Dân chủ ở HongKong

Dương Quốc Chính

12-6-2019

HongKong sử lược

HongKong nguyên là một thuộc địa của Anh mà nhà Thanh “bồi thường” cho Anh sau hai cuộc chiến tranh Nha phiến. Thực ra Hongkong hiện nay gồm 3 phần là Hongkong, Cửu Long và phần mở rộng là Tân Giới (do Anh THUÊ từ TQ). Theo như thỏa thuận ban đầu thì chỉ có Tân Giới sẽ được trao trả sau khi hết hạn thuê 99 năm vào 30/6/1997, hai phần còn lại sẽ là lãnh thổ vĩnh viễn của Anh.

Tuy nhiên, sau mấy chục năm chung sống thì 3 phần coi như đã thành 1 thực thể không thể tách rời nhau do gắn bó chặt chẽ về kinh tế, xã hội, hạ tầng mà bây giờ người ta vẫn gọi chung là Hongkong. Đảo Hongkong và Cửu Long, thuộc địa gốc của Anh, thực ra chỉ có diện tích bằng khoảng 1/10 Hongkong hiện nay. Tức là Tân Giới, vùng đất được Anh thuê, là diện tích chủ yếu.

Năm 1982, bà Thatcher làm Thủ tướng Anh, bà đã có những đàm phán đầu tiên về số phận Hongkong cùng ông Triệu Tử Dương và Đặng Tiểu Bình. Ban đầu, người Anh muốn tiếp tục thuê Hongkong, thậm chí là mua lại vĩnh viễn, nếu TQ đồng ý, vì niềm tin của các nhà đầu tư vào chính quyền Hongkong là sự sống còn của vùng đất này.

Tất nhiên phía TQ không đồng ý, thậm chí ông Đặng còn đe dọa là sẽ thu hồi Hongkong sau vài năm (đến hạn). Nhưng cơ hội gỡ rối giữa 2 bên đã có khi TQ thay đổi hiến pháp, cho phép 1 quốc gia, 2 chế độ. Tức là Hongkong sẽ có quy chế riêng về kinh tế, pháp luật và có quyền tự do dân chủ trong giới hạn, nhưng chủ quyền vẫn thuộc về TQ.

Năm 1984, đàm phán kết thúc với điều kiện 1 quốc gia, 2 chế độ, Hongkong sẽ có nền kinh tế tự do, đa đảng, tự do ngôn luận. Ngoại giao và quốc phòng là do TQ định đoạt. Điều kiện 1 quốc gia 2 chế độ này có thời hạn 50 năm kể từ ngày trao trả Hongkong, tức là vào năm 2047. Đây chính là lý do khiến cho dân Hongkong xuống đường biểu tình mấy hôm nay.

Dân chủ ở Hongkong

Căn cứ trên thỏa thuận trao trả Hongkong, thì tư pháp Hongkong vẫn độc lập với TQ đến năm 2047, tức là còn 28 năm nữa. Nhưng hiện nay TQ đã có những động thái lấn lướt bằng cách áp dụng luật dẫn độ sang TQ. Bằng cách đó, những người phạm tội ở Hongkong có thể bị xét xử theo luật của TQ, khiến cho tư pháp Hongkong không còn hoàn toàn độc lập với TQ nữa. Điều đó đụng chạm nghiêm trọng đến nền độc lập 1 phần của dân Hongkong, nó có thể bóp nghẹt dân chủ ở lãnh thổ này.

Rất có thể, nguyên nhân dẫn đến dự luật này là do TQ lo ngại sự ly khai của Hongkong sau những cuộc biểu tình ô vàng của giới trẻ Hongkong. Những thanh thiếu niên này chính là lứa tuổi cầm quyền ở Hongkong vào thời điểm 2047, đó là mối nguy cho mẫu quốc, vì có nguy cơ Hongkong sẽ không thể thành 1 tỉnh của TQ sau đó, thậm chí đòi độc lập, nhất là nếu TQ bị suy yếu do chiến tranh thương mại. Vì thế nên chính quyền Tập Cận Bình phải siết chặt dần nền dân chủ ở Hongkong để phòng ngừa nguy cơ ly khai do phát triển dân chủ.

Có 1 sự thật rất éo le ở Hongkong, đó là những thanh thiếu niên đấu tranh dân chủ trong phong trào cờ vàng phần nhiều là sinh sau năm 97, hoặc quá nhỏ khi Hongkong còn được hưởng nền dân chủ rộng mở hơn, hồi còn là thuộc địa. Còn những người già hơn, cha mẹ họ, những người đã sống dưới chế độ thuộc địa, thì lại có vẻ không mặn mà với đấu tranh DC, như con cháu họ.

Tại sao như vậy?

Mình cho là vì những người già kia đã bị tinh thần dân tộc che lấp sự thực dụng. Tính cách này cũng phổ biến ở VN. Còn giới trẻ nghĩ khác, họ cần tự do, dân chủ, phát triển kinh tế hơn là sự thống nhất với đại lục. Họ không cần là công dân TQ, nếu bị mất các quyền tự do nói trên. Trong khi người già lại hi sinh tự do, để được quay về làm dân TQ, được độc lập khỏi “thực dân” Anh.

Thực tế mà những người già còn lại ở Hongkong sau năm 97 cũng không có nhiều người thuộc giới tinh hoa Hongkong, vì nhóm tinh hoa cũng đã xin đi định cư ở Canada, Anh, Úc, Sing…trước khi Hongkong được trao trả. Vì họ không muốn sống dưới chế độ CS. Những người tinh hoa còn lại chắc chỉ là thành phần có tinh thần đại Hán, chấp nhận hi sinh tự do để có độc lập. Giới tinh hoa di cư kiểu này chắc không khác lắm với cuộc di cư năm 54 khỏi Bắc VN. Năm 97 thì dân Hongkong đã quá hiểu CS TQ thế nào rồi.

Một lý do nữa là giới trẻ Hongkong chắc có nhận thức DC cao hơn cha ông họ, cho dù thực tế cha ông họ đã được trải nghiệm nền DC mở rộng hơn thời thuộc địa. Bởi vì, nhận thức DC (1 phần của dân trí), cần có thời gian thì mới thay đổi nhận thức được. Thời gian ở đây không phải chỉ là sự trải nghiệm về môi trường sống mà là thời gian về mặt lịch sử đủ dài để có thể so sánh, đánh giá sự cần thiết phải có dân chủ.

Nhưng với dự luật dẫn độ thì không chỉ có giới trẻ mà cả người già cũng xuống đường. Vì họ thấy quyền lợi bị đụng chạm rõ ràng hơn.

Anh em bò đỏ đọc đến đây chắc sẽ thắc mắc tại sao thời thuộc địa lại có dân chủ, tự do hơn thời độc lập?! Rất tiếc, đó là sự thật. Vài stt khác mình cũng đã phân tích. Thời Pháp thuộc, người dân VN còn được tự do, dân chủ hơn bây giờ. Trong khi đó, quyền tự do, dân chủ mà người Anh trao cho Hongkong còn lớn hơn người Pháp trao cho Đông Dương nhiều, nhất là sau năm 45. Cứ nhìn Úc và Canada là thấy.

Mình tin là vào năm 2047, nếu được tự do lựa chọn, như dân Scotland đã từng bỏ phiếu xem có muốn độc lập khỏi Anh hay không, thì dân Hongkong sẽ muốn được độc lập hoặc quay về làm “thuộc địa” Anh còn hơn là làm công dân 1 nước độc lập như TQ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tập Cận Bình sinh ngày 15 tháng 6 năm 1953, nếu tính đến năm 2047 Tập Cận Bình còn sống sẽ là 94 tuổi. Đặng Tiểu Bình sinh ngày 22 tháng 8 năm 1904, mất ngày 19 tháng 2 năm 1997, thọ 92 tuổi. Tập mà thọ hơn Đặng là dân HongKong căng rồi, HongKong phải trở về 1 quốc gia 1 chế độ. Khi nào ng dân TQ thoát khỏi bị bưng bít thông tin từ lãnh đạo TQ, biết rằng tư tưởng Đại Hán của Tập Cận Bình chỉ đem lại đau khổ cho nhân dân & chống lại thì dân HongKong mới có hy vọng TQ luôn là 1 quốc gia 2 chế độ.

Comments are closed.