Tam Ân
7-6-2019
Vụ việc gian lận trong thi cử, chạy điểm đầu vào đại học xảy ra ở tỉnh Sơn La và Hà Giang đã hơn một năm, nhưng tính thời sự của câu chuyện vẫn còn nguyên vẹn. Căn bệnh dối trá dưới nhiều hình thức trong giáo dục, giờ đây đã di căn thành bệnh nan y.
Có nhận định rằng, nền giáo dục nước nhà chính là vườn ươm với môi trường sống tốt nhất, thích hợp nhất để nuôi dưỡng và phát triển sự dối trá. Nhận định này là không sai, khi một nền giáo dục được lãnh đạo và quản lý bởi những con người chỉ giỏi “tuyên truyền và dối trá”, thì sự thật không có chỗ đứng, sẽ phải bị loại bỏ theo thời gian. Cho nên, có ý kiến cho rằng: muốn thay đổi triệt để nền giáo dục nước nhà, buộc phải tách rời giáo dục ra khỏi thể chế chính trị.
***
Sau vụ gian lận điểm thi của học sinh ở Tây Bắc, chỉ hơn 3 tháng sau, ở Quảng Ngãi, đã xảy ra vụ việc gian lận điểm thi tuyển giáo viên, trong kỳ thi ngạch công chức, biên chế Nhà nước dành cho giáo viên, năm 2018. Việc gian lận này, chúng tôi đã có bài viết phản ánh từ tháng 9/2018, nhưng mãi đến cuối năm 2018, vụ việc mới bị “báo chí lề đảng phanh phui”.
Kết thúc năm học 2018 – 2019, những người làm công tác giáo dục ở Quảng Ngãi, đã “chào đón” học sinh cho năm học mới (2019 – 2020) bằng việc gian lận trong khâu ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10, trong kỳ thi ngày 5/6/2019. Đề thi môn Toán của kỳ thi này, đã bị “lộ đề” ra ngoài cả tuần, trước đó. Nói cách khác, học sinh nào đã biết trước đề thi, khi vào phòng thi đã nắm chắc tối đa trong tay 5 điểm rồi. Đây là một sự cạnh tranh không công bằng, một sự gian lận có chủ đích của những người làm giáo dục.
Sự việc này, cá nhân biết được thông tin vào sáng ngày 6/6, từ một người thầy giáo dạy Toán, đã dạy tôi thời cấp 3, ở Quảng Ngãi hơn 20 năm trước. Tôi bất ngờ vô cùng, khi nhận được tin nhắn từ người Thầy này, bởi từ lúc tốt nghiệp đến giờ, tôi và Thầy bặt tin nhau. Niềm vui đến từ sự bất ngờ, đã vội vã nhường lại cho nỗi buồn và sự tức giận, khi đọc tin nhắn của Thầy, trong đó có nội dung (và hình ảnh đăng kèm):
“Thầy Trúc này được Sở Giáo dục mời ra đề thi tuyển vào lớp 10. Ổng lấy luôn 2 bài của trường ổng đã ra thi thử, đưa vào đề thi của tỉnh. Tổng điểm 2 bài là 5 điểm. Tệ hơn cả ăn cắp!”
Rồi Thầy bảo tôi: “Em hãy viết gì đó đi! Viết về việc họ gian lận, họ dối trá trong thi cử một cách trắng trợn như thế này. Thầy thật sự bất lực và đau!”. Tôi hỏi thắc mắc vì sao thầy biết được trang Facebook cá nhân của tôi mà nhắn tin cho tôi? Thầy cho biết, trong một lần tình cờ, thầy đã đọc những bài viết của tôi ở facebook, gần hai năm trước. Từ đó, thầy luôn dõi theo những bài viết tôi chia sẻ…
Đọc đi đọc lại những điều thầy gởi, thú thật, tôi cũng chẳng biết phải viết thế nào nữa. Theo thông tin và hình ảnh thầy cung cấp, chúng ta sẽ phác họa lại câu chuyện gian lận điểm thi “hợp pháp” trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2019 – 2020, tại Quảng Ngãi, như sau:
Thầy giáo Trúc, là giáo viên dạy Toán ở trường THCS (cấp 2) Nguyễn Bá Loan, huyện Mộ Đức. Ngày 27/5/2019, trường Nguyễn Bá Loan tổ chức kỳ thi thử vào lớp 10 cho học sinh của trường, với đề thi môn Toán do thầy Trúc ra đề. Đồng thời, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng mời thầy Trúc ra đề thi chính thức môn Toán, cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 của tỉnh, vào ngày 5/6/2019.
Sự trùng hợp “kỳ lạ” đã xảy ra: Đề thi ngày 27/5 và ngày 05/6 có đến hai bài tập giống nhau tuyệt đối. Đó là bài tập số 2 – phần Đại số, và bài tập số 4 – phần Hình học, chỉ khác nhau thang điểm chấm tối đa cho từng bài tập. Cụ thể: đề thi thử tổng điểm hai bài tập (2 + 4) là 7 điểm, còn đề thi chính thức có tổng điểm là 5.
Sau buổi thi môn Toán kết thúc, từ phụ huynh, học sinh, cho đến giáo viên, đều bàng hoàng, ngơ ngác! Từ bàng hoàng, ngơ ngác chuyển sang trạng thái tức giận, đau buồn, khi mà sự dối trá của nền giáo dục nước nhà là không có giới hạn, không có điểm dừng.
Dẫu có bao biện với những luận chứng thuyết phục màng nhĩ thế nào đi nữa, thì não trạng người nghe cũng không thể tiếp nhận và chấp nhận sự việc “trùng hợp kỳ lạ” giữa hai đề thi này. Không một ai tin rằng, chuyện trùng hợp này chỉ là sự ngẫu nhiên, vô ý, từ phía người ra đề, cụ thể là thầy giáo Trúc, mà chắc hẳn phải có chủ đích. Hai đề thi được soạn bởi một người, và thời điểm thi cách nhau chỉ có một tuần lễ (tính theo ngày làm việc), thì làm sao xảy ra chuyện nhầm lẫn hay quên được?! Bên cạnh đó, dư luận nghi vấn, ngoài thầy Trúc chủ đích cho việc gian lận này, còn có ai hà hơi tiếp sức hay không?
Hẳn nhiên, được lợi trực tiếp bởi sự gian lận của thầy Trúc, chính là học sinh của trường Nguyễn Bá Loan, khi thi tuyển vào lớp 10. Tiếp theo, người được hưởng lợi gián tiếp chính là thầy giáo Trúc: Sẽ được “danh tiếng” là thầy giáo dạy kèm rất “chất lượng” cho học sinh, căn cứ tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 nhờ học kèm từ thầy Trúc là rất cao. Cái “danh tiếng” ấy lại tiếp tục mang về một khoản lợi nhuận rất lớn từ việc thu phí dạy kèm, cho thầy Trúc, tiếp diễn trong tương lai. Đây được coi là căn nguyên, khiến thầy giáo Trúc bất chấp tất cả, âm thầm gian lận trong thi cử.
Gian lận “hợp pháp” trong thi cử thông qua việc ra đề thi, như trường hợp gian lận của thầy giáo Trúc, có phải chuyện hy hữu? Hay là một câu chuyện “thường ngày xảy ra ở chợ huyện”?! Chuyện gian lận na ná như vậy, đã tồn tại rất lâu rồi, ít nhất phải hơn 3 thập niên, và có mặt trên cả nước, từ bậc Tiểu học, lên đến bậc Đại học, thậm chí bậc học cao hơn nữa.
Chuyện gian lận khi ra đề thi của thầy giáo Trúc, mang tính chất cá nhân, nhưng lại phản ánh đủ đầy cho sự dối trá của nền giáo dục VN. Một vài câu chuyện chung dưới đây, được cá nhân ghi lại, mà tất cả chúng ta đều đã trải qua, là minh chứng cho chúng ta thấy rằng, tuy có khác nhau về hình thức, nội dung… nhưng bản chất dối trá thì hoàn toàn giống như câu chuyện thầy Trúc gian lận thi cử.
Từ bậc Tiểu học, trong ký ức của tôi, vẫn còn nhớ những buổi học mà có “giáo viên dự giờ”. Cả lớp, đặc biệt những học sinh học khá, giỏi, sẽ được giáo viên “mớm” cho câu hỏi và câu trả lời. Những bậc học tiếp sau, kể cả ở bậc học chuyên nghiệp đi chăng nữa, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những câu chuyện tương tự xảy ra như ở thời Tiểu học, nêu trên. Sự việc này, bản chất của nó hoàn toàn giống với câu chuyện thầy Trúc gian lận.
Trong những kỳ thi kết thúc học kỳ, những kỳ thi tốt nghiệp theo cấp học, mà đề thi do chính trường học đó được quyền ra đề thi, thì học sinh, sinh viên sẽ được nhà trường tổ chức “học ôn”. Học ôn là học ngoài giờ, do đó, phụ huynh phải trả thêm tiền phí học ôn, không rẻ chút nào. Nhưng, “luật bất thành văn” ngầm mặc định: nội dung đề thi chính thức nhà trường ra, phải sát với những nội dung mà nhà trường đã ôn tập. Có khi, những môn học liên quan đến tính toán, công thức… đề thi chính thức sẽ giống hơn 90%, số với đề thi thi thử, chẳng hạn. Khác biệt duy nhất, nhưng không làm thay đổi cách giải, cũng như công thức áp dụng, chính là những con số. Chuyện này, bản chất của nó cũng hoàn toàn giống với câu chuyện thầy Trúc gian lận.
***
Đảng CS cai trị độc tài nên họ đã độc quyền gian lận trong tất cả mọi việc mà họ lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nhà dột từ nóc. Vì vậy, khi ngành giáo dục là ngành “trồng người” cho đất nước, mà toàn hiển hiện sự dối trá, không trung thực, thì chắc chắn nguyên khí quốc gia sẽ bị tổn hại, xói mòn. Cho đến một ngày không xa, đất nước mình rồi sẽ phải khánh tận, bởi sức tàn phá của sự dối trá vô tận.
Cho nên, từ lúc này, từ thời điểm này, cho dù có muộn, toàn thể người dân phải thể hiện quyền tự quyết cho tương lai chính mình, tương lai gia đình mình, phải được sống trong môi trường sống, mà ở đó, sự dối trá dần bị triệt tiêu. Quan trọng nhất, chính là tương lai của con em chúng ta, cuộc sống của chúng hôm nay, phải học tập, làm việc trong môi trường dối trá như vậy, thì tội lỗi hoàn toàn thuộc về người lớn chúng ta.
Hãy chung tay vì một tương lai cho con em chúng ta.
Rat tot va cung rat sang tao , biet van dung moi cach de thi sinh co duoc de thi truoc khi vao phong Thi khoi bo ngo …Cac tinh thanh khac nen hoc tap !
Thi làm chi cho nó tốn tiền của dân. Thi làm chi mà cả tỉnh cùng gian lận.
Đề nghị thế này: Làm như hồi sau 1975, nhưng cải tiến thêm một chút. Chia thí sinh ra thành 3 loại: con cán bộ cấp tỉnh trở lên, con cán bộ cấp xã trở lên, con dân đen.
Loại một: muốn vào trường nào thì vào.
Loại hai: Dành 50% chỉ tiêu trong mấy trường công an, an ninh cho thí sinh loại này.
Loại ba: Thi cử nghiêm túc.
Rất mong các cấp chính quyền đề nghị xây dựng này.
Cứ vun trách nhiệm cho mấy anh ở phòng khảo thí của sở (kể cả Quảng Bình nữa). Làm ăn tắc trách đến thế là cùng.