CIA đã bưng bít cuộc gặp giữa Kim Jong-nam và điệp viên Mỹ như thế nào?

Đặng Duân

11-6-2019

Khi xảy ra vụ ám sát Kim Jong-nam vào tháng 2.2017 thì mình đã theo dõi sát từ đó đến nay. Giờ mới rộ lên chuyện Kim Jong-nam là người cấp tin cho CIA, sau khi cuốn sách “The Great Successor: The Divinely Perfect Destiny of Brilliant Comrade Kim Jong Un” của nhà báo Anna Fifield được phát hành.

Fifield lúc đó là trưởng văn phòng The Washington Post ở Seoul, có bay qua Kuala Lumpur đưa tin vụ ám sát chấn động thế giới khi ấy. Sáng nay tờ The Wall Street Journal cũng dẫn thêm các nguồn tin của họ góp phần củng cố thêm câu chuyện về Kim Jong-nam.

Giờ thông tin này đã tiết lộ và Đoàn Thị Hương cũng đã về nước, hehe, nên mình kể ra đây những manh mối mà mình lần theo khi đó. Mình không có nguồn và cũng không ai xác nhận cả, cho nên đây chỉ như thuyết âm mưu đọc cho vui thôi.

Phần 1: Nỗ lực xử lý khủng hoảng

Trong bài báo sáng nay, The Wall Street Journal có tiết lộ chi tiết đáng chú ý là thoạt đầu các quan chức tình báo Mỹ thở phào nhẹ nhõm vì sự tiếp xúc của CIA với Kim Jong-nam không bị lộ sau vụ ám sát. Tuy nhiên, 3 tháng sau, vào tháng 5.2017, tờ báo Nhật Asahi Shimbun tiết lộ Kim Jong-nam gặp một người Mỹ gốc Hàn trước khi bị giết và giới chức Malaysia nghi ngờ người này là điệp viên Mỹ.

Bài báo mà tờ The Wall Street Journal nhắc đến chính là bài báo của nhà báo Masatomo Norikyo. Lúc đó, Norikyo có nguồn tin từ cơ quan điều tra ở Malaysia, cung cấp cả thông tin lẫn hình ảnh. Norikyo có hình chụp Kim Jong-nam lúc check-in khách sạn ở Langkawi, nơi ông ta gặp điệp viên Mỹ, và cả hình ảnh đi lại trong khách sạn của ông này.

Thế nhưng, vào tháng 1.2018, khi cung cấp lời khai trước tòa, đội trưởng đội điều tra án mạng Wan Azirul Nizam tuy có xác nhận chuyện Kim Jong-nam gặp gỡ một người Mỹ bị nghi ngờ là điệp viên, nhưng lúng túng như gà mắc tóc khi bị luật sư của bị cáo Aisyah Gooi Soon Seng truy vấn về tên khách sạn cũng như danh tính, nhân dạng người Mỹ này. Azirul nói ông không nhớ hoặc không biết.

Tuy nhiên, nguồn tin của Norikyo trước đó tiết lộ giới chức an ninh Malaysia theo dõi sát điệp viên Mỹ này mỗi khi ông ta đến Kuala Lumpur để gặp Kim Jong-nam. Nên hẳn là không có chuyện Azirul không biết người này là ai. Trong quá trình điều tra, phía Malaysia thu được gần như mọi hình ảnh của Kim Jong-nam trong khách sạn ở Langkawi. Ngoài một tấm hình chụp cắt hơn nửa mặt khi hai người cùng đứng trong thang máy, phía Malaysia không có tấm hình nào của điệp viên Mỹ.

Chỉ có một khả năng là sau khi thông tin nhạy cảm này bị nhà báo Norikyo tiết lộ, CIA đã cố gắng xử lý khủng hoảng bằng cách nhờ các đồng nghiệp Malaysia giúp che giấu danh tính của điệp viên Mỹ này.

Và lạ lùng chưa, hai bài báo gốc trên tờ Asahi Shimbun vào tháng 5.2017 đã biến mất không một dấu vết như chưa từng xuất hiện trên mạng, mặc dù các bài báo dẫn lại thông tin từ tờ báo Nhật vẫn còn. Sau này, Norikyo cũng viết thêm nhiều bài báo khác về vụ Kim Jong-nam, có cả chi tiết gặp gỡ điệp viên CIA, nhưng hai bài báo vào tháng 5.2017 không bao giờ xuất hiện trở lại.

Vì sao hai bài báo của Asahi Shimbun bị gỡ, và nó chứa đựng thông tin nhạy cảm gì khiến CIA phải tìm cách bưng bít. Danh tính điệp viên Mỹ là ai và vì sao CIA bằng mọi giá phải che giấu?

Xin xem hồi sau sẽ rõ!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây