2-7-2019
Việt Nam và EU chính thức ký Hiệp định thương mại, gồm 2 hiệp định: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào chiều 30/6/2019, giờ Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi đó là “hai tuyến cao tốc lớn nối Việt Nam và EU”
Tôi thực sự rất vui mừng vì điều này dù từ lúc ký kết đến phê chuẩn hiệp định EVFTA chỉ có 1 năm (dự kiến trong năm 2020) song đó là một năm không hề đơn giản. Hiệp định IPA rắc rối hơn về thủ tục do cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước nên dự kiến đến 2021.
Do đặc thù lĩnh vực theo đuổi lâu nay nên hai vấn đề cá nhân tôi quan tâm nhất là nhân quyền và môi trường của Việt Nam. Với EVFTA và IPA, những chuẩn tắc được đàm phán lâu nay sẽ thành hiện thực hoá. Nghĩ xem, nếu Việt Nam có công đoàn độc lập thì quyền lợi của công nhân sẽ tốt lên thế nào? Hay các cam kết môi trường cấp quốc tế sẽ chí ít buộc quốc gia này phải chuyển đổi mạnh mẽ từ cách thức làm giàu bằng đánh đổi môi trường chuyển sang các loại hình kinh tế tái chế, kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Quan sát chính trị lâu nay tôi thực sự khâm phục tầm nhìn của ông Nguyễn Xuân Phúc. Khẩu hiệu “không đánh đổi môi trường” từ ngày đầu nhậm chức không phải là một phát ngôn dân tuý đơn thuần. Từ khi bắt đầu đàm phán và đến hôm qua (9 năm) ký kết thì là cả một lộ trình được tính toán. Và các vấn đề mang tính chất hợp lý hoá việc ký kết thực sự mới được khả thi từ vài năm gần đây.
Nên nhớ rằng EU không… điên!
Nhưng cũng chắc chắn rằng cho đến Đại hội Đảng XIII (đầu năm 2021) lẫn sau đó, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn sẽ có những “ổ gà” cản đường trên không chỉ hai “cao tốc” mà ông ấy kỳ vọng.
Thứ nhất, quán tính ù lì của hệ thống không phải gày một, ngày hai là khởi sắc. Tôi không hề nhìn sự kiện “mở lon Việt Nam” bị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phạt như một trò cười hay bẫy truyền thông. Đó là tư duy làm việc khác hẳn tinh thần “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” của hai cố Thủ tướng kỹ trị là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đã đề ra. Vào WTO, CPTPP hay nếu được phê duyệt EVFTA, IPA thì những “cú sốc văn hoá” như thế có thể trả giá bằng rất nhiều tiền. Vẫn là tiền thuế của dân! Sự ràng buộc bằng các mức trừng phạt do có hành vi làm ảnh hưởng hay làm làm mất tự do kinh tế dĩ nhiên trả giá bằng kinh tế.
Thứ hai, môi trường đã quá ngưỡng chịu đựng và tuy vẫn nằm trong các quốc gia nằm trong mức an toàn của tín chỉ cacbon* nhưng sức ép môi trường của Việt Nam rất lớn. Nhập rác nghĩa đen và rác công nghệ nhiều năm trước đây đến hiện nay (trong tương lai gần của 5 năm tới cũng mang xu thế này) sẽ tạo một sức ép khủng khiếp lên không chỉ môi trường mà cả an sinh xã hội, an ninh quốc gia. Cần những ví dụ như Vĩnh Tân 2015 và 2018 nữa là điều vô cùng đáng sợ. Đừng nghĩ bạo lực sẽ trấn áp được bạo lực bởi chuyện của Việt Nam bây giờ là “chuyện quốc tế”!
Thứ ba, sức ép từ các quyền cơ bản của con người (biểu tình chẳng hạn) là điều mà chế độ phải đối diện và giải quyết. Các hiệp định kinh tế buộc Việt Nam phải “trả giá” bằng việc tiết giảm quyền lực hệ thống cai trị và chuyển từng phần cho nhân dân. Nói thẳng là quốc gia này sẽ khác hẳn với Venezuela. Và tôi chưa nhìn thấy Juan Guaidó trong bóng dáng Trần Huỳnh Duy Thức (đang ở trong tù). Nhưng vẫn còn có điều để hy vọng…. Như đã nói, không nhượng bộ nhân quyền thì không có ký kết hiệp định nào cả.
Và cuối củng, như ông Hồ đã từng nói, Tây hay Tàu không đáng sợ bằng… “các chú”. Về vấn đề này, có lẽ mong đợi về một cuộc cải cách toàn diện về thể chế chỉ có thể nhìn thấy từ sau Đại hội Đảng XIII. Lúc đó mới biết canh tân hay thủ cựu trong Đảng cầm quyền chiếm đa số. Và “các chú”, nếu liên tưởng đến các “chú khách” ngày xưa và dòng tiền “lạ” đội lốt Đài Loan, Sing, Malaysia, Hongkong hay chính Việt Nam là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Trên “đường cao tốc” ấy, nhân dân sẽ tự chọn thái độ cho mình. Vô cảm không có nghĩa là vô can! Náu mình chờ cơ hội cũng chưa hẳn đã thành công. Sự tích tụ tri thức và thay đổi tư duy dẫn đến thay đổi hành vi của đám đông dĩ nhiên vẫn còn là một quá trình dài.
Song ở mặt đối diện của sự vô minh, thì trí tuệ đám đông vẫn đang gạn đục, khơi trong tìm cho mình một đầu kéo bền vững trên cái “cao tốc” mà tôi đánh giá là lớn hơn hình ảnh hai “cao tốc” Thủ tướng đã ví von.
Xin nhắc lại, mốc 2030 và 2045 mà Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vào ngày 16/5/2019 là những cột mốc mà tôi từng “vô tình” nhắc đến.
Kể cả việc 2020 không được phê duyệt EVFTA hay 2021 không phê duyệt IPA thì bánh xe lịch sử vẫn cứ quay…
thật sự không muốn là ng khác phiền nhưng U MÊ VẪN HOÀN U MÊ.
Bác Ấn viết: “có lẽ mong đợi về một cuộc cải cách toàn diện về thể chế chỉ có thể nhìn thấy từ sau Đại hội Đảng XIII. Lúc đó mới biết canh tân hay thủ cựu trong Đảng cầm quyền chiếm đa số”. Bác Ấn ơi:
-Ngày 21/6/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau khi xem xét báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trên cơ sở đề xuất của Ban chỉ đạo, Bộ Chính trị đã quyết định phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bộ Chính trị giao Ban chỉ đạo thông báo cho các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị biết về kết quả phê duyệt; đồng thời giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với luân chuyển, sắp xếp, bố trí công tác đối với các nhân sự được quy hoạch để chủ động chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vậy nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cơ bản đã dc sắp xếp. Do ông Trọng là ng thủ cựu nên nhân sự phái thủ cựu chiếm đa số là đương nhiên. Nếu Bác có danh sách nhân sự này, Bác cùng Ae khảo sát, đánh giá nhân sự trong danh sách thì cũng dự kiến trước dc phần nào là có “một cuộc cải cách toàn diện về thể chế “xảy ra hay ko? Ko cần đợi đến Đại hội Đảng XIII đâu Bác ơi?