Một tổng hợp Hong Kong

Mai Quốc Ấn

19-6-2019

Những ngày này tôi quan sát câu chuyện xuống đường ở Hong Kong. Mấy năm trước, còn lác đác những người quan tâm đến “phong trào dù vàng” thì nay đã rất đông.

Và chất lượng quan tâm thông tin cũng khác đi nhiều!

Xin trích vài góc tích cực để các bạn tham khảo:

– Nhà nào cũng có thể có một “Hoàng Chi Phong”:

Mỗi gia đình có một thành viên trẻ đều tiềm ẩn một Hoàng Chi Phong (ảnh 1). Nếu con, em của chúng ta có một tư tưởng dấn thân, một sự sự kiên định, một lý tưởng đúng để phấn đấu vì các giá trị phổ quát của xã hội thì những “đứa trẻ” ấy đã mang trong mình tố chất của một thủ lĩnh tương lai.

Vấn đề là các bậc cha mẹ, ông bà sẽ để cho “thủ lĩnh” phát triển hay dập tắt “mầm mống cách mạng” ấy ngay lập tức… Ở những quốc gia lạc hậu, người lớn luôn cho mình cái quyền “Tao lớn, tao trải qua nhiều thì mày là con/ cháu phải nghe!” hay tư duy cổ lỗ “Các cụ nói chỉ có đúng!”.

– Chất lượng của một yêu cầu chính trị chính đáng phụ thuộc vào số lượng người bày tỏ yêu cầu ấy:

Bày tỏ một yêu cầu chính trị thật ra rất đơn giản. Ví dụ công dân muốn có sự minh bạch trong các dịch vụ công ích, hành chính thì họ sẽ nêu lên những bất cập và nói lên mong muốn thay đổi nó. Ví dụ như “chính sách một cửa, một dấu” bị cán bộ nhũng nhiễu thì người dân có quyền ghi âm, ghi hình lực lượng công quyền (điều pháp luật cho phép) và yêu cầu kỷ luật hay thậm chí sa thải cán bộ quan liêu, tham nhũng.

Một ông chủ tịch xã có thể làm khí khi bạn muốn chứng giấy tờ, có thể dọa bạn khi bạn tố cáo. Nhưng khi cả xã cùng đồng lòng thì ông ấy bay ghế. To hơn thì cấp tỉnh, cấp trung ương. Như cách mà người Hong Kong đang làm thì rúng động cả đại lục.

– Công an và quân đội sẽ nhìn vào!

Thật ra bất cứ xu hướng chính trị nào (theo nghĩa rộng) đều được công an, quân đội nhìn vào dưới góc độ an ninh. Bạn đi nhặt rác hay bạn lên tiếng đòi cá sạch, biển sạch mà thành xu hướng thì họ cũng quan sát và can thiệp theo một cách nào đó. Xin chú ý cho là bất kỳ đâu trên thế giới!

Ví dụ tại Indonesia, quân đội có một phương châm sau: “Có một cuộc biểu tình 1.000 người, chúng tôi sẽ dập tắt nó ngay lập tức. Nếu là 10.000 người, chúng tôi sẽ cố dập tắt nó nhanh nhất có thể. Nếu là 100.000 người, chúng tôi sẽ cố hạn chế hậu quả hết mức có thể. Nếu là 1.000.000 người, chúng tôi sẽ đứng về nhân dân!”

Thiển ý của tôi, với những quốc gia mà tính độc tài cao như Venezuela với sự cai trị của Maduro và đám tướng lĩnh quân đội tham lam của ông ta thì chưa chắc. Nhưng từ Saddam Husein, Muammar al Gaddafi để cả Maduro trong tương lai gần thì rồi cũng có kết cục như nhau thôi (ảnh 2).

– Không cần thủ lĩnh, không cần bạo lực

Khi không có Hoàng Chi Phong đám đông biểu tình ở Hong Kong cũng không cần thủ lĩnh. Họ đã có một “thủ lĩnh đường lối” là tinh thần dân chủ tích tụ hơn trăm năm. Họ xuống đường vì giá trị phổ quát đó!

Đám đông ấy cũng không cần bạo lực dù 2.000.000 người tuần hành có thể “nuốt trọn” bất cứ lực lượng vũ trang nào. Sự chính nghĩa cho thấy ngay cả lực lượng cảnh sát, quân đội – công cụ bạo lực của chế độ, thấy họ cũng có quyền lợi trong ấy. Có ai nhớ hình ảnh cảnh sát Joselito Sevilla được người dân Philippines ôm khi đang rơi nước mắt lúc ngăn chặn người dân biểu tình chống Trung Quốc (ảnh 3).

Cái gì thuộc về quy luật thì tất yếu sẽ đến. Nếu hiện tại khiến ai đó thấy chán nản là vì chính họ cũng chán chưa… đủ độ. Không có thứ tự do nào từ nhờ vả người khác mà bản thân không nỗ lực.

Dấn thân, chỉ là dũng cảm thừa nhận sự hèn nhát nội tâm để rồi thay đổi từ bên trong. Mang sự hèn nhát trong suy nghĩ và hành động mà mong muốn tự do, dân chủ thì có khác gì mắc bệnh hiểm nghèo, không chịu điều trị mà mong sống lâu, khỏe mạnh?

Đừng nghĩ kẻ ác cầm quyền chỉ có ác, ngu, tham lam. Họ biết suy nghĩ đấy! Họ có thể làm ác với 1 người, 10 người, 100 người hay cả dân tộc vì biết dân tộc ấy vừa hèn vừa ngu. Khi toàn thể người dân dám khẳng định nhân dân mới là chủ đất nước thì đám ấy nhún nhường ngay!

Hong Kong là một ví dụ quá rõ!!!

P/s: Chỉ là ngay cả giai đoạn thú vị và đau thương này thì bọn cơ hội bao giờ cũng rất đông.


Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy ý thức của người dân Hồng Kông biểu tỏ một cách khủng khiếp. Hai triệu người xuống đường phản đối chính phủ- rút lại một dự luật và buộc một viên chức lãnh đạo phải từ chức. Điều này có nghĩa là gì?
    Chỉ cần đồng lòng, nếu mọi người đi thêm một bước, không đi làm không đi học, không buôn bán, một tuần thôi là chính phủ bị tê liệt!
    Phải, chính quyền cai trị có súng ống và nhà tù. Nhưng sức manh của chúng không đáng sợ bằng sức mạnh như Đá Tảng của người dân.
    Người dân HK đã trả lời cho thế giới biết rằng Ai cho phép ai điều hành và quản trị đất nước họ.

  2. “Chất lượng của một yêu cầu chính trị chính đáng phụ thuộc vào số lượng người bày tỏ yêu cầu ấy”

    Có nghĩa một điều dối trá nếu (rất) nhiều người tin vào, sẽ trở thành “chân lý cụ thể”?

Comments are closed.