Hồng Kông phản đối luật rừng Pháp chế Xã Hội Chủ Nghĩa

Đào Tăng Dực

22-6-2019

Trung tuần tháng 6, năm 2019, có hai cái chết tại 2 quốc gia khác nhau, nhưng đều phát xuất từ tính phi nhân của cái mà cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Tập Cận Bình đều gọi bằng mỹ từ “Pháp chế xã hội chủ nghĩa”:

Một là cái chết của anh Nguyễn Xuân Thắng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và hai là cái chết của một người đàn Ông Hồng Kong vô danh, rơi từ lầu một cao ốc đang được xây cất, khi ông cố treo một tấm biểu ngữ lên án Dự Luật Dẫn Độ của chính phủ Hồng Kong.

Như toàn dân đều biết, mỗi năm, hằng trăm nạn nhân chết trong các đồn công an CSVN vì sự tàn ác của lực lượng võ trang “còn đảng còn mình “. Nạn nhân lần này Nguyễn Xuân Thắng đã làm một việc thiếu suy xét là đến trụ sở công an TP Hồ Chí Minh hầu tự thú về hành vi trộm 50 triệu đồng từ người quen của ông. Tuy nhiên ngay tối hôm đó, công an thông báo với gia đình rằng ông Thắng đã qua đời vì trong lúc hỏi cung quá xấu hổ nên đã tự tử bằng cách dùng dây điện bình đun nước, cắm ổ điện dí vào người.

Tình trạng tại Hồng Kong thì gây chấn động trên toàn thế giới. Người đàn ông rớt từ cao ốc xuống là một trong hằng triệu người tham gia cuộc biểu tình các weekend từ ngày 9 tháng 6 và 15 tháng 6 chống lại Dự Luật Dẫn Độ do bà Carrie Lâm là Trưởng nhiệm “Vùng Hành Chánh Đặc Biệt” Hồng Kong đề xướng.

Giới bình luận gia quốc tế cho rằng bà chỉ là một người khả năng trung bình, nhưng nhờ tài nịnh hót giỏi đối với Tập Cận Bình và Đảng CSTQ, nên được cất nhắc làm Trưởng nhiệm Hồng Kong.

Dự luật Dẫn Độ này, nếu được Hội Đồng Lập Pháp thông qua sẽ cho phép sự dẫn độ những nghi can hình sự, bị cáo buột vi phạm luật hình sự tại Trung Quốc rồi chịu sự phán xét của các tòa án cộng sản.

Sự căm phẫn của dân Hồng Kong lên cao đến mức độ tuy dân số của “đảo quốc” này chỉ có 7 triệu mà Chúa Nhật ngày 15 tháng 6, đã có đến 2 triệu dân chúng xuống đường biểu tình, một tỷ lệ vượt ra ngoài sự tưởng tượng.

Tuy sau cuộc biểu tình đầu tiên quy tụ 1 triệu người, Bà Carrie Lâm bày tỏ thái độ cương quyết xúc tiến với dự luật dẫn độ, nhưng qua đến cuộc biểu tình lần thứ hai quy tụ 2 triệu người, Bà đã sợ hãi và tuyên bố trì hoãn việc cứu xét. Bà cũng xin lỗi nhân dân Hồng Kong vì sự thiếu tế nhị của mình.

Tuy nhiên nhân dân Hồng Kong đã mất niềm tin toàn diện và vĩnh viễn nơi người Trưởng nhiệm này và tuyên bố sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi dự luật bị hủy bỏ vĩnh viễn và Bà phải từ chức.

Tại sao cái chết của anh Nguyễn Xuân Thắng và cái chết của người đàn ông Hồng Kong vô danh có cùng một nguyên nhân và tại sao hàng triệu người dân Hồng Kong xuống đường tranh đấu hăng say như thế?

Câu trả lời đơn giản thứ nhất là vì cả 2 đàn ông tử nạn đều là nạn nhân của cái mà đảng CSVN lẫn đàn anh là đảng CSTQ gọi là “pháp chế xã hội chủ nghĩa“ ưu việt.

Sự khác biệt là quan điểm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” đang được đảng CSVN áp đặt toàn diện trên lãnh thổ nước ta, trong khi vì hoàn cảnh lịch sử đảng CSTQ chỉ áp dụng được tại Trung Hoa lục địa, nhưng không áp đặt được tại Hồng Kong, Ma Cao và Đài Loan.

Còn lý do nhân dân Hồng Kong xuống đường là vì Hồng Kong là một đơn vị hành chánh đặc biệt của Trung Quốc theo chế độ “Một Quốc Gia, Hai Chế Độ” được hiến pháp Trung Quốc thông qua dưới thời Đặng Tiểu Bình. Nhất là Hồng Kong có một hệ thống pháp trị công minh, độc lập do Anh Quốc để lại.

Qua hệ thống pháp trị này, tuy nền dân chủ đa đảng Hồng Kong không hoàn hảo, vì ảnh hưởng của Trung Cộng, nhưng nhân quyền và dân quyền được bảo đảm không kém các nước dân chủ bao nhiêu.

Dự luật dẫn độ này, trên nguyên tắc phát xuất từ Bà Carrie Lâm là một công dân bản địa, nhưng bàn tay lông lá của Tập Cận Bình in đậm khắp nơi.

Các chánh quyền dân chủ trên thế giới bày tỏ sự quan ngại mạnh mẽ từ Vương Quốc Thống Nhất Anh đến các chính khách Hoa Kỳ và các tập đoàn tài chánh quốc tế.

Dĩ nhiên truyền thông Trung Quốc thì phản ứng vô liêm sĩ không kém gì giới báo chí lề đảng tại Việt Nam. Tờ Nhật Báo Nhân Dân viết: “Một số người Hồng Kong ỷ vào ngoại quốc hay giới trẻ…làm chốt thí và tay sai cho các thế lực chống Trung Quốc”.

Khi các báo chí Tây phương truy tìm trên mạng Weibo của Trung Quốc chữ “Biểu tình tại Hồng Kong” thì họ chỉ tìm được những từ ngữ tuyên truyền của Bộ Ngoại Giao TQ như “quấy rối” hoặc “hành vi gây trở ngại cho hòa bình và ổn định của Hồng Kong”

Thật sự thì dân Hồng Kong quá hiểu tính ác của Ý Thức Hệ Mác Lê và Tập Đoàn CSTQ cũng như CSVN. Họ vô cùng sợ hãi những tra tấn dã man và bức cung trong các đồn công an CSTQ và họ hoàn toàn hiểu được sự vắng bóng của Tam Quyền Phân Lập tại lục địa. Họ tranh đấu cho tương lai của chính họ và con cái họ sau này.

Họ không muốn trở thành những Nguyễn Xuân Thắng và hằng triệu nạn nhân tương tự, dưới bàn tay nhuốm máu của các đảng CSTQ, CSVN và CS Triều Tiên.

Nếu nhân dân Hồng Kong không quyết liệt tranh đấu và dự luật dẫn độ được thông qua thì Hồng Kong sẽ trở thành một chế độ công an trị như tại Việt Nam và hằng trăm, hằng ngàn nạn nhân như anh Nguyễn Xuân Thắng sẽ chết trong các đồn công an Trung Quốc, sau khi bị dẫn độ qua bên kia biên giới.

Nếu một nền dân chủ chân chính bao gồm 3 yếu tố rường cột là hiến định, pháp trị và đa nguyên, thì trong đó yếu tố pháp trị giữ vai trò vượt trội. Tuy Hồng Kong chỉ là một cựu thuộc địa của Anh Quốc và hiện giờ là một vùng hành chánh đặc biệt của Trung Quốc, nhưng nhân quyền được bảo đảm nhờ yếu tố pháp trị nghiêm minh. Âm mưu hủy diệt yếu tố pháp trị của Hồng Kong qua Dự Luật Dẫn Độ, đồng nghĩa với âm mưu hủy diệt nhân phẩm con người và nhân dân Hồng Kong sẽ thà chết không bao giờ chịu khuất phục.

Hôm nay hằng triệu người dân Hồng Kong xuống đường cương quyết bảo vệ nền tư pháp độc lập mà họ được thừa hưởng từ Anh Quốc. Trong một ngày không xa, hằng triệu người sẽ xuống đường đạp đổ pháp chế xã hội chủ nghĩa hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên tại Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook