Võ Thu Phương
26-6-2019
Nguy cơ trong nước
“Trong hai năm (2017 – 2018), toàn quốc xảy ra 2.643 vụ với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong đó có 515 vụ dâm ô, 1.259 vụ giao cấu, 906 vụ hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, đây là những trường hợp bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự, cho nên con số trên mới là phần nổi của tảng băng chìm”. Báo Pháp Luật, ngày 20/4/2019.
Cũng theo báo nhà nước, “tảng băng chìm” khổng lồ này được hình thành từ ý thức xã hội còn yếu kém, tập quán văn hóa còn lạc hậu của đại bộ phận dân chúng và do “ảnh hưởng lối sống sa đọa phương Tây”. Báo Cảnh Sát Nhân Dân, ngày 28/4/2018, điểm qua một số một số nguyên nhân chủ yếu đưa đến nạn xâm hại tình dục trẻ em:
1.- Do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em.
2.- Do sự phân hóa giầu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng.
3.- Do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tuy có nhiệt tình nhưng chế độ tiền lương của Nhà nước trả cho họ hiện tại vẫn chưa hợp lý.
4.- Do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa từ các nước phương Tây; quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân… cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
5.- Do bố mẹ quản lý, giáo dục con không đúng: như thoả mãn và đáp ứng các yêu cầu vật chất cho con không chính đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Sự nuông chiều thái quá, không tập lao động, xem nhẹ hoặc bỏ qua các lỗi lầm, nghĩa vụ của con cái tạo ra thói quen, tâm lý đòi hỏi, hưởng thụ sống ích kỷ, ỷ lại.
Các luật sư, các nhà nghiên cứu xã hội lại cho rằng: “luật pháp” hiện hành đang có những lỗ hổng rất lớn trong việc xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Chính những lỗ hổng này là nơi ươm mầm cho nạn xâm hại tình dục trẻ em phát triển và bùng nổ.
“Luật pháp” dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, cưỡng chế hay trừng phạt. Như vậy, luật pháp được gìn giữ và củng cố bởi hai công cụ: Bộ luật hình sự và hệ thống pháp lý thực thi Bộ luật.
Trên thực tế, Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam là một bộ luật tương đối chặt chẽ và tiến bộ. Nó vượt lên trên sự lạc hậu, cứng ngắt và đầy khiếm khuyết của Bộ luật Hình sự Trung Quốc, tiến gần đến mức độ buộc tội chặt chẽ và khắt khe như Bộ luật Hình sự của các nước văn minh tiến bộ. Đặc biệt, nó nghiêm khắc hơn tất cả các bộ luật châu Âu về mức án phạt.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự Việt Nam cho phép tòa án kết án hung thủ ở mức độ cao nhất: 20 năm tù, chung thân hay tử hình. Với bộ luật này, tòa án Việt Nam có thể kết án gần như toàn bộ các tội phạm ấu dâm theo đúng quy trình tố tụng, và có thể đưa ra một mức án nghiêm ngặt nhất nhằm mục đích răn đe cho toàn xã hội.
Có thể điểm qua một số mặt tiến bộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam về các tội xâm hại tình dục trẻ em:
– Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về các hành vi phạm tội: Người nào thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
– Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định theo hướng cụ thể đối với từng trường hợp phạm tội là: …; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; quy định thêm trường hợp phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên;…, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
– Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm trường hợp phạm tội đối với người dưới 10 tuổi và đối với trường hợp gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;…, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
– Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khoản 3 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt từ từ 07 năm đến 12 năm.
– Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, có mục đích thương mại; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bộ luật Hình sự năm 2015, là một bước tiến đáng kể trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc tế. Nó được các tổ chức nhân quyền và bảo vệ trẻ em trên thế giới đánh giá cao.
“Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường luật pháp quốc gia nhằm đối phó với tình trạng bạo lực đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng như các hình thức bạo lực khác một cách hiệu quả hơn.” Theo Unicef, tháng 6 – 2019.
Nhưng ngoài mục đích ngoại giao và quảng cáo, trên thực tế bộ luật này đã không được áp dụng triệt để nhằm ngăn chặn tội ác đang trên đà phát triển đại trà. Việt Nam vướng vào vấn đề che giấu tội phạm nhằm mục đích tô hồng bộ mặt xã hội như các nước trong khối xã hội chủ nghĩa là CHDC Đức và Trung Quốc. “Sexueller Kindermissbrauch passte nicht ins Bild des sozialistischen Vorzeigestaates” – Xâm hại tình dục trẻ em là chuyện không phù hợp với bức tranh của một nhà nước xã hội chủ nghĩa gương mẫu.
Có thể nói rằng, cái “lỗ hổng” của luật pháp không nằm ở các quy định trong Bộ luật hình sự, nó nằm ở chủ trương che giấu thông tin của bộ máy lãnh đạo, nằm ở quy trình tố tụng lỏng lẻo, thiếu trung thực của các cơ quan hành pháp. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của internet và facebook người dân mới có điều kiện tiếp cận nhanh chóng thông tin các vụ ấu dâm. Họ cảm thấy bất ngờ và phẫn nộ trước hàng loạt tội ác liên tục diễn ra, đặc biệt là những tội ác do những kẻ có chức quyền, những kẻ hiểu rõ luật pháp, thậm chí do những kẻ đại diện cho luật pháp thủ ác. Có thể kể ra đây 10 vụ ấu dâm điển hình của các cán bộ nhà nước và quan chức:
1.- Lương Quốc Dũng, SN 1952, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Mãi dâm và hiếp dâm bé gái 13 tuổi. Lãnh án 8 năm tù.
2.- Phạm Đình Tôn, SN 1948, bí thư chi bộ khu phố, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Hiếp dâm bé gái 7 tuổi trong khu phố. Lãnh án 4 tháng 29 ngày tù.
3.- Phan Đình Chiến, SN 1988, cựu cán bộ tư pháp xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Dâm ô bé gái 12 tuổi. Lãnh án 15 tháng tù treo.
4.- Nguyễn Khắc Thủy, SN 1940, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dâm ô các bé gái từ 6-11 tuổi. Lãnh án 3 năm tù giam.
5.- Cao Mạnh Hùng, SN 1983, cựu cán bộ ngân hàng địa bàn Hà Nội. Dâm ô 2 bé gái 9 tuổi. Lãnh án 2 năm tù giam.
6.- Phạm Văn Lam SN, 1972, thượng tá, Phó Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình. Cùng đồng bọn hiếp dâm tập thể trẻ em 14 tuổi. Lãnh án 3 năm tù.
7.- Nguyễn Hữu Linh, SN 1958, nguyên bí thư Đảng Ủy, cựu viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng, cựu Trưởng ban Vì sự Tiến bộ Phụ nữ Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố. Bị tố cáo bằng video dâm ô bé gái 7 tuổi. Tạm hoãn án.
8.- Nguyễn Ngọc Phác, SN 1940, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phong tỉnh Thanh Hoá. Bị người dân bắt quả tang dâm ô bé gái 9 tuổi. Khởi tố, điều tra.
9.- Nguyễn Đức Q., SN 1976, sĩ quan quân đội, Bắc Giang. Bị tố cáo hiếp dâm con gái ruột suốt 4 năm, từ lớp 4 đến lớp 8. An ninh quân đội thụ lý đơn tố cáo, đang điều tra.
10.- Phạm Ánh Dương, SN 1984, bí thư Đoàn tại phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Bị tố cáo dâm ô bé gái 11 tuổi. Tạm giam, điều tra.
Về phía chính quyền và báo chí, vẫn chưa có một thống kê nghiêm túc nào công bố cụ thể con số thực sự của các vụ xâm hại tình dục trẻ em trên toàn quốc, cũng như mức án cụ thể cho mỗi vụ án. Người dân phải ngụp lặn trong mớ thông tin rối ren đăng tải trên mạng, cả những thông tin ngoài lề không rõ xuất xứ. Bên cạnh đó còn có những thông tin xoa dịu, ru ngủ hết sức nguy hiểm: “Các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang có khuynh hướng cải thiện và thuyên giảm, giảm đến 3,8% so với năm trước (2017)” – Báo Pháp Luật, ngày 20/4/2019.
Theo một báo cáo mới nhất, vào tháng 1 năm 2019 của Economist Intelligence Unite (EIU), VN đứng gần chót bảng về nỗ lực cải thiện nạn xâm hại tình dục trẻ em. Trong 40 nước tham gia khảo sát, Việt Nam chỉ đạt 42,9 điểm trên 100, đứng thứ 37 trên 40 về công tác phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam thua cả Trung Quốc, đứng thứ 36. Trong khi đó, Philippines là một nước vốn có vấn nạn vô cùng tồi tệ về mại dâm trẻ em, kỹ nghệ phim ảnh khiêu dâm của trẻ em – nhờ những nỗ lực cải thiện tích cực đã vượt lên hàng thứ 16.
Năm 2007, theo đánh giá của Unicef, luật pháp và chính quyền Campuchia hoàn toàn để mặc cho nạn xâm hại tình dục hoành hành, những tên tội phạm ấu dâm từ các nước khác trên thế giới có thể mua bán, xâm phạm trẻ em Campuchia với mọi hình thức. Năm 2019, Campuchia đã nỗ lực vượt lên hàng thứ 23 trong công tác tích cực phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Báo cáo của Economist Intelligence Unit cho rằng, điểm yếu kém của Việt Nam nằm ở công tác thu thập dữ liệu, biện pháp trừng phạt người phạm tội và khả năng can thiệp của hệ thống truyền thông. Ba điểm yếu kém này hoàn toàn thuộc về hệ thống pháp lý. Trên thực tế, để đưa những kẻ phạm tội có chức quyền ra trước pháp luật, gia đình nạn nhân đã gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại do nhà cầm quyền cố tình bưng bít thông tin, đàn áp những người đòi công lý, tìm mọi cách giảm nhẹ tình tiết phạm tội cho kẻ thủ ác. Những vụ án nổi cộm (Nguyễn Khắc Thủy, Cao Mạnh Hùng, Nguyễn Hữu Linh, Nguyễn Ngọc Phác) chỉ được miễn cưỡng khởi tố trước áp lực mạnh mẽ của dư luận và cộng đồng mạng.
Ở Việt Nam, nạn xâm hại tình dục trẻ em không chỉ xảy ra trong gia đình, trong đời sống – những năm gần đây nó xảy ra thường xuyên và đặc biệt nghiêm trọng trong học đường, nơi mà lẽ ra phải hoàn toàn trong sạch và lành mạnh. Cùng với các tệ nạn dối trá, tham nhũng, chạy điểm, bán bằng, bạo lực – nạn xâm hại tình dục trẻ em đã góp phần hủy hoại truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, bôi đen bộ mặt ngành giáo dục.
Trong năm 2018 và trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng loạt vụ ấu dâm trong các trường học bị lộ ra đã gây phẫn nộ dư luận cả nước. Một số vụ do người chính đứng đầu trường học gây án, được một hệ thống giáo viên và nhân viên trường tiếp tay cũng như bao che. Thậm chí có những vụ ấu dâm được chính Sở giáo dục và Ủy ban nhân dân thành phố bao che. Tính chất nghiêm trọng của các vụ việc cho thấy một sự thật khủng khiếp: nạn xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường giáo dục đã có từ rất lâu, đã hãm hại nhiều thế hệ học sinh. Có thể điểm qua một số vụ án trong học đường chỉ trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019:
1.- Đinh Bằng My, SN 1961, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bị tố cáo dâm ô hàng loạt nam sinh tại trường từ 13 – 15 tuổi, liên tục trong suốt 2 năm. Đình chỉ công tác hiệu trưởng, khởi tố, chưa kết án.
2.- Hồ Trọng Đăng, SN 1983, tổng phụ trách Đoàn Đội tại trường THCS Phan Bội Châu huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Bị tố cáo cưỡng hiếp nữ sinh lớp 8 tại tại một trường THCS ở thị trấn Chư Ty. Đình chỉ sinh hoạt đảng, chưa kết án.
3.- Nguyễn Quang Chung, SN 1969, giáo viên tổng phụ trách Đội trường tiểu học Zơ Nông huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dâm ô và hiếp dâm nhiều lần 3 nữ sinh từ lớp 2 đến lớp 3. Lưu trữ 852 tập tin ảnh có nội dung khiêu dâm, kích dục. Kết án sơ thẩm 24 năm tù giam, xét xử phúc thẩm tù chung thân.
4.- T.C.D. SN 1990, giáo viên trường tiểu học T.X, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM. Bị tố cáo dâm ô 12 nữ sinh lớp 3, lớp 4, suốt 2 năm. Tạm giam.
5.- Nguyễn Đình Lê, SN 1974, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B Trường Tiểu học An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dâm ô 7 – 9 học sinh lớp 3. Kết án 6 năm tù.
6.- Dương Trọng Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Bị tố cáo sờ nắn, bóp vào vùng nhạy cảm, vỗ mông 14 em nữ sinh lớp 5A. Trắng án, được thuyên chuyển về làm nhân viên hành chính tại Trường Tiểu học Vân Hà.
7.- Lê Minh Hải, giáo viên tiểu học Tân Xuân 2, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Bị tố cáo nhiều lần dâm ô 5 nữ sinh lớp 1. Đình chỉ giảng dạy, điều tra xác minh.
8.- Nguyễn Việt Anh, SN 1983, giáo viên tin học trường THCS Thượng Hà huyện Bảo Yên, Lào Cai. Cưỡng hiếp nữ sinh 11 tuổi đến có thai. Khởi tố.
9.- Tô Hoàng Sơn, giáo viên Trường THCS thị trấn Thới Bình, Cà Mau. Bị tố cáo nhiều lần thực hiện hành vi sàm sỡ, xâm phạm thân thể các nữ sinh lớp 8. Khởi tố.
10.- Thầy H, giáo viên dạy toán ở trường THCS Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Bị tố cáo thường xuyên sờ vào bộ phận sinh dục của các nam sinh, hành vi sàm sỡ có khi kéo dài tới hàng chục phút. Vẫn chưa bị kỷ luật và chưa bị khởi tố.
Các vụ xâm hại tình dục học sinh trong trường học nằm ở mức độ nghiêm trọng: con số nạn nhân trong nhiều vụ rất cao, độ tuổi của các nạn nhân còn quá nhỏ, quá trình xâm hại diễn ra trong một thời gian dài. Ở nhiều trường hợp, các em bị xâm hại một thời gian quá dài dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, thể xác, thậm chí mang thai. Bản danh sách 10 vụ án cho thấy, quy trình tố tụng và mức án cho mỗi vụ việc đã không căn cứ vào quy định chế tài của Bộ luật Hình sự, dẫn đến những mức án tùy tiện không đồng nhất, nhiều trường hợp mức án không thỏa đáng. Chính những điều này đã góp phần tạo thêm sự phẫn nộ, bức xúc của dư luận.
Ở vụ án cuối cùng (số 10), luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có những nhận định về tội trạng thầy H: “Với những chứng cứ của vụ việc này đã đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.
Tuy nhiên, với sự bao che tích cực của Ban Giám Hiệu trường và Sở GDĐT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, thầy H đang có rất nhiều hy vọng được miễn truy tố. Điều nghịch lý là, các học sinh bị xâm hại và phụ huynh tố cáo dưới một áp lực nào đó, chính họ đã phải bác bỏ thông tin tố cáo, tự đứng ra bào chữa cho thầy H. Thậm chí, một số tờ báo còn mở cửa diễn đàn, cho đăng những comments lên án nặng nề các nạn nhân và phụ huynh này, xem họ như những kẻ lừa dối, phá hoại. Bản án trắng tinh dành cho thầy H, những lời ca ngợi tốt đẹp dành cho thầy H chính là cách lãnh đạo Hà Nội muốn gìn giữ bộ mặt sạch sẽ, gương mẫu cho thành phố thủ đô, nhưng nó cũng chính là hiểm họa tiềm ẩn có khả năng phát tán như một bệnh dịch.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý và phân tâm học trên thế giới, những đứa trẻ nạn nhân của ấu dâm nếu không được bảo vệ tích cực, không được điều trị thỏa đáng, không nhìn thấy công lý minh bạch – chúng luôn có khuynh hướng trở thành tội phạm ấu dâm khi trưởng thành. Đó là những kẻ mắc bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương (névrose traumatique), bệnh loạn thần kinh (hystérie), trở thành những tội phạm ấu dâm không thể điều trị và luôn có khả năng tái phạm.
Nguy cơ từ bên ngoài
Bên cạnh nguy cơ nạn xâm hại tình dục trẻ em trong nước đang có khả năng bùng nổ thành đại dịch, vượt qua khả năng kiểm soát của chính quyền như ở Trung Quốc, Việt Nam còn đứng trước hiểm họa mang tính quốc tế.
Theo Unicef – năm 1997, “tại Việt Nam có khoảng 20.000 trẻ em dưới 18 tuổi làm gái mại dâm. Mặc dù con số này nhỏ hơn so với các nước Đông Nam Á khác, nhưng sự gia tăng mạnh trong những năm gần đây là đáng báo động. Năm 1991, 11% số gái mại dâm ở Việt Nam là trẻ em, năm 1997 là 15%. Số trẻ em bị hãm hiếp cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự lây lan của các căn bệnh đường tình dục, nhất là căn bệnh hiểm nghèo AIDS là mối đe dọa khủng khiếp cho các em.”
Theo Humanium – năm 2010, con số trẻ em mại dâm ở Việt Nam đã tăng lên 40.000. Việt Nam trở thành thị trường khai thác tình dục trẻ em dưới nhiều hình thức được những tên tội phạm trên thế giới biết đến. Tổ chức Interpol và Cảnh sát liên bang Đức (BKA) cũng có nhiều báo động về sự xuất hiện của những kẻ tội phạm ấu dâm quốc tế tại Việt Nam, như:
– Christopher Paul Neil, là một tên tội phạm ấu dâm cực kỳ nguy hiểm. Suốt nhiều năm liền hắn hoạt động trên internet, chỉ dẫn các tội phạm cách qua mặt cảnh sát, cách xóa bỏ thông tin trên mạng… Interpol chỉ biết đến hắn dưới bí danh Vico, qua 200 tấm ảnh chụp chung với các trẻ em Việt Nam và Campuchia bị xâm hại tình dục do chính Vico phổ biến trên mạng internet. Trong những tấm ảnh này, bộ mặt Vico đã được kỹ thuật Swirl-Effekt làm cho biến dạng hoàn toàn. Nhờ sự trợ giúp của các kỹ thuật viên hình sự Cảnh sát Liên Bang Đức, bộ mặt của Vico trên những tấm hình được phục hồi. Ngày 8.10.2007, Interpol công bố bức hình tên tội phạm mang bí danh Vico cùng lệnh truy nã trên toàn thế giới. Từ hơn 320 thông tin ban đầu, cảnh sát tập trung truy tìm tên giáo viên tiếng Anh, người Kanada, đang ẩn náu ở Thái Lan. Ngày 19.10.2007, Vico bị bắt tại Thái lan và bị kết án. Bản án tổng cộng dành cho Vico – Christopher Paul Neil dự định có thể lên trên 20 năm. Với bản án đầu tiên tại Bangkok, Christopher Paul Neil phải ngồi tù 3 năm rưỡi. Sau đó hắn sẽ bị dẫn độ về các nước khác có liên quan và tiếp tục chịu án.
– Gary Glitter, là một nhạc công nổi tiếng người Anh trong ban Glam-Rock, là một tên tội phạm ấu dâm có thành tích trường kỳ. Năm 1999 tại Anh, hắn bị kết tội tàng trữ phim ảnh trẻ em khiêu dâm và bị kết án 4 tháng tù. Năm 2005 Glitter bị bắt tại Việt Nam vì xâm hại tình dục 2 bé gái người Việt 11, 12 tuổi tại nhà nghỉ ở Vũng Tàu. Hắn bị tòa án Việt Nam bị kết án 3 năm tù. Tháng 8.2008, Glitter mãn hạn tù tại Việt Nam và bị trục xuất về Anh. Năm 2012, Glitter lại bị Scotland Yard bắt giữ vì bị tình nghi có hành vi tấn công tình dục. Năm 2015, Glitter bị tòa án Anh Quốc kết án 16 năm tù về tội hiếp dâm, 4 vụ lạm dụng tình dục và 1 vụ giao cấu với người dưới 13 tuổi.
– Christopher Trinnaman là một nhạc công kèn trombone, từng bị kết án vì tội ấu dâm tại Anh. Năm 2015 Trinnaman mãn hạn tù và chuyển đến sinh sống ở Việt Nam. Christopher Trinnaman bị chuyên gia tâm lý xác định là loại tội phạm “có nguy cơ cao”. Theo Lệnh Phòng ngừa xâm hại tình dục của Anh, hắn bị hạn chế tiếp xúc với trẻ em cũng như sử dụng mạng Internet. Tuy nhiên, tháng 11/2018, Trinnaman được nhìn thấy biểu diễn cùng một dàn nhạc tại Việt Nam và chụp ảnh với một nhóm trẻ em Việt Nam vây quanh.
– Jürgen P. là một tội phạm ấu dâm đồng tính người Đức, có nhiều tiền án. Từ năm 1978 đến 2000 tại Đức, P. liên tục bị tố cáo có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2016, P. chọn Việt Nam làm nơi sinh sống vì đất nước này không có bản án dành cho tội ấu dâm trẻ trai. Đối với các tội phạm ấu dâm đồng tính trên thế giới, Việt Nam cũng như Trung Quốc chính là thiên đường. Cho đến tháng 1.2018, Việt Nam chỉ có bản án trừng phạt tội ấu dâm đối với trẻ em gái. Đỗ Duy Vị, nhân viên lâu năm của tổ chức Rồng Xanh phản ảnh: “Bọn ấu dâm thế giới chạy xe máy vòng quanh Hà Nội săn tìm những đứa bé trai, vì chuyện này lâu nay không bị kết án”. Căn cứ theo bộ luật được sửa đổi, tháng 12.2018, Jürgen P. bị tòa án Hà Nội kết án 2 năm tù vì tội quan hệ tình dục với một trẻ em trai 15 tuổi.
Những vụ án kể trên chỉ có thể nói lên phần nào thực trạng nghiêm trọng của nạn mại dâm tình dục trẻ em ở tại Việt Nam. Theo Unicef, vấn đề đấu tranh chống nạn mại dâm trẻ em ở Việt Nam đụng phải quan niệm rất cũ của xã hội. Ở Việt Nam, người ta luôn xem vấn đề mại dâm của các em là do hoàn cảnh chứ không xem các em như những nạn nhân thật sự. Bên cạnh đó, các quan chức hành pháp và tư pháp cũng không được đào tạo chuyên nghiệp để xử lý các trường hợp này, họ bỏ qua sự tổn thương của trẻ em và chỉ xem các em như thành phần tệ nạn của xã hội.
Các tổ chức bảo vệ trẻ em trên thế giới cũng đánh giá, tệ nạn trẻ em Việt Nam đi mại dâm ở các nước láng giềng là vấn đề rất đáng lo ngại. Theo Humanium, một phần ba số trẻ mại dâm ở Campuchia được đưa từ Viêt Nam sang. Lawrence Gray, điều phối viên khu vực của cơ quan phát triển Tầm nhìn Thế giới, làm việc với 300 trẻ em bị lạm dụng tình dục ở Phnom Penh, cho hay: gần 60% trong số này bị suy dinh dưỡng, 46% bị các chứng bệnh truyền qua đường tình dục, 18% nhiễm virus HIV. Tổn hại về tinh thần không thể đo đếm nhưng cũng khủng khiếp không kém.
Ở các động Thái Lan và Lào, khách mua dâm cũng dễ dàng tìm được các bé gái Việt nam ở độ tuổi lên mười, thậm chí lên tám với giá rẻ mạt, từ 5 đến 10 đô la. Trẻ em Việt Nam cũng bị buôn sang Trung Quốc, các nước châu Âu làm gái mại dâm, nô lệ tình dục.
Ngày 22.06.2019, tờ báo Đức Der Tagesspiegel đã có bài viết tiêu đề. “Berlin là trung tâm buôn bán người”. Thật ra, ba phần tư bài viết chỉ tập trung vào các hoạt động buôn lậu, buôn người, lao động cưỡng bức, mại dâm của cộng đồng người Việt và các nỗ lực kiểm soát, đột kích, kiểm tra, bắt bớ của cảnh sát Berlin. Một phần tư nội dung bài viết nói về hiện tượng mất tích của các trẻ em người Việt tại Berlin. Hàng loạt trẻ dưới tuổi vị thành niên không có giấy tờ, theo đường dây buôn người sang đến Berlin. Các cháu được chính quyền cho sanh sống trong những trại tị nạn dành riêng cho trẻ em. Nhưng các cháu thường xuyên biến mất một cách bí mật. Từ năm 2012 đến nay, có 472 trẻ em Việt Nam tị nạn hợp pháp ở Berlin mất tích. Con số thực sự trong xã hội đen là bao nhiêu, chính quyền và cảnh sát không thể xác định được.
Sau tờ Der Tagesspiegel, hàng loạt các tờ báo lớn như Focus, Berliner Zeitung, Die Welt, Süddeutsche Zeitung… và các đài truyền hình, truyền thanh ở Đức cũng ào ạt tham gia mổ xẻ vấn đề. Dư luận Đức một lần nữa lại nổi bùng lên trước vấn đề tội phạm người Việt. Người ta bày tỏ sự lo ngại, số trẻ em mất tích này bị những tổ chức quy mô của người Việt đưa vào các hoạt động phi pháp như lao động khổ sai hay nô lệ tình dục.
Cám ơn Bạn đã có một bài viết tổng hợp, rõ ràng, xúc tích.
Người lớn là tội phạm gây ra “Nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam”. Tại sao họ làm vậy? Nguyên nhân chính do nền giáo dục ko dạy họ hiểu & thực thi đúng các quyền trẻ em, quyền con ng mà LHQ qui định. Từ nhỏ, các ông bố, bà mẹ tương lai ko dc dạy về quyền trẻ em, quyền con ng. Nên khi lớn lên làm bố, mẹ thì làm sao họ dạy con cái họ các quyền này dc, khi chính họ ko biết gì mà dạy. Ng lớn ko biết về quyền trẻ em, quyền con ng nên dễ trở thành tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Con cái thế hệ sau của họ cũng ko dc nhà trường dạy quyền trẻ em, quyền con ng nên cũng dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại. Và cứ thế cái vòng luẩn quẩn “Nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam” ko bao giờ dứt tại xã hội VN khi nền giáo dục ko vì mục đích: Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng.
Bố, mẹ, con cái; ng giàu, ng nghèo; cán bộ, quan chức; luật sư, tòa án; nhà giáo, nhà báo; ….nếu ngay từ nhỏ đến lớn, mọi ng đều dc hưởng một nền giáo dục tốt thì mới mong “Nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam” sẽ giảm.
P/s: Đọc lại một đoạn trong bài viết: “Theo một báo cáo mới nhất, vào tháng 1 năm 2019 của Economist Intelligence Unite (EIU), VN đứng gần chót bảng về nỗ lực cải thiện nạn xâm hại tình dục trẻ em. Trong 40 nước tham gia khảo sát, Việt Nam chỉ đạt 42,9 điểm trên 100, đứng thứ 37 trên 40 về công tác phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam thua cả Trung Quốc, đứng thứ 36. Trong khi đó, Philippines là một nước vốn có vấn nạn vô cùng tồi tệ về mại dâm trẻ em, kỹ nghệ phim ảnh khiêu dâm của trẻ em – nhờ những nỗ lực cải thiện tích cực đã vượt lên hàng thứ 16”. Thấy thật là đau lòng cho các cháu nhỏ nc mình. VN xếp hạng mà còn thua cả Philippines thì câu nói: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan” xem ra chỉ là cửa miệng. Nói cho có nói.