Quy trình vào Ban … chờ giam

Blog RFA

CanhCo

10-7-2019

Báo chí trong mấy ngày qua rất phấn khởi khi loan tin ông Triệu Tài Vinh chính thức được “triệu” về Ban Kinh tế Trung ương và mạng xã hội không kém sôi động khi trích dẫn những vụ lèm nhèm mà ông này dính tới trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Là một bí thư tỉnh ủy, chức vụ lớn nhất trong một tỉnh ông Vinh không ngại dến dư luận báo chí khi công khai bổ nhiệm hàng loạt người thân trong gia đình vào các chức vụ chung quanh ông. Mạng xã hội là nơi phát hiện ra việc này, báo Tuổi Trẻ nhanh chóng có cuộc phỏng vấn và ông công nhận việc làm này là không hề sai trái vì “Sau khi kiểm tra, đầu tháng 5 UBKT trung ương đã kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình

Báo Tuổi Trẻ đã liệt kê danh sách những người trong gia tộc họ Triệu có mặt tại các cơ quan thuộc tỉnh Hà Giang như:

– Vợ ông Vinh là bà Phạm Thị Hà – phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang,

– Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong – bí thư huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

– Người em trai thứ hai của ông Vinh là ông Triệu Sơn An  – phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

– Người em trai thứ ba của ông Vinh là Triệu Tài Tân  – phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang,

– Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang – phó phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang

– Chồng bà Giang, em rể ông Vinh là Mạc Văn Cường – phó trưởng Công an thành phố Hà Giang

– Anh họ ông Vinh là Triệu Là Pham –  phó ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang

– Em họ ông Vinh là bà Triệu Thị Tình  – phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Hà Giang.

Nếu tin theo lời ông Triệu Tài Vinh phân trần với báo chí thì cả 8 người này được bổ nhiệm đúng quy trình do năng lực của họ thì cả nước này đáng nhận lãnh hình phạt từ Thượng đế do thiếu năng lực làm việc. Ông Triệu Tài Vinh có vẻ là người cả tin vào điều đó khi đưa ra bằng chứng của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng đúng quy trình.

Nhưng lần này có lẽ cả gia tộc nhà ông đều lầm to về cái mà ông Vinh tự hào là “đúng quy trình”. Nếu đúng thì ông đã không bị điều chuyển về ngồi chơi chờ…giam tại Ban Kinh tế Trung ương, nơi chẳng dính dáng gì tới khả năng . . . bổ nhiệm người trong gia đình của ông. Có chăng nó là trạm trung chuyển, một cái Ban chờ…giam, vì không thể bắt giam ông ngay sau khi điều tra và được xác nhận sự việc theo tố cáo của báo chí. Đó là “quy trình” dành cho lãnh đạo cao cấp cỡ tính ủy viên trở lên tới Bộ trưởng, Thứ trưởng.

Đáng ra ông Triệu phải thuộc bài học của Nguyễn Bá Thanh vào năm 2013 thôi chức Bí thư Đà Nẵng về làm Phó ban chống tham nhũng được điều ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cho đến cái chết bi thảm và tai tiếng. Ông Thanh đang lo trung ương điều tra về nhiều hành vi tham nhũng đất đai, vụ án của Tướng Trần Văn Thanh, dưới  thời kỳ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá Thanh Vũ Nhôm bắt đầu tiến vào Đà Nẵng làm mưa làm gió…

Rồi tới lượt Đinh La Thăng, năm 2017 mất chức Bí thư Thành ủy TP HCM, mặc dù sai phạm mười mươi nhưng vẫn được điều chuyển về làm Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, trước khi bị 2 lần kết án tù tính chung cuộc 30 năm tù. Đó là “quy trình” dành cho cán bộ cấp cao mà ông Triệu Tài Vình hôm nay đang lăn vào vết xe của hai năm về trước.

Có lẽ ông Triệu Tài Vinh chỉ lập lại bài học mà cha ông là Triệu Đức Thanh chỉ dạy. Ông Thanh sinh năm 1944, quê xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang; nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang năm 1991 và chính ông vận động cho con trai ông là Triệu Tài Vinh vào chức vụ hôm nay cũng như ông Vinh theo gót cha mình “vận động” cho cả gia tộc họ Triệu.

Nhưng có lẽ chưa hết, ông Vinh còn vướng vào một tội danh khác không kém nghiêm trọng khiến ông nhanh chóng bị đưa về Ban kinh tế Trung ương nhằm cô lập cho một vụ án khác. Đó là vụ án gian lận điểm thi mà con của ông là Triệu Ngọc Mai nằm trong danh sách học sinh được điểm cao trong vụ việc nâng điểm kỳ thi THPT năm 2018.

Vụ gian lận kinh khủng này đang là đề tài chống lại ông một cách triệt để vì theo cơ quan điều tra đã xác định thì Hà Giang có tới 107 thí sinh được nâng điểm. Số thí sinh này liên quan trực tiếp đến 210 phụ huynh. Trong số phụ huynh này có người đang là cán bộ, công chức, viên chức của địa phương mà ông là lãnh đạo cao nhất tỉnh.

Dự kiến trong tháng 7 này, vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang sẽ được đưa ra xét xử với 5 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố.

Có lẽ Bộ Chính trị đã nhìn thấy tầm quan trọng của vụ án có ảnh hưởng nguyên cả hệ thống chính trị của tỉnh Hà Giang nên không thể giơ cao đánh khẽ được như những vụ chạy điểm các năm trước. Có dấu hiệu cho thấy sự can thiệp vào cơ quan điều tra của tỉnh khi trong số 210 phụ huynh đã được xác định tên tuổi nhưng cơ quan điều tra chỉ công bố một trường hợp duy nhất là ông Phạm Văn Khuông- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.

Phải chăng cấp cao ấy là ông Triệu Tài Vinh đương kim Bí thư Tỉnh ủy mới có thể can thiệp mạnh mẽ như vậy. Và đây có lẽ cũng là lý do ông Vinh bị cô lập hóa cho vụ án có vẻ công bằng.

Ngày 02/7, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương thì sáng ngày 06/7, ông Đặng Quốc Khánh- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh được phân công lên Hà Giang làm Bí thư tỉnh ủy.

Vậy là “đúng quy trình” như ông Triệu mong muốn rồi còn gì.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Khi niềm tin ng dân với Đảng đã mất thì ng dân cũng tin rằng 62 ông Bí thư tỉnh, thành còn lại ko ít thì nhiều cũng là lãnh chúa cát cứ tại địa phương như Triệu Tài Vinh. Với quyền cao, chức trọng, cán bộ địa phương xem họ như “Thái thượng hoàng”; “Lão phật gia” vì họ chỉ sống và làm việc theo: Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị Quyết, Qui định, Hướng dẫn, Kết luận, Chỉ thị, Quyết định của Đảng. Xử lý dc họ chỉ có BCT & BBT, ko phải là Pháp Luật. Sự cát cứ của họ tại địa phương thể hiện khi họ còn ở địa phương thì Pháp luật ko xử lý dc vụ việc, phải điều về Trung ương xem như mất chức thì xử mới xong.

Comments are closed.