Vụ 21 đứa trẻ kiện chính phủ Mỹ

CBS

Steve Kroft thực hiện

Dịch giả: Bùi Xuân Bách

23-6-2019

21 đương đơn trong vụ kiện chính phủ. Ảnh: Robin Loznak

Vụ kiện về biến đổi khí hậu có thể ngăn chặn chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Một đơn kiện được đệ trình, thay mặt cho 21 trẻ em, cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình không bảo vệ chúng khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu nguyên đơn thắng, điều đó có nghĩa là sẽ phải có những thay đổi lớn lao trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong tất cả các vụ kiện được đệ trình thông qua hệ thống tòa án liên bang, không có trường hợp nào thú vị hơn hoặc có tiềm năng thay đổi cuộc sống nhiều hơn vụ “Juliana kiện Chính phủ Hoa Kỳ”. Xin trích lời một thẩm phán liên bang: “Đây không phải là vụ kiện bình thường“. Nó đã được đệ trình từ năm 2015 thay mặt một nhóm trẻ em. Các em đang cố gắng thông qua tòa án ngăn chặn việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các em nói rằng nó gây ra biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho tương lai của các em và vi phạm quyền hiến định đối với cuộc sống, tự do và tài sản.

Như chúng tôi đã tường trình lần đầu tiên vào đầu năm nay, khi vụ kiện bắt đầu, hầu như không có ai cho nó là nghiêm túc, kể cả luật sư của chính phủ, những người đã theo dõi việc Tối cao Pháp viện bác bỏ hai trong số các kiến nghị của họ xin trì hoãn hoặc bác bỏ vụ kiện. Bốn năm sau, nó vẫn còn tồn tại sờ sờ ra đấy, một phần vì các nguyên đơn đã tích lũy được một số lượng bằng chứng khổng lồ. Chúng sẽ làm cho ngay cả những người hoài nghi cũng phải sửng sốt và buộc chính phủ phải thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng là có thật.

Vụ án được hình thành ở đây, tại thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, một thiên đường của người yêu cây cỏ và là một trong những cái nôi của hoạt động bảo vệ môi trường ở Hoa Kỳ. Nguyên đơn chính là Kelsey Juliana, sinh viên Đại học Oregon. Khi mới được 5 tuần tuổi, cha mẹ em đưa em đến cuộc biểu tình đầu tiên của mình để bảo vệ những con cú lông đốm. Ngày nay, mối quan tâm chính của cô Juliana là sự biến đổi khí hậu, khô hạn và mối đe dọa ngày càng gia tăng của các vụ cháy rừng xung quanh dãy núi Cascade.

Kelsey Juliana: Có mùa cháy rừng rất dữ dội, chúng tôi được khuyên không nên ra ngoài. Các hạt vật chất trong khói ở mức quá cao. Nó đã vượt quá cả mức nghiêm trọng, khi nói về khía cạnh nguy hiểm cho sức khỏe.

Steve Kroft: Và cô nghĩ đó là do biến đổi khí hậu?

Kelsey Juliana: Đó là những gì các nhà khoa học nói với tôi. Và không chỉ các nhà khoa học. Ngay cả chính phủ liên bang giờ đây cũng thừa nhận khi trả lời vụ kiện rằng, những tác động của biến đổi khí hậu đã xảy ra và có khả năng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Họ sẽ phải đối phó với chúng về lâu về dài.

Steve Kroft: Đối với cô, vụ kiện này quan trọng như thế nào?

Kelsey Juliana: Vụ kiện này là tất cả. Đây là vụ kiện liên quan tới khí hậu. Chúng tôi, thế hệ của tôi và tất cả các thế hệ mai sau, có mọi thứ để mất, nếu chúng tôi không hành động ngay bây giờ để ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

***

Cô Juliana 19 tuổi khi vụ kiện được đệ trình và là người lớn tuổi nhất trong số 21 nguyên đơn. Họ đến từ mười tiểu bang khác nhau và tất cả đều tuyên bố bị ảnh hưởng hoặc bị đe dọa bởi hậu quả của biến đổi khí hậu. Người trẻ nhất là Levi Draheim, đang học lớp sáu.

Steve Kroft: Cậu mới 11 tuổi và cậu đang kiện chính phủ Hoa Kỳ, đó không phải là điều mà hầu hết những đứa trẻ 11 tuổi làm, phải không?

Levi Draheim: Vâng…

Cậu [Steve Kroft] đã sống phần lớn cuộc đời trên những bãi biển của một hòn đảo chắn, ngoài khơi Florida, rộng một dặm và chỉ cao hơn mực nước biển chút ít.

Steve Kroft: Sự lo ngại lớn nhất của cậu về hòn đảo này là gì?

Levi Draheim: Tôi e rằng trong tương lai tôi sẽ không còn nhà ở đây nữa.

Steve Kroft: Vì hòn đảo sẽ biến mất?

Levi Draheim: Vâng. Hòn đảo sẽ chìm dưới nước vì biến đổi khí hậu.

Steve Kroft: Vì vậy, cậu cảm thấy như cậu đã bị đe dọa mất mát trong chuyện này.

Levi Draheim: Vâng.

Julia Olson, một luật sư Oregon, và giám đốc điều hành của một tổ hợp luật phi lợi nhuận có tên “Quỹ trẻ em của chúng ta”. Cô đã mời những nguyên đơn từ các nhóm bảo vệ môi trường trên toàn quốc tham gia. Cô bắt đầu xây dựng hồ sơ từ tám năm trước, bắt đầu từ căn phòng đơn giản và thiếu tiện nghi này. Trên tường của văn phòng đang đính đầy những mẩu giấy ghi sự kiện và tư liệu.

Steve Kroft: Đây là cái gì?

Julia Olson: Đây là dòng thời gian mà chúng tôi kết hợp lại với nhau…

Nó ghi lại những gì và khi nào các chính quyền Hoa Kỳ trước đây biết về mối liên hệ giữa nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu. Dòng thời gian quay trở lại 50 năm trước, bắt đầu với nhiệm kỳ tổng thống Lyndon Johnson.

Julia Olson: Thời chính quyền của Tổng thống Johnson, họ đã ban hành một tường trình vào năm 1965, nói rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa thảm khốc.

Cho dù đó là người của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đang giữ ghế Tổng thống, Olson nói, họ đều đã có nhận thức về những nguy cơ tiềm ẩn của khí thải carbon dioxide (khí CO2).

Julia Olson: Tất cả các tổng thống đều biết rằng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang gây ra biến đổi khí hậu.

Những bằng chứng trong năm mươi năm đã được Olson và nhóm của cô thu thập, tất cả 36.000 trang, sẽ được sử dụng tại tòa.

Julia Olson: Chính phủ của chúng ta, ở cấp cao nhất, cũng đã biết và được cộng đồng an ninh quốc gia, cộng đồng khoa học thường xuyên thông báo về nó. Họ đã biết từ lâu rằng, đó là một mối đe dọa lớn lao.

Steve Kroft: Chính phủ có tranh luận rằng, có đúng là các quan chức chính phủ đã biết về điều này trong hơn 50 năm qua, đã được nói và cảnh báo về nó trong 50 năm?

Julia Olson: Không. Họ thừa nhận là chính phủ đã biết hơn 50 năm nay rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra biến đổi khí hậu. Và họ không tranh cãi rằng chúng ta đang ở trong vùng nguy hiểm do biến đổi khí hậu. Họ cũng không tranh cãi rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia, là mối đe dọa cho nền kinh tế của chúng ta, là mối đe dọa đối với sự sống và sự an toàn của mọi người. Họ không tranh cãi bất kỳ sự thật nào nêu trong hồ sơ.

Các thủ tục tố tụng đã khiến chính phủ phải thú nhận một số sự thật gây sửng sốt trong hồ sơ tòa án. Giờ đây, người ta thừa nhận rằng hoạt động của con người – đặc biệt là nồng độ khí gây ra hiệu ứng nhà kính tăng cao – có khả năng là nguyên nhân chính của sự nóng lên, được quan sát kể từ giữa thế kỷ trước… Rằng nồng độ cao của khí CO2 trên toàn cầu đã đạt tới mức chưa từng có trong ít nhất là 2,6 triệu năm trước đây… Rằng thay đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ bóp nghẹt sự sống với sự tuyệt chủng của nhiều loài và nó có liên quan đến việc gia tăng cường độ bão, tần suất các cơn bão dữ, mưa cực lớn, tan băng ở hai cực trái đất và mực nước biển dâng cao.

Julia Olson: Đó quả thật là bằng chứng thuyết phục nhất mà tôi có, trong tất cả mọi vụ kiện tụng tôi đã tham gia trong hơn 20 năm qua.

Vụ kiện tuyên bố các cơ quan hành pháp và lập pháp của chính phủ đã chứng minh sự bất lực trước khả năng đối phó với biến đổi khí hậu. Vụ kiện lập luận rằng, chính phủ đã thất bại trong nghĩa vụ bảo vệ không khí, nước, rừng và bờ biển của quốc gia. Và nó kiến ​​nghị các tòa án liên bang can thiệp và buộc chính phủ phải đưa ra một kế hoạch sao cho đất nước sẽ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào giữa thế kỷ này.

Steve Kroft: Phải chăng cô đang nói:Làm đi. Chúng tôi không quan tâm làm thế nào”.

Julia Olson: Làm tốt và thực hiện nó trong khung thời gian mà nó cần phải được hoàn thành.

Steve Kroft: Cô đang nói về một vụ kiện có thể thay đổi nền kinh tế ở đất nước này?

Julia Olson: Theo chiều hướng tốt hơn.

Steve Kroft: Ồ, cô nói nó thay đổi nền kinh tế theo chiều hướng tốt hơn, nhưng những người khác nói rằng nó sẽ gây ra sự rối loạn lớn lao.

Julia Olson: Nếu chúng ta không đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu ở đất nước này, tất cả các nhà kinh tế đều sẽ nói rằng, chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.

Vụ kiện được đệ trình lần đầu tiên trong những năm cuối của chính quyền Obama tại tòa án liên bang ở Eugene.

Steve Kroft: Họ có coi trọng hồ sơ này khi cô nộp đơn kiện không?

Julia Olson: Tôi cho rằng, ngay từ đầu họ đã nghĩ là họ có thể nhanh chóng loại bỏ hồ sơ này.

Vào tháng 11 năm 2016, một thẩm phán liên bang đã làm chính phủ choáng váng do đã khước từ kiến nghị bác bỏ vụ kiện và phán quyết nó có thể được tiến hành xét xử. Thẩm phán Ann Aiken đã viết: “Thực hành quyền phán đoán hợp lý của mình, tôi không còn nghi ngờ gì rằng quyền được có một hệ thống khí hậu có khả năng duy trì sự sống của con người là nền tảng đối với một xã hội tự do và có trật tự”. Việc đó có thể trở thành một quyết định quan trọng, một bước ngoặt.

Steve Kroft: Đã từng có một thẩm phán liên bang nào phát biểu điều đó trước đây?

Julia Olson: Chưa từng có thẩm phán nào viết ra điều đó trước đây.

Ý kiến ​​này là đột phá vì các tòa án chưa bao giờ công nhận quyền hiến định đối với khí hậu ổn định.

Ann Carlson: Đó là một thành tựu lớn của tòa án.

Ann Carlson là giáo sư luật môi trường tại Viện Đại học UCLA (University of California, Los Angeles). Giống như hầu hết những người khác trong giới luật sư, cô chắc chắn là hồ sơ sẽ bị bác bỏ.

Ann Carlson: Không có điều khoản nào trong Hiến pháp nói rằng môi trường đó cần được bảo vệ.

Steve Kroft: Tại sao ý tưởng rằng người dân Hoa Kỳ có quyền được hưởng một môi trường ổn định lại là một ý tưởng cấp tiến?

Ann Carlson: Chà, tôi nghĩ rằng Thẩm phán Aiken quả thực đã làm rất tốt khi nói rằng việc yêu cầu chính phủ bảo vệ sức khỏe, cuộc sống và tài sản của thế hệ trẻ em hiện nay cũng không có gì là đi quá xa. Hãy xem, nếu bạn không thể bảo vệ tính mạng của mình nhờ các chính sách của chính phủ để cứu hành tinh này, thì cần có Hiến pháp làm gì?

Steve Kroft: Trường hợp này có ý nghĩa như thế nào?

Ann Carlson: Thế này nhé, nếu các nguyên đơn thắng, nó sẽ là một thắng lợi rất lớn, đặc biệt nếu họ giành được những gì họ yêu cầu, điều đó khiến chính phủ liên bang không thể dính líu bằng mọi cách để trợ cấp cho việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ buộc phải bắt tay vào việc cắt giảm đáng kể khí gây ra hiệu ứng nhà kính nhằm bảo vệ trẻ em, là các nguyên đơn, để tạo ra khí hậu an toàn. Đó sẽ là một công việc vô cùng lớn lao.

Nó lớn đến mức chính quyền Trump, hiện đang là bị cáo, đã tìm mọi cách có thể để giữ cho vụ kiện không được đưa ra trước tòa. Họ đã kháng cáo quyết định của Thẩm phán Aiken ba lần tại tòa kháng án liên bang khu vực 9 ở California (ND: Tương tự như tòa phúc thẩm bên ta) và hai lần tại Tối cao Pháp viện. Lần nào họ cũng thất bại.

Julia Olson: Họ không muốn vụ kiện được đưa ra tòa.

Steve Kroft: Tại sao?

Julia Olson: Tại vì họ sẽ thua kiện trước những bằng chứng sẽ được trình bày tại tòa.

Steve Kroft: Và đó là lý do tại sao họ không muốn đối mặt với vụ kiện này?

Julia Olson: Đó là lý do tại sao họ không muốn đối mặt với vụ kiện này. Họ biết rằng một khi anh đã bước vào phòng xử án đó, các nhân chứng của anh tuyên thệ sẽ nói sự thật và không có gì khác ngoài sự thật; sự thật là sự thật và nếu không phải sự thật thì đó là sự khai man. Chính vì vậy, tất cả những tuyên bố và phát biểu trên tweeter về việc biến đổi khí hậu là không có thật, sẽ không đứng vững được trước tòa.

Bộ Tư pháp đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của chúng tôi (ND: Đài CBS), nhưng trong các phiên tòa, nói tóm tắt, họ gọi đó là một vụ kiện sai lầm, chưa từng có tiền lệ và vi hiến. Họ lập luận rằng chính sách năng lượng là trách nhiệm pháp lý của Quốc hội và Nhà Trắng, không phải trách nhiệm của một thẩm phán riêng biệt nào ở Oregon. Và trong khi biến đổi khí hậu là có thật thì đó cũng là một vấn đề toàn cầu phức tạp. Không phải nó xảy ra do riêng chính phủ Hoa Kỳ, và cũng không thể giải quyết chỉ bằng chính phủ Hoa Kỳ.

Nói cách khác, họ không chịu trách nhiệm.

Steve Kroft: Tại sao chính phủ liên bang lại chịu trách nhiệm về việc nóng lên toàn cầu? Tôi muốn nói là họ đâu có tạo ra chút khí CO2 nào đâu. Làm thế nào họ gây ra chuyện nóng lên ấy?

Julia Olson: Họ gây ra chuyện đó thông qua các hành động trợ cấp cho hệ thống năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch, cho phép mọi phương diện của hệ thống năng lượng của chúng ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bằng cách cho phép khai thác nhiên liệu hóa thạch từ vùng đất công cộng của liên bang. Chúng ta là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới hiện nay chính vì các quyết định mà chính phủ liên bang đã đưa ra.

Steve Kroft: Thế còn chính phủ Trung Quốc? Chính phủ Ấn Độ thì sao?

Julia Olson: Rõ ràng, không chỉ mình Hoa Kỳ đã gây ra biến đổi khí hậu nhưng Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cho 25% lượng khí CO2 trong khí quyển đã tích lũy qua nhiều thập kỷ.

Julia Olson tự tin rằng họ sẽ thắng trước tòa. Ann Carlson và hầu hết cộng đồng pháp lý vẫn nghĩ rằng khả năng thắng thì nhỏ, nhưng đã thắng thì lại thắng rất to, song cô nói rằng, cô đã từng có sai lầm về hồ sơ này trong mỗi bước phát triển.

Ann Carlson: Các tòa án đã yêu cầu chính phủ làm những điều táo bạo. Ví dụ tốt nhất là vụ “Brown kiện Sở Giáo dục”, khi tòa án ra lệnh cho các trường phải xóa bỏ việc phân biệt chủng tộc với tốc độ nhanh nhất có thể. Như vậy, đã từng có những quyết định của tòa án yêu cầu chính phủ làm những việc gây xúc động mạnh. Lần này có thể là lớn nhất.

Steve Kroft: Bạn bị choáng bởi hồ sơ này đã đi được khá xa. Tại sao nó lại có thể đi xa đến thế?

Ann Carlson: Tôi nghĩ rằng, có một số nguyên do khiến hồ sơ này quả thực đã đứng vững trước những kiến nghị đòi bác bỏ. Tôi nghĩ điều đầu tiên là các luật sư đã tạo ra hồ sơ một cách rất thuyết phục. Bạn có một số trẻ em, họ là những nguyên đơn không thể bị bác, giờ đây lại đang phải chịu tác hại của biến đổi khí hậu và sẽ trải nghiệm những tác hại của biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn nhiều khi chúng lớn tuổi hơn. Tôi nghĩ rằng, vấn đề khó ở đây là luật.

Những cuộc tranh luận miệng mới nhất của vụ “Juliana kiện Hoa Kỳ” đã được trình bày trước tòa vào đầu tháng này ở Portland. Song bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo chắc chắn sẽ bị kháng cáo. Cách hai ngàn dặm, tại một thị trấn nhỏ có tên là Rayne, tiểu bang Louisiana, gia đình của một trong những nguyên đơn, Jayden Foytlin 15 tuổi, vẫn đang phải xây dựng lại ngôi nhà của mình từ thảm họa gần đây nhất, năm 2016. Trận mưa to khủng khiếp đã đổ 18 inches (khoảng 45,7 cm) nước xuống Rayne và Nam Louisiana chỉ trong vòng 48 giờ.

Jayden Foytlin: Đó chỉ là một trong nhiều chuyện lẽ ra đã không xảy ra. Anh quả thực không thể phủ nhận rằng, biến đổi khí hậu có liên quan đến nó. Và anh không thể phủ nhận rằng đó là điều mà chúng ta cần phải chú ý. Tôi không chắc liệu phần lớn Louisiana, hay Nam Louisiana sẽ tới đây hay không, đó quả thật là nỗi âu lo lớn của tôi.

Trong tương lai gần, không thể dự đoán khi nào và làm thế nào các cơn bão và vụ kiện có thể kết thúc.

______

Một clip trong “Chương trình 60 phút” về vụ kiện nói trên:

Produced by Draggan Mihailovich. Associate producers, Katie Brennan and Chrissy Jones

© 2019 CBS Interactive Inc. All Rights Reserved.

Về người thực hiện chương trình Steve Kroft: Rất ít nhà báo đã có được những tác động mạnh tới công luận và sự công nhận như đối với Chương trình 60 phút của Steve Kroft. Chương trình đã được phát đi đều đặn trong hơn hai thập niên. Năm 1989, Kroft đã phát chương trình đầu tiên của mình trong Chương trình 60 phút.

© Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook