Bản tin ngày 9-7-2019

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM có bài so sánh hai thế lực lớn nhất ở Biển Đông: Tương quan sức mạnh Mỹ – Trung Quốc. Bài viết lưu ý, dù sức mạnh hải quân Trung Quốc chưa được kiểm chứng trong thực chiến với siêu cường như Mỹ, Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực biển Đông sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sức mạnh hải quân Mỹ thì không ai có thể phủ nhận, nhưng chuyên gia quân sự James Holmes vẫn cho rằng, “cách khả dĩ nhất hiện nay để đối phó TQ là thành lập một khối liên minh giữa Mỹ, Nhật, Úc và Liên minh châu Âu”. Chuyện này trước mắt không dễ thực hiện, vì ông Trump vẫn đang gây sự với EU.

Sau khi cơ quan hàng hải Philippines công bố kết quả điều tra vụ chìm tàu ở biển Đông, trong đó nhận định tàu Trung Quốc “không chủ động thực hiện các biện pháp tránh nguy cơ va chạm và giúp đỡ một tàu đang gặp nạn”, nhưng Philippines cũng cho rằng, phần mình có thiếu sót, hàng loạt nghị sỹ Philippines lên án mạnh mẽ báo cáo điều tra vụ tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, VOV đưa tin.

Hai nghị sỹ Carlos Zarate và Eufemia Cullamat bình luận: “Báo cáo nói rõ ràng rằng tàu Trung Quốc đâm vào tàu Gem-Ver khi biển lặng và không có chướng ngại, thủy thủ đoàn của họ bỏ rơi ngư dân của chúng ta. Nhưng thay vì lên án và bắt họ phải chịu trách nhiệm, Duterte và các quan chức của ông ta hành động như thể họ là bị cáo của Trung Quốc vậy”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tại sao Philippines chưa khởi tố thuyền viên tàu Trung Quốc? Phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết, chủ tàu cá Trung Quốc vẫn có thể bị kiện dân sự vì đã gây thiệt hại cho tàu Gem-Ver 1 của Philippines: “Vấn đề là chúng tôi không biết phải kiện ai. Chúng tôi phải xác định danh tính của thuyền trưởng và các thuyền viên [Trung Quốc]”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Việt Nam – Philippines nhất trí cam kết DOC và đảm bảo nội dung COC. Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez Locsin ngày 8/7, hai bên “khẳng định tiếp tục kiên trì với nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”, đối với tình hình Biển Đông, tiếp tục thực hiện DOC và đàm phán COC.

Bài thứ 5 trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ về nhà giàn DK1 – 30 năm thành đồng trên biển: Xây dựng nhà giàn DK1/1. PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng kể: “Lúc đầu chúng tôi định làm từ tháng 2-1989 để kịp tưởng niệm một năm ngày hy sinh của 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma nhưng thời tiết tháng 2, tháng 3 sóng gió dữ dội quá không làm được, cứ dịch dần sang tháng 6-1989. Lý do thứ hai nữa là Việt Nam phải thuyết phục mãi bên Nga mới cho mượn tàu tự hành Titan để thi công công trình”.

Mời đọc thêm: Trung Quốc “điếng người” trước động thái quân sự bất ngờ của láng giềng ở Biển Đông (VnMedia). – Việt Nam– Philippines nhấn mạnh cần thiết tăng cường lòng tin về Biển Đông (LĐ). –  Tàu Trung Quốc lén lút theo dõi tập trận Mỹ – Úc? (TT). – Trung Quốc bị nghi điều tàu do thám cuộc tập trận Mỹ – Australia (VNE). – Chưa tới nơi được giao nhiệm vụ do thám, tàu Trung Quốc bị lộ (VTC). – 30 năm nhà giàn DK1: Còn người, còn nhà giàn (PLTP). – DK1 – Thành đồng trên biển – Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1Kỳ 2: Ba nhà giàn đầu tiên  —  Kỳ 3: Những ngày gian khóKỳ 4: Người thiết kế nhà giàn DK1  (TT).

“Củi” ở SAGRI

Tối 8/7, Bộ Công an thông báo khởi tố thêm 02 bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với ông Vân Trọng Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, cựu Kế toán trưởng SAGRI. Đáng lưu ý, các quyết định khởi tố, tạm giam, khám xét nói trên đã thông qua vào ngày 7/7 nhưng một ngày sau mới được công bố.

Vân Trọng Dũng và Nguyễn Thị Thúy đã bị công an khởi tố. Ảnh: Website Bộ Công an

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Ông Vân Trọng Dũng và bà Nguyễn Thị Thúy bị bắt, vì sao? Bài báo cho biết, hai người này bị bắt vì liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” ở SAGRI. Ông Dũng và bà Thúy từng bị Thanh tra TP.HCM “điểm mặt” khi thanh tra vụ chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM và vụ ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng tại SAGRI.

Theo kết luận thanh tra, TP đã chấp thuận cho SAGRI chuyển mục đích sử dụng 3,75 ha đất để xây dựng chung cư, rồi hợp tác với Tổng công ty Phong Phú khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, SAGRI đã “chuyển nhượng 28% phần vốn góp là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú mà không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường”.

Mời đọc thêm: Khởi tố thêm nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và kế toán trưởng SAGRI (TN). – Bắt nguyên chủ tịch Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn Vân Trọng Dũng (TT). – Bắt nguyên chủ tịch Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn Vân Trọng Dũng (VNN). – Bắt cấp trên của ông Lê Tấn Hùng liên quan vụ án tại Sagri (Zing).

Đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông

Zing đưa tin: Tuyến Cát Linh – Hà Đông ‘nóng’ trước giờ khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội. Theo đó, “một nội dung được cử tri và các đại biểu đặc biệt quan tâm là việc TP chuẩn bị nhận lại khoản vay 100 triệu USD để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của Dự án Đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông”.

Dù Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân thừa nhận, vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ phía Bộ GTVT về thời gian tuyến này đi vào vận hành, ông Quân vẫn hứa hẹn: “Các khối lượng công việc thì 98% đã hoàn thành, còn 2% chủ yếu liên quan đến hoàn thiện hạ tầng. Chắc chắn khi hạ tầng được đồng bộ thì sẽ đưa vào vận hành sớm theo kế hoạch”.

Báo Một Thế Giới có bài: Hà Nội vay hơn 2.300 tỉ đồng vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Ngày 8/7, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự kiến vay khoảng 98,35 triệu USD (tương đương 2.306 tỉ đồng) từ nguồn vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, bao gồm 3 gói vay 41,331 triệu USD; 9,925 triệu USD và 47,092 triệu USD.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một trong các dự án giao thông tốn nhiều thời gian hoàn thành và hao tiền tốn của nhất dưới thời CSVN. Dự án được duyệt từ năm 2008 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.700 tỉ đồng, trải qua hơn 11 năm  và đội vốn lên trên 18.000 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa xong.

Kiểm toán Nhà nước nhận định về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Bộ GTVT “vượt quyền” điều chỉnh vốn, theo báo Người Lao Động. Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, thuộc KTNN, cho biết, theo kết quả kiểm toán, Bộ GTVT có tới 27 dự án điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lớn so với phê duyệt lần đầu. Tổng mức đầu tư các dự án được điều chỉnh tăng tới 122.352 tỉ đồng và 97,27 triệu USD.

Riêng dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, sau nhiều lần chậm tiến độ chưa thể vận hành, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỉ đồng lên 18.001,6 tỉ đồng, tương đương 205,27% “khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư”.

Mời đọc thêm: Hà Nội lại đổ thêm tiền vào dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (RFA). – Vay gần 100 triệu USD để vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông (PLTP). Chủ đầu tư nói gì về khoản vay 98 triệu đô vận hành metro Cát Linh-Hà Đông? (TP). – Hà Nội: Chỉ nhận nợ Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi được vận hành (Zing). – Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Thiết kế từng phần, có nguy cơ rủi ro chất lượng (TBTC).

Thiếu tá CSGT gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy

Công an huyện Châu Đức, TP Bà Rịa – Vũng Tàu đang điều tra vụ thiếu tá CSGT lái ô tô gây tai nạn chết người, báo Thanh Niên đưa tin. Ngày 8/7, công an huyện này xác nhận, tài xế lái xe tông chết người trong vụ tai nạn trên quốc lộ 56, lúc khuya 6/7, chính là thiếu tá Thái Văn Hùng, đang công tác tại Đội CSGT Công an huyện này.

Nạn nhân là ông Dương Văn Tốt, bị tông bởi ô tô BS 72A – 150.62 do thiếu tá Hùng điều khiển, lưu thông cùng chiều từ phía sau. “Sau khi va chạm giao thông khiến nạn nhân tử vong, thiếu tá CSGT Thái Văn Hùng lùi xe lại, chạy khỏi hiện trường, thì tự gây tai nạn khiến ô tô hư hỏng nặng”.

Ô tô gây tai nạn đang bị tạm giữ để điều tra. Nguồn: TN

VOV bàn về vụ gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy: Người điều khiển ô tô là CSGT.  Bài báo cho biết, thiếu tá Hùng bước đầu khai nhận, sau khi gây ra vụ tai nạn thì nghĩ rằng nạn nhân không bị nặng nên mới rời khỏi hiện trường. “Trước thông tin nghi vấn anh Hùng sử dụng rượu bia khi điều khiển xe ô tô, theo đại diện phía công an cho biết thì vẫn chưa thể xác định được mà phải chờ kết quả xét nghiệm”.

Con trai nạn nhân Tốt cho biết, “khi thấy chiếc xe máy của người cha nằm dưới gầm ôtô thì yêu cầu tài xế lùi lại để kiểm tra. Tài xế bước xuống nói vài câu rồi lùi xe và rồ ga rời khỏi hiện trường”.

Mời đọc thêm: Nghi 1 CSGT tông chết người rồi bỏ chạy (PLTP). – Đã xác định được cán bộ CSGT lái ôtô tông chết người rồi bỏ chạy ở BR-VT (NLĐ). – Tiết lộ danh tính Thiếu tá cảnh sát giao thông gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy tại Bà Rịa – Vũng Tàu (NĐT). – Thiếu tá CSGT gây tai nạn chết người rồi bỏ đi vì nghĩ… nạn nhân không bị nặng. (TQ).

Chủ tịch xã dùng bằng giả

Ngày 8/7, VKSND tỉnh Đắk Nông xác nhận đã phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt giam nguyên Chủ tịch UBND xã do sử dụng bằng giả, báo Pháp Luật Plus đưa tin. Ông Phan Văn Công, cựu chủ tịch UBND xã Ea Pô, huyện Cư Jút, bị khởi tố về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ông Công còn bị tố cáo dùng bằng tốt nghiệp THPT giả. “Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cư Jút đã giao cho ông này tự đi xác minh sự việc”.

Sau khi được giao kiểm tra vụ chính mình dùng bằng giả, ông Công đã nhờ người làm 2 văn bản giả của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An. “Tài liệu gồm bằng tốt nghiệp và 2 văn bản nói trên đều không phải do cơ quan nhà nước ban hành. Trước khi bị khởi tố, ông Công đã bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc và cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng”.

Mời đọc thêm: Bắt cựu chủ tịch xã làm giả con dấu, tài liệu (PLTP). – Đắk Nông: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên chủ tịch xã làm giả bằng cấp 3 (ĐSPL). – Xài bằng giả, nguyên chủ tịch xã bị khởi tố, tạm giam (TN).

Nhà báo Hoàng Linh bị giang hồ chiếm nhà, rao báo

Trong một thông báo mới đây, nhà báo Hoàng Linh cho biết, căn nhà của gia đình ông ở Hóc Môn, được xây từ trước năm 1975 đến nay, đã bị một nhóm người lạ mặt cắt hàng rào, xây dựng che chắn một phần khuôn viên đất và rao bán. Do bận đi vắng, ông Linh nhờ ông Trần Văn Hiền ở ấp 1, xã Nhị Bình, Hóc Môn trông coi giùm căn nhà này, nhân lúc ông Hiền đi vắng, nhóm người lạ mặt tới chiếm đoạt và dựng bản rao bán.

Nhà báo Hoàng Linh thông báo, ông không mua bán đất với bất kỳ ai. Sáng 8/7, ông Linh đã đến công an xã Nhị Bình, huyện Hóc môn để trình báo và đã đến bộ phận địa chính của UBND xã Nhị Bình, nộp đơn theo đúng quy định. Ông đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ pháp luật bị khinh nhờn và chính quyền cũng e dè, không dám mạnh tay với những hành động vô pháp vô thiên như vậy?

Nhà và đất của ông Hoàng Linh đã bị giang hồ ở Hóc Môn chiếm đoạt và đăng bản rao bán. Nguồn: Hoàng Linh

Mời đọc thêm: Hàng loạt công trình xây trái phép, lấn chiếm hành lang đê sông Hồng? (KT). – Tranh chấp lối đi chung chưa có hồi kết tại chung cư 54 Hạ Đình (VnMedia).

Rừng tiếp tục ở Bắc Trung Bộ

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Rừng Hà Tĩnh cháy trở lại. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 11h30′ ngày  8/7, điểm bùng phát cháy ở khu vực Núi Nầm, thuộc huyện Hương Sơn. “Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân, kiểm lâm và người dân đã được huy động dập lửa. Ngoài ra, 4 xe chữa cháy của lực lượng Công an Hà Tĩnh được điều động đến hiện trường” nhưng đến 15 giờ cùng ngày, ngọn lửa mới “cơ bản được khống chế và dập tắt”.

Lực lượng chức năng huyện Hương Sơn được huy động đến dập lửa trong vụ cháy rừng chiều 8/7 tại Núi Nầm, Hương Sơn. Ảnh: Nhật Hào/TT

Cũng ở khu vực Núi Nầm, rừng Hà Tĩnh cháy rực nửa đêm, dân tất tả ôm đồ tháo chạy, theo VietNamNet. Vụ cháy thứ hai xảy ra vào khoảng 22 giờ tối ngày 8/7, trên đỉnh đồi núi Nầm, giáp ranh giữa 2 xã Sơn Châu và xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn. Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, dù đã “huy động cán bộ huyện, xã, lực lượng kiểm lâm, quân đội và nhân dân dập lửa” nhưng “đám cháy bùng phát vào ban đêm và gió nam thổi mạnh nên hiện chưa thể khống chế đám cháy”.

Hình ảnh cháy rừng ở núi Nầm tối 8/7. Nguồn: VNN

Vài ngày trước, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An viết: Một số cánh rừng ở Alaska đang bốc cháy. Vụ cháy xảy ra ở một nơi rất gần Bắc Cực, cách Hà Tĩnh gần nửa vòng Trái đất, nhưng vẫn là hệ quả của biến đổi khí hậu, khiến diễn biến cháy rừng ở Bắc Trung Bộ ngày càng phức tạp. Ông An viết: “Vào ngày Thứ Năm 4/7/2019, thành phố Anchorage, miền Nam Alaska, chạm mức nhiệt độ lịch sử chưa từng có 32°C (89°F), khu vực dòng sông Campbell Creek chảy qua Anchorage chạm mức 33°C (91°F)”.

Mời đọc thêm: Lại cháy rừng ở Hà Tĩnh (DT). – Lại cháy rừng nhiều giờ ở Hà Tĩnh (PLTP). – Hà Tĩnh lại xảy ra cháy rừng, hàng trăm người dập lửa dưới trời nắng nóng (NLĐ). – Rừng ở Hà Tĩnh lại cháy đỏ rực trong đêm (TT). – Cảnh báo cháy rừng các khu vực tỉnh Nghệ An (THNA).

Cả 4 phó ban từ chức, trong đó có “nữ hoàng” lẫn “nam vương”,

Báo Một Thế Giới có bài: Tiếp bước ‘Nữ hoàng văn hóa tâm linh’, ‘Nam vương Thái Bình Dương’ xin từ chức. Theo đó, “Nam vương Thái Bình Dương” Trương Huy Hoàng vừa gửi đơn xin từ chức Phó ban Phát triển thương hiệu – Chống hàng giả VN từ ngày 7/7. Đây là “biến động nhân sự” mới nhất ở Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả VN, do Viện Công nghệ chống làm giả – Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN tuyên bố thành lập vào ngày 28/6.

Trước đó, “Nữ hoàng Văn hóa tâm linh VN” Phạm Nữ Hiền Ngân, phó ban nói trên đã gửi đơn xin từ chức với lý do: “Do cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể đảm nhiệm chức vụ phó trưởng ban”. Ngoài ông Hoàng và bà Ngân, ông Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát và ông Hoàng Văn Trường cũng thông báo xin từ chức Phó Ban, với lý do ‘cá nhân và sức khỏe”.

Báo Người Lao Động có bài: Viện “chống hàng giả” từng vinh danh thuốc giả. Hồi năm 2017, Viện Công nghệ chống làm giả từng vinh danh Công ty TNHH Vinaca, đưa công ty này vào Top 10 Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu VN “dù công ty này sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre. Lãnh đạo công ty sau đó bị kết án tù về hành vi sản xuất hàng giả”. Còn “nữ hoàng”, “nam vương” ở cái viện này vẫn ung dung diễn trò lố mà chưa có cơ quan chức năng nào “hỏi thăm”.

Mời đọc thêm: ‘Nữ hoàng văn hóa tâm linh’ xin rút khỏi Ban chống hàng giả (TN). – Sau “nữ hoàng”, “nam vương” cũng từ chức Phó Ban Phát triển thương hiệu – Chống hàng giảCác bộ không chỉ đạo việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam (NLĐ). – Nữ hoàng văn hóa tâm linh: Vô nghĩa và… vô duyên (ĐV).

***

Thêm một số tin: Tại sao lãnh đạo Cộng sản bằng cấp cao nhưng dễ khiến dân thất vọng? (VNTB). – HĐND Hà Nội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu cựu bí thư Huyện ủy Phúc ThọĐà Nẵng: Dân lại chặn đường vào bãi rác, công an phải vào cuộc — Cán bộ Thú y cấp giấy kiểm dịch ‘lụi’ cho lô heo nhiễm dịch tả châu Phi (TT).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây