8-7-2019
Từ 15.000 hộ dân Thủ Thiêm đến hàng trăm ngàn hộ dân: Lộc Hưng, Long Hưng, Văn Giang, Đồng Tâm… Rồi tiếng súng Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến giữ đất… Bản chất của nạn dân mất đất là luật đất đai đã bỏ quên quyền lợi người dân – chủ sở hữu mảnh đất. Khi người dân không có quyền tư hữu mảnh đất mình thì tiếng kêu cứu, oán than ngày càng nhiều.
Quy định về đền bù giải phóng mặt bằng được tập trung trong Điều 62, Luật Đất đai 2013: Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điều 62 quy định việc “đền bù giải phóng mặt bằng % giá đất được tính theo khung giá của Nhà nước quy định.
Từ đây các “nhóm thân hữu” giữa chính quyền và cty hình thành.
Bước 1: chính quyền giao đất cho DN.
Bước 2: Chính quyền được chính các cty (chủ đầu tư) kí hợp đồng kinh tế để làm “công tác giải phóng mặt bằng”, có hoa hồng thỏa thuận.
Bước 3: Chính quyền áp giá bồi thường để “giải phóng mặt bằng” cho DN. Hàng trăm công an đoàn thể được huy động… từ vận động đến “cưỡng chế”!
Sau cuộc “cưỡng chế” hùng hậu, đất dân đang sử dụng bị rơi vào tay DN với mức áp giá rẻ mạt.
Khái niệm “dự án phát triển kinh tế -xã hội phục vụ lợi ích quốc gia” trong Điều 62 Luật Đất đai 2013 quá rộng, mơ hồ và nguyên nhân gây bất công, kêu oan nhiều năm nay.
Dù có bao nhiêu kết luận thanh tra, dù khởi tố nhiều quan chức sai phạm nhưng bản chất vụ việc người dân vẫn mất đất, vẫn khốn khổ!
Điển hình, 1400 hộ dân Long Hưng đã hơn chục năm nay kêu cứu, đất mất nhà tan, người bị tù vì chống lại hành vi ngang ngược xâm hại mồ mả người thân, cưỡng chế lấy đất sai trái.
15000 hộ dân Thủ Thiêm đã vĩnh viễn mất đất nhà cửa mà không được thỏa thuận bồi thường.
Việc khởi tố ngay các quan chức dính đến sai phạm Thủ Thiêm là điều mà cơ quan tố tụng có trách nhiệm, nghĩa vụ phải làm!
Nhưng việc chính là bồi thường tương xứng với nỗi oan ức 22 năm qua của người dân Thủ Thiêm.
Xóa bỏ điều 62 luật đất đai là bước đầu giải quyết cảnh người dân khắp nơi kêu cứu đến khốn khổ khốn nạn hàng chục năm ròng rã.
Xóa bỏ điều luật bất công, trả lại quyền định đoạt tài sản cho người dân tự thỏa thuận đối với các “dự án kinh tế” đó là lẽ phải mà chính quyền phải thực hiện.
Đấy là việc làm của một nhà nước luôn nói: Do dân Vì Dân.
Phải chăng vấn đề là tại cái khái niệm [bị đánh tráo] “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”?