bản lề thứ ba.

4. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc đắt đỏ. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là việc có thể kiếm lời. Nên xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam có thể không quá khó huy động vốn. Nên xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam cũng không nhất thiết phải vay vốn nước ngoài. Đó là điều góc cạnh thứ tư.

5. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc mất còn như chống giặc ngoại xâm cứu nước; Cũng không khẩn cấp như chống dịch bệnh, hỏa hoạn, lụt lội; Cũng không cấp thiết như cứu đói.

Cho nên, không phải huy động mọi tài lực để làm bằng được, không phải đi vay, đi xin viện trợ để thực hiện bằng xong. Mà phù hợp lúc nào thì xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam lúc ấy; Có tiền đến đâu thì xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến đấy. Đó là điều hạt nhân thứ năm.

3 HỆ QUẢ

Từ 5 điều cốt lõi trên, rút ra 3 hệ quả sau đây.

1. Có tiền đến đâu xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến đó. Không phải đi vay nước ngoài để cấp tốc làm cho hết ngay toàn bộ tuyến Đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

2. Hãy để cho người Việt Nam kiếm lời từ xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Không để người nước ngoài làm chủ đường sá Việt Nam, rồi bóc lột nhân dân Việt Nam. Các nhà thầu nước ngoài trúng thầu thì rồi cũng người Việt Nam thi công. Các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì mang người Trung Quốc sang sinh con đẻ cái.

3. Gói thầu nào mà chưa có các nhà thầu Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện thi công, thì dừng lại. Không ai có thể bắt Việt Nam phải kết thúc tất cả các gói thầu xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam trong năm nay hay vài năm sau nữa.

HY VỌNG

Tuy đã thất vọng nhiều lần với lãnh đạo Bộ GTVT. Nhất là khi cả dàn lãnh đạo gồm bộ trưởng lẫn 4 thứ trưởng bị nhúng chàm. Nhưng vẫn le lói trông cậy vào lòng yêu nước còn di truyền trong dòng máu mỗi người Việt Nam. Không phải lúc nào tiền bạc cũng là trên hết. Không phải lúc nào cũng bị khuất phục trước áp lực.

Dẫu biết xác suất rất nhỏ, nhưng vẫn hy vọng Lãnh đạo Bộ GTVT biết cách kết thúc các gói thầu lỡ mở đúng với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam.

CẢNH TỈNH

Tài nguyên quốc gia không phải là sở hữu riêng của một người hay một nhóm người, mà có thể đem đi đánh đổi, hứa cho người này hay người kia qua các hiệp định hay nghị định như một món quà. Phàm những điều liên quan đến chủ quyền và sở hữu của đất nước đều là việc tối thiêng liêng mà nghiệp nhiều đời không gánh đặng. Lỡ sơ sẩy điều chi, thì không chỉ cá nhân mình có tội với tổ tiên, mà làm liên lụy cả muôn đời mai sau của con cháu. Nên phải nghĩ nát óc đêm ngày, trước khi xin ý kiến quốc dân đồng bào.

Quyền lực che hết tầm nhìn. Khi có quyền thường là bất chấp, lại ngộ nhận mang lại lợi ích cho quốc dân, không biết là đang rước họa nhiều năm sau cho hậu thế. Không phải Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc xa xôi; Mà gương Võ Kim Cự còn lù lù ngồi đó.

Không ai rỗi hơi mà xía vào việc của người khác. Chẳng qua bởi liên đới đến số phận muôn dân mà phải cất lời.

Hãy thức tỉnh.

P/S: Kèm theo là danh sách các nhà thầu nước ngoài dự 8 gói thầu Đường bộ cao tốc Bắc – Nam:

1. Cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ nước ngoài, liên danh. Đó là Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty CP TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro-Powerchina (Trung Quốc).

2. Cao tốc Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có 10 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 7 đơn vị nước ngoài, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Hyundai (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty CP TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro – Powerchina (Trung Quốc); Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Hàn Quốc); Công ty Kỹ thuật & Xây dựng POSCO (Hàn Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc).

3. Cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) – quốc lộ 45 (Thanh Hóa) thu hút 11 nhà đầu tư nộp hồ sơ, trong đó có 9 nhà đầu tư nước ngoài. Đó là một doanh nghiệp Việt Nam liên danh với nhà đầu tư Trung Quốc; 2 nhà đầu tư Hàn Quốc, 5 nhà đầu tư Trung Quốc và một nhà đầu tư đến từ Pháp.

4. Đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa) không có nhà đầu tư trong nước tham gia, chỉ có 5 nhà đầu tư, liên danh nước ngoài, gồm: Daewoo E&C Co., Ltd. (Hàn Quốc), China Railway 16th Bureau Group Co., Ltd. (Trung Quốc), liên danh China Road and Bridge Corporation, Metallurgical Corporation of China Ltd. Dự án này cũng thu hút một nhà đầu tư Pháp là Liên danh Vinci Highways – Horizon Invest JV.

6. Đoạn Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hòa), có 8 đơn vị tham gia, trong đó có có 4 nhà đầu tư, liên danh nước ngoài. Đó là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc), Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc và hai liên danh giữa công ty Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.

7. Cao tốc Cam Lâm (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) có 6 đơn vị nộp hồ sơ, trong đó 4 doanh nghiệp, liên danh nước ngoài tham gia là Công ty Cơ khí và Xây dựng POSCO E&C Việt Nam, Công ty TNHH China Harbour Engineering, Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư và thi công Vân Nam, Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp – Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc (China Railway 21 Bureau Group) – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

8. Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) có 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ, trong đó có 3 doanh nghiệp, liên danh với nước ngoài gồm: Tổng công ty Cầu và Đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation); Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp – Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập; Liên danh Công ty TNHH China Gezhouba Group – Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 – Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao ko thấy các nhà thầu từ EU, ASEAN, Nhật, Úc tham gia xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc – Nam? Dẫn chứng trường hợp nhà thầu Hàn Quốc tham gia dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài để biết qua qui trình, thủ tục Nhà nc về thực hiện Dự án tại VN:
    -Chiều 9/6/2008, tập đoàn GS Engineering&Construction (GS E&C-Hàn Quốc) đã làm lễ khởi công dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài. Dự án này có tổng vốn đầu tư 340 triệu USD theo hình thức B.T (xây dựng – chuyển giao), tổng chiều dài gần dài 13,7 km, là tuyến đường nội đô rộng 30 m – 65 m (tương đương từ 6 – 12 làn xe), trong đó có 4 cầu và 4 nút giao thông. Theo thiết kế, tuyến đường sẽ đi qua bốn quận của TP, bắt đầu từ sân bay Tây Sơn Nhất (Q.Tân Bình), qua ngã năm Thái Sơn (Q.Gò Vấp), qua cầu Bình Lợi đến ngã tư Bình Triệu (Q.Bình Thạnh) và kết thúc ở ngã tư Xuân Hiệp (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) nối với Vành đai ngoài. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.
    -Sáng 30/08/2016, Sở Giao thông vận tải TP.HCM làm lễ thông xe tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài gồm đường Hồng Hà, Bạch Đằng và đường Phạm Văn Đồng với tổng chiều dài hơn 13,6 km. Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, điểm đầu từ nút giao Trường Sơn – cổng sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) đến điểm cuối là ngã tư Linh Xuân, Quốc lộ 1A (Q.Thủ Đức) được xây dựng gồm đường Bạch Đằng rộng 20m (kể cả vỉa hè) cho 3 làn xe, đường Hồng Hà 20m cho 3 làn xe. Đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Gò Dưa rộng 60m cho 12 làn xe. Đoạn từ nút giao Gò Dưa đến Quốc lộ 1A rộng 30m cho 6 làn xe. Trên tuyến đường xây dựng cầu vĩnh cửu có tuổi thọ 100 năm gồm các cầu Bình Lợi, Rạch Lăng và Gò Dưa. Tổng vốn đầu tư gồm chi phí xây dựng tuyến đường là 186 triệu USD (vốn nhà đầu tư) và chi phí giải phóng mặt bằng là 6.783 tỉ đồng (vốn ngân sách TP.HCM).
    -Ngày 03/07/2019, Văn phòng UBND TP HCM có công văn khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về giải quyết các kiến nghị của Tập đoàn GS Engineering & Construction thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài và các dự án khác. Yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND TP kết quả thẩm tra quyết toán A-B dự án đầu tư xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài ngay trong tháng 07/2019. Các đơn vị liên quan gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu Nam, UBND huyện Nhà Bè, Sở Công Thương, Tổng Công ty Điện lực TP, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, Kiểm toán Khu vực IV (cộng lại 10 đơn vị). Tổ Công tác liên ngành báo cáo, kiến nghị các Bộ-ngành tham gia hỗ trợ thành phố thanh quyết toán hợp đồng dự án.
    Như vậy, từ lúc khởi công 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2012 sau 04 năm, nhưng thực tế hoàn thành vào năm 2016 sau 08 năm & đến năm 2019 sau 03 năm vẫn chưa xong quyết toán A-B dự án. Mà để quyết toán xong phải làm việc với nhiều sở, ban ngành đã nêu ở trên (10 đơn vị). Rồi sau đó còn thêm việc kiến nghị các Bộ-ngành tham gia hỗ trợ thành phố thanh quyết toán hợp đồng dự án. Các nhà thầu từ EU, ASEAN, Nhật, Úc ko có kinh nhiệm về thủ tục giấy tờ là ko dám tham gia Dự án đâu? Các ban ngành của Nhà nc vì qui trình, thủ tục là phải làm đúng, ko bớt giai đoạn dc nhưng đã làm nản lòng các nhà thầu. Thể chế VN là vậy đó.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây