11-7-2019
Một câu chuyện không mới nhưng chí ít là nó sẽ không cũ tại Việt Nam bây giờ: đất đai.
Đôi khi tôi tự hỏi vì sao gọi đất là mẹ? Phải chăng vì sinh tử tương liên giữa người dân và đất. Trong một quốc gia mà lịch sử của nó là những lần chống ngoại xâm với mật độ dày đặc. Lần nào cũng có cảnh chạy giặc. Nghĩa là chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rún của mình. Bao lần chiến loạn bấy lần phân ly. Có những người mãi mãi không về được cố xứ, không nằm yên nơi phần vườn sau nhà hay miếng ruộng ngoài đồng của mình.
Đất được nhớ, được in tạc trong lòng. Cả trong việc “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”*. Dòng họ nhà tôi vào xứ Đồng Nai Hạ đâu chừng gần 300 năm. Đọc nhiều tác phẩm thấy mảnh đất cha ông để lại xưa kia cọp beo đầy rẫy, trộm cướp hoành hành, từng có chướng khí,… Rồi con đường xuôi Nam mấy trăm năm trước nào có dễ dàng chi nếu cảm thụ thật sâu về lịch sử.
Là máu xương, là mồ hôi, là cay đắng nhục nhằn rời quê tìm miền đất mới mong cuộc mưu sinh. Cũng có thể là thà đối diện chúa sơn lâm thật sự còn hơn đối diện chính trị hà khắc hơn hổ dữ**
Mấy trăm năm ấy cứ biến động không ngừng. Phận đất, phận người hoà vào nhau trong chiều hướng chỉ có người về với đất như là quy luật bất biến.
Năm xưa, cũng vì câu khẩu hiệu về quyền tư hữu đất đai “người cày có ruộng” mà long trời lở đất đấy ư. Rồi khi người nghèo có ruộng theo phương pháp cải cách ruộng đất thì càng đọc lại càng thấu đau nhói.
Mơ một miếng đất cắm dùi để cho đúng câu an cư lạc nghiệp nào đâu dễ. Ngay cả những giấc mơ bé mọn nhất cũng liên quan đến đất khi cần “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”***. Hoặc cụ thể hơn là ba lầu thì xếp theo thứ tự cùng một vợ, hai con và bốn bánh. Tấc đất tấc vàng và cũng có thể là nguyên nhân của vạn cổ chi thù.
Có mấy đứa em làm công an, làm bộ đội nên hay nhắc tụi nhỏ về chuyện đất. Đất nhà người ta đâu chỉ là đất đâu các em. Nó có lịch sử, có giá trị truyền thống và có những thứ thiêng liêng khác mà các em phải tìm hiểu thật sâu, đủ lâu và thật bao dung mới hiểu.
Có khi ai đó ký một tờ giấy để đổi từ ổ bánh mì tới vài tô phở lấy mỗi m2 đất. Rồi trên chính miếng đất ấy, chủ nhân hoặc ra đi hoặc mua lại chính nơi từng thuộc về mình với giá mấy chỉ vàng hay cả lượng vàng cũng tính mỗi m2.
Lấy đất mà trái đạo thì cũng chính là cướp đoạt, là gây tội ác. Đâu chỉ tội ác với người nay mà cả với tiền nhân. Ai cũng có tổ tông bổn quán. Đâu ai từ đất nẻ chui lên?
Nên thường nghe đến dân oan mất đất mà gắn với từ phản động tôi không khỏi chau mày. Để người ta bình yên trên những giá trị không chỉ tính bằng tiền hay quyền ấy thì ai rảnh đâu mà đi làm phản động? Hồi xưa đọc loạt bài về anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cứ nhớ mãi chi tiết con gái anh bị té xuống nước chết trên mảnh đất anh khai phá. Cướp miếng đất ấy là cướp đi sinh mệnh 2 lần. Hỏi sao không phản kháng?
Thế giới này không phình ra mà thu hẹp diện tích đất theo đầu người mỗi ngày vì băng tan làm nước biển dâng và vì tăng dân số. Nhu cầu sở hữu đất là nhu cầu gần như tuyệt đại đa số con người. Nhưng khi ngắm nghía một miếng đất đẹp mà đủ quan tâm ngoài nguồn gốc giấy tờ thì tìm hiểu nó có “dính máu” hay không thì lại thuộc về tính nhân của thiểu số.
Đây là góc nhìn cá nhân tôi khi cảm thấy cả nước đang quay cuồng vì đất đai. Ngõ hầu mong “chạm” được vào tâm khảm ai đó khi họ nghĩ về đất. Cưỡng cầu của thiên hạ nào có dễ đâu?
Ai càng tưởng dễ càng trả giá đắt về sau! Như quan sát lâu nay, sự trả giá nào đợi kiếp sau…
—–
Ghi chú:
*Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/105 (TVKH).
** Mặt đường khát vọng (1974) – Nguyễn Khoa Điềm (TV).
*** Câu thơ trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước“, của Chế Lan Viên