Hong Kong, chiếc gân gà khó nuốt

Trương Nhân Tuấn

19-6-2019

Trở lại chuyện Hong Kong, nếu ta nhớ tới “huyền thoại” Thẩm Quyến. Trước đây 40 năm Thẩm Quyến là một làng chài không ai biết tới bên sông Châu giang trong khi Hong Kong (cùng với Nam Hàn, Đài loan và Singapour) là những con “tiểu long” Châu Á. Bây giờ GDP Thẩm Quyến vượt qua Hong Kong (khoảng 340 tỉ đôla), vượt qua cả những nước Châu Âu (như Bồ Đào Nha).

Ta đặt câu hỏi vì sao biết trước Hong Kong sẽ được Anh trả về TQ (1997), Đặng Tiểu Bình lại quyết chí thành lập một “đặc khu kinh tế” ở sát vách Hong Kong là Thẩm Quyến (1980) để cạnh tranh? Hong Kong trước sau cũng thuộc về TQ mà?

Mức độ phát triển cao của Thẩm Quyến kéo dài liên tục, có lúc lên tới 40% năm (trung bình 20%). Điều này cho thấy, nhiều thế hệ lãnh đạo TQ đã qua, nhưng ý chí xây dựng Thẩm Quyến vượt qua Hong Kong vẫn không hay đổi.

Để làm chi vậy? Hong Kong là của TQ thì mắc mớ gì xây dựng một thành phố kế bên để cạnh tranh (mà không xây dựng ở nơi khác, thí dụ Hải Nam)?

Theo tôi, đây là một tính toán không đơn thuần kinh tế mà còn là một vấn đề “địa chính trị”. Nói trắng ra là nhà cầm quyền TQ đã biết trước Hong Kong sẽ là “viên thuốc đắng bọc đường”. Trình độ dân trí Hong Kong rất cao, không kém mẫu quốc (Anh), nơi đây có thể trở thành đầu máy (cùng với Đài loan) thúc đẩy “dân chủ hóa” lục địa. Sáp nhập không tính toán Hong Kong, thay vì được “viên ngọc”, lại trở thành viên thuốc đắng không dễ nuốt.

Chủ ý các lãnh đạo TQ là “kéo” tầm quan trọng (về kinh tế) của Hong Kong đứng dưới Thẩm Quyến. Hong Kong từ từ không còn sức thu hút đầu tư nước ngoài bằng Thẩm Quyến. Trong khi luật lệ Hong Kong ngày càng khe khắc, nhứt là về tự do cá nhân, dân giàu bỏ xứ di cư qua các nước khác. Nếu cứ thuận tiện như vậy trong vòng 10 năm nữa Hong Kong sẽ “mờ nhạt” đi. Người nước ngoài chỉ chú ý đến Thẩm Quyến mà không nhắc đến Hong Kong. Nguy cơ động lực “dân chủ hóa” lục địa vì vậy cũng được xóa bỏ.

Vấn đề là sức “đề kháng” (chống sự can thiệp của Bắc Kinh) của dân Hong Kong quá cao, thế hệ thứ nhứt đã qua mà thế hệ thứ hai, thứ ba… sức “đề kháng” càng mạnh hơn. Thế hệ sau can đảm, “dấn thân” hơn thế hệ trước. Chỉ vì chống một dự luật “dẫn độ” về lục địa mà dân chúng biểu tình đông đảo (hơn 1/4 dân số).

Việc này đẩy lãnh đạo TQ vào thế “lưỡng nan”. Đàn áp thì không dám, vì chữa cháy sợ phỏng tay. Nhượng bộ cũng không xong vì làm vậy họ Tập mất mặt.

Vấn đề là việc nhượng bộ có thể “làm đà” cho dân Hong Kong yêu sách mạnh hơn, ở những lãnh vực khác (như các quyền về dân chủ, về dân tộc tự quyết…). Việc nhượng bộ cũng có thể khuyến khích trí thức lục địa có những hành vi biểu tình, yêu sách các quyền tự do cá nhân tương tự.

Đã đến thời điểm “hy sinh” Hong Kong hay chưa? “Dẹp loạn” Hong Kong hay là để “ngọn lửa” yêu sách các quyền về tự do cá nhân bùng phát trên toàn quốc?

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook